admin@phapluatdansu.edu.vn

HIỂU VÀ VẬN DỤNG QUI ĐỊNH ĐIỀU CHỈNH KỲ HẠN TRẢ NỢ NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG

VÕ MƯỜI – Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi

Thời gian qua, việc thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) đi vào nề nếp, không những góp phần quan trọng vào công tác quản lý tín dụng, đặc biệt là tín dụng trung, dài hạn mà còn tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn tạm thời về tài chính và để phục hồi sản xuất kinh doanh, có nguồn trả nợ. Tuy niên, trong thực tiễn việc nhận thức và vận dụng qui định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ vẫn đang là nỗi băn khoăn của nhiều người.
Qua tìm hiểu thực tế việc cho điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của vài Chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) nhận thấy, không ít khoản vay trung, dài hạn, với số tiền không nhỏ được cán bộ tín dụng phân làm nhiều kỳ hạn trả nợ (gốc, lãi), khi đến kỳ hạn đầu tiên cũng như các kỳ hạn tiếp theo khách hàng không trả nợ, hoặc điều chỉnh luôn cho vài kỳ hạn gần kề, thậm chí có khoản vay được điều chỉnh cho toàn bộ các kỳ hạn còn lại… lấy một thí dụ làm minh hoạ, ông Nguyễn Văn A vay của Chi nhánh NHTM K số tiền 400 triệu đồng, thời hạn là 5 năm (1/1/2003 – 1/1/2008) và chia thành 5 kỳ hạn, mỗi kỳ hạn trả gốc 80 triệu đồng (mỗi kỳ hạn là 01 năm), kỳ hạn trả lãi cùng với kỳ hạn kỳ trả nợ gốc. Đến 30/12/2003 (kỳ hạn thứ nhất) ông A không trả được nợ, làm đơn xin điều chỉnh số tiền gốc 80 triệu đồng, lãi giả sử 800.000 đồng và được Ngân hàng xét cho điều chỉnh đến 1/1/2008, trường hợp thứ 2 cũng đến kỳ hạn đó nhưng cho điều chỉnh số tiền gốc là 240 triệu đồng (3 kỳ hạn) và tiền lãi đến 1/1/2008, hoặc có khoản vay cho điều chỉnh toàn bộ dư nợ đến 1/1/2008, mặc dù các kỳ hạn sau chưa đến hạn. Để rõ hơn về vấn đề này chúng tôi tiếp xúc với cán bộ tín dụng, được biết: việc áp dụng cho điều chỉnh của trường hợp thứ nhất hoàn toàn không trái với quy định, vì qui định không khống chế thời gian, số lần điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, số tiền phải trả… riêng trường hợp thứ 2 và thứ 3 điều chỉnh cho những kỳ hạn chưa đến hạn trả là không đúng với qui định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 điều 22 nhưng nó không trái với khoản 3 điều 3 qui chế cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định 1627/2001/QĐ – NHNN. Họ cho rằng: “điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận về việc thay đổi các kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng”. Như vậy, theo qui định thì TCTD được phép thay đổi các kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận trước đó tổng hợp đồng tín dụng nếu TCTD và khách hàng có sự thoả thuận, nên việc điều chỉnh khoản vay trung, dài hạn có nhiều kỳ hạn trở thành 1 kỳ hạn cũng là điều bình thường. Bên cạnh, cũng có không ít cán bộ tín dụng thật sự chưa yên tâm khi thực hiện qui định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và họ bộc bạch: giá được TCTD hướng dẫn cụ thể cho dễ thực hiện, đằng này… chưa biết đúng sai nhưng không vận dụng thì nợ quá hạn tăng ảnh hưởng đến kết quả xét thi đua khen thưởng, đôi khi còn bị đình chỉ cho vay… Có thể thấy rằng, TCTD cho điều chỉnh như trên sẽ mất hết cơ hội thu nợ theo từng kỳ hạn của khách hàng dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá, nắm bắt kịp thời hoạt động SX – KD, tình hình tài chính của khách hàng; không chủ động cân đối được nguồn tài chính thu – chi và đặc biệt là khó tránh khỏi rủi ro một khi áp lực nợ chồng chất quá lớn cho khách hàng ở kỳ hạn cuối. Mặc dù, biết việc vận dụng như trên sẽ gây tác hại rất lớn cho TCTD nhưng có không ít cán bộ tín dụng vì ngại phải thường xuyên làm các thủ tục để điều chỉnh, kiểm tra theo dõi đôn đốc thu nợ tại mỗi kỳ hạn, nhất là đối với những khách hàng làm nghề khai thác hải sản thường xuyên vắng mặt ở địa phương, khách hàng làm ăn thua lỗ khó có khả năng trả nợ… hoặc có Chi nhánh NHTM do chạy theo thành tích không dám nhìn thẳng, nói thật về nợ quá hạn của mình nên đã tìm cách khống chế, không cho tỷ lệ nợ quá hạn vượt quá mức 5% tổng dư nợ.
Để việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ đi vào nề nếp và thật sự có ý nghĩa, góp phần tích cực vào việc quản lý, kiểm soát tốt hoạt động tín dụng, cũng như hướng tới lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế về ngân hàng. Thiết nghĩ, trên cơ sở qui định của NHNN các TCTD cần xây dựng qui trình điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cụ thể, theo hướng qui định chi tiết về các điều kiện, thủ tục, thời gian.. đồng thời TCTD cần có chế tài đối với những cán bộ tín dụng cố ý hiểu và vận dụng sai dẫn đến rủi ro tín dụng; Thanh tra NHNN cần được tăng cường và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ sai qui định với mục đích để che dấu nợ quá hạn./.

SOURCE: http://www.icb.com.vn/?id=075194&page=11&sheet=2&c=94&m=94

3 Responses

  1. Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc bên cho vay và bên vay thỏa thuận về việc thay đổi các kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng.
    Gia hạn nợ vay là cấp thẩm quyền duyệt vay chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian ngoài thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

  2. gia hạn nợ và điểu chỉnh kỳ hạn nợ thực chất khác nhau thế nào?

    • Hiểu đơn giản theo 1 ví dụ thực tế thì:

      1 Khách hàng vay 900 triệu, phải trả trong 1 năm, thời gian trả là từ tháng 4 đến tháng 12. Trả 3 tháng 1 lần. Mỗi lần 300 triệu kèm lãi.

      – Đến hết tháng 6 ( 3 tháng đầu), khách hàng không trả được nợ 300 triệu. Khách hàng tìm đến và làm việc với cán bộ tín dụng xin điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lên 4 tháng 1 lần. Mỗi lần 400 triệu. Như vậy khách hàng sẽ trả 400 tr vào tháng 7 và 400 tr vào tháng 11, tháng 12 khách hàng trả nốt 100 triệu còn lại. Hoặc khách hàng xin không trả nhiều lần mà trả làm 1 lần vào cuối tháng 12. Hoặc khách hàng xin trả 2 lần. 1 lần vào tháng 11 chẳng hạn, 500 triệu. 1 lần vào tháng 12 400 triệu. Nói chung, bạn phải hiểu KH sẽ trả nợ nhiều lần chứ không phải 1 lần. “Kỳ hạn” là những khoảng thời gian nhỏ trong thời hạn cho vay. Do vậy, điều chỉnh “kỳ hạn” dài hay ngắn thì tối đa cũng chỉ trong thời gian cho vay.
      – Còn “gia hạn nợ” thì cán bộ TD và KH thỏa thuận xem có thể kéo dài thời gian cho vay, thời gian trả nợ ra cho KH không.

      Tóm tắt:
      – Đ.chỉnh kỳ hạn nợ: điều chỉnh số kỳ ít đi, hoặc số kỳ nhiều lên. Nhưng số ngày trả nợ vẫn thời gian cho vay ban đầu.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: