admin@phapluatdansu.edu.vn

BẢO HỘ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG THEO PHÁP LUẬT CHÂU ÂU VÀ HOA KỲ

THS. PHAN NGỌC TĀM –  Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong vài năm trở lại đây, có rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới đã được đưa vào thị trường Việt Nam và trở thành những nhãn hiệu quen thuộc của người tiêu dùng trong nước như nước giải khát Pepsi, Coca Cola, xe hơi Ford, Toyota, sản phẩm thời trang Gucci, CK… Những nhãn hiệu này đã và đang đóng một vai trò to lớn trong sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia, đòi hỏi chúng ta cần phải có một cách nhìn nhận đúng đắn và có sự quan tâm cần thiết đến việc bảo hộ đối tượng này một cách hiệu quả và kịp thời trên thực tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng. Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế quan trọng như Công ước Paris và Thoả ước Madrid từ năm 1949. Và những qui định mang tính nguyên tắc của các văn bản này về cơ bản đã được chuyển hóa và vận dụng một cách phù hợp trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Tuy nhiên, những cố gắng kể trên nhìn chung chỉ thể hiện ở bề nổi và mang tính vĩ mô nhiều hơn chứ chưa đi vào giải quyết một cách kịp thời và hiệu quả những nhu cầu thực tiễn mà xã hội đang đặt ra, đặc biệt là đối với việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng.

Trong bối cảnh nước ta đang tiến đến rất gần mục tiêu hội nhập vào nền kinh tế thế giới, mà đích đến cụ thể của quá trình đó chính là việc gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam sẽ trở thành một thị trường thực sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Và một thực tế trước mắt mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy là sẽ có rất nhiều các nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ nổi tiếng thế giới xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Nhu cầu về hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng sẽ càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Chúng ta cần có những động thái cụ thể và hiệu quả hơn trong công tác lập pháp cũng như trong quá trình áp dụng pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng để tạo lập một môi trường pháp lý an toàn nhằm tạo sự tin cậy và an tâm đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với bài viết này, tác giả mong muốn làm rõ thêm một số vấn đề lý luận về nhãn hiệu nổi tiếng cũng như cung cấp một số thông tin liên quan đến các hệ thống pháp luật được coi là khá tiến bộ trong lĩnh vực này, đó là hệ thống pháp luật của Liên Minh Châu Âu và hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.

II. KHÁI QUÁT VỀ NHÃN HIÊU HÀNG HÓA NỔI TIẾNG

Nhãn hiệu (Trademark) là một yếu tố đặc trưng gắn liền giữa thị trường thương mại và lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Nó đã được sử dụng trong một thời gian dài bởi các nhà sản xuất cũng như các thương nhân để xác định nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa hay dịch vụ của họ và phân biệt những hàng hóa, dịch vụ đó với các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hay bán bởi các chủ thể khác. Chức năng phân biệt nguồn gốc của hàng hóa hay dịch vụ của nhãn hiệu hàng hóa luôn được xem là yếu tố quan trọng nhất của nhãn hiệu hàng hóa. Vì vậy nó luôn đóng vai trò trung tâm và được đề cập đến rất nhiều trong pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Nhãn hiệu hàng hóa đã trải qua một lịch sử phát triển khá dài trong suốt quá trình phát triển của nền thương mại thế giới. Từ thời La Mã cổ đại, việc các nhà sản xuất chạm nổi hay đóng dấu lên các sản phẩm của mình là khá phổ biến. Đó là một hình thức thể hiện của nhãn hiệu hàng hóa, qua những hình thể chạm nổi hay các con dấu mà họ có thể phân biệt xuất xứ hàng hóa của các nhà sản xuất với nhau.

