admin@phapluatdansu.edu.vn

SẮP XẾP, ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC – MỘT NĂM THỰC HIỆN VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2008

TRÍCH Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại Hội nghị ngành ngày 30-11-2007

Bên cạnh những kết quả trên nhìn chung, tốc độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước 9 tháng đầu năm 2007 còn chậm, công tác cổ phần hóa mới đạt 19% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Trong 9 tháng đầu năm 2007, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 140 DN, trong đó, có 91 doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Các doanh nghiệp cổ phần hóa đã có quy mô lớn hơn, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng như dầu khí, điện lực, bảo hiểm, kinh doanh xăng dầu…, cơ chế, phương thức, trình tự, thủ tục cổ phần hóa đã được hoàn thiện đáng kể theo hướng công khai, minh bạch và gắn với thị trường hơn, mở rộng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đáng kể thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.

Về việc xây dựng kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN theo các tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007, đến nay, có gần 50/83 bộ, địa phương, tổng công ty 91 và tập đoàn kinh tế đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án sắp xếp đổi mới DNNN đến hết năm 2010; trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt khoảng 40 đề án (trong đó có các đề án của 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Về việc bàn giao các doanh nghiệp đã hoàn thành chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, tính đến nay các địa phương đã hoàn thành việc bàn giao cho TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước khoảng 598 doanh nghiệp (trên tổng số 996 doanh nghiệp thuộc diện bàn giao theo kế hoạch).

Về việc cổ phần hóa các Tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại: Theo QĐ số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2007-2010, trong năm 2007, sẽ thực hiện cổ phần hóa 20 tổng công ty và ngân hàng thương mại. Đến nay, đã có 3 tổng công ty hoàn thành việc cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (Điện tử và tin học Việt Nam, Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Thương mại và Xây dựng).

Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa toàn bộ Tổng Công ty và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Tổng Công ty Bia Rượu-Nước giải khát Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án CPH; một số ngân hàng thương mại đang triển khai xây dựng kế hoạch cổ phần hóa.

Về thực hiện thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế trên cơ sở các tổng công ty, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt để chuyển 8 TCT sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế (Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản; Điện lực, Công nghiệp Cao su, Dầu khí, Công nghiệp tàu thủy, Bưu chính viễn thông, Dệt may, Tài chính-Bảo hiểm Việt Nam). Bên cạnh 8 tập đoàn này, từ đầu năm 2007, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu khả năng hình thành của Tập đoàn Thuốc lá Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng, Tập đoàn chế tạo cơ khí nặng và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị; hình thành Tập đoàn Tài chính Ngân hàng Việt Nam, đồng thời cùng với việc cổ phần hóa Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam.

Về chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, trong giai đoạn 2001-2006, đã thực hiện chuyển đổi 85 công ty, công ty nhà nước độc lập sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Sau quá trình thực hiện sắp xếp, DNNN đã được cơ cấu lại một bước cơ bản, thực hiện nghĩa vụ đảm bảo cân đối vĩ mô và bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và đời sống. Hầu hết DNNN duy trì được tốc độ tăng trưởng (bình quân 10%); sản xuất, kinh doanh có hiệu quả (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 11%), bù đắp được các khoản lỗ phát sinh trước đây. Tuy giảm về số lượng nhưng trong giai đoạn 2001-2006, DNNN đóng góp gần 39% GDP, 50% tổng doanh thu ngân sách. Trong năm 2006, gần 80% DNNN kinh doanh có lãi, 8% DN hòa vốn, 12% DN thua lỗ.

Đối với DNNN, cơ chế, chính sách đã được sửa đổi, bổ sung một số bước cơ bản nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN và bình đẳng với các DN thuộc thành phần kinh tế khác trong cơ chế thị trường.

Trong năm 2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật về sắp xếp, đổi mới, phát triển DNNN sau đây:

QĐ số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; Nghị định số 111/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ-công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả trên nhìn chung, tốc độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước 9 tháng đầu năm 2007 còn chậm, công tác cổ phần hóa mới đạt 19% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình này do chậm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; các doanh nghiệp sắp xếp, CPH có quy mô ngày càng lớn nên việc xử lý tài chính, xác định giá trị khi CPH tương đối phức tạp, kéo dài thời gian; một số TCT đã có quyết định chuyển sang mô hình công ty mẹ-công ty con, tập đoàn kinh tế nhưng chưa hoàn thành việc xây dựng điều lệ và quy chế tài chính…

Trình độ công nghệ của không ít DNNN còn lạc hậu, nhiều nhà máy còn sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiên liệu, năng lượng cao; tỷ lệ nợ trên vốn của DNNN còn cao, việc xử lý tồn tại về tài chính còn chậm; kết quả sản xuất kinh doanh của DNNN nói chung và tổng công ty nhà nước nói riêng chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước.

Cơ chế quản lý DNNN còn nhiều bất cập, nhiều DNNN và doanh nghiệp cổ phần hóa chưa có điều kiện thay đổi cơ chế quản trị công ty. Một số TCT nhà nước chưa phát huy được vai trò chi phối trong ngành, lĩnh vực hoạt động.

