admin@phapluatdansu.edu.vn

KHÁI NIỆM VÀ ĐỊNH NGHĨA KHÁI NIỆM TRONG LUẬT

THS. LÊ DUY NINH – ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

I. Mỗi khái niệm (KN) đều có hai mặt, đó là nội hàm và ngoại diên. Về mặt kết cấu lôgíc, nội hàm là chất, ngoại diên là lượng của KN. Mỗi nội hàm có một ngoại diên tương ứng. Nội hàm của KN là tập hợp những dấu hiệu bản chất của đối tượng được phản ánh trong KN. Do vậy, không phải mọi dấu hiệu của đối tượng đều được phản ánh trong nội hàm.

Trong khoa học pháp lý, nhiều KN được xác định bằng điều luật. Chẳng hạn, nội hàm của KN “tội cướp” được xác định bởi Điều 151 (nay là Điều 133) Bộ luật Hình sự (BLHS), đó là: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác; Làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được; Nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoại diên của KN là tập hợp những đối tượng có cùng nội hàm. Ngoại diên của KN cho biết có bao nhiêu đối tượng khác cùng loại với nó. Ví dụ, ta có KN "vi phạm pháp luật"; vậy tất cả các hiện tượng xảy ra trong thực tế mà thỏa mãn ba dấu hiệu bản chất sau trong nội hàm của KN này đều thuộc ngoại diên của KN (Hành vi – hành động hoặc không hành động của con người – được biểu hiện ra bên ngoài; Hành vi được thực hiện phải trái pháp luật, tức là trái với các quy định chứa đựng trong các quy phạm pháp luật nào đó; Hành vi trái pháp luật được thực hiện phải chứa đựng lỗi của chủ thể thực hiện hành vi đó). Để biết một đối tượng có thuộc ngoại diên của một KN nào đó không thì phải xem đối tượng có đầy đủ mọi dấu hiệu bản chất của KN không.

Để định hình, lưu giữ những hiểu biết trong óc cũng như để truyền đạt, trao đổi những hiểu biết của mình với người khác, con người phải dùng đến phương tiện của ngôn ngữ là từ thông qua việc trừu tượng hóa, khái quát hóa hiện thực khách quan. Do đó, KN liên hệ hết sức mật thiết với từ. Tuy nhiên, KN và từ không luôn đồng nhất vì: KN về các đối tượng thường do chính bản thân đối tượng quy định; còn từ thì do con người tự quy ước, tự thoả thuận mà ra; ngay trong một hệ thống ngôn ngữ thì một KN có thể được diễn đạt bởi nhiều từ và một từ có thể thể hiện nhiều KN.

Vì những lý do dẫn đến sự dị biệt giữa từ và KN, tránh sự nhầm lẫn, nhiều ngành khoa học đã xây dựng các hệ thống thuật ngữ của mình. Những thuật ngữ này là từ hay nhóm từ đơn nghĩa, tức là chỉ dùng để diễn đạt một KN tương ứng được sử dụng trong ngành khoa học đó. Về mặt kỹ thuật xây dựng văn bản pháp luật, người ta luôn yêu cầu các KN (thuật ngữ) phải được hiểu theo một nghĩa, nhằm tránh tình trạng mỗi người, mỗi nơi hiểu và vận dụng một cách khác nhau. Yêu cầu này được thể hiện rõ trong Điều 5 Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật: “Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải đơn giản, dễ hiểu. Đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung, thì phải được định nghĩa trong văn bản”.

Định nghĩa KN là thao tác lôgíc qua đó chỉ rõ ngoại diên của KN được định nghĩa. Ví dụ, ta có định nghĩa: “Tù có thời hạn là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là ba tháng, mức tối đa là hai mươi năm” (Điều 33 BLHS 1999). Căn cứ vào định nghĩa này, người ta biết được thế nào là tù có thời hạn, đồng thời phân biệt nó về mặt ngoại diên với các loại hình phạt khác mặc dù chúng cũng đều là hình phạt.

Định nghĩa thường có dạng A là B, trong đó A là KN cần được định nghĩa và B là phần dùng để định nghĩa. Trong ví dụ trên thì “tù có thời hạn” là KN cần được định nghĩa (A) và phần còn lại là phần dùng để định nghĩa (B). Ngoài cấu trúc A là B thì còn có một số cấu trúc khác nhưng ít phổ biến hơn. Sau đây là các cách định nghĩa thường được sử dụng trong luật học.

1. ĐN theo tập hợp (thông qua loại và hạng) là ĐN trong đó nêu một KN đã biết, gần gũi và có ngoại diên bao chứa đối tượng cần ĐN, sau đó chỉ ra các dấu hiệu bản chất, đặc thù của đối tượng cần được ĐN để phân biệt nó với các đối tượng khác cùng lệ thuộc ngoại diên của KN đã biết ấy. Cấu trúc lôgíc của ĐN này có thể được mô hình hóa thành: A = a + những dấu hiệu riêng của A.

Ví dụ, “Tù có thời hạn là hình phạt buộc người bị kết án phải bị giam từ ba tháng đến hai mươi năm” (Điều 25 BLHS năm 1985). Để xác định tù có thời hạn là gì, nhà làm luật đưa ra KN hình phạt. Về nguyên tắc, hình phạt là KN đã được biết, đã được định nghĩa rồi (đáng tiếc là trong BLHS 1985 KN này lại không được định nghĩa, mặc dù nó là KN rất cơ bản của Luật hình sự. Trong BLHS 1999 KN này đã được định nghĩa). Hình phạt là KN gần gũi với KN cần định nghĩa. Cụ thể ở đây không nêu là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước vì KN này rộng hơn nhiều so với hình phạt, bao chứa cả hình phạt và trong nhiều ngành luật khác cũng có biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.

Do trong hình phạt có cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung, trong hình phạt chính lại cũng có nhiều loại nên để tách biệt hình phạt được gọi là “tù có thời hạn” với các hình phạt khác, nhà làm luật buộc phải đưa ra dấu hiệu bản chất, đặc trưng, dấu hiệu mà các hình phạt khác không có: buộc người bị kết án phải bị giam từ ba tháng đến hai mươi năm. Trong cách định nghĩa này người định nghĩa chỉ ra một cách gián tiếp các đối tượng nghiên cứu (ngoại diên của KN được định nghĩa) thông qua việc chỉ ra các dấu hiệu bản chất trong nội hàm của KN phản ánh về chúng. Cách định nghĩa này về cơ bản gồm hai bước: (1) Xác định đối tượng thuộc loại nào bằng cách nêu một KN đã biết, gần gũi và có ngoại diên bao chứa đối tượng cần định nghĩa; (2) Chọn trong nội hàm của KN cần định nghĩa một hoặc tập hợp một số dấu hiệu nào đó mà những đối tượng cùng loại khác không có. Đây là cách định nghĩa cơ bản, chuẩn xác, rất khoa học, có tầm khái quát cao, mức độ uyển chuyển trong việc vận dụng vào thực tiễn rất lớn và được dùng phổ biến trong nhiều ngành khoa học. Tuy nhiên, để làm được định nghĩa theo cách này là rất khó khăn; và rất đáng tiếc, trong thực tế không phải mọi KN đều có thể định nghĩa được bằng cách này.

2. Định nghĩa thông qua liệt kê là định nghĩa trong đó liệt kê tất cả đối tượng được KN phản ánh. Cấu trúc lôgíc của định nghĩa này có thể được mô hình hóa thành: A = (a1, a2 …, an). Ví dụ, “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” (Điều 679 Bộ luật Dân sự). Đây là cách định nghĩa nhằm thẳng vào ngoại diên của KN mà không phải gián tiếp thông qua nội hàm để làm bộc lộ ngoại diên như cách định nghĩa trên. Mặc dù cách định nghĩa này khá phổ biến, đơn giản, tiện lợi, khả năng ứng phó nhanh nhưng tính khoa học, tính chặt chẽ và tính khái quát không cao. Trong một số trường hợp, nếu dùng cách định nghĩa theo tập hợp mà không sát đúng với định nghĩa hoặc gây nên những trở ngại nhất định cho hoạt động thực tiễn thì người định nghĩa có thể chấp nhận cách định nghĩa liệt kê, miễn là có thể dùng nó để giải quyết những trường hợp nhất thời, cụ thể nào đó.

Ví dụ, trong Luật Phòng, chống ma tuý (năm 2000) nhà làm luật đưa ra định nghĩa “tiền chất” tại khoản 4 Điều 2 như sau: “Tiền chất là các hoá chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma tuý, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành”. Thật ra, trong khoản 4 này phần trước cụm từ “được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành” đã là một định nghĩa về tiền chất rồi. Phần còn lại được hiểu là: còn cụ thể chất nào là tiền chất sẽ được Chính phủ quy định sau (trong Nghị định chẳng hạn). Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa “Tiền chất là các hoá chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy” là đúng thì nước cũng chính là… tiền chất vậy! Và do đó không thể thực thi Điều 3 của Luật này bởi nó cấm sản xuất, vận chuyển, mua bán… tiền chất. Định nghĩa này có thể đúng xét về mặt khoa học nhưng chắc chắn không thể áp dụng được vào thực tế. Có lẽ vì vậy mà nhà làm luật phải thêm vào phần “được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành” để nhờ đó một số chất mặc dù thỏả mãn định nghĩa trên nhưng vẫn được xem không phải là tiền chất, và như vậy, sẽ khiến cho Điều 3 trở nên khả thi hơn? Và thật vậy, trong Danh mục IV của Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 01.10.2001, với cách định nghĩa liệt kê, Chính phủ đã chỉ ra một cách cụ thể các chất nào được hiểu (được coi) là tiền chất và… nước đã không được liệt kê ra. Rõ ràng, bằng cách định nghĩa liệt kê, trong không ít các trường hợp người ta có thể “né” được những điều khó xử, có thể linh hoạt ứng phó với những bất cập mà khi sử dụng định nghĩa theo tập hợp có thể gặp phải. Tiện lợi, nhưng dưới góc độ khoa học thì lại “có vấn đề”. Trong thực tế, có không ít trường hợp tương tự như trên, dẫn tới tình trạng “vênh” khi đặt các văn bản quy phạm pháp luật trong tính hệ thống, trong tính chỉnh thể của nó, dẫn tới tình trạng luật nói “có” còn nghị định lại nói “không” hoặc luật chờ nghị định, tức là chờ một loại “giấy phép con”.

Ví dụ khác: Trong Luật Cạnh tranh 2004 tại Điều 39 đã không có một định nghĩa chung về “cạnh tranh không lành mạnh” dưới hình thức tập hợp mà đã dùng lối định nghĩa liệt kê, theo đó liệt kê ra một số hành vi bị cấm, tức bị coi là cạnh tranh không lành mạnh. Ta biết, cuộc sống nói chung và thương trường nói riêng thì luôn vận động. Nếu ở thời điểm này chỉ có chừng ấy hành vi bị cấm nhưng trong tương lai lại xuất hiện hành vi khác cũng cần bị cấm thì nhà làm luật có đủ sức mãi chạy theo nó để sửa luật, để liệt kê thêm? Và, trong khi hành vi cần bị cấm mới đã xuất hiện mà luật chưa được sửa đổi chắc hẳn sẽ xuất hiện “khoảng trống pháp luật”, tức là không có quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Theo chúng tôi, trong một văn bản pháp luật nói riêng và trong hệ thống pháp luật nói chung mà có quá nhiều định nghĩa dạng liệt kê thì nó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến hệ quả tất yếu là tình trạng “chết yểu” của nhiều quy phạm pháp luật, nhiều văn bản quy phạm pháp luật – hiệu lực thời gian của chúng quá ngắn ngủi. Ngoài ra, cách định nghĩa liệt kê còn có mặt hạn chế nữa là số đối tượng thuộc B phải không quá nhiều. Ví dụ, người ta không thể định nghĩa số chẵn là các số sau đây: 2,4,6,8,10,12…

Tóm lại, trong hai cách định nghĩa trên xét dưới các góc độ khác nhau thì cách nào cũng có ưu điểm của nó nhưng xét một cách toàn cục thì cách định nghĩa thứ nhất có nhiều lợi thế hơn. Một số trong những lợi thế của cách định nghĩa theo tập hợp so với cách định nghĩa liệt kê là ở chỗ tính khái quát, tính bao hàm, tính dự liệu cao và do đó tính uyển chuyển của nó rất lớn, dẫn tới việc áp dụng nó một cách lâu dài và thuận lợi hơn. Điều đó có nghĩa là, khi người định nghĩa đã đưa ra một định nghĩa theo tập hợp mà chuẩn xác thì dù có phát sinh một đối tượng mới, một hành vi mới người ta vẫn có thể dựa vào định nghĩa này để điều chỉnh nó, miễn là đối tượng mới, hành vi mới… nằm trong ngoại diên của KN đã được định nghĩa. Theo chúng tôi, với những văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng, có tính ổn định lâu dài như Bộ luật, Luật thì nên đưa vào nhiều định nghĩa cách này, còn những văn bản “dưới luật” thì trong những trường hợp không thể khác được vẫn có thể chấp nhận cách định nghĩa liệt kê.

Ngoài ra, về kỹ thuật lập pháp cũng có vấn đề cần bàn thêm là: nếu trong quá trình làm luật, nhà làm luật tiên liệu được rằng, khi đưa vào luật một định nghĩa theo tập hợp nào đó mà nó sẽ gặp phải những trở ngại nào đó đại loại như đã nói ở trên và chắc chắn phải dùng đến nghị định để cụ thể hoá định nghĩa này bằng một định nghĩa liệt kê thì nên chăng không nên đưa vào luật một định nghĩa theo tập hợp. Xin trở lại với khoản 4 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy. Viết như trong khoản 4 này thì tất yếu phải dẫn chiếu đến “Danh mục do Chính phủ ban hành”. Vậy thì cần gì phải định nghĩa: Tiền chất là các hoá chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy. Nên chăng chỉ cần viết: Tiền chất là những chất được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.

Đến lượt mình, Chính phủ, bằng định nghĩa liệt kê cứ thế liệt kê ra. Làm được như thế này thì luật sẽ ngắn gọn hơn, tránh được hiện tượng “phiên dịch” văn bản tiếng Việt này bằng một văn bản tiếng Việt khác và nhiều phiền toái khác nữa.

II. Các quy tắc định nghĩa theo cách định nghĩa tập hợp:

1. Định nghĩa phải cân đối, nghĩa là KN được định nghĩa và phần dùng để định nghĩa phải có ngoại diên bằng nhau. Vi phạm quy tắc này có thể dẫn đến những sai lầm: (1) Định nghĩa quá hẹp, nghĩa là số lượng các phần tử nằm trong ngoại diên của B nhỏ hơn số phần tử nằm trong ngoại diên của A (A > B). Ví dụ, “Đồng phạm là hai người cùng cố ý thực hiện một tội phạm” là định nghĩa quá hẹp. (2) Định nghĩa quá rộng, nghĩa là số lượng các phần tử nằm trong ngoại diên của A nhỏ hơn số phần tử nằm trong ngoại diên của B (A < B ). Ví dụ, “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội” là định nghĩa quá rộng vì có nhiều hành vi khác cũng nguy hiểm cho xã hội nhưng không phải là tội phạm. Nếu đưa thêm dấu hiệu “có lỗi ” thì định nghĩa này vẫn rộng vì nếu như vậy thì các hành vi vi phạm pháp luật khác cũng bị xem là tội phạm. Chỉ khi đưa thêm dấu hiệu “được quy định trong BLHS” thì định nghĩa trở thành thoả mãn quy tắc này. Vi phạm quy tắc này đều dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là làm cho người ta hiểu không đúng, không chính xác về các đối tượng được định nghĩa dẫn tới nguy cơ là nếu dựa vào nó người ta có thể đồng nhất các đối tượng mà đúng ra không được đồng nhất.

2. Định nghĩa không được lòng vòng, nghĩa là chỉ được sử dụng những KN đã biết, đã được định nghĩa để định nghĩa. Vi phạm quy tắc này có thể dẫn đến sai lầm: (1) Định nghĩa vòng quanh, nghĩa là dùng B để định nghĩa A sau đó dùng A để định nghĩa B. Ví dụ, “Bộ máy nhà nước là bộ máy được tạo thành bởi các cơ quan nhà nước còn các cơ quan nhà nước là các bộ phận hợp thành bộ máy nhà nước”. (2) Định nghĩa luẩn quẩn, nghĩa là dùng chính A để định nghĩa A. Ví dụ, “Chứng cứ buộc tội là chứng cứ khẳng định một hành vi là tội”. Cả hai dạng sai lầm trên đều có đặc điểm chung là trong phần dùng để định nghĩa có chứa ngay KN cần được định nghĩa và nó đều không giúp người ta hiểu gì hơn về KN cần được định nghĩa. Định nghĩa mắc lỗi này thì coi như chưa định nghĩa gì cả.

3. Định nghĩa phải ngắn gọn, nghĩa là không nên nêu những dấu hiệu nào đó mà người ta có thể suy ra từ các dấu hiệu khác, những dấu hiệu mà không có nó người ta vẫn nhận diện được một cách chính xác đối tượng đang được định nghĩa và không có nó người ta vẫn phân biệt được đối tượng được định nghĩa với các đối tượng khác. Ví dụ, nếu cho rằng: "chịu hình phạt có nghĩa là bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều bị đe dọa có thể phải chịu biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt" (Giáo trình Đại học Luật Hà Nội năm 2000, tr.41) do đó coi chịu hình phạt là dấu hiệu bản chất (thuộc tính) của tội phạm thì đó là một sai lầm vì “có thể phải chịu biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt” cũng có nghĩa là “có thể không phải chịu biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt”. Như vậy là có thể có mà cũng có thể không ở một tội phạm. Vậy, dấu hiệu này không thể là dấu hiệu bản chất (thuộc tính) vì thuộc tính luôn được hiểu là “đặc tính vốn có của một sự vật (hiện tượng) nhờ đó sự vật tồn tại và qua đó con người nhận thức được sự vật, phân biệt được sự vật này với sự vật khác”1. Nêu hết các dấu hiệu bản chất của đối tượng cần định nghĩa thì định nghĩa được đưa ra không làm cho người ta nhận thức sai về đối tượng được định nghĩa. Vấn đề là nó không cần thiết. Vừa đủ là tiêu chuẩn tối cần thiết của tư duy khoa học! Tuân thủ quy tắc này, người định nghĩa không những không được đưa vào định nghĩa những dấu hiệu không bản chất mà ngay cả với những dấu hiệu bản chất thì cũng chỉ cần nêu vừa đủ các dấu hiệu nào đó thôi, miễn sao giúp người tiếp cận định nghĩa nhận diện đúng đối tượng được định nghĩa và phân biệt nó với các đối tượng khác. Điều này giúp cho tư duy của họ không bị rối, giúp cho họ tiết kiệm được tư duy, thời gian và trí nhớ. Có thể vì vậy mà người ta gọi định nghĩa khái niệm là khái niệm của khái niệm.

4. Định nghĩa phải chuẩn xác, rõ ràng. Vi phạm quy tắc này thường xảy ra khi người định nghĩa sử dụng câu chữ không chặt chẽ, không bao quát, không rõ ràng, không đúng văn phạm hoặc sử dụng các từ ngữ hoa mỹ, nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ của từ hoặc của câu mà hậu quả của nó là không xác định được nội hàm và loại biệt ngoại diên của KN. Ví dụ: Mua dâm là hành vi giao cấu có trả tiền (Dự thảo Pháp lệnh Phòng chống mại dâm). Vậy, giao cấu nhưng trả bằng các vật khác tiền thì sao? Hay đó không phải là mua dâm. Vì về nguyên tắc, sau khi đã đưa ra định nghĩa thì định nghĩa đó được xem như một đẳng thức mà vế phải được dùng để xác tín vế trái. Do đó, mọi biến động của vế phải, tất yếu kéo theo sự biến động của vế trái. Trong trường hợp vừa nêu, vế phải đã biến động. Có thể nói, dùng từ “trả tiền” ở đây là không chặt, không bao quát.

5. Không nên định nghĩa phủ định. Quy tắc này yêu cầu không nên đưa vào định nghĩa những dấu hiệu mà chúng không có ở đối tượng của KN. Ví dụ, “Quản lý vĩ mô nền kinh tế quốc dân không phải là quản lý một xí nghiệp cơ khí”. Định nghĩa này chỉ mới vạch ra sự tách rời của ngoại diên KN “Quản lý vĩ mô nền kinh tế quốc dân” và KN “Quản lý một xí nghiệp cơ khí” nhưng chưa nêu lên được những dấu hiệu bản chất của đối tượng cần được định nghĩa và do đó người ta vẫn chưa hiểu được thật sự “Quản lý vĩ mô nền kinh tế quốc dân” là gì. “Không phải là quản lý một xí nghiệp cơ khí” thì là quản lý một xí nghiệp dược phẩm, một xí nghiệp may mặc, một xí nghiệp chăn nuôi? Không biết! KN này coi như chưa được định nghĩa. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý thêm là, quy tắc này yêu cầu “không nên” định nghĩa phủ định chứ không phải là không được (nếu sự phủ định đó cho phép giới hạn được ngoại diên và làm rõ được dấu hiệu bản chất của đối tượng cần định nghĩa). Ví dụ, trong khoa học tự nhiên có một số KN cho phép và thậm chí bắt buộc phải định nghĩa theo cách này như “ Khí trơ là khí không tham gia phản ứng hoá học”.

Chú thích:

1 Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Ngôn ngữ, Từ điển tiếng Việt, tr. 949

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 2/2005

One Response

  1. khái niện cha mẹ có bao gồm cha me vợ không?văn bản nào quy định.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading