TRẦN THỊ PHƯƠNG HẠNH – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
“Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng…”, đây chính là đoạn đầu trong khái niệm doanh nghiệp được nghi nhận tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 (LDN 2005). Điều này cho thấy tên doanh nghiệp là một thành tố – một thành tố quan trọng – cấu thành doanh nghiệp. Tên có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống của doanh nghiệp, nó gắn liền với sự tồn tại, hưng thịnh hay suy vong của doanh nghiệp. Hiểu được tầm quan trọng của tên doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã có những chiến lược xây dựng và bảo vệ đối với tên gọi của doanh nghiệp mình; bên cạnh đó, pháp luật kinh tế, đặc biệt là pháp luật doanh nghiệp, cũng đã tạo dựng một hành lang pháp lý nhằm bảo hộ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp đối với tên gọi của doanh nghiệp.
1. Các yếu tố cấu thành tên doanh nghiệp
Cũng giống như con người, doanh nghiệp khi được khai sinh cũng cần có một cái tên. Tuy nhiên, khác với con người, doanh nghiệp là một sản phẩm nhân tạo mang tính pháp lý vì thế tên của doanh nghiệp phải thể hiện được những nội dung theo quy định của pháp luật, cụ thể là quy định của LDN 2005. Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 LDN 2005 thì tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
Thành tố thứ nhất, loại hình doanh nghiệp là hình thức tổ chức của doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân. Thành tố thứ hai, tên riêng của doanh nghiệp là từ hoặc nhóm từ mà những người thành lập tùy ý đặt cho doanh nghiệp. Tên riêng của doanh nghiệp là yếu tố giúp phân biệt các doanh nghiệp với nhau, nhất là các doanh nghiệp có loại hình giống nhau hoạt động cùng ngành, nghề. Theo quy định của Nghị định số 8 8/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh (sau đây viết tắt là Nghị định 88) thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng tên riêng bằng tiếng nước ngoài đã đăng ký để cấu thành một phần hoặc toàn bộ tên riêng của doanh nghiệp.
Như vậy, theo cách quy định của LDN 2005, ngoài hai thành tố trên, tên doanh nghiệp còn có thể có các thành tố khác như ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư, yếu tố sở hữu, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức khác… Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 88 thì những yếu tố đó lại là một bộ phận để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp. Nghĩa là tên doanh nghiệp, theo quy định của Nghị định 88, chỉ bao gồm 2 thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng, tất cả những yếu tố cấu thành tên doanh nghiệp không phải là loại hình doanh nghiệp đều được xem là tên riêng của doanh nghiệp. Điều này thể hiện sự thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật mà cụ thể trong trường hợp này là sự thiếu thống nhất giữa luật và văn bản hướng dẫn thi hành nó.
2. Tên doanh nghiệp: Sự lựa chọn cho chiến lược xây dựng thương hiệu
Tên doanh nghiệp là hình thức của doanh nghiệp, là đại từ xưng hô để xác định một doanh nghiệp cụ thể với đầy đủ những đặc điểm riêng biệt của nó, tên của doanh nghiệp A được sử dụng để ám chỉ về doanh nghiệp A với những đặc điểm ngành, nghề kinh doanh, trụ sở, chủ sở hữu… riêng có của doanh nghiệp A chứ không phải doanh nghiệp B, C nào khác. Tên doanh nghiệp được doanh nghiệp sử dụng thường xuyên trong các mối quan hệ với các chủ thể khác như quan hệ thương mại với các đối tác, quan hệ quản lý với các cơ quan quản lý nhà nước, quan hệ lao động với người lao động…
Trong quan hệ thương mại, tên doanh nghiệp ngoài vai trò xưng danh và giúp khách hàng nhận diện doanh nghiệp, tên doanh nghiệp còn có một vai trò quan trọng hơn đó là sự khẳng định uy tín, vị thế của doanh nghiệp trước khách hàng cũng như trước các đối tác. Chẳng hạn, nói đến Microsoft, người ta nghĩ ngay đến tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới, nói đến Coca Cola người ta nghĩ ngay đến công ty nước giải khát lớn nhất thế giới, nói đến Trung Nguyên người Việt Nam tự hào vì có một công ty cà phê nổi tiếng không chỉ ở thị trường trong nước… Có thể nói, tên doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, nó tồn tại suốt thời gian tồn tại của doanh nghiệp từ khi thành lập đến khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động và được sử dụng thường xuyên khi doanh nghiệp xuất hiện trước công chúng, trong các giao dịch với khách hàng. Tên doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để hình thành nên thương hiệu của doanh nghiệp. Trong thực tiễn hoạt động kinh doanh ở nước ta hiện nay, không ít những doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được những thương hiệu mạnh thông qua hình ảnh tên gọi của doanh nghiệp mình như siêu thị Coop Mart, dệt may Việt Tiến, đồ hộp Hạ Long, điện tử Tiến Đạt, sữa Vinamilk… Do đó, tên doanh nghiệp cũng được xem là một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, được bảo hộ dưới hình thức là tên thương mại bởi Luật sở hữu trí tuệ.1 Nhưng quyền đặt tên của doanh nghiệp trước hết thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật doanh nghiệp. Pháp luật doanh nghiệp khẳng định quyền tự do đặt tên doanh nghiệp, với điều kiện không được xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khác và không được trái với truyền thống, đạo đức dân tộc. Các giới hạn quyền tự do đặt tên này thể hiện ở các quy định cấm trong đặt tên doanh nghiệp2. Theo đó, (i) tên được đặt không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký; (ii) không được dùng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp (trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị, tổ chức đó); (iii) không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên cho doanh nghiệp; (iv) không được sử dựng tên thương mại của tổ chức, cá nhân khác đã đăng ký bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp (trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại đó).
3. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
Theo Điều 34 LDN 2005, tên trùng là tên được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Tên của hai doanh nghiệp được coi là trùng khi tất cả các thành tố cấu tạo nên tên của hai doanh nghiệp này hoàn toàn giống nhau trong cách viết lẫn cách đọc. Còn nếu có bất kỳ một sự khác biệt nào trong các thành tố của tên doanh nghiệp hay trong cách đọc hoặc cách viết của tên doanh nghiệp này thì chúng sẽ không bị coi là trùng tên. Chẳng hạn như sẽ bị coi là hai doanh nghiệp trùng tên khi cả hai đều có tên là công ty TNHH A&B, song doanh nghiệp sẽ không bị coi là trùng nếu chỉ có một doanh nghiệp tên “A&B”, doanh nghiệp còn lại tên “a&b” (cách đọc giống nhau nhưng viết khác nhau), trong trường hợp này hai doanh nghiệp sẽ bị coi là tên gây nhầm lẫn.
LDN 2005 xem những trường hợp sau đây là tên gây nhầm lẫn: (i) tên bằng tiếng Việt được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký hoặc chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”; (ii) tên viết tắt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký; (iii) tên riêng của doanh nghiệp chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi số tự nhiên, số thứ tự, hay bởi các chữ cái tiếng Việt (A, B, C…), các từ “tân”, “mới”, “ Bắc”, “miền Bắc”, “Nam”, “miền Nam”, “Trung”, “miền Trung”, “Tây”, “miền Tây”, “Đông”, “miền Đông”3. Ngoài ra, Nghị định 88 còn bổ sung thêm một trường hợp đó là trường hợp tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký4. Quy định bổ sung này của Nghị định 88 là hoàn toàn hợp lý bởi trước đây, do Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Nghị định 109/2004/NĐ-CP không quy định về trường hợp này nên theo nguyên tắc công dân được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm nên một số người đã đặt tên cho doanh nghiệp mình có thành tố tên riêng giống với tên riêng của các doanh nghiệp đã nổi tiếng trước đó và tổ chức doanh nghiệp dưới loại hình khác. Do đó, tình trạng một loạt các công ty TNHH Bình Minh, công ty cổ phần Bình Minh, DNTN Bình Minh và nhiều cái tên khác nữa được thành lập một cách tràn lan đã gây ra không ít nhầm lẫm cho người dân trong việc xác định đối tượng để tiến hành giao dịch.
Nhìn chung, so với Luật doanh nghiệp năm 1999 và Nghị định 109/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật này thì Điều 34 LDN 2005 và Điều 12 Nghị định 88 đã quy định khá toàn diện và chi tiết về tên trùng và tên gây nhầm lẫn. Mặc dù vậy, vẫn còn một số vấn đề cần bàn thêm về quy định của LDN 2005 và Nghị định 88.
Thứ nhất, sự thiếu thống nhất của LDN 2005 và Nghị định 88 về các thành tố cấu thành tên doanh nghiệp gây nên sự nhập nhằng trong trong việc áp dụng điểm h khoản 2 Điều 12 của Nghị định 88.
