NGUYỄN LINH KHIẾU
Quan điểm giới mới được du nhập vào Việt Nam nhưng đã có tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự du nhập và truyền bá quan điểm giới đã trải qua ba giai đoạn với những xu hướng và đặc trưng khác nhau. Để nâng cao tác động của quan điểm giới thiết thực góp phần tạo lập sự bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ trong đời sống xã hội, cần thực hiện một loạt giải pháp vừa tổng thể vừa cụ thể.
Nghiên cứu khoa học về phụ nữ với tư cách là một ngành khoa học độc lập xuất hiện ở nước ta vào nửa cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Sự ra đời của ngành khoa học mới này là do nhu cầu, đòi hỏi tất yếu của thực tiễn đổi mới đất nước, của phong trào phụ nữ rộng khắp. Vì vậy, sau khi ra đời, khoa học nghiên cứu về phụ nữ đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đông đảo các nhà khoa học và hầu như của toàn xã hội.
Phụ nữ Việt Nam có một truyền thống vẻ vang trong lịch sử dân tộc. Qua thăng trầm lịch sử, thời đại nào gương mặt người phụ nữ cũng hiện lên rạng ngời cùng những chiến công hiển hách của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng như ở nhiều nơi, phụ nữ Việt Nam mặc dù chiếm một nửa dân số, có vai trò to lớn và tham gia trực tiếp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thế nhưng, lại thường trở nên “vô hình”, thường là người phải “hy sinh” và chịu thiệt thòi nhất.
Nghiên cứu khoa học về phụ nữ là một ngành khoa học xã hội và nhân văn, vì vậy, cũng như nhiều ngành khoa học xã hội khác ở nước ta, các nghiên cứu thường hướng tới những vấn đề bức xúc đang đặt ra nhằm tích cực giải đáp những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn cuộc sống; hơn thế, khoa học về phụ nữ ngay từ đầu đã gắn chặt với phong trào hoạt động sôi nổi của phụ nữ Việt Nam; do đó, trong thời kỳ đầu, nghiên cứu khoa học về phụ nữ tập trung nghiên cứu đời sống người phụ nữ nông dân, công nhân, trí thức với các khía cạnh hôn nhân, gia đình, lao động, việc làm, thu nhập, sinh sản và nuôi con nhỏ… Những kết quả nghiên cứu bước đầu này, mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng đã thiết thực góp phần xây dựng cơ sở lý luận cho việc hoạch định chính sách phát triển đất nước, đã đánh động và thu hút được sự quan tâm không chỉ của các nhà khoa học, các nhà quản lý, lãnh đạo mà của cả xã hội đối với những vấn đề liên quan đến đời sống của người phụ nữ.
Cùng với quá trình giao lưu và hội nhập, vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, bằng nhiều con đường khác nhau, quan điểm giới được nhanh chóng du nhập và truyền bá vào Việt Nam. Sự xuất hiện cách tiếp cận giới chính là bước đột phá quyết định sự phát triển mạnh mẽ và ấn tượng của khoa học nghiên cứu về phụ nữ và cùng với nó là sự biến đổi nhanh chóng quan niệm, thái độ, hành vi của xã hội và thực tiễn tạo lập bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Giới là đặc trưng văn hóa, xã hội của đời sống nam và nữ. Giới tính là đặc trưng sinh thể của đời sống nam và nữ. Những đặc trưng sinh thể của con người thường ít biến đổi và tuân theo quy luật tự nhiên còn những đặc trưng văn hóa, xã hội thường biến đổi theo sự biến đổi của cấu trúc một xã hội nhất định và tuân theo quy luật xã hội. Điều này có nghĩa, theo quan điểm giới, về mặt xã hội, nam và nữ là hoàn toàn bình đẳng với nhau. Sự khác biệt của hai giới chỉ là do nhân tạo, là do quan niệm, giáo dục, truyền thống và quyền lực chính trị của các thời đại tạo nên.
Quan điểm giới có nguồn gốc từ các lý thuyết nữ quyền xuất hiện và phát triển rất sôi động ở các xã hội phương Tây, bắt đầu từ giữa thế kỷ XX. Lý thuyết nữ quyền tạo nên các phong trào xã hội mạnh mẽ, đấu tranh chống lại sự thống trị của nam giới, phê phán quyết liệt chế độ áp bức phụ nữ, đòi quyền lợi cho phụ nữ, tạo lập bình đẳng giới. Mặc dù có chung mục đích là vì sự phát triển của phụ nữ chống lại chế độ nam trị, nhưng lý thuyết nữ quyền có nhiều trường phái khác nhau; thậm chí, có những trường phái mâu thuẫn nhau gay gắt. Có thể nêu một số lý thuyết nữ quyền có ảnh hưởng mạnh đến xã hội phương Tây thời gian qua là: Nữ quyền tự do, Nữ quyền mác-xit, Nữ quyền xã hội chủ nghĩa, Nữ quyền phúc lợi, Nữ quyền triệt để, Nữ quyền hiện sinh, Nữ quyền phân tâm;… và gần đây xuất hiện một số lý thuyết nữ quyền mới, như: Nữ quyền hậu hiện đại, Nữ quyền da đen, Nữ quyền phụ nữ thế giới thứ ba…
Chính các lý thuyết nữ quyền này đã tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội và đã tạo nên những quan điểm lý luận và làn sóng nữ quyền đấu tranh giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới rất sôi động ở các xã hội này hơn một nửa thế kỷ qua. Đó là làn sóng Phụ nữ trong phát triển (WID) xuất hiện vào đầu những năm 70, Phụ nữ và phát triển (WAD) xuất hiện vào cuối những năm 70, Giới và sự phát triển (GAD) xuất hiện vào những năm 80 của thế kỷ trước và ngày càng được điều chỉnh, bổ sung và tiếp tục phát triển. Trong 3 quan điểm tạo nên những cuộc tranh luận nữ quyền và phong trào xã hội ở các nước phát triển phương Tây thì WAD và GAD được hình thành trên cơ sở lý luận mác-xit và xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, quan điểm GAD, sau khi xuất hiện đã tạo nên phong trào xã hội rộng lớn và có đóng góp tích cực đến sự phát triển không chỉ của phụ nữ mà của cả xã hội, không chỉ ảnh hưởng mạnh ở xã hội phương Tây phát triển mà còn ở nhiều xã hội đang phát triển, nhất là châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Vào đầu những năm 90 thế kỷ XX, qua giao lưu và hội nhập, các lý thuyết nữ quyền từng bước được truyền bá vào Việt Nam và sự truyền bá này ngày càng mạnh mẽ và đa dạng. Xem xét quá trình và xu hướng nghiên cứu Giới ở Việt Nam thời gian qua, có thể thấy có ba thời kỳ tương đối rõ rệt. Thời kỳ thứ nhất là 5 năm đầu của thập niên cuối thế kỷ XX, thời kỳ thứ hai là 5 năm cuối thế kỷ và thời kỳ thứ ba là những năm đầu của thế kỷ XXI. Hai thời kỳ sau, việc nghiên cứu và truyền bá về giới nói riêng và phong trào giải phóng phụ nữ ở nước ta nói chung chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai sự kiện quan trọng. Đó là Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Thời kỳ thứ nhất nghiên cứu và truyền bá về giới ở nước ta được triển khai rất sôi nổi, phong phú và rộng khắp. Điều thú vị là mặc dù một lý thuyết được du nhập từ phương Tây vào nước ta nhưng hầu như nó không gặp bất cứ một sự kỳ thị, phê phán và cản trở nào đáng kể. Thời kỳ đầu, có nhiều hội thảo, lớp tập huấn, dịch, in, phát hành tài liệu và nhiều dự án nghiên cứu về giới được triển khai với sự tài trợ của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đó là những hoạt động hướng vào tuyên truyền và phổ biến một cách chung nhất quan điểm giới cả lý thuyết và thực hành dưới sự bảo trợ và tham dự của các tổ chức và chuyên gia nước ngoài. Các đối tượng được hướng tới đầu tiên là nhà nghiên cứu, cán bộ hội phụ nữ, cán bộ lãnh đạo chính quyền và đoàn thể, cán bộ dự án, nhà báo, giảng viên đại học… Công tác học tập, đào tạo, phổ biến quan điểm giới được diễn ra theo ba hướng: thứ nhất, các chuyên gia nước ngoài vào nước ta tổ chức hội thảo, tập huấn tại chỗ; thứ hai, các chuyên gia của Việt Nam được tài trợ tham gia các hội thảo, lớp tập huấn, học tập và nghiên cứu ở nước ngoài; và thứ ba, biên soạn, dịch thuật, xuất bản tài liệu, sách báo về giới và lý thuyết nữ quyền.
Cùng với công tác học tập, đào tạo và truyền bá quan điểm giới, các đề tài, dự án nghiên cứu về phụ nữ, gia đình, dân số, kinh tế hộ, sở hữu đất đai, đời sống của các nhóm phụ nữ: nông dân, công nhân, ngư dân, tiểu thương… cũng được tiến hành nghiên cứu theo quan điểm giới, được tài trợ tài chính và sự tư vấn, hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia nước ngoài về giới. Những nghiên cứu đầu tiên theo quan điểm giới mặc dù có kết quả cụ thể về nội dung nhưng thực chất chỉ là những nghiên cứu mang nặng tính chất thực hành lý thuyết, chứng minh sự đúng đắn của lý thuyết giới và phát giác sự “mù giới” của các nền văn hóa, sự khuyết tật của các bảng giá trị truyền thống… Có thể đánh giá việc nghiên cứu giới ở những năm đầu cơ bản vẫn hướng về mục tiêu học tập, phổ biến và truyền bá quan điểm giới là chính.
Với cách làm như thế, chỉ sau vài năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, quan điểm giới đã thu hút sự quan tâm của xã hội và nhanh chóng được truyền bá rộng rãi ở nước ta. Tuy nhiên, với cách làm mang tính tự phát và chưa có kế hoạch, lộ trình chưa được kiểm soát chặt chẽ nên cùng với sự du nhập quan điểm giới và những lý thuyết nữ quyền tiến bộ, phù hợp với sự phát triển bền vững và ổn định, hầu như mọi lý thuyết nữ quyền đều được truyền bá vào Việt Nam. Đặc biệt, nhiều chuyên gia khi tập huấn và đào tạo về giới đã gán ghép nhầm lẫn ý kiến của các trường phái nữ quyền khác nhau cũng như đã không thể phân biệt được quan điểm của phụ nữ trong phát triển, phụ nữ và phát triển, giới và sự phát triển.
Dẫu vậy, chỉ một thời gian ngắn với những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ nghiên cứu và đào tạo về giới… những tư tưởng cơ bản của quan điểm giới đã được truyền bá tương đối thành công vào Việt Nam và nhanh chóng trở thành một công cụ quan trọng của khoa học nghiên cứu về phụ nữ và của phong trào giải phóng phụ nữ ở nước ta.
Thời kỳ thứ hai của nghiên cứu và truyền bá giới ở nước ta được thực hiện trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, công tác nghiên cứu và đào tạo về giới bước sang một giai đoạn mới. Đây chính là thời kỳ tiến hành thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Nhằm khắc phục những hạn chế của thời kỳ đầu nghiên cứu về giới, trước hết, nhiều cán bộ được cử đi đào tạo ở nước ngoài với nhiều hình thức khác nhau, nhất là đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ về các lĩnh vực giới và liên quan đến giới. Đây chính là sự chuẩn bị nhân lực quan trọng cho đội ngũ nghiên cứu và đào tạo về giới trong tương lại.
Thứ hai, nghiên cứu lý thuyết quan điểm giới, quan điểm nữ quyền và lý thuyết nghiên cứu phụ nữ được đầu tư và đẩy mạnh. Những nghiên cứu lý thuyết này, một mặt, nhằm giới thiệu một cách đầy đủ và toàn diện lịch sử phong trào nữ quyền ở phương Tây, những trường phái nữ quyền cơ bản – nguồn gốc và ảnh hưởng của nó đến phong trào phụ nữ cũng như các ngành khoa học xã hội và nhân văn, phụ nữ học và sự hình thành quan điểm giới và vai trò của nó đối với thực tiễn cuộc sống và các ngành khoa học xã hội ở các nước phát triển…
Thứ ba, những nghiên cứu khoa học về phụ nữ, dân số, gia đình và phát triển theo quan điểm giới. Đây là thời kỳ các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và thực tiễn theo quan điểm giới được triển khai một cách vừa sâu sắc vừa quy mô. Quan điểm giới thực sự đã thấm nhuần trong triển khai các hướng nghiên cứu. Đó là hướng nghiên cứu nhằm xây dựng chính sách, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nghiên cứu điều tra cơ bản về gia đình, phụ nữ và vai trò của người phụ nữ, điều tra cơ bản về nguồn nhân lực, điều tra cơ bản về lao động và việc làm ở nông thôn, ở đô thị và miền núi, điều tra cơ bản về đời sống ngư dân, điều tra cơ bản về đội ngũ trí thức, điều tra cơ bản về việc thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, điều tra cơ bản về sức khỏe sinh sản và trẻ vị thành niên…; nghiên cứu về tình yêu, hôn nhân, gia đình; nghiên cứu những tiềm năng và nguồn lực của gia đình trong phát triển kinh tế hộ; nghiên cứu chuyên sâu về sản xuất, tái sản xuất và phúc lợi gia đình; triển khai các dự án, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội có lồng ghép giới…
Điều dễ nhận thấy là, nếu các đề tài, dự án nghiên cứu theo xu hướng chủ đạo giới các thời kỳ trước chủ yếu do nước ngoài tài trợ về tài chính thì các đề tài, dự án nghiên cứu thời kỳ này nguồn kinh phí chủ yếu do chính phủ Việt Nam cung cấp. Thực tế này cho thấy, vấn đề giới không còn chỉ là mối quan tâm của giới nữ mà đã trở thành của xã hội.
Rõ ràng, vào những năm cuối thế kỷ, vấn đề giới đã trở nên quen thuộc ở nước ta. Về khoa học, quan điểm giới, lý thuyết nữ quyền và khoa học nghiên cứu về phụ nữ của các nhà hoạt động vì phụ nữ ở các nước phương Tây phát triển đã được phổ biến rộng rãi ở nước ta. Các lớp tập huấn về giới không chỉ dành cho những nhà nghiên cứu, các cán bộ dự án hay các nhà quản lý và lãnh đạo bậc cao nữa mà đã dành cho các cán bộ chính sách, cán bộ dự án của các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ cơ sở và đông đảo phụ nữ và nam giới cả ở nông thôn và thành thị. Các nghiên cứu khoa học ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều được thực hiện với xu thế chủ đạo giới hay còn được gọi là lồng ghép giới. Những nghiên cứu hướng tới xây dựng chính sách phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa – giáo dục, sức khỏe và dân số – kế hoạch hóa gia đình cũng như các dự án, chương trình điều tra cơ bản theo quan điểm giới ở tầm vĩ mô chính là xu hướng chủ đạo và những thành tựu nổi bật, những bước tiến bộ vượt bậc của nghiên cứu giới ở Việt Nam.
Thời kỳ thứ ba của nghiên cứu và truyền bá giới ở Việt Nam được bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XXI và về thực chất nó là sự tiếp tục những cố gắng cũng như những thành tựu của hai thời kỳ trên. Có thể khẳng định, sau 10 năm được truyền bá vào Việt Nam, quan điểm giới đã thực sự làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của nhiều người Việt Nam đối với các vấn đề phụ nữ, bình đẳng, hội nhập và phát triển. Xu thế toàn cầu hóa đang ngày càng tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, những thành tựu to lớn và toàn diện của công cuộc đổi mới mang lại đang mở ra những cơ hội và thách thức cho sự phát triển của mọi người Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng. Trong bối cảnh đó, để đáp ứng kịp thời những đòi hỏi thực tiễn của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, nghiên cứu về giới ở nước ta đã có một bước phát triển mới.
Thật vậy, trước hết, để đáp ứng những đòi hỏi về mặt lý luận cần phải thiết kế và xây dựng lý luận giới phù hợp với thực tiễn Việt Nam, nhiều tác giả đã nghiên cứu một cách thấu đáo các lý thuyết nữ quyền; đặc biệt là hai trường phái nữ quyền: Nữ quyền mác-xit và Nữ quyền xã hội chủ nghĩa – hai trường phái cơ bản hình thành nên quan điểm giới. Các tác giả đặc biệt quan tâm nghiên cứu hệ thống quan điểm của các nhà kinh điểm chủ nghĩa Mác – Lê-nin về phụ nữ và giải phóng phụ nữ với tư cách là cơ sở lý luận của quan điểm giới; đồng thời, các tác giả cũng tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta và hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phụ nữ, giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới. Hơn thế, nhiều tác giả đã nghiên cứu một cách có hệ thống truyền thống lịch sử vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, truyền thống “tôn trọng phụ nữ”, cũng như Đạo Mẫu ở Việt Nam nhằm tìm ra cơ sở lịch sử và bản sắc tương đồng của quan điểm giới.
Những nghiên cứu này, mặc dù mới đạt được một số thành tựu bước đầu nhưng vô cùng quan trọng, bởi nó thực sự góp phần tích cực xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự hình thành một hệ thống quan điểm giới vừa đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, vừa tạo ra cơ sở lý luận và động lực vững chắc cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới ở nước ta. Về mặt khoa học, đây cũng là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng ngành phụ nữ học non trẻ ở Việt Nam.
Các nghiên cứu khoa học thời kỳ này tập trung nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện hành, hệ thống an sinh và bảo trợ xã hội, việc thực hiện chính sách xã hội, các chính sách phát triển kinh tế xã hội ở tầm vĩ mô, địa vị của người phụ nữ trong xã hội, quyền của phụ nữ, phụ nữ tham gia công tác quản lý và lãnh đạo, hệ thống dịch vụ xã hội hỗ trợ gia đình, giới và công tác xóa đói giảm nghèo, vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em, bạo hành chống phụ nữ trong gia đình và xã hội… Trên cơ sở những kết quả thu được, sự phân tích số liệu tương quan giới từ các dự án điều tra cơ bản, những đề án nghiên cứu ở tầm vĩ mô có lồng ghép giới… và những nghiên cứu mới theo xu thế chủ đạo giới, các nghiên cứu đã góp phần nhận diện thực trạng quan hệ giới và bất bình đẳng giới, những sự vi phạm quyền của phụ nữ, sự bất bình đẳng giới của hệ thống pháp luật, những cản trở sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ, những thế mạnh và tiềm năng của mỗi giới trong điều kiện kinh tế thị trường…; đồng thời, đã đề xuất những giải pháp thực tiễn nhằm phát huy tiềm năng, nâng cao địa vị của người phụ nữ Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Cùng với các nghiên cứu khoa học chuyên sâu, các dự án, chương trình phát triển ở mọi lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương trong cả nước đều được triển khai theo xu thế chủ đạo giới (lồng ghép giới). Có thể thấy, thời gian qua, quan điểm giới đã thấm sâu vào mọi chương trình, dự án và kế hoạch phát triển toàn diện của từng địa phương và cả nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc trưng và tính chất của ngành khoa học nghiên cứu về phụ nữ luôn gắn liền với các hoạt động và phong trào thực tiễn của phụ nữ. Nghiên cứu phụ nữ, nghiên cứu giới phải xuất phát từ những vấn đề bức xúc của phụ nữ, của quan hệ giới và phải hướng tới giải đáp một cách khoa học, kịp thời những vấn đề giới và phụ nữ đang đặt ra trong thực tiễn đời sống. Rõ ràng, quan điểm giới đã và đang trở thành sự định hướng hành động trong quá trình phát triển bền vững ở nước ta.
Sau 15 năm du nhập vào Việt Nam, quan điểm giới đã nhanh chóng được tiếp nhận và triển khai sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực tế, vấn đề giới đã trở thành mối quan tâm chung của xã hội và trở thành phong trào thực tiễn sâu rộng của phụ nữ Việt Nam. Mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực trong quan hệ giới, địa vị, đời sống của người phụ nữ Việt Nam đã từng bước được nâng cao, cải thiện cùng với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới nhưng sự nghiệp giải phóng phụ nữ và tạo lập bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn là những vấn đề bức xúc, cần nhiều nỗ lực hơn nữa của cả hai giới và của cả xã hội.
Để thiết thực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ ở nước ta những năm tới, cần tập trung vào các hướng nghiên cứu chính sau:
· Sớm có một chương trình nghiên cứu quốc gia về xây dựng chuyên ngành khoa học nghiên cứu về phụ nữ và nghiên cứu giới ở Việt Nam. Ở đó, cần thiết kế đầy đủ cấu trúc, khung lý thuyết, đối tượng, nội dung, phương pháp và mục tiêu của ngành khoa học nghiên cứu về phụ nữ.
· Xây dựng đề án nghiên cứu một cách nghiêm túc và hệ thống về các quan điểm nữ quyền trên thế giới và Việt Nam. Nghiên cứu sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về phụ nữ, con đường giải phóng phụ nữ và thiết lập bình đẳng nam nữ trong xã hội – cơ sở lý luận và khoa học cơ bản để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo về phụ nữ và giới ở Việt Nam.
· Nghiên cứu sự tác động của toàn cầu hóa đến hai giới ở nước ta giai đoạn hiện nay. Nhận diện những thuận lợi và khó khăn, những tiền năng và lợi thế, những cơ hội và thách thức của mỗi giới…, đề xuất những giải pháp quan trọng hỗ trợ phụ nữ hội nhập cùng xu thế toàn cầu.
· Tìm hiểu hệ thống pháp luật hiện hành ở Việt Nam dưới lăng kính giới, qua đó tích cực góp phần tham gia xây dựng hệ thống pháp luật mới trong điều kiện nhà nước pháp quyền theo xu hướng chủ đạo giới. Luật pháp có lồng ghép quan điểm giới và về bình đẳng giới sẽ là những yếu tố mang ý nghĩa điều chỉnh quan trọng của một xã hội công dân đang hội nhập vào xu thế toàn cầu.
· Nghiên cứu, rà soát một cách cơ bản hệ thống chính sách xã hội hiện có, từ đó kiến nghị việc điều chỉnh, xây dựng chính xã hội mới phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước. Bởi lẽ, trong điều kiện kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, vấn đề thực hiện các chính sách xã hội, phúc lợi xã hội của nước ta sẽ ngày càng trở thành một vấn đề nhạy cảm và dễ tổn thương.
· Nghiên cứu và kiến nghị những giải pháp tích cực nhằm thúc đẩy nâng cao địa vị kinh tế của phụ nữ, nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý đất nước, phát triển hệ thống dịch vụ xã hội từng bước giải phóng gánh nặng công việc nội trợ gia đình của phụ nữ… Đây chính là những nghiên cứu cụ thể, thiết thực hướng vào những vấn đề cốt lõi và nhậy cảm của bình đẳng giới ở Việt Nam.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 4 (124) NĂM 2007
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN |
Leave a Reply