Ngày nay, nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng một cách phổ biến hơn với nhiều thể loại hơn. Và nó là một hình thức rất có giá trị của quyền sở hữu trí tuệ bởi vì nó gắn liền với chất lượng cũng như sự mong đợi của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ.1 Nhiều sản phẩm hàng hóa đã trở nên đồng nhất với tên nhãn hiệu của chúng, chẳng hạn như nước giải khát Coca Cola, cà phê Nestcafé, quần Jean Levi’s… Những sản phẩm này thực sự đã trở nên nổi tiếng và được biết đến một cách rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là một thành công quan trọng của các nhà sản xuất và các thương nhân trong việc quảng bá sản phẩm của họ. Tuy nhiên, chính sự nổi tiếng của nhãn hiệu hàng hóa cũng mang lại không ít khó khăn cho các doanh nghiệp vì nó sẽ rất dễ bị xâm phạm bởi các chủ thể khác. Ngày càng có nhiều các hàng hóa và dịch vụ tương tự với những hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng được sản xuất và điều này đã gây ra sự nhầm lẫn của người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng những hàng hóa, dịch vụ thật sự mà họ mong muốn. Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra là phải làm thế nào ngăn chặn các hiện tượng xâm phạm đối với nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng như thế. Mặc dù đã được biết đến từ rất lâu, song cho đến hiện nay cách hiểu về “nhãn hiệu nổi tiếng” vẫn còn đang rất khác nhau trong các điều ước quốc tế cũng như trong pháp luật các nước. Công ước Paris năm 1883 2 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã lần đầu tiên đề cập đến nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng tại Điều 6bis 3 bằng cách quy định nghĩa vụ bắt buộc của các quốc gia thành viên trong việc từ chối hay hủy bỏ mọi sự đăng ký cũng như ngăn cấm mọi sự sử dụng của nhãn hiệu hàng hóa mà nó được coi là một sự sao chép, một sự bắt chước, một bản dịch hoặc có thể gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu nổi tiếng4; và quy định về khoảng thời gian cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ sự đăng ký đối với những nhãn hiệu xâm phạm.5 Tuy nhiên, Công ước lại không hề đưa ra một định nghĩa chính thức và rõ ràng về “nhãn hiệu nổi tiếng”. Chỉ có một căn cứ duy nhất để xác định một nhãn hiệu hàng hóa trở nên nổi tiếng, đó là sự chấp nhận hay thừa nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia nơi nhãn hiệu được đăng ký hay quốc gia nơi sản phẩm được sử dụng.

Theo những quy định của Hiệp định TRIPs,6 vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nhìn chung dựa trên các nguyên tắc được ấn định bởi Công ước Paris với những sự thay đổi và bổ sung phù hợp. Theo đó, khái niệm “nhãn hiệu nổi tiếng” không chỉ được sử dụng cho đối tượng là hàng hóa mà còn được sử dụng cho cả các đối tượng dịch vụ, và Hiệp định cũng ghi nhận một số căn cứ chung để xác định một nhãn hiệu hàng hóa có phải là nổi tiếng hay không 7. Ngoài ra, Hiệp định cũng mở rộng phạm vi các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ, bao gồm cả các nhãn hiệu được coi là rất nổi tiếng.

Bên cạnh các điều ước quốc tế nói trên, chúng ta cũng có thể tìm thấy các quy định về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, chẳng hạn, Đạo luật về Nhãn hiệu hàng hóa năm 1938 và sau đó được sửa đổi bởi Đạo luật Nhãn hiệu hàng hóa năm 1994 của Vương quốc Anh, Đạo luật Lanham năm 1946 của Hoa Kỳ (được sửa đổi bởi Đạo luật Liên bang về Sự mờ nhạt nhãn hiệu hàng hóa năm 1995), Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa của Hàn Quốc, Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa và Bộ luật về Sở hữu trí tuệ của Pháp, Luật nhãn hiệu hàng hóa Canada năm 1985… Tuy nhiên, pháp luật của không ít quốc gia đã không đưa ra được một hệ thống các tiêu chí cụ  thể để xác định “nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng”. Do vậy, trên thực tế khái niệm này sẽ được xác định bởi các Tòa án hay các cơ quan có thẩm quyền trong từng vụ việc cụ thể.8

Theo luật về nhãn hiệu hàng hóa của Nga năm 1992, nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng cũng như những vụ việc, tình huống liên quan đến việc chủ sở hữu nhãn hiệu yêu cầu sự công nhận đối với nhãn hiệu nổi tiếng ở Nga sẽ được xem xét bởi Phòng Patent tối cao (Supreme Patent Chamber).9 Ở Trung Quốc, thông qua các quy định hiện hành của Luật Nhãn hiệu hàng hóa và các quy định hướng dẫn thi hành Luật Nhãn hiệu hàng hóa, lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận một cách chính thức nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng trong hệ thống pháp luật của họ dù rằng Trung Quốc đã chính thức trở thành thành viên của công ước Paris từ rất sớm. Luật Nhãn hiệu hàng hóa của Trung Quốc đã đưa ra một định nghĩa về nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng hơi khác so với các nước khác. Cụ thể, nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký mà nó có một bộ phận khách hàng thực tế và được coi là nổi tiếng trong bộ phận công chúng liên quan. Như vậy, một nhãn hiệu hàng hóa có thể là nhãn hiệu nổi tiếng ở các nước khác nhưng chưa được đăng ký ở Trung Quốc thì sẽ không được xem là nhãn hiệu nổi tiếng để được hưởng chế độ pháp lý về bảo hộ theo Luật Nhãn hiệu hàng hóa của nước này.10