Các mô hình tổ chức quản lý mới triển khai còn chậm, ở một số TCT nhà nước chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con vẫn còn duy trì biện pháp quản lý hành chính đối với các công ty con như giao chỉ tiêu kế hoạch, thu phí quản lý…

Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh vững chắc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN:

Ngày 12/10/2007, Bộ Chính trị đã có cuộc họp về tình hình CPH DNNN và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2015. Qua cuộc họp, Bộ Chính trị đã có kết luận, nêu rõ các phương hướng, nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện để hoàn thành tốt công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2015.

(i) Phương hướng công tác CPH doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt những mục tiêu và yêu cầu do Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết đại hội X đề ra, trong đó hết sức chú ý các yêu cầu: thông qua thị trường để xác định đúng giá trị doanh nghiệp, không để tài sản nhà nước bị thất thoát; tạo được sự gắn bó, phát huy vai trò làm chủ của người lao động tại doanh nghiệp và giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việc cổ phần hóa DNNN, nhất là cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty lớn cần thực hiện chặt chẽ, có bước đi vững chắc, tùy theo tính chất, ngành, nghề kinh doanh để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nhằm đạt hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội cao nhất.

(ii) Những nhiệm vụ trong giai đoạn tới:

Các bộ, ngành, địa phương cần căn cứ các tiêu chí, danh mục phân loại DN 100% vốn nhà nước ban hành kèm theo Quyết Định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng diện CPH DNNN. Nhà nước giữ cổ phần chi phối đối với các tổng công ty, công ty cổ phần hoạt động trong những ngành, lĩnh vực bảo đảm điều tiết vĩ mô và những cân đối lớn của nền kinh tế; chỉ giữ 100% vốn ở các doanh nghiệp hoạt động bảo đảm an ninh, quốc phòng và sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích thiết yếu mà chưa cổ phần hóa được.

Trong các năm 2007-2010 sẽ cổ phần hóa khoảng 1.400 doanh nghiệp, trong đó thực hiện cổ phần hóa Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 6 tổng công ty 91 và 64 tổng công ty 90.

Đẩy nhanh việc chuyển đổi toàn bộ tổng công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con; tập trung xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chi phối trong những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Thu hẹp lĩnh vực độc quyền nhà nước, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp nói chung, trong đó có đặc quyền kinh doanh của DNNN tổ chức dưới hình thức Công ty TNHH một thành viên là Nhà nước.

Nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý của Nhà nước, thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty, tổng công ty nhà nước sau chuyển đổi theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong các công ty này.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ hội nhập theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, gắn với trách nhiệm và lợi ích của người quản lý doanh nghiệp.

(iii) Một số giải pháp đẩy mạnh cải cách DNNN trong năm 2008

Căn cứ các tiêu chí quy định tại Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg, tổ chức rà soát, xem xét quyết định bán tiếp cổ phần nhà nước tại các công ty đã cổ phần hóa mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần; chủ động rà soát, xây dựng lộ trình và thực hiện chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch và tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, công ty TNHH một thành viên không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn.

Đẩy mạnh việc sắp xếp, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại theo đúng tiến độ và lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những tổng công ty chưa cổ phần hóa toàn tổng công ty thì tiến hành cổ phần hóa đa số các doanh nghiệp thành viên. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh (chủ yếu là doanh nghiệp quy mô không lớn, không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần) sẽ tiến hành cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp; đẩy mạnh việc bán cổ phần, niêm yết và phát triển thị trường chứng khoán, mở rộng các hình thức bán cổ phần lần đầu thông qua các hình thức đấu giá, bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành. Thực hiện niêm yết các doanh nghiệp đủ điều kiện trên thị trường chứng khoán.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có lợi thế kinh doanh để kịp thời xử lý những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Hoàn thành việc sắp xếp, chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty nhà nước và các thành phần kinh tế khác trong đó Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ –công ty con cần hoàn thiện điều lệ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đi vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Đẩy nhanh việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Cty TNHH một thành viên, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần thuộc các bộ, UBND tỉnh, thành phố Trung ương về tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nhằm tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước.

Tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý, đổi mới quản trị DNNN, nâng cao trình độ và tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp. Tổ chức lại Hội đồng quản trị để thực sự là đại diện trực tiếp chủ sở hữu tại tổng công ty, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về mọi hoạt động của Tổng công ty. Tiếp tục thực hiện việc áp dụng cơ chế Hội đồng quản trị ký hợp đồng thuê Tổng giám đốc

Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của chủ hữu, thực hiện quyền của cổ đông góp vốn thông qua người đại diện, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH.

Các bài viết có liên quan: http://phapluatdansu.edu.vn/?s=%22s%E1%BB%9F+h%E1%BB%AFu+nh%C3%A0+n%C6%B0%E1%BB%9Bc%22

SOURCE:  http://khucongnghiep.com.vn/News_cat.asp?ID=164&lang=vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d