TRẦN VĂN BIÊN – Viện Nhà nước và Pháp luật
Trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp, chế định hợp đồng vay tài sản (HĐVTS) được quy định tại Phần thứ ba, Chương XVIII, Mục 4, từ Điều 455 đến Điều 463. So với Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành, các quy định về HĐVTS trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) đã huỷ bỏ 1 điều về hình thức của HĐVTS và bổ sung mới 1 điều- Điều 463: Chơi hụi, họ, biêu, phường. Bài viết dưới đây xin đóng góp một số ý kiến về các quy định này.
1.Về vấn đề trả lãi và lãi suất
Liên quan đến vấn đề trả lãi và lãi suất trong quan hệ vay tài sản, Dự thảo BLDS (sửa đổi), có các điều, khoản sau đề cập đến vấn đề này:
Điều 458:
– (Khoản 4) Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
– (Khoản 5) Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi theo lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Điều 460. Lãi suất:
– (Khoản 1) Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng.
– (Khoản 2) Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi trong việc vay, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất, thì áp dụng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Các điều khoản mà chúng tôi vừa dẫn ra ở trên có nói đến “lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước”, “lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước” và “lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định”. Các quy định về lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn, lãi suất nợ quá hạn và lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định không thể tìm thấy trong pháp luật dân sự mà phải tìm trong các văn bản chuyên ngành- pháp luật ngân hàng. Như vậy, các quy định của Điều 458, 460 là các quy định dẫn chiếu. Vấn đề đặt ra là: trong pháp luật ngân hàng các mức lãi suất trên có được quy định hay không?
Như chúng ta đã biết, Bộ luật Dân sự hiện hành có hiệu lực từ ngày 1/7/19961 thì trước đó 6 tháng ngày 28/12/1995, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định số 381/QĐ- NH1 Về điều chỉnh lãi suất tiền gửi và tiền vay đối với tổ chức kinh tế và dân cư. Theo đó, kể từ ngày 1/1/1996 trở đi Ngân hàng Nhà nước đã không còn công bố lãi suất tiết kiệm nữa mà công bố trần lãi suất. Các tổ chức tín dụng căn cứ vào trần lãi suất cho vay do Ngân hàng Nhà nước công bố để ấn định mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm và lãi suất cho vay cụ thể, phù hợp với điều kiện hoạt động của từng tổ chức tín dụng. Ngày 02/8/2000, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra Quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN1 Về việc thay đổi cơ chế điều hành lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Theo đó, từ ngày 5/8/2000 cơ chế điều hành trần lãi suất cho vay được thay thế bằng cơ chế điều hành lãi suất cơ bản đối với cho vay bằng đồng Việt Nam và cơ chế lãi suất thị trường có quản lý đối với cho vay bằng ngoại tệ. Như vậy, hiện nay ở từng thời điểm nhất định, Ngân hàng Nhà nước thường công bố lãi suất cơ bản trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay thương mại đối với khách hàng tốt nhất của nhóm các tổ chức tín dụng được lựa chọn, để các tổ chức tín dụng tham khảo ấn định lãi suất kinh doanh và định hướng lãi suất thị trường. Do đó, từ 1/1/1996 đến nay, chúng ta không xác định được mức lãi suất nào là lãi suất tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước công bố, mà chỉ xác định được lãi suất tiền gửi tiết kiệm do các tổ chức tín dụng tự quy định dựa trên trần lãi suất và nay là lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Và từ ngày 5/8/2000, chúng ta cũng không xác định được mức lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại vay tương ứng, bởi mức lãi suất này do các tổ chức tín dụng tự ấn định căn cứ vào lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Đối với khoản nợ đến hạn nếu chưa trả được và không được gia hạn thì phải chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn. Trước đây, theo quy định của Quyết định số 266/QĐNH1 ngày 27/9/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 150% mức lãi suất ghi trong hợp đồng nếu hợp đồng vay tiền được xác lập trước ngày 1/10/1996; mức lãi suất quá hạn được tính bằng 150% mức trần lãi suất cho vay cùng loại do Ngân hàng Nhà nước công bố nếu hợp đồng được xác lập từ ngày 1/10/1996. Hiện nay, quy định này đã được sửa đổi theo hướng dành quyền tự quyết cho tổ chức tín dụng trong phạm vi mức tối đa do Ngân hàng Nhà nước quy định: “Lãi suất nợ quá hạn được thoả thuận trong hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, nhưng không vượt quá 150% mức lãi suất cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng”(Quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN1 ngày 02/8/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Về việc thay đổi cơ chế điều hành lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng). Việc quy định lãi suất nợ quá hạn như trên đã khiến cho khái niệm “lãi suất nợ quá hạn” được nêu trong khoản 5, Điều 458 trở nên thiếu rõ ràng và khó thực hiện vì không xác định được “lãi suất nợ quá hạn của Ngân hàng Nhà nước” là lãi suất nào?
Từ những phân tích trên đây, chúng ta thấy rằng: nếu Điều 458 và 460 Dự thảo BLDS (sửa đổi) giữ nguyên quy định giống như Bộ luật Dân sự năm 1995 thì khi có tranh chấp, các đương sự cũng như Toà án sẽ không có căn cứ để tính lãi suất bởi vì các mức lãi suất mà Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định đã có sự thay đổi. Theo tôi, Dự thảo BLDS (sửa đổi) nên lấy mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm tiêu chuẩn để quy định cách tính lãi suất tại Điều 458 và 460 trong quan hệ vay tài sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án trong quá trình xét xử, đồng thời để đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ với các quy định khác trong hệ thống pháp luật về vấn đề này.
2. Về Điều 461- Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn và Điều 462- Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn
Để đúng hơn về mặt khái niệm, Dự thảo BLDS (sửa đổi) cần sửa đổi các cụm từ “hợp đồng vay không kỳ hạn” và “hợp đồng vay có kỳ hạn” thành “hợp đồng vay không xác định thời hạn” và “hợp đồng vay xác định thời hạn”. Liên hệ với pháp luật ngân hàng khi quy định về hợp đồng cho vay tín dụng- một hợp đồng gần gũi với HĐVTS ta sẽ thấy rõ điều này.
Tại khỏan 2 Điều 3 quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng(ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ – NHNN, ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) thì: “Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ khi khách hàng bắt đầu nhận vốn vay cho đến thời điểm trả hết nợ gốc và lãi vốn vay đã được thoả thuận trong hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng”. Còn “Kỳ hạn trả nợ là các khoảng thời gian trong thời hạn cho vay đã được thoả thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng mà tại cuối mỗi khoảng thời gian đó khách hàng phải trả một phần hoặc toàn bộ vốn vay cho tổ chức tín dụng” (khoản 3 Điều 3 Quy chế đã dẫn). Như vậy, theo cách định nghĩa trên, thời hạn cho vay và kỳ hạn trả nợ có điểm giống nhau: đều là căn cứ xác định thời điểm để bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Tuy nhiên, giữa chúng có điểm khác nhau:
– Nếu thời hạn cho vay là một khoảng thời gian, thì kỳ hạn là các khoảng thời gian trong thời hạn cho vay;
– Hết thời hạn cho vay, bên vay có nghĩa vụ trả hết nợ gốc và lãi cho bên cho vay; còn đến kỳ hạn bên vay chỉ có nghĩa vụ trả một phần trong toàn bộ tài sản vay. Tuy nhiên, có trường hợp các bên không có thoả thuận về kỳ hạn trả nợ, khi hết thời hạn cho vay thì đồng thời cũng đến kỳ hạn trả nợ. Trong trường hợp này, thời hạn cho vay trùng với kỳ hạn trả nợ bên vay có nghĩa vụ phải trả hết nợ gốc và lãi.
Nếu hiểu theo cách này, thì việc đồng nhất khái niệm thời hạn cho vay và kỳ hạn như trog Dự thảo BLDS (sửa đổi) là không chính xác. Mặt khác, nếu quy định như thế chúng ta sẽ thấy cùng một vấn đề nhưng đã có sự thiếu thống nhất khi sử dụng từ ngữ trong hoạt động lập pháp. Khoản 3 Điều 457 Dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định: “Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 462 của Bộ luật này”, trong khi đó, khoản 1 Điều 462 Dự thảo BLDS (sửa đổi) lại quy định: “… bên vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý”.
3. Về Điều 463- Chơi hụi, họ, biêu phường
Điều 463 Dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định:
“1- Chơi hụi, họ, biêu, phường (sau đây gọi chung là chơi hụi) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người chơi hụi, thời gian chơi hụi, số tiền chơi hụi, định kỳ lĩnh hụi, thể thức lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của chủ hụi và các hụi viên trong dây hụi.
2- Việc chơi hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.
3- Nghiêm cấm việc tổ chức chơi hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi nhằm mục đích thu lợi bất chính“.
Trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi), lần đầu tiên ở nước ta, Ban soạn thảo đã đưa những quy định về hụi, họ vào trong một Dự thảo luật. Tuy nhiên, vấn đề có công nhận việc chơi hụi, họ là một giao dịch hợp pháp không? Hụi, họ thực chất có phải là hợp đồng vay tài sản có tính chất dân sự thông thường không? Và có nên quy định về hụi, họ trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) không?… đang là những vấn đề còn có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau làm nhức đầu Ban soạn thảo. Chính vì vậy, trong kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), vấn đề hụi họ đã được đưa ra để lấy ý kiến. Về vấn đề này tôi có một số quan điểm như sau:
Thứ nhất, về việc có công nhận chơi hụi, họ là một giao dịch hợp pháp không? Có ý kiến cho rằng việc chơi hụi, họ là một tệ nạn xã hội, làm tan nát biết bao gia đình và do đó cần phải bị nghiêm cấm. Như chúng ta đã biết, việc chơi hụi vốn là một tập quán có mục đích tốt đẹp thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong nhân dân, tuy nhiên theo đà phát triển của xã hội nó đã bị một số kẻ lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản làm cho tập quán nay bị biến dạng đi theo chiều hướng xấu. Nếu chúng ta đặt vấn đề nghiêm cấm việc chơi hụi tôi e rằng là sẽ khó thực hiện được vì đây là một tập quán, mà đã là tập quán thì nó thường bám rễ sâu trong đời sống cộng đồng khó mà thay đổi.
Ở nước ta, vào cuối những năm 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trước tình hình các dây hụi được lập ra sau đó bị bể, vỡ hàng loạt gây ảnh hưởng xấu đến ổn định kinh tế và trật tự xã hội. Ngày 10/8/1990, Văn Phòng Hội đồng Bộ trưởng đã ra Thông báo số 2590/PPCT về ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng về chống tệ nạn xã hội “vỡ hụi”. Tuy nhiên, việc chơi hụi vẫn không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng, số lượng các tranh chấp về nợ hụi khởi kiện tại toà án ngày một nhiều, trong khi đó pháp luật lại chưa có quy định điều chỉnh cụ thể vấn đề này. Chính vì vậy, ngày 8/8/1992, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân tối cao đã ra Thông tư liên ngành số 04/TTLN hướng dẫn toàn ngành thống nhất đường lối giải quyết tranh chấp về nợ hụi. Theo Thông tư số 04/TTLN, thì các tranh chấp về hụi, họ phải được thụ lý và giải quyết như là một loại tranh chấp về vay nợ, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển sang xử lý bằng hình sự. Tuy nhiên, sau khi BLDS 1995 được ban hành, Thông tư này đã bị huỷ bỏ theo Nghị quyết về việc thi hành BLDS của Quốc hội. Trong khi đó, BLDS 1995 lại không có quy định nào điều chỉnh về vấn đề này, nên khi có tranh chấp Toà án đã không có căn cứ pháp luật để giải quyết. Trước tình hình đó, Toà án nhân dân tối cao ra công văn hướng dẫn các Toà án địa phương ngừng thụ lý việc giải quyết tranh chấp hụi phát sinh từ sau ngày 1/7/1996 – thời điểm BLDS 1995 có hiệu lực, nếu đã thụ lý, chưa giải quyết xong thì ra quyết định tạm đình chỉ. Việc thiếu vắng sự điều chỉnh của pháp luật đối với loại quan hệ này dẫn đến nhiều khi các bên tự giải quyết tranh chấp với nhau bằng “luật rừng”, gây mất ổn định xã hội.
Thông báo số 2590/PPCT của Văn Phòng Hội đồng Bộ trưởng về ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng về chống tệ nạn xã hội “vỡ hụi” mặc dù không phải là văn bản có tính quy phạm bắt buộc, nhưng nó đã thể hiện quan điểm của nhà nước ta là nghiêm cấm việc chơi hụi, vì là không công nhận giao dịch này, nên ở thời điểm này, khi các bên có tranh chấp về hụi, họ mà khởi kiện ra toà án sẽ không được toà án thụ lý giải quyết để bảo vệ quyền lợi của các bên. Mặc dù vậy, không vì thế mà việc chơi hụi chấm dứt. Hiện nay, tuy việc chơi hụi không rộ lên như đã từng rộ lên một thời ở nước ta, nhưng ở đâu đó vẫn có một số nhóm người tham gia, nhất là ở những khu chợ bất chấp nó có được pháp luật công nhận hay không. Khi nói đến hụi, người ta vẫn thường nghĩ đến sự lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với những vụ giựt hụi hàng tỉ đồng gây tác hại đến nhiều gia đình, gây rối loạn trật tự xã hội. Nhưng thực tế, lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ là hiện tượng bất thường, có rất nhiều dây hụi vẫn an toàn vì sự tin cậy lẫn nhau và hụi vẫn có nhiều mặt tích cực, dựa vào các ưu điểm sau đây:
– Thủ tục đơn giản, sự góp vốn dễ dàng, vừa túi tiền nên hụi có thể chơi ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào nhất là ở khu vực chợ, thương mại có thu nhập đều đặn hàng ngày;
– Nhiều người góp vốn cho một người vay mà không cần cầm cố, thế chấp, bảo lãnh;
– Phương thức ưu tiên vay vốn theo thời gian rất minh bạch, công khai bằng cách đấu giá lãi suất (bỏ hụi);
– Người không cần vốn ngay được đền bù bằng cách hưởng lãi suất theo thời gian giống như gửi tiền tiết kiệm.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng chúng ta không nên nghiêm cấm hẳn việc chơi hụi.
Đã đến lúc chúng ta pháp điển hoá tập quán này thành quy phạm pháp pháp luật, để hạn chế những yếu tố tiêu cực như cho vay nặng lãi, lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, phát huy những mặt tích cực của hụi, họ để nó thực sự là một hình thức gây vốn hiệu quả mang tính chất tương trợ, không nhằm mục đích kinh doanh, vụ lợi.
Thứ hai, khi đã công nhận hụi là một giao dịch hợp pháp rồi thì nên quy định nó ở đâu?
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) theo phương án quy định về hụi, họ thực chất là hợp đồng vay tài sản dân sự thuần tuý, mang tính chất tương thân tương ái, không kinh doanh và trục lợi. Có lập luận cho rằng, việc chơi hụi không phải đơn thuần là “cho vay tài sản”. Nếu theo định nghĩa, thông thường muốn vay mượn phải có người đi vay và kẻ cho vay.
Ở đây là một người đi vay nhiều người và tiền vay là hình thức góp vốn; thay vì kẻ cho vay xác định lãi suất (cao, cắt cổ) mà người đi vay phải cam chịu, thì khi chơi hụi, lãi suất là do người đi vay tự nguyện đề nghị. Mặt khác, trong chơi hụi, có một người- chủ hụi đứng ra làm trung gian tài chính làm đầu mối huy động vốn và hưởng lợi nhuận, vì vậy việc chơi hụi thực chất là một quan hệ tín dụng- tín dụng dân gian. Do đó những người theo quan điểm này cho rằng, hụi, họ cần để cho các văn bản pháp luật chuyên ngành tài chính-ngân hàng quy định. Chúng tôi cho rằng, việc tranh luận hụi, họ là quan hệ dân sự hay tín dụng thật khó mà đến hồi ngã ngũ. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là nếu bỏ qua tiêu chí là dân sự hay tín dụng (cả hai đều thuộc lĩnh vực tư) đi, thì việc chơi hụi rất giống với quan hệ vay mượn. Trong khi đó, quan điểm chỉ đạo của việc sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này là xây dựng theo hướng là Bộ luật chung điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực tư trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm của các bên. Vì vậy mà việc quy định về hụi, họ trong một điều luật mang tính nguyên tắc để nó trở thành luật nền như trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là hoàn toàn hợp lý. Mặt khác, theo như đánh giá của Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Bộ luật này, thì BLDS được coi như là cẩm nang của mỗi người dân, mỗi gia đình trong các giao lưu dân sự; nên quy định hụi, họ trong BLDS sẽ được người dân biết đến nhiều hơn và tuân thủ nó khi tham gia chơi hụi.
Trên đây, là một số ý kiến góp ý cho các quy định về HĐVTS trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Mong rằng những ý kiến đó ít nhiều có giá trị tham khảo trong quá trình thảo luận và thông qua Dự thảo Bộ luật này.
Chú thích:
1 Bộ luật Dân sự được Quốc hội thông qua ngày 28/10/1995
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 1/2005
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Hợp đồng |
Leave a Reply