admin@phapluatdansu.edu.vn

QUAN NIÊM VỀ NGUYÊN TẮC HAI CẤP XÉT XỬ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ NƯỚC TA

THS. TỐNG CŌNG CƯỜNG  – Đại học luật TP. Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề

Hai cấp xét xử là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp ở nước ta nói chung, trong đó có tư pháp dân sự. Tuy nhiên, nguyên tắc này không phải được áp dụng phổ biến ở các nước trên thế giới. Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung của nguyên tắc hai cấp xét xử, thiết nghĩ chúng ta tìm hiểu sự áp dụng của nguyên tắc này qua hai mô hình tố tụng là mô hình tranh tụng thuộc hệ thống pháp luật Anh-Mỹ và mô hình thẩm xét ở các nước châu Âu lục địa, trong đó điển hình là Pháp.

Trước hết, các nước theo hệ thống tranh tụng như Anh, Hoa Kỳ không áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử, mà ngược lại áp dụng nguyên tắc đặc trưng là xét xử chung thẩm.1 Tức là các bản án, quyết định sau khi ban hành sẽ mặc nhiên được thừa nhận là giải pháp cuối cùng và có hiệu lực pháp luật ngay, trừ những trường hợp đặc biệt vi phạm về thủ tục tố tụng hoặc những sai lầm về mặt pháp lý thì sẽ được tòa phúc thẩm xem xét lại. Tuy nhiên tòa phúc thẩm cũng chỉ xem xét lại về mặt pháp lý và thủ tục chứ không xét lại những nội dung sự kiện đã được bồi thẩm đoàn quyết định tại tòa sơ thẩm.2 Sở dĩ các nước theo mô hình tranh tụng không áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử là vì quan niệm về vai trò, ý nghĩa của bồi thẩm đoàn tham gia tố tụng ở các nước này. Trong những vụ án dân sự phức tạp hoặc tranh chấp có giá trị lớn đều có bồi thẩm đoàn tham gia phiên tòa sơ thẩm.3 Nếu vụ án dân sự xét xử có bồi thẩm đoàn thì tại phiên tòa, bồi thẩm đoàn chỉ xem xét và quyết định về những vấn đề sự kiện còn những nội dung pháp lý sẽ do thẩm phán quyết định.4

Trái lại, các nước theo mô hình tố tụng thẩm xét thì nguyên tắc đặc trưng lại là hai cấp xét xử. Cơ sở lý luận cho việc áp dụng nguyên tắc này là: thứ nhất, với quan niệm rằng thẩm phán mặc dù được đào tạo chuyên môn về luật pháp, có kinh nghiệm xét xử và được sự bổ trợ những kinh nghiệm thực tế cuộc sống của hội thẩm hay phụ thẩm khi xét xử nhưng dầu sao vẫn là những con người bình thường, tức là cũng có thể mắc những sai lầm do trình độ, nhận thức hoặc cảm tính cá nhân. Để khắc phục những sai sót có thể xảy ra đó, pháp luật tạo điều kiện cho các đương sự sau khi xét xử lần đầu (sơ thẩm) có cơ hội yêu cầu tòa áp cấp trên xem xét lại một lần nữa (phúc thẩm).5 Toà án cấp trên với hội đồng xét xử có số lượng thẩm phán nhiều hơn, có kinh nghiệm hơn sẽ là đảm bảo tốt hơn cho vụ án được giải quyết công bằng, khách quan.6 Thứ hai, nguyên tắc bản án, quyết định có thể bị xem xét lại còn có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thẩm phán sơ thẩm. Thực vậy, với khả năng các phán quyết của mình có thể sẽ bị phúc thẩm để xem xét lại sẽ làm cho họ cảnh giác hơn, thận trọng hơn. Mặt khác, nếu thẩm phán bị phát hiện có nhiều sai lầm trong nghiệp vụ sẽ là một dấu ấn không tốt cho việc thăng tiến trong tương lai hoặc tái bổ nhiệm.7