Mặc dù có những sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật, chúng ta vẫn có thể đưa ra một định nghĩa chung nhất về nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng. Theo đó, nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng (well-known trademark) được hiểu là nhãn hiệu được biết đến một cách rộng rãi bởi nhiều người trong những phạm vi lãnh thổ nhất định hoặc được xem xét, thừa nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia nơi nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ hay được sử dụng.

Như vậy, nhãn hiệu nổi tiếng trước hết phải là một nhãn hiệu hàng hóa, bao gồm các “ký tự, hình ảnh hay dấu hiệu hoặc sự kết hợp của những yếu tố đó được sử dụng cho những hàng hóa hay dịch vụ bởi một người mà người đó đã sản xuất, gia công, đảm bảo hay bán những hàng hóa, dịch vụ đó nhằm mục đích thương mại để phân biệt với hàng hóa hay dịch vụ của các chủ thể khác”.11 Tuy nhiên, với cách hiểu như đã đề cập ở phần trước, nhãn hiệu nổi tiếng có những đặc trưng nổi bật so với các nhãn hiệu hàng hóa thông thường khác. Đó là:

Thứ nhất, một nhãn hiệu nổi tiếng phải là nhãn hiệu có tính phân biệt. Thông qua một nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng, người tiêu dùng có thể nhận biết ngay loại hàng hóa hay dịch vụ mà nhãn hiệu đó được sử dụng. Ví dụ, khi nói đến nhãn hiệu Coca Cola, người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến nước giải khát, hoặc khi nói đến Toyota, họ sẽ nghĩ ngay đến xe hơi…

Thứ hai, nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng thường có tính phổ biến cao. Một nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được biết đến bởi nhiều người ở nhiều khu vực địa lý khác nhau. Chẳng hạn, Ford là một nhãn hiệu xe hơi của Hoa Kỳ nhưng nó lại được biết đến bởi người tiêu dùng trên hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Thứ ba, nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng thường có giá trị kinh tế lớn và rất lớn. Nó cấu thành một bộ phận tài sản quan trọng trong khối lượng tài sản của doanh nghiệp. Thật vậy, có không ít nhãn hiệu nổi tiếng đã trở thành một phần tài sản quan trọng, thậm chí đóng vai trò quyết định, trong khối lượng tài sản các công ty sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp có thể sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng của mình như là một loại vốn để đưa vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh…

Một nhãn hiệu hàng hóa chỉ có thể trở thành nhãn hiệu nổi tiếng nếu nó thỏa mãn những yêu cầu hay tiêu chí nhất định do chủ sở hữu nhãn hiệu chứng minh hoặc theo quy định của pháp luật. Bất kể sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật của các quốc gia trong lĩnh vực lập pháp cũng như trong thực tiễn áp dụng pháp luật, chúng ta cũng có thể khái quát các trường hợp chung nhất mà theo đó một nhãn hiệu hàng hóa sẽ được công nhận là nổi tiếng. Đó là: Sự lặp đi lặp lại của nhãn hiệu trong một bộ phận công chúng liên quan; Mức độ được biết đến của nhãn hiệu trong công chúng; Quy mô và khoảng thời gian sử dụng nhãn hiệu; Thời gian, mức độ và phạm vi địa lý của bất kỳ sự quảng cáo hay thông tin cho nhãn hiệu; Mức độ của tính phân biệt vốn có hay được yêu cầu của nhãn hiệu nổi tiếng; Bản chất của những loại hàng hóa, dịch vụ và những kênh lưu thông cho những hàng hóa, dịch vụ mà nhãn hiệu được sử dụng; Bản chất và mức độ sử dụng của những nhãn hiệu giống hoặc tương tự bởi bên thứ ba; Lịch sử của quá trình thực thi quyền trong việc bảo hộ nhãn hiệu; Những quốc gia nơi nhãn hiệu đã được đăng ký.