Như đã trình bày ở trên, nếu căn cứ vào Điều 31 của LDN 2005 thì tên doanh nghiệp được cấu thành không chỉ bởi hai thành tố loại hình doanh nghiệp và tên riêng mà có thể có thành tố thứ ba là các yếu tố phụ trợ khác như ngành, nghề, hình thức đầu tư… Ngược lại, Nghị định 88 lại khẳng định tên doanh nghiệp chỉ bao gồm hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng, những yếu tố phụ trợ kể trên là một bộ phận của thành tố tên riêng. Điều này sẽ dẫn đến hai hệ quả khác nhau trong việc xác định tên gây nhầm lẫn do có tên riêng trùng nhau như trong tình huống cụ thể sau đây:
Một doanh nhân muốn thành lập công ty TNHH thương mại điện tử Tự Do ở tỉnh Gia Lai nhưng đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với lý do trên địa bàn tỉnh đã có một công ty TNHH Tự Do đang hoạt động. Sau đó vị doanh nhân này đã đến đăng ký ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh thì lại được Sở này cấp phép thành lập mặc dù tại thời điểm đó đã có một công ty TNHH Tự Do đang hoạt động ở quận Bình Thạnh. Vậy cách xử lý của Sở nào đúng? Với cách quy định như của LDN 2005 thì cách xử lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai là đúng còn nếu căn cứ theo quy định của Nghị định 88 thì cách xử lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh là đúng. Veđ nguyèn tac, khi coă sôê thiéu thóng nhát giôịa hai vaân baưn phaăp quy, vaân baưn naøo coă hiẽu lôêc cao hĩn seị íôĩêc aăp duêng, trong trôĩøng hĩêp naøy laø LDN. Tuy nhièn, xeăt veđ nõi dung th quy íình cuưa Nghì íình 88 sẽ phù hợp, bởi lẽ: (i) Xét về mặt ngôn ngữ, tiếng Việt của chúng ta quả thật là phong phú, song để có được một cái tên hay, dễ đọc, dễ nhớ và dễ nhận biết cho doanh nghiệp thì không phải là dễ, đặc biệt là khi chúng ta thực hiện chính sách hội nhập kinh tế, giao dịch ngoại thương với các đối tác nước ngoài ngày càng nhiều thì việc đặt tên cho doanh nghiệp còn phải đáp ứng được yêu cầu tên giao dịch tiếng nước ngoài được dịch từ tên tiếng Việt là có ý nghĩa. (ii) Xét về tính phù hợp thì Nghị định 88 là phù hợp hơn, bởi vì dù có hiệu lực thấp hơn LDN 2005 nhưng Nghị định được ban hành sau nên có điều kiện để nắm bắt những biến đổi của thực tế, nhất là trong điều kiện hiện nay, chúng ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO, các quan hệ kinh tế đang có nhiều những thay đổi cho phù hợp với trình độ chung của thế giới.
Thứ hai, các trường hợp tên gây nhầm lẫn theo quy định của LDN 2005 và Nghị định 88 là chưa đầy đủ. Theo tôi, cũng nên coi là gây nhầm lẫn nếu tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký. Bởi vì khả năng gây nhầm lẫn trong trường hợp này là rất cao. Ví dụ, giả sử có một số thương nhân kinh doanh giầy ở chợ thấy nhãn hiệu giầy T&T (tiếng Việt đọc là Tờ và Tờ) hiện đang được ưa chuộng nhiều nên rủ nhau thành lập công ty Tập thể và Tôi với tên viết tắt là T&T để kinh doanh mặt hàng giầy, nếu dựa theo quy định của pháp luật hiện hành thì công ty Tập thể và Tôi này sẽ được phép thành lập, lúc đó chắc chắn sẽ không ít người bị nhầm lẫn công ty này với nhãn hiệu đã nổi tiếng T&T và như thế, thiệt hại cho khách hàng và công ty giầy T&T là không tránh khỏi.
Một tình huống gây tranh cãi khác xảy ra khá nhiều trong thực tiễn xét xử ở TP. Hồ Chí Minh đó là liệu có gây nhầm lẫn không khi tên riêng của doanh nghiệp (thậm chí cùng loại hình doanh nghiệp và hoạt động cùng lĩnh vực) chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp bởi một chữ cái, ví dụ như công ty XAMEXCO và công cy TAMEXCO, công ty SAMACO và công ty SAMICO… Xeăt veđ mat ngòn ngôị, trường hợp khác một chữ cái trong âm tiết đầu tiên là dẻ nhãn biét (XAMEXCO và TAMEXCO), các trường hợp khác một chữ cái từ âm tiết thứ hai trĩư íi th khoă phàn biẽt hĩn vaø rát dễ gây nhầm lẫn (SAMACO và SAMICO). Thực tiễn khi hỏi nhiều người tiêu dùng về những trường hợp trên thì họ cũng cho rằng dễ dẫn đến nhầm lẫn giữa công ty SAMACO và công ty SAMICO. Tôi cũng đồng tình với quan điểm của số đông người tiêu dùng cho rằng trường hợp khác một chữ cái từ âm tiết thứ hai trở đi là rất dễ gây nhầm lẫn và kiến nghị bổ sung trường hợp này vào các quy định của pháp luật về tên gây nhầm lẫn.
Thứ ba, trường hợp tên gây nhầm lẫn do có chữ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau tên riêng của doanh nghiệp, theo tác giả, là không cần thiết, bởi: Một là, luật chỉ quy định trường hợp xuôi chứ chưa có quy định trường hợp ngược, nghĩa là luật chỉ cấm thành lập doanh nghiệp có tên riêng khác với tên riêng của doanh nghiệp đang tồn tại do có thêm chữ “tân” hoặc “mới”, trường hợp ngược lại thì luật vẫn còn bỏ ngõ. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện có một công ty tên Tân Thiên Niên Kỷ, nếu một nhà đầu tư nào đó muốn thành lập công ty Tân Thiên Niên Kỷ Mới thì công ty của ông ta sẽ không được chấp nhận theo điểm e khoản 2 Điều 34 LDN 2005, nhưng nếu ông ta đặt tên công ty là Thiên Niên Kỷ thì lại được chấp nhận. Hai là, việc cho thêm chữ “tân” hay chữ “mới” vào tên riêng của doanh nghiệp là một sự phân biệt dễ nhận thấy và cũng không làm cho khách hàng liên tưởng đến mối quan hệ công ty mẹ – công ty con giữa các doanh nghiệp này. Ví dụ về công ty Tân Thiên Niên Kỷ và công ty Thiên Niên Kỷ cũng đã thể hiện rõ.
4. Tên doanh nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa
Nghị định 88 mới chỉ cấm việc sử dụng tên thương mại đã đăng ký bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, chưa quy định về việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa để đặt tên. Một ví dụ minh chứng điều này là nhãn hàng Trà xanh 00 của công ty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát hiện là một trong những loại nước giải khát được ưa chuộng trên thị trường, song khi được hỏi thì một số người tiêu dùng và người bán lẻ trả lời không biết về công ty sản xuất của nhãn hàng Trà xanh 00. Còn khi được hỏi nếu bây giờ có một công ty có tên là Trà xanh 00 thì họ có nghĩ đây là công ty đã sản xuất ra loại nước uống trà xanh đang được yêu thích đó không thì đa số câu trả lời là “có”. Như vậy, với quy định của LDN 2005 và Nghị định 88, liệu rằng các cơ quan đăng ký kinh doanh có từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay không?
Thật ra, cơ sở pháp lý về vấn đề trên thì có nhưng điều kiện để thực hiện thì vẫn còn đầy vướng mắc. Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: tên thương mại không được trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng. Vì thế, để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật và tạo một sự rõ ràng cho hoạt động đăng ký kinh doanh, tác giả kiến nghị nên bổ sung thêm cụm từ “nhãn hiệu hàng hóa” vào sau cụm từ “tên thương mại” của khoản 4 Điều 11 Nghị định 88.
5. Phạm vi bảo hộ đối với tên doanh nghiệp
Trên thực tế đã xảy ra một trường hợp liên quan đến phạm vi bảo hộ tên doanh nghiệp như sau: Vào năm 1997, một “công ty TNHH thương mại dịch vụ Chính Quang” được thành lập và đăng ký kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, năm 1999 Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lại cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho “công ty TNHH thương mại dịch vụ Chính Quang” hoạt động kinh doanh cùng ngành nghề với công ty cùng tên tại TP. Hồ Chí Minh mà không phải là công ty con của công ty này. Đến năm 2003 thì công ty Chính Quang có trụ sở tại Hà Nội đã lập một chi nhánh ở TP. Hồ Chí Minh và đặt văn phòng ngay bên cạnh công ty Chính Quang có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Chi nhánh này đã tiến hành các hoạt động kinh doanh dưới sự ủy quyền của công ty Chính Quang tại Hà Nội và đã gây nhiều thiệt hại cho công ty cùng tên tại TP. Hồ Chí Minh do khách hàng đến liên hệ bị nhầm chi nhánh của công ty ngoài Hà Nội với công ty Chính Quang tại TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù đại diện công ty Chính Quang tại TP. Hồ Chí Minh đã nhiều lần gặp gỡ để thỏa thuận với công ty Chính Quang tại Hà Nội về việc đổi tên doanh nghiệp nhưng cho đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết xong. Đây mới chỉ là một vụ việc điển hình về trùng tên doanh nghiệp và còn biết bao nhiêu vụ việc khác giống như vụ việc trên vẫn chưa tìm được hướng giải quyết.
Vụ việc trên sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi Nghị định 88 chỉ giới hạn phạm vi bảo hộ tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vì như thế hành vi của công ty Chính Quang tại Hà Nội hoàn toàn không trái luật. Như vậy, phạm vi bảo hộ tên doanh nghiệp như quy định của Nghị định 88 là hẹp, chưa đảm bảo được triệt để quyền lợi của các doanh nghiệp đối với tên doanh nghiệp. Thiết nghĩ, với điều kiện thông tin liên lạc và trình độ quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng ký kinh doanh ở nước ta hiện nay thì việc rà soát tên doanh nghiệp trong cả nước xem có trùng hoặc nhầm lẫn không là khả thi, bởi vậy có thể và nên mở rộng phạm vi bảo hộ đối với tên doanh nghiệp ra cả nước. Hơn nữa, tên thương mại có thể được bảo hộ trên phạm vi toàn quốc nếu được đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, mà tên doanh nghiệp thực chất chính là tên thương mại theo định nghĩa của Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, để tên của doanh nghiệp được bảo hộ trong phạm vi cả nước, doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ dưới hình thức tên thương mại, điều này gây phiền hà và tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp, đồng thời tạo ra sự chia cắt trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường, việc một doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với các đối tác trong khắp cả nước, thậm chí ở nước ngoài là rất phổ biến hiện nay. Nếu đem soi vào khái niệm khu vực kinh doanh trong Luật Sở hữu trí tuệ thì rõ ràng tên doanh nghiệp sẽ được bảo hộ trong phạm vi cả nước. Mở rộng phạm vi bảo hộ còn giúp hạn chế được những khó khăn cho doanh nghiệp vì điều kiện kinh doanh phải chuyển trụ sở sang tỉnh khác, tránh được việc doanh nghiệp không thể thay đổi trụ sở do tên bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với một doanh nghiệp khác ở tỉnh mà doanh nghiệp dự định chuyển đến.
Cần phải nói thêm là Điều 13 Nghị định 88 quy định: “Các doanh nghiệp đăng ký trước khi Nghị định này có hiệu lực có tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác theo quy định tại Điều 12 Nghị định này không bị buộc phải đăng ký đổi tên. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp”. Với quy định này thì những vụ việc như vụ của công ty Chính Quang nói ở trên sẽ không biết phải thương lượng đến bao giờ và sẽ giải quyết ra sao nếu một trong hai bên không chịu đổi tên của doanh nghiệp mình. Ngoài trường hợp trên còn có hàng chục trường hợp doanh nghiệp trùng tên khác ngay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, như các tên doanh nghiệp “Bình Minh”, “Hoàng Long”, hay “Thịnh Phát”…. Dù biết rằng những trường hợp như vậy xảy ra là do trước đây điều kiện vật chất chưa cho phép để có thể có một mạng lưới thông tin quốc gia nhằm giúp các cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra tên các doanh nghiệp trong cả nước. Song nếu chúng ta không kiên quyết khắc phục triệt để từ bây giờ thì vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp có tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn sau này là điều khó tránh khỏi. Đến lúc đó, chi phí để giải quyết tranh chấp sẽ lớn hơn rất nhiều. Vì lẽ đó, tôi kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 13 này như sau: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn đăng ký trước khi Nghị định này có hiệu lực tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp này không tự thương lượng được thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ căn cứ vào thời điểm thành lập doanh nghiệp, uy tín của doanh nghiệp, mức độ ưa chuộng của người tiêu dùng và các tiêu chí khác để quyết định doanh nghiệp phải đổi tên. Doanh nghiệp bị buộc đổi tên có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh nếu doanh nghiệp không đồng ý ”.
Tên doanh nghiệp là một nội dung không mới nhưng cho đến nay, những tranh chấp về tên doanh nghiệp vẫn đang là một vấn đề mang tính thời sự. Lý luận và thực tiễn đều cho thấy tên doanh nghiệp là một vấn đề rất quan trọng, tên doanh nghiệp không chỉ là phương tiện giúp khách hàng phân biệt các doanh nghiệp với nhau mà nó còn liên quan đến vấn đề thương hiệu, vấn đề cạnh tranh, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, những quy định chặt chẽ của pháp luật về vấn đề này là cần thiết và hết sức quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp, góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Chú thích:
1 Xem khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005.
2 Xem Điều 32 LDN 2005, Điều 11 Nghị định 88.
3 Xem khoản 2 Điều 34 LDN 2005.
4 Xem điểm h khoản 2 Điều 12 Nghị định 88.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 6/2006
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Chủ thể |
Leave a Reply