Pháp luật tố tụng dân sự nước ta cũng bị ảnh hưởng nhiều từ mô hình thẩm xét của các nước châu Âu lục địa nên nguyên tắc hai cấp xét xử cũng cơ bản được ghi nhận trên tinh thần đó. Trước năm 2004, mặc dù không được quy định là một nguyên tắc cơ bản nhưng trong các quy định của pháp luật tố tụng dân sự ở nước ta đã thể hiện được nội dung của nguyên tắc này. Đến khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được ban hành thì hai cấp xét xử mới chính thức được quy định là một trong những nguyên tắc cơ bản (tại Điều 17 BLTTDS). Tuy vậy, những nội dung cơ bản của nguyên tắc này trong Bộ luật tố tụng dân sự 2004 hầu như không có sự thay đổi so với các văn bản pháp luật tố tụng dân sự trước đây. Nguyên tắc hai cấp xét xử được quy định tại các Điều 17, 245, 247, 252 BLTTDS với những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, các bản án, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của tòa án sơ thẩm khi ban hành sẽ chưa có hiệu lực pháp luật ngay mà được trù liệu một thời hạn nhất định cho các đương sự kháng cáo, viện kiểm sát kháng nghị.8 Hết thời hạn đó mà các chủ thể không kháng cáo, kháng nghị thì bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, còn nếu bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị thì sẽ phải được xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Thứ hai, bản án, quyết định của tòa án cấp phúc thẩm không thể bị kháng cáo, kháng nghị mà có hiệu lực pháp luật ngay.9 Nhằm bảo đảm cho tính nhanh chóng của tố tụng cũng như tránh tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu xét lại của đương sự để kéo dài vụ án, pháp luật quy định chỉ cho phép đương sự kháng cáo, viện kiểm sát kháng nghị một lần mà thôi.

Thứ ba, nội dung (phạm vi) phúc thẩm là chỉ xét lại những nội dung do đương sự kháng cáo và bị giới hạn bởi phạm vi mà bản án sơ thẩm đã giải quyết. Nói cách khác, toà phúc thẩm chỉ xét xử trong phạm vi những nội dung mà tòa sơ thẩm đã xét xử và, đương nhiên, chỉ những phần đương sự kháng cáo.10 Toà phúc thẩm không thể giải quyết những yêu cầu mới vì nếu như vậy sẽ vừa xét xử sơ thẩm vừa xét xử phúc thẩm ngay nên sẽ vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử. Tuy nhiên việc đề xuất các chứng cứ mới trước tòa phúc thẩm để biện giải cho các yêu cầu của mình là quyền của đương sự và nó hoàn toàn khác với các yêu cầu mới.

Thứ tư, những bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được mọi chủ thể tuyệt đối chấp hành. Những bản án quyết định có hiệu lực pháp luật không thể bị thay đổi hay bãi bỏ. Giám đốc thẩm và tái thẩm không phải là một cấp xét xử mà chỉ là một thủ tục đặc biệt để xem xét lại những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nước ta, các đương sự không có quyền kháng cáo giám đốc thẩm hay tái thẩm mà chỉ những người có thẩm quyền đứng đầu cơ quan tòa án hoặc viện kiểm sát mới có quyền quyết định.

Trong pháp luật nước ta nguyên tắc này không có ngoại lệ, tức là mọi bản án, quyết định sơ thẩm đều có thể bị phúc thẩm. Trong khi đó pháp luật tố tụng dân sự ở các nước đều áp dụng phổ biến thủ tục giản lược cho các loại tranh chấp có giá trị nhỏ. Những tranh chấp gồm cả tranh chấp về dân sự hoặc thương mại được xác định là nhỏ khi thấp hơn một khoản tiền cụ thể.11 Những tranh chấp này khi đương sự khởi kiện ở tòa án thì bắt buộc phải tuân theo thủ tục đơn giản như mô hình một số bang của Hoa Kỳ,12 hoặc có quyền lựa chọn theo thủ tục đơn giản hoặc theo thủ tục thường như mô hình của Nhật Bản.13 Bản án đối với những vụ việc này sau khi tuyên thì có hiệu lực pháp luật ngay mà không thể bị kháng cáo phúc thẩm. Đây không chỉ là thủ tục rất thuận tiện cho các đương sự trong các tranh chấp nhỏ mà còn góp phần giảm thiểu gánh nặng quá tải án dân sự ở cấp phúc thẩm. Thủ tục này là một ngoại lệ của nguyên tắc hai cấp xét xử và đang được ưa chuộng tại nhiều nước.

2. Thực trạng áp dụng

Thực tiễn áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử ở nước ta hiện nay chưa được thực hiện tốt, các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này đã và đang bộc lộ những điểm chưa hợp lý dẫn đến vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và làm kéo dài quá trình tố tụng.

Hiện nay, tình trạng một vụ án bị xét xử kéo dài nhiều năm vẫn còn khá phổ biến ở nước ta, thậm chí có những vụ án trải qua hàng chục lần xét xử và kéo dài hàng chục năm.14 Nguyên nhân là do các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự chưa hợp lý dẫn đến một vụ án có thể phải xét xử qua nhiều lần, nhiều cấp, hết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm rồi lại xét xử sơ thẩm, phúc thẩm… Vậy nguyên nhân của tình trạng trên là gì? Có thể kết luận đó là do cách quan niệm cũng như việc áp dụng trên thực tế nguyên tắc hai cấp xét xử ở nước ta chưa đúng với nguyên nghĩa và bản chất của nguyên tắc này. Cụ thể là:

Thứ nhất, ở nước ta không có sự phân biệt giữa vấn đề sự kiện và pháp lý. Vì vậy mà không chỉ tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm được xem xét đến toàn bộ nội dung vụ án mà kể cả trong thủ tục giám đốc thẩm, thủ tục đặc biệt xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án cũng xem xét lại cả các căn cứ về sự kiện cũng như về pháp lý. Đó là các quy định sau:

1. Một trong những căn cứ của kháng nghị giám đốc thẩm là “kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án”.15

2. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định để xét xử lại khi “việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không theo đúng quy định tại chương VII của Bộ luật này”.16

3. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định để xét xử lại nếu “kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án…”.17

Đây rõ ràng là các vấn đề thuộc về sự kiện của vụ án. Việc thu thập chứng cứ hay chứng minh phải hoàn toàn do tòa án cấp sơ thẩm hay tòa án cấp phúc thẩm nơi mà phiên tòa được diễn ra công khai với sự tham gia phiên tòa của các đương sự, người làm chứng, các chứng cứ được phân tích đánh giá một cách trực tiếp quyết định. Hội đồng giám đốc thẩm chỉ xét lại vụ án trên hồ sơ do tòa án cấp sơ thẩm hay phúc thẩm chuyển giao, phiên họp giám đốc thẩm là họp kín không có sự tham gia của đương sự, người làm chứng, hơn nữa các thẩm phán giám đốc thẩm không tham gia thu thập chứng cứ, không tham gia phiên tòa sơ thẩm hay phúc thẩm. Vậy làm thế nào để kiểm định sự thu thập chứng cứ không đầy đủ, không phù hợp, không đúng thủ tục? Trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự và đương sự phải chịu trách nhiệm với các chứng cứ, sự kiện mà họ cung cấp. Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong những trường hợp đặc biệt mà thôi.

