admin@phapluatdansu.edu.vn

BỒI THƯỜNG TRONG ÁN HÌNH SỰ – THI HÀNH ÁN KÊU TRỜI

HOÀNG YẾN

Bị cáo không có tài sản, chây ỳ, tòa tuyên án thiếu sót, qua loa… không chỉ khiến nạn nhân mòn mỏi chờ bồi thường mà còn làm cơ quan thi hành án “nhức đầu”.

Trao đổi về chuyện này, ông Nguyễn Văn Lực, Quyền Trưởng Thi hành án (THA) dân sự TP.HCM, đã bày tỏ khá nhiều bức xúc.

Không tránh khỏi tồn đọng

Theo ông, khi xử án mua bán ma túy trái phép, tòa thường kèm theo hình phạt bổ sung phạt tiền đối với bị cáo, có khi đến vài chục triệu đồng. Trên thực tế, cơ quan THA rất khó thu được tiền, dẫn đến lượng án tồn đọng nhiều bởi các bị cáo phần lớn không có tài sản, thời gian thụ hình lâu, khả năng đóng tiền phạt rất thấp.

Ông Lực cho biết thêm theo quy định, sau khi đã chấp hành án một thời gian hoặc ra tù, nếu người phải THA gặp khó khăn thì họ sẽ được xem xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm dân sự. Lúc đó, họ chỉ cần có đơn trình bày gửi cơ quan THA cùng các giấy tờ liên quan. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan này sẽ gửi qua viện kiểm sát, tòa án để thành lập hội đồng xem xét. Quy định là thế nhưng hầu như không ai làm đơn bởi sau khi thụ án về, họ là những kẻ “tứ cố vô thân” và “bất cần đời”. Đã thụ hình là hết trách nhiệm, họ còn nỗi lo “cơm áo gạo tiền” lớn hơn. Có vụ, chấp hành viên làm đơn sẵn từ A đến Z, người phải THA chỉ cần ký tên vào mà vẫn từ chối, trốn tránh… Dĩ nhiên cơ quan THA sẽ không khép lại được các vụ việc này và án tồn đọng là điều không thể tránh khỏi.

Một cái khó khác cho cơ quan THA là hiện nay việc kê biên, bán đấu giá tài sản của người đang thụ án rất nhiêu khê nên quá trình giải quyết bị kéo dài. Theo luật, người phải THA được tham gia tất cả các khâu, kể cả khi họ đang thụ hình. Vì vậy, mỗi lần làm gì, cơ quan THA phải trực tiếp liên hệ, giao giấy tờ cho người thụ án, có khi ở tận những trại giam rất xa thành phố. Trường hợp người thụ án ủy quyền cho người thân trong quá trình THA cũng sinh chuyện. Do không có sự tham gia của chủ tài sản, cơ quan THA thường bị áp lực về việc đương sự khiếu nại rằng kê biên rẻ rúng, thiếu khách quan…

Quan tâm ngay từ đầu

Trước thực trạng này, ông Lực đề xuất khi giải quyết án, ngay từ đầu các cơ quan tố tụng nên có sự quan tâm đúng mức về phần dân sự. Phía công an, trong quá trình điều tra nên kê biên càng nhanh càng tốt để tránh việc tẩu tán tài sản. Tòa cũng nên chú tâm giải quyết phần dân sự cho đúng luật, chính xác, tránh tuyên án chung chung, phải giải thích tới lui hoặc hủy án để xử lại.

Bên cạnh đó, ông Lực kiến nghị nên có một pháp lệnh riêng về THA dân sự trong hình sự. Bởi đối tượng phải THA là các phạm nhân đang thụ hình trong trại giam nên quá trình THA dân sự đối với họ rất nhiêu khê và thường không có kết quả. Đồng tình, một thẩm phán TAND tối cao cũng tin tưởng rằng có một pháp lệnh riêng sẽ giải quyết được các tồn tại hiện nay.

Ngoài ra, ông Lực đề nghị bỏ phần thu án phí hình sự 50.000 đồng đối với bị cáo bị tuyên án tử. Theo ông, xét ở góc độ kinh tế, nhà nước phải bỏ ra số tiền lớn (chi phí tổ chức THA) để thu lại số tiền nhỏ hơn rất nhiều lần mà khả năng thu được chẳng là bao. Mặt khác, việc thu án phí đó không mang lại một tác dụng giáo dục nào. Chưa kể chấp hành viên phải khốn khổ, bị đuổi như “đuổi tà” khi tới gia đình bị cáo thu án phí.

Ở góc độ xét xử, ông Vũ Phi Long – Phó Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM nói theo luật, người gây ra thiệt hại phải bồi thường, bất kể là bị tuyên án tử hình hay tù chung thân. Trong việc bồi thường, thân nhân bị cáo có thể tự nguyện làm thay nếu muốn bị cáo được khoan hồng, giảm án. Còn việc bị cáo sau này không có khả năng THA, cơ quan THA sẽ có quyết định trả lại đơn yêu cầu THA cho người bị hại.

Theo ông Long, về nguyên tắc là có yêu cầu bồi thường thì tòa mới giải quyết chứ tòa không thể gợi ý cho nạn nhân vì làm thế sẽ bất công đối với bị cáo. Do đó, để bảo vệ quyền lợi, nạn nhân nên tham khảo ý kiến của luật sư hay chuyên gia pháp lý để có những yêu cầu phù hợp, có tính khả thi.

———————————————————————————————————–

Năm 2007, việc giải quyết án vấn đề dân sự trong vụ án hình sự vẫn còn sai lầm khá phổ biến; số vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm về phần dân sự trong vụ án hình sự chiếm tỷ lệ khá cao và không có xu hướng giảm.

Những sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có một phần do cơ quan điều tra không quan tâm đúng mức đến việc điều tra về vấn đề dân sự mà chỉ tập trung điều tra chứng minh hành vi phạm tội. Tuy nhiên, về nguyên nhân chủ quan, khi giải quyết án vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, các thẩm phán đã không nghiên cứu kỹ Bộ luật Dân sự và các hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Qua các lớp tập huấn, đa số các thẩm phán không biết TAND tối cao đã có Công văn số 121/2003/KHXX ngày 19-9-2003 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 hướng dẫn giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự thay thế cho các công văn hướng dẫn trước đó. Nhưng một số tòa vẫn áp dụng Nghị quyết cũ số 01/2004 nên một số trường hợp đã quyết định bồi thường không đúng với quy định của Bộ luật Dân sự.

(Trích tham luận của Tòa hình sự TAND tối cao tại Hội nghị triển khai công tác ngành tòa án năm 2008)

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ HCM ONLINE

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading