HUY THỦY
Thị trường bất động sản (TTBĐS) năm 2007 diễn biến ngày càng tăng vọt. Năm 2008, giá nhà, đất dự đoán sẽ khó lường.
Năm 2007 là thời điểm mà thị trường bất động sản (TTBĐS) sôi động nhất từ trước tới nay. Theo đánh giá của ông Bùi Quang Hiếu, Giám đốc công ty Bất động sản và Xây dựng Việt San: “Cuối năm 2006 đầu năm 2007, giá nhà đất trên địa bàn TP HCM cũng như Hà Nội bắt đầu leo thang cùng với làn sóng nguồn vốn từ thị trường chứng khoán đổ sang. Đơn cử như TP HCM, tháng 10/2007, giá đất các dự án nằm trong top của khu Nam Sài Gòn và lân cận khu đô thị mới Thủ Thiêm đột ngột tăng thêm khoảng 15 triệu đồng/m2. Cơn sốt này đã nâng mặt giá đất của các dự án như An Phú – An Khánh (Quận 2), Him Lam (Quận 7) đạt ngưỡng cao nhất từ trước đến nay, từ 40 – 45 triệu đồng/m2”.
Còn ở Hà Nội, giá nhà đất cao ở mức… không tưởng. Nhiều vị trí như Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào… thị trường đang giao dịch rất cao cho dù khung giá đất của Nhà nước năm 2007 đã có, tuy nhiên khung giá trên cũng mới chỉ bằng khoảng 50% giá thực tế, nhưng đó vẫn là căn cứ để giới kinh doanh và người dân sử dụng làm “chỗ dựa” thanh toán cho nhau. Vì thế, nhiều người Hà Nội chỉ đi xem và… mơ về một mảnh đất cho riêng mình. Tại địa bàn Hà Nội, tốc độ thi công các dự án nhà ở đang diễn ra rất chậm. Mỗi toà nhà kể từ lúc khởi công cho đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng thường xuyên bị kéo dài mà chưa có những chế tài ấn định thời gian xây dựng để đưa dự án vào sử dụng. Điều này đã làm cho Hà Nội đang có rất nhiều dự án xây dựng dở dang, thi công chậm chạp, thậm chí nhiều dự án, nhiều khu đô thị đã được phê duyệt, nhiều dự án đã đấu giá đất xong từ nhiều năm đến nay vẫn còn là bãi đất trống trong lúc thị trường đang thiếu căn hộ cung ứng cho người sử dụng. Năm 2007 hàng trăm quỹ đầu tư có vốn hàng tỷ USD đã đổ vốn vào hàng loạt dự án xây dựng văn phòng cho thuê, khách sạn cao cấp và một số dự án phát triển các khu đô thị mới. Trong khi đó, quỹ đất của thành phố gần như không phát triển thêm nhiều. Do đó, tình trạng khan hiếm quỹ đất là điều tất nhiên dẫn đến cung vượt quá cầu làm cho giá đất liên tục leo thang.
Với tốc độ gia tăng đầu tư từ nước ngoài vào VN như hiện nay chắc chắn giá đất trong năm 2008 sẽ tăng ít nhất 30%. Riêng với Hà Nội năm 2008, giá đất ở Hà Nội sẽ biến động lớn với mức tăng bình quân 20%. Cũng có khi thị trường nhà đất năm 2008 sẽ là một năm thăm dò, vì tác động của hàng loạt chính sách mới có liên quan như thuế Chống đầu cơ đất đai, Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực vào đầu năm 2009. Giá đất biến động sẽ tiếp cận với giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường nhưng không gây đột biến lớn. Tăng giá cũng tác động tích cực tới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án bởi người bị thu hồi đất sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, vấn đề này cũng khiến tăng chi ngân sách cho giải phóng mặt bằng.
Trong thời gian tới, đầu tư vào cái gì cũng có thể gặp phải rủi ro như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, nó như một nhịp tim, đi lên đi xuống. Riêng bất động sản nó như nấc thang đi lên, đôi khi có dao động một chút. Nhà đầu tư về đất cần nên suy nghĩ chín chắn, về vị trí đất, vị trí nhà chứ không chỉ đầu tư ào ào sẽ nguy hại. Ông Bùi Quang Hiếu đưa ra nhận định: “Vào thời điểm khoảng tháng 3 dương lịch đến tháng 9 dương lịch đầu tư bất động sản thuận lợi nhất, người dân sẽ bán đất nhiều và người mua ít đi bởi nhiều lý do trong đó có yếu tố phong thủy và thói quen văn hoá của người Việt”. Tuy nhiên, đó mới chỉ là nhận định mang tính chủ quan, còn thực tế thì lại phụ thuộc vào nhiều diễn biến khách quan của thị trường.
SOURCE:http://www.cpv.org.vn/tiengviet/diendan/details.asp?topic=28&subtopic=114&leader_topic=181&id=BT2310865347
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Thị trường bất động sản |
Đúng vậy Ryanroses ah, vì thế đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nâng cao kỹ năng hợp đồng, khả năng giao dịch để hạn chế thấp nhât những rủi ro trong các giao dịch. Ngoài ra, nếu những rủi ro là hậu quả phát sinh từ quản lý nhà nước, từ pháp luật thì cần phải có sự cải cách mạnh mẽ về pháp luật và quản lý nhà nước
mọi thứ trong năm nay có vẻ đều khó lường cả