Về căn cứ kết luận không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án thì tình tiết khách quan của vụ án sẽ được hiểu là sự thật của vụ án mà không chỉ các đương sự có nghĩa vụ trình bày mà cả tòa án cũng có trách nhiệm tự tìm hiểu. Phần kết luận trong bản án, quyết định được hiểu là phần quyết định trong bản án hay phần nhận định của tòa án? Bởi vì Bộ luật tố tụng dân sự sử dụng ba thuật ngữ khác nhau là kết luận, nhận định và quyết định nên mới đặt ra vấn đề xác định nội hàm của các khái niệm trên. Nếu kết luận được hiểu là phần nhận định của tòa án, tức là phần trình bày cách hiểu của tòa án về nội dung vụ án, về sự thật vụ án qua những chứng cứ mà các bên cung cấp cũng như tòa án thu thập, qua kết quả xét xử tại phiên tòa, thì phần nội dung này hoàn toàn thuộc về vấn đề sự kiện. Nếu là vấn đề sự kiện thì nó đã được đánh giá qua việc xét xử tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm theo nguyên tắc hai cấp xét xử nên cần phải được tôn trọng. Ngược lại, nếu hiểu kết luận trong bản án là phần quyết định của tòa án, tức là phần cuối cùng của bản án thì căn cứ trên phải được quy định là quyết định của bản án không phù hợp với những nhận định của tòa án. Nếu vậy, căn cứ này cũng tương tự như pháp luật một số nước quy định căn cứ cho việc phá án là bản án thiếu căn bản pháp lý.18 Nói cách khác, bản án, quyết định của tòa án đã phán quyết mâu thuẫn với nhận định của chính mình, do đó việc áp dụng pháp luật là hoàn toàn không có căn cứ nên nó phải bị xét lại. Thực tế đã chứng minh vì không có sự phân biệt giữa sự kiện và pháp lý nên khái niệm kết luận được hiểu theo cách thứ nhất. Hậu quả là không có sự khác biệt rõ rệt giữa tính chất của phúc thẩm và giám đốc thẩm, do đó giám đốc thẩm bị biến dạng thành cấp xét xử thứ ba.19

Về vấn đề này, các nước theo mô hình tranh tụng Anh-Mỹ với nguyên tắc xét xử chung thẩm thì việc phân biệt giữa sự kiện và pháp lý để nhằm phân quyền giữa bồi thẩm đoàn quyết định về sự kiện và thẩm phán quyết định về pháp lý. Nếu bản án bị phúc thẩm thì tòa án cấp phúc thẩm trên thực tế chỉ xem xét lại những nội dung pháp lý chứ không xét lại những vấn đề sự kiện vì ở cấp phúc thẩm không có sự tham gia của bồi thẩm đoàn.20 Trái lại, trong các nước theo mô hình thẩm xét châu Âu lục địa thì sự phân biệt giữa sự kiện và pháp lý để áp dụng hai thủ tục khác nhau về tính chất, ý nghĩa là phúc thẩm và phá án. Ở thủ tục phúc thẩm, tòa án cấp phúc thẩm có quyền xem xét lại toàn bộ vụ án, tất cả các chứng cứ, yêu cầu của đương sự, vấn đề sự kiện và pháp lý. Các đương sự, nhân chứng và các chủ thể tố tụng một lần nữa được tham gia phiên tòa phúc thẩm và tiến hành các bước tố tụng như trong phiên tòa sơ thẩm.21 Đối với thủ tục phá án, mục đích không phải chỉ nhằm bảo vệ lợi ích tư của các đương sự mà còn nhằm bảo vệ trật tự pháp luật, sự thống nhất trong giải thích và áp dụng pháp luật.22

Do đó, phạm vi và căn cứ của việc phá án được giới hạn trong những vấn đề pháp lý và thủ tục chứ không xem xét đến nội dung sự kiện của vụ án. Ở Đức, thủ tục phá án (revision) chỉ xem xét đến những vi phạm trong áp dụng pháp luật như giải thích pháp luật sai lầm, áp dụng những căn cứ pháp luật hoàn toàn khác biệt với những nhận định về nội dung của vụ án hoặc những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.23 Tòa án xét lại án có hiệu lực sẽ mặc nhiên công nhận những sự kiện, tình tiết đã được tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm kết luận mà không được phép xem xét lại.24 Ở Pháp, căn cứ cho việc phá án (cassation) bao gồm các trường hợp vi phạm pháp luật khi áp dụng sai pháp luật nội dung để giải quyết vụ án, tòa án giải quyết không có thẩm quyền, tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và khi có nhiều bản án mâu thuẫn nhau về cùng một vụ việc.25 Thứ hai, ở nước ta thẩm quyền phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm được trao cho nhiều đơn vị xét xử. Đơn vị xét xử được hiểu có thể là một cấp tòa án cũng có thể là một bộ phận chuyên môn của tòa án nhưng có thẩm quyền xét xử độc lập. Bởi vì hệ thống tòa án nhân dân nước ta được tổ chức thành ba cấp gồm có tòa án nhân dân cấp huyện, tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao nên khi kết hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử đã biến mỗi cấp tòa án nước ta trở thành “đa năng”. Ngoài tòa án cấp huyện chỉ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm thì tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử cả bốn thủ tục là sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm; Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Đặc biệt hơn, trong mỗi cấp tòa án lại có nhiều đơn vị xét xử và các đơn vị xét xử này có quyền xét lại những bản án, quyết định của đơn vị xét xử khác mặc dù chúng đều thuộc một cấp tòa án. Chẳng hạn Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét lại những bản án, quyết định phúc thẩm của các tòa phúc thẩm hay các quyết định của các tòa chuyên trách. Tình trạng này đã biến mỗi cấp tòa án thành “đa cấp” xét xử. Chính sự “đa năng” và “đa cấp” của hệ thống tòa án nước ta đã làm biến dạng nguyên tắc hai cấp xét xử thành ba cấp, thậm chí riêng thủ tục giám đốc thẩm trên thực tế đã biến thành ba cấp trong đó một ở tòa án cấp tỉnh và hai ở Tòa án nhân dân tối cao.26 Hậu quả là dẫn tới quá tải vụ việc cho tòa án cấp trên, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao.27 Với gánh nặng các vụ án ngày càng gia tăng, Tòa án nhân dân tối cao đã chú ý đến việc xét xử các vụ việc cụ thể hơn chức năng chính là tổng kết và giám sát chung.28

Mặt khác, ở nước ta thẩm quyền giám đốc thẩm và tái thẩm được trao cho cả Tòa án nhân dân tối cao và tòa án nhân dân cấp tỉnh (hiện nay là 64 tỉnh, thành) đã không đảm bảo được sự thống nhất pháp luật, có chồng chéo trong giải thích và áp dụng pháp luật. Bởi vì, bản chất của thủ tục giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử nên không xét về nội dung vụ việc mà chỉ nhằm đảm bảo cho việc giải thích và áp dụng pháp luật được thống nhất trong phạm vi cả nước. Nhưng với sự trao quyền giám đốc thẩm cho cả các tòa án địa phương thì không thể tránh khỏi những chồng chéo, mâu thuẫn trong giải thích và áp dụng pháp luật. Điều này cũng dẫn đến hiện tượng sau khi tòa án nhân dân cấp tỉnh đã xét xử giám đốc thẩm rồi thì quyết định đó có thể lại được Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm lại một lần nữa.

Nghiên cứu pháp luật so sánh ở các nước cho thấy thẩm quyền phá án chỉ được trao cho tòa án cấp cao nhất trong quốc gia ví dụ như Tòa phá án của Pháp (Cour de Cassation), Tòa án Liên bang Đức (Bundesgerichtshof), Tòa phá án của Ý (Corte di Cassazione), Tòa tư pháp tối cao của Bồ Đào Nha (Supremo Tribunal de Justia)…29 Quan điểm chỉ trao thẩm quyền phá án cho tòa án cấp cao nhất trong nước vì cho rằng mục đích, vai trò của thủ tục phá án là nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc giải thích pháp luật cho nên tốt hơn hết thẩm quyền phá án chỉ trao cho một tòa án ở cấp cao nhất.

3. Kiến nghị sửa đổi

Như đã phân tích ở trên, do không phân biệt giữa sự kiện và pháp lý trong pháp luật tố tụng dân sự nước ta dẫn đến thủ tục giám đốc thẩm đã xét lại cả phần sự kiện và pháp lý nên về mặt lý thuyết, vi phạm đến nguyên tắc hai cấp xét xử, về mặt thực tiễn dẫn đến tình trạng một vụ án phải xét xử nhiều lần, kéo dài tố tụng. Như vậy, muốn góp phần giải quyết hiện trạng đó chúng ta phải thay đổi về nhận thức nguyên tắc hai cấp xét xử đồng thời sửa đổi những nội dung về tính chất, phạm vi của giám đốc thẩm theo hướng sau:

Thứ nhất, chúng ta phải phân biệt vấn đề sự kiện và pháp lý trong tố tụng dân sự. Do mô hình tố tụng dân sự nước ta được thiết kế theo mô hình thẩm xét, nên chúng ta có thể quy định cho cấp phúc thẩm có thể xem xét lại cả mặt sự kiện và pháp lý của vụ án. Tuy nhiên, đối với căn cứ kháng nghị phúc thẩm của viện kiểm sát nên giới hạn lại trong phạm vi những vấn đề về pháp lý hoặc vi phạm thủ tục tố tụng bởi vì sự tham gia của viện kiểm sát trong tố tụng dân sự là nhằm bảo vệ lợi ích công, trật tự pháp luật chứ không phải bảo vệ lợi ích cá nhân các đương sự.

Thứ hai, sửa đổi một số quy định về tính chất, phạm vi của giám đốc thẩm theo hướng chỉ xem xét, quyết định những vấn đề về pháp lý và thủ tục tố tụng chứ không thể xem xét lại mặt sự kiện của vụ án.

Để đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử thì phải quán triệt nguyên tắc những vấn đề về sự kiện của vụ án chỉ có thể xem xét tại cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm – tức là chỉ được giải quyết tối đa qua hai cấp xét xử. Cụ thể, một là, cần quy định lại tính chất của giám đốc thẩm là chỉ xem xét những vấn đề thuộc về mặt pháp lý hoặc thủ tục tố tụng của vụ án; hai là, bãi bỏ những quy định về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm hay cơ sở thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định để xét xử lại vụ án được quy định tại khoản 1 Điều 283, khoản 1, 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự về việc thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận của bản án, quyết định không phù hợp tình tiết khách quan của vụ án. Thay vào đó việc quy định căn cứ kháng nghị và thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm chỉ dựa trên những vấn đề pháp lý hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; ba là, quy định kết luận của bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án nên được sửa đổi là phần quyết định của bản án, quyết định không phù hợp với những nhận định của tòa án, tức là bản án, quyết định được tuyên bố thiếu cơ sở nên sẽ là căn cứ cho việc xét lại án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thứ ba, quy định lại thẩm quyền giám đốc thẩm. Quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm như hiện nay là phân tán. Không chỉ Tòa án nhân dân tối cao mà 64 tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay cũng có thẩm quyền này đã không đảm bảo cho việc thực hiện mục tiêu chính của thủ tục giám đốc thẩm là giải thích, áp dụng pháp luật thống nhất. Chính vì vậy, thiết nghĩ cùng với chủ trương cải cách hệ thống tòa án nhân dân theo hướng cấp xét xử thì thẩm quyền giám đốc thẩm nên được trao về cho Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án nhân dân tối cao với chức năng hướng dẫn, giải thích pháp luật cho tòa án nhân dân các cấp sẽ hoàn toàn phù hợp khi thực hiện thẩm quyền giám đốc thẩm. Bởi vì theo đúng nguyên nghĩa của thủ tục này, thông qua việc giám đốc thẩm cũng là một hình thức hướng dẫn, giải thích pháp luật chính yếu của Tòa án tối cao kể cả ở những nước áp dụng án lệ phổ biến hoặc không.

Thứ tư, cải cách lại tổ chức của tòa án. Đồng thời với việc tập trung thẩm quyền giám đốc thẩm (cũng như thẩm quyền xét xử tái thẩm), chúng ta phải cải cách và giảm thiểu các đơn vị xét xử trong mỗi cấp Tòa án, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao. Thực vậy, việc tách các tòa phúc thẩm trong Tòa án nhân dân tối cao thành các tòa độc lập theo mô hình của Hiến pháp năm 1946 là cần thiết. Đồng thời quy định thẩm quyền các Ban hoặc các Tòa trong Tòa án nhân dân tối cao chỉ là các bộ phận trợ giúp xét xử chứ không có tư cách tố tụng riêng, các bản án, quyết định đều dưới danh nghĩa của Tòa án nhân dân tối cao. Có như vậy thì chiến lược cải cách tổ chức hệ thống tòa án theo cấp xét xử mới khả thi đồng thời cải thiện tình trạng một cấp tòa án biến dạng thành nhiều cấp xét xử như hiện nay. Về điểm này, kinh nghiệm tổ chức tòa án tối cao ở các nước thiết nghĩa sẽ có giá trị tham khảo khi chúng ta tiến hành cải cách hệ thống tòa án. Ở Nhật, các vụ án được mang ra trước Tòa án tối cao sẽ mặc nhiên thuộc thẩm quyền của một trong ba ban xét án. Chỉ trừ khi vụ án đó liên quan đến vấn đề giải thích hiến pháp, phán quyết mới trái với các án lệ của Tòa án tối cao hoặc có sự tranh chấp thẩm quyền giữa các ban xét án thì mới đưa ra hội đồng toàn thể các thẩm phán. Khi vụ án đã được xem xét ở một trong các ban xét án thì không thể bị hội đồng toàn thể các thẩm phán xem xét lại.30 Hoặc như trường hợp ở Pháp, Tòa phá án bao gồm có 6 ban (Ban hình sự, 3 Ban dân sự, Ban thương mại và Ban các vấn đề xã hội). Vụ án sẽ được xem xét ở một trong các ban đó và sau khi tuyên án đều nhân danh Tòa phá án. Khi vụ án đã được xét xử ở một trong các ban thì không thể bị ban khác xem xét lại.31

Thứ năm, nên quy định rõ ràng về hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm. Một vấn đề nữa cần được xem xét ở đây là các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán trên thực tế có phải là quyết định có hiệu lực cao nhất và cơ chế đảm bảo tính hiệu lực cao nhất này như thế nào? Ở Pháp, án lệ và khoa học pháp lý đã ảnh hưởng đến thực tiễn áp dụng pháp luật khi tòa sơ thẩm lần thứ hai này phải tuân thủ những hướng dẫn của Tòa phá án. Khi Tòa phá án tuyên huỷ bỏ một bản án, trả lại cho tòa sơ thẩm và yêu cầu xét xử lại thì sẽ có những hướng dẫn kèm theo để đảm bảo cho tòa sơ thẩm sẽ không phạm phải những sai lầm như đã xử trước đó.32 Bản án do đó, sẽ không bị phá án thêm một lần nữa. Trái lại, ở nước ta chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của tòa án cấp dưới khi xét xử lại vụ án phải theo quan điểm hướng dẫn của tòa án đã giải quyết giám đốc thẩm. Vì vậy mà tồn tại tình trạng bản án, quyết định mới lại không phù hợp với quan điểm của tòa án cấp trên nên lại bị kháng nghị để xét xử lại nhiều lần. Thiết nghĩ Bộ luật tố tụng dân sự nên quy định khi tòa án xét xử lại vụ án lần tiếp theo thì phải tuân theo quan điểm chỉ đạo của tòa án giám đốc thẩm trừ khi quan điểm chỉ đạo đó là trái pháp luật. Có như vậy mới có thể góp phần chấm dứt tình trạng một vụ án xét xử nhiều lần, mất thời gian, công sức, gây tốn kém cho đương sự cũng như cho tòa án nói riêng và ngân sách nhà nước nói chung.

Chú thích:

1 Jack I.H. Jacob, The Fabric of English Civil Justice, Nxb Steven & Son Press, 1987, tr.23, 24

2 Xem thêm Paul D. Carrington, The Civil Jury and American Democracy, Tạp chí Duke Journal of Comparative & International Law, số mùa hè, 2003, tr. 3-4.

3 Bồi thẩm đoàn cho vụ án dân sự hay hình sự thường gồm 12 người như ở Anh, Úc, một số bang của Hoa Kỳ hoặc 9 người như áp dụng ở một số bang khác tại Hoa Kỳ và được chọn một cách ngẫu nhiên cho mỗi vụ án.

4 Nguyên tắc “Jury decides matter of facts and Judge decides question of law” quy định phân quyền giữa bồi thẩm đoàn và thẩm phán trong các nước theo mô hình tranh tụng. Xem thêm Jack I.H Jacob, sđd , tr. 157

5 Nguyễn Huy Đẩu, Luật dân sự tố tụng Việt Nam, Nxb Sài Gòn, 1962, tr.113, 114

6 Jack I.H Jacob, Sđd , tr.212

7 Nguyễn Huy Đẩu, sđd, tr. 114.

8 Xem Điều 24, 247, 252 BLTTDS

9 Khoản 6 Điều 279, khoản 6 Điều 280 BLTTDS.

10 Xem Điều 263 BLTTDS.

11 Ở Nhật Bản theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 1996 thì mức tiền này là 300.000Yên (khoảng 44 triệu đồng). Một số bang của Mỹ thì mức tiền từ 150 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) đến 1000 USD (khoảng 16 triệu đồng).

12 Steven Weller, John C. Ruhnka, và John A. Martin, Small Claims Court: A Comparative Study, NXB Clarendon Press 1990, tr. 165, 166.

13 Card F. Goodman, Justice And Civil Procedure In Japan, NXB Oceana Publications Inc. 2004, tr. 483.

14 Chẳng hạn như vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa bà Trần Thị Bình và bà Hoàng Thị Thanh ở Pleiku, Gia Lai đã trải qua 12 lần xét xử, kéo dài 18 năm, trong đó có 4 phiên tòa sơ thẩm, 4 phiên tòa phúc thẩm và 4 phiên tòa giám đốc thẩm. Xem thêm Tưởng Duy Lượng, Bình luận một số án dân sự và hôn nhân gia đình, NXB Chính trị quốc gia 2001, tr. 59-68.

15 Khoản 1 Điều 283 BLTTDS

16 Khoản 1 Điều 299 BLTTDS.

17 Khoản 2 Điều 299 BLTTDS.

18 Peter L. Murray và Rolf Stuner, German Civil Justice, Nxb Carolina Academic, 2004, tr. 391.

19 Hoàng Thế Liên chủ biên, Chuyên đề về sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 1992, Thông tin khoa học pháp lý của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ tư pháp, số 8 (2001), tr.131; Vũ Văn Nhiêm, Về chế độ hai cấp xét xử, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 7 (2003), tr. 37

20 Martin Shapiro, Court- A Comparative and Political Analysis, Nxb The University of Chicago Press, 1981, tr.39

21 Tuy nhiên, phạm vi của xét xử phúc thẩm cũng bị hạn chế trong phạm vi giải quyết của Toà án cấp sơ thẩm và nội dung kháng cáo của đương sự. Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận những yêu cầu mới nhưng hoàn toàn cho phép các chứng cứ mới được xuất trình, điều mà Toà án cấp phúc thẩm trong hệ thống thông luật hầu như không chấp nhận. Xem thêm Martin Shapiro, Sđd .

22 W. Wedekind, Justice and Eficiency: General Reports and Discussion, Nxb Kluwer Law and Taxation, 1989, tr. 83.

23 Peter L. Murray và Rolf Stuner, sđd, tr. 391.

24 Peter L. Murray và Rolf Stuner, sđd , tr. 392.

25 Charles Platto (chủ biên), Civil Appeal Procedures Worldwide, Nxb Graham&Trotman, 1992, tr. 165.

26 Hoàng Thế Liên chủ biên, sđd , tr. 131.

27 Nguyễn Quang Lộc, Hệ thống cơ quan xét xử: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (trong cuốn Một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam do Lê Minh Thông chủ biên), Nxb Khoa học xã hội,2001, tr. 393 ; Đào Trí Úc (chủ biên), Hệ thống tư pháp và cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay, NXB Khoa học xã hội, 2002, tr. 99.

28 Hoàng Thế Liên chủ biên, sđd, tr. 132.

29 Xem thêm Charles Platto (chủ biên), sđd, số 25.

30 Joseph W.S. Davis, Dispute Resolution in Japan , Nxb Kluwer Law International, 1996, tr. 328.

31 Charles Platto (chủ biên), sđd , tr. 166, 167

32 Nguyễn Huy Đẩu, sđd , tr. 687, 688

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 6/2006

One Response

  1. chú ơi chú có thể giúp con câu hỏi này được không ạ?
    Phạn tích nguyên tắc tòa án xét xử theo hai cấp.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading