admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP VỀ CON HEO NÁI TRÔI SÔNG

TẤN VŨ – MỸ DUNG

Hai bà nông dân tranh nhau quyết liệt một con heo nái trôi sông. Chính quyền địa phương và tòa đều bối rối, phải chờ heo… đẻ mới có cơ sở phán quyết! TAND huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đang thụ lý vụ tranh chấp một con heo nái đang mang thai trôi sông giữa hai bà Đặng Thị Thơ và Đoàn Thị Tuyết, cùng ngụ xã Điện Bàn. Đây là một vụ tranh chấp quyết liệt mà chính quyền địa phương đã từng hòa giải nhưng không thành. Ai là chủ heo?

Trước đó, ngày 7-12-2007, bà Thơ đã gửi đơn tới UBND xã Điện An khiếu nại việc gia đình bà Đoàn Thị Tuyết không chịu trả lại con heo nái trôi sông trong nước lũ cho bà. Bà Thơ trình bày, vào đêm lũ ngày 12 rạng sáng 13-9 âm lịch năm 2007, gia đình bà bị trôi mất một con heo nái. Ông Mính, một nông dân ở thôn bên cạnh đã vớt được con heo này. Sau đó, bà Tuyết, trú cùng thôn với ông Mính đã trả cho ông này 200 ngàn đồng để chở heo về nhà nuôi. Nhiều ngày sau, gia đình bà Thơ đi tìm heo nhưng không thấy. Thế rồi gặp được ông Mính, nghe ông này mô tả hình dáng, đặc điểm của heo cũng như thời gian vớt heo, bà Thơ nhất quyết rằng con heo đó là của nhà mình. Bà quả quyết: “Heo nhà tôi, làm sao tôi quên được. Nó là heo Móng Cái, có vạch trắng quàng cổ, nặng từ 70 đến 80 kg, đã đẻ một lứa và đã phối hai liều tinh ngay vào ngày trước đêm nó bị trôi sông”. Trong khi đó, bà Tuyết khăng khăng rằng con heo đó do tự tay bà nuôi lớn cho đến ngày bị nước lũ cuốn trôi. Bà Tuyết kể lại trong đợt lũ ấy, nhà bà cũng bị trôi một con heo nái. Sau đó, bà nghe ông Mính vớt được nên đến xin heo lại về nuôi. Tương tự như bà Thơ, bà Tuyết cũng cho rằng heo của bà đã hạ sinh được một lứa. Vào ngày 27-9 âm lịch, bà cũng có gọi thú y đến thụ tinh cho nó. Hiện con heo đang trong tình trạng mang thai. Bà Tuyết khẳng định: “Con heo nái này là của tôi. Nó là giống heo Móng Cái, mắt hí, miệng không dài, không ngắn. Heo có tổng cộng 12 vú, hai chân sau bị cong ra phía sau và chưa xác định heo nặng bao nhiêu ký”. Phải chờ… heo đẻ Phó Chủ tịch UBND xã Điện An Trần Văn Chiến cho biết ngày 17-2-2007, UBND xã đã thành lập một hội đồng hòa giải gồm Hội nông dân, hội phụ nữ, thanh tra nhân dân… nhưng thương lượng bất thành vì hai bà đều khăng khăng heo là của mình. Vì thế vụ việc phải chuyển lên nhờ TAND huyện phân xử.

Giải quyết vụ án, TAND huyện Điện Bàn đã tìm gặp Trạm thú y Điện Bàn và Hội Chăn nuôi của huyện để tìm hiểu. Theo cán bộ trạm thú y, một con heo bình thường từ khi thụ tinh đến khi sinh là 114 ngày, trường hợp có tác động bên ngoài thì chỉ chênh lệch từ một đến hai ngày. Tòa cũng tìm gặp người thú y phối giống cho con heo nái nhưng ông ta nói rằng ông không còn nhớ rõ heo là của ai và ngày đã phối giống cho heo. Vì thế, hiện nay tòa phải chờ con heo đến ngày sinh nở để “đoán” heo là của ai.

Theo tòa, nếu đúng như chuyên gia thú y dự đoán thì từ khi con heo sinh nở trừ ra 114 ngày, nếu số ngày đó trùng khớp với lời khai của bà nào thì nhiều khả năng con heo nái này là của bà đó. Ngoài ra, tòa cũng đang tích cực thu thập thêm các chứng cứ khác để có cơ sở phán quyết. Tại trụ sở TAND huyện Điện Bàn, thẩm phán Lê Minh Tân, người trực tiếp giải quyết vụ án than thở: “Chỉ cầu mong cho con heo nái này không bị chết bất tử và sinh nở an toàn cho đến ngày xử án. Cả đời làm án, chưa bao giờ tôi gặp vụ nào “trời ơi” như thế cả!”. Dự kiến vào ngày 19-3 tới, TAND huyện Điện Bàn sẽ đưa vụ án ra xét xử.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẠT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ONLINE

One Response

  1. Vậy hiện nay, vụ tranh chấp này đã được giải quyết thế nào? Vui lòng cung cấp thông tin. Xin cảm ơn!

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d