Những yếu tố được đề cập trên đây chỉ là những căn cứ chung được thừa nhận một cách rộng rãi trong pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể cũng như quan điểm lập pháp riêng của mỗi quốc gia mà họ có thể đưa ra các quy định cụ thể liên quan đến việc thừa nhận nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng.

III. BẢO HỘ NHÃN HIÊU NỔI TIẾNG THEO PHÁP LUẬT LIÊN MINH CHÂU ÂU

Các nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nói chung và nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng ở Cộng đồng Châu Âu được ghi nhận trong hai văn bản pháp luật quan trọng được ban hành liên quan một cách trực tiếp đến pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa, đó là Văn bản hướng dẫn đầu tiên năm 1988, 104/89/EEC, về hài hòa pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa của các quốc gia và Quy định của Hội đồng năm 1993, 40/94/EC, về Nhãn hiệu hàng hóa Cộng đồng.

Văn bản hướng dẫn 104/89/EEC được ban hành không phải nhằm mục đích thống nhất tất cả các hệ thống pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa của các quốc gia. Mục đích của nó chỉ là hướng đến cố gắng làm giảm đi sự khác biệt giữa các hệ thống nhãn hiệu hàng hóa quốc gia là nguyên nhân gây ra những rào cản cho thương mại và ảnh hưởng đến sự lưu thông tự do hàng hóa, dịch vụ cũng như hạn chế sự phát triển của các thị trường đơn lẻ. Văn bản hướng dẫn nhấn mạnh những nội dung mấu chốt của luật thực định hơn là những vấn đề của luật hình thức.12 Có ba điều khoản quan trọng của văn bản liên quan đến cơ chế đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cũng như việc xác lập quyền thông qua đăng ký, đó là:

– Điều 3: Chỉ ra những căn cứ cho việc từ chối hay vô hiệu hóa sự đăng ký của các nhãn hiệu hàng hóa;

– Điều 4: Đề cập đến những trường hợp được coi là gây ra sự xung đột với những nhãn hiệu hàng hóa trước đó;

– Điều 5: Xác lập quyền thông qua thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Quy định 40/94/EC của Hội đồng Châu Âu năm 1993 chủ yếu đề cập đến những vấn đề liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa cộng đồng. Vì thế, nó còn được biết đến với tên gọi Quy định về Nhãn hiệu hàng hóa Cộng đồng (Community Trade Mark Regulation – CTMR). Quy định này cũng đưa ra những nguyên tắc chung nhất về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cộng đồng, và những phương thức và trình tự cụ thể của quá trình đăng ký và bảo hộ quốc tế đối với đối tượng này ở khu vực châu Âu sẽ được quy định bởi pháp luật quốc gia.

Văn bản hướng dẫn 89/104/EEC đã đề cập một số vấn đề liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng thông qua việc quy định những căn cứ làm cơ sở cho việc từ chối hay hủy bỏ đăng ký đối với những nhãn hiệu hàng hóa được coi là xung đột với các nhãn hiệu hàng hóa trước đó.13 Trong đó, nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng là một trong những căn cứ quan trọng mà các cơ quan có thẩm quyền phải cân nhắc, xem xét khi tiếp nhận và đánh giá đơn đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hóa ở Châu Âu.

Nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng có thể được bảo hộ ngay cả khi chúng chưa được đăng ký bởi cơ quan có thẩm quyền. Điều này có nghĩa rằng, đối với nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng, việc bảo hộ không chỉ được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc “quyền ưu tiên đăng ký” (first – to – file) mà còn dựa trên nguyên tắc “quyền ưu tiên sử dụng” (first – to – use)14.

Theo những quy định tại Điều 4 của Văn bản hướng dẫn 89/104/EEC, một nhãn hiệu hàng hóa sẽ không thể được đăng ký, hoặc nếu đã được đăng ký sẽ có thể bị tuyên bố vô hiệu ở các quốc gia Châu Âu nếu nó bị coi là giống hoặc tương tự với những nhãn hiệu đã được đăng ký được sử dụng cho những hàng hóa hay dịch vụ tương tự, hoặc nó có thể gây ra sự nhầm lẫn với những nhãn hiệu Cộng đồng trước đó.15 Khái niệm “nhãn hiệu hàng hóa trước đó” (earlier trademark) được hiểu bao gồm cả những nhãn hiệu được thừa nhận là nổi tiếng phù hợp với quy định tại Điều 6bis của Công ước Paris 1883. Điều này cũng tiếp tục được khẳng định một lần nữa tại Quy định về nhãn hiệu hàng hóa cộng đồng năm 1993.16

Căn cứ về nguy cơ gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu hàng hóa trước đó là một căn cứ quan trọng cho việc từ chối yêu cầu đăng ký đối với một nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, việc xác định thuật ngữ “nguy cơ gây nhầm lẫn” (likelihood of confusion)17 là rất khó khăn trên thực tế, nhất là trong việc phân biệt nó với những thuật ngữ tương tự khác. Chẳng hạn, trong phán quyết của Tòa án về vụ kiện “Sabel v. Puma AG”, thuật ngữ “nguy cơ gây nhầm lẫn” mà nó bao gồm cả “nguy cơ liên tưởng” (likelihood of association) với những nhãn hiệu hàng hóa trước đó được giải thích theo nghĩa rằng sự nhầm lẫn liên tưởng mà công chúng có được giữa hai nhãn hiệu hàng hóa như là kết quả của sự giống hay tương tự về mặt ngữ nghĩa học sẽ không trở thành một căn cứ có ý nghĩa cho việc quyết định rằng có một “nguy cơ gây nhầm lẫn” theo quy định tại Điều 4 (1) (b) của Văn bản hướng dẫn. Sự tồn tại của một “nguy cơ liên tưởng” sẽ không đồng nghĩa với sự tồn tại một “nguy cơ gây nhầm lẫn” trên thực tế. Hay nói cách khác, “nguy cơ liên tưởng” ở đây không có giá trị thay thế cho một “nguy cơ gây nhầm lẫn”.18 Bởi vì điều này và cũng dựa trên kết quả nghiên cứu mà nó đã chỉ ra rằng PUMA không phải là một nhãn hiệu nổi tiếng đặc biệt ở Châu Âu, Tòa án đã tuyên rằng cơ quan có thẩm quyền không thể từ chối đăng ký cho nhãn hiệu SABEL.

Ngoài ra, còn có một nguyên tắc quan trọng khác liên quan đến việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở Châu Âu quy định rằng việc bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng sẽ không chỉ bị giới hạn trong phạm vi những hàng hóa và dịch vụ tương tự. Theo đó, phạm vi bảo hộ sẽ được mở rộng cho cả những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng cho những loại hàng hóa hay dịch vụ không tương tự khi những sự sử dụng như thế có thể gây thiệt hại hoặc tạo ra những điều kiện bất lợi cho danh tiếng của nhãn hiệu trước đó.19 Và khi một nhãn hiệu đã được công nhận là nổi tiếng tại một trong những nước thành viên của Liên minh, nó sẽ đương nhiên trở thành nhãn hiệu nổi tiếng trong toàn Liên minh.

Như vậy, nhãn hiệu nổi tiếng ở Châu Âu sẽ được bảo hộ chủ yếu thông qua các Điều ước quốc tế và các Văn bản pháp luật thống nhất của Liên minh. Bên cạnh đó, các hệ thống pháp luật độc lập của các quốc gia thành viên cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra các tiêu chí và quy định cụ thể về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trên lãnh thổ quốc gia mình.

IV. BẢO HỘ NHÃN HIÊU NỔI TIẾNG THEO PHÁP LUẬT HOA KỲ

Những thành công mà Hoa Kỳ đạt được cho đến nay là nhờ những chính sách và chiến lược đúng đắn trong việc kích thích quảng cáo và nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp. Đó là một sự thật không thể chối cãi. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nói riêng và hệ thống các chính sách về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Chính sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật này đã tạo được một nền tảng cơ bản và tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nền kinh tế.

Khác với các quốc gia Châu Âu và nhiều nước trên thế giới, Hoa Kỳ chưa phải là thành viên của Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng như một số các cam kết quốc tế khác về lĩnh vực này. Do vậy, về nguyên tắc Hoa Kỳ sẽ không chịu sự ràng buộc bởi các quy định của các điều ước quốc tế này. Điều này cũng có nghĩa rằng Hoa Kỳ sẽ không thể kế thừa và tận dụng được những thành tựu pháp lý quốc tế liên quan đến lĩnh vực này một cách chính thức như nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nói chung và nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng ở Hoa Kỳ hiện nay lại thật sự tỏ ra khá hoàn chỉnh và hiệu quả ở cả cấp độ liên bang lẫn tiểu bang.

Việc thực thi pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở Hoa Kỳ hiện nay chủ yếu dựa trên những quy định của Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa năm 1946 mà nó còn được biết đến với tên gọi Đạo luật Lanham. Thế nhưng Đạo luật này lại không đề cập một cách cụ thể đến nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng. Đến năm 1995, Nghị viện Hoa Kỳ mới thông qua một Đạo luật mới, Đạo luật Liên bang về sự lu mờ nhãn hiệu hàng hóa (FTDA).20 Đạo luật này được ban hành nhằm bổ sung, sửa đổi Đạo luật về Nhãn hiệu hàng hóa năm 1946, cụ thể là sửa đổi nội dung của Điều 43, quy định về sự đền bù hay bồi thường cho việc làm lu mờ đối với nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng. Đạo luật sửa đổi này đã mô tả các yếu tố để xác định một nhãn hiệu hàng hóa là phân biệt và nổi tiếng, đồng thời cũng đưa ra định nghĩa chính xác về thuật ngữ “sự lu mờ” (dilution), theo đó, sự lu mờ sẽ được hiểu là việc làm giảm khả năng của nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng trong việc xác định và phân biệt đối với hàng hóa hay dịch vụ mang nhãn.21 Bằng việc đưa ra những quy định mới này, lần đầu tiên nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng được pháp điển hóa trong hệ thống lập pháp Hoa Kỳ.

Mặc dù có những sự khác biệt cơ bản so với hệ thống pháp luật Châu Âu về bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng, nhưng đối với việc quy định nguyên tắc cơ bản điều chỉnh lĩnh vực này, hệ thống pháp luật Hoa Kỳ và Châu Âu lại có một điểm tương đồng, đó là sự ghi nhận nguyên tắc “quyền ưu tiên sử dụng” (first to use) một cách chính thức trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này trên thực tế lại không giống nhau. Nếu như trong hệ thống pháp luật Châu Âu, nguyên tắc “quyền ưu tiên sử dụng” được áp dụng trong sự kết hợp với nguyên tắc “quyền ưu tiên nộp đơn” (first to file) cùng với sự cân nhắc của Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác thì trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, nguyên tắc này lại phải được áp dụng trong sự xem xét, cân nhắc của Tòa án trên cơ sở các nguyên tắc chung của Luật công bằng (Equity). Điều này thật ra cũng dễ hiểu vì Hoa Kỳ là một quốc gia theo hệ thống Luật Chung (Commmon Law), và trong hệ thống này thì các nguyên tắc của Luật công bằng là một trong những nguyên tắc chủ đạo chi phối tất cả các lĩnh vực của đời sống pháp lý.

Cho đến nay, không có một định nghĩa chính xác về khái niệm “nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng” ở Hoa Kỳ. Điều này cũng tương tự như tình trạng thực tế hiện nay ở Châu Âu cũng như ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, việc xác định một nhãn hiệu hàng hóa có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không là rất phức tạp. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ, đều trao thẩm quyền cho các cơ quan chức năng (thông thường là Tòa án hoặc các Văn phòng quốc gia về Sở hữu công nghiệp) trong việc xác định sự nổi tiếng của các nhãn hiệu hàng hóa trong những trường hợp cụ thể. Và lẽ dĩ nhiên những quyết định hay sự xem xét như thế trước tiên sẽ phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản chung đã được quy định bởi pháp luật.

Theo những quy định tại Điều 3 của Đạo luật Liên bang về sự lu mờ nhãn hiệu hàng hóa năm 1995, chủ sở hữu của nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng sẽ có quyền, phù hợp với nguyên tắc của Luật công bằng và tuỳ thuộc vào sự xem xét của Tòa án, yêu cầu một Lệnh của Tòa án chống lại mọi sự sử dụng nhằm mục đích thương mại của người khác đối với nhãn hiệu hàng hóa hay tên thương mại, nếu sự sử dụng như thế được bắt đầu sau khi nhãn hiệu hàng hóa của chủ sở hữu trở nên nổi tiếng và những sự sử dụng đó có thể làm lu mờ hay làm giảm chất lượng hay khả năng phân biệt của nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng.

Và để có thể xác định một nhãn hiệu hàng hóa có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không, Tòa án sẽ phải cân nhắc, xem xét đến các yếu tố sau đây:

– Mức độ của tính phân biệt vốn có hay được yêu cầu của nhãn hiệu;

– Khoảng thời gian và mức độ sử dụng nhãn hiệu trong mối liên hệ với hàng hóa hay dịch vụ mà nhãn hiệu được sử dụng;

– Khoảng thời gian và quy mô của các hoạt động quảng cáo hay phổ biến nhãn hiệu;

– Phạm vi địa lý của các khu vực thương mại mà nhãn hiệu được sử dụng;

– Các kênh lưu thông đối với hàng hóa hay dịch vụ mà qua đó nhãn hiệu được sử dụng;

– Mức độ công nhận nhãn hiệu trong các khu vực thương mại và các kênh lưu thông hàng hóa hay dịch vụ được sử dụng bởi chủ sở hữu nhãn hiệu;

– Bản chất và mức độ của việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa giống hay tương tự của bên thứ ba;

– Nhãn hiệu đã được đăng ký theo Đạo luật ngày 03/03/1881 hoặc Đạo luật ngày 20/02/1905, hoặc đăng ký nguyên tắc hay chưa.22

Vấn đề trọng tâm của việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng theo pháp luật Hoa Kỳ chính là sự lu mờ nhãn hiệu hàng hóa. Thuật ngữ này đã được đưa ra và sử dụng trong một thời gian khá dài trước khi được đề cập trong luật. Nó được định nghĩa lần đầu tiên bởi Schechter vào năm 1927 để bảo vệ chống lại “sự biến mất dần dần hay sự phân tán những đặc tính và sự nhận biết của công chúng đối với nhãn hiệu hàng hóa bởi sự sử dụng nó cho những sản phẩm phi cạnh tranh”. Một năm sau đó, Thẩm phán Learned Hand, trong vụ kiện “Yale Electric Corporation v. Robertson” (năm 1928), đã chấp thuận một Lệnh cho phép chống lại sự sử dụng của bị đơn đối với nhãn hiệu hàng hóa tương tự với nhãn hiệu của nguyên đơn nhưng chỉ cho những hàng hóa phi cạnh tranh.23

Ở góc độ chung nhất, khái niệm về “sự lu mờ nhãn hiệu hàng hóa” được hiểu là sự làm giảm đi khả năng của nhãn hiệu nổi tiếng trong việc nhận biết và phân biệt hàng hóa hay dịch vụ, bất kể có tồn tại hay không tồn tại một sự cạnh tranh giữa chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng và các bên khác, hay khả năng gây nhầm lẫn, lỗi lầm hay lừa dối.24 Định nghĩa này rõ ràng đã khẳng định rằng nguy cơ gây nhầm lẫn, mặc dù là một căn cứ cơ bản của sự xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa, không phải là một yếu tố được yêu cầu cho sự lu mờ theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, lịch sử lập pháp Hoa Kỳ đã cho chúng ta thấy một điều rằng khái niệm về sự lu mờ được mô tả bao gồm tất cả những hình thức của sự làm lu mờ được thừa nhận một cách hợp pháp.25

Nhìn chung, hệ thống pháp luật Hoa Kỳ có rất nhiều điểm khác biệt so với pháp luật Châu Âu cũng như các hệ thống pháp luật khác trên thế giới. Điều này là do đặc điểm kinh tế – chính trị và truyền thống pháp luật quy định. Những thành tựu mà Hoa Kỳ đã đạt được trong quá trình bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nói chung và nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng là hết sức thực tế. Điều này đã được chứng minh thông qua những số liệu thống kê về số lượng các nhãn hiệu hàng đầu thế giới trong những năm vừa qua.26

V. LỜI KẾT

Ở Việt Nam, về cơ bản chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng khá phong phú và ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong một chừng mực nhất định, có thể nói hệ thống pháp luật của chúng ta đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của thực tiễn, cho dù những đóng góp đó còn quá nhỏ bé so với nhu cầu to lớn đang được đặt ra. Những quy định cụ thể liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, đặc biệt là đối với nhãn hiệu nổi tiếng là còn rất thiếu, nếu không nói là hầu như chưa có gì đáng kể.

Có thể nói những quy định nói trên của pháp luật Việt Nam là không khác nhiều so với các quy định của pháp luật Châu Âu và Hoa Kỳ như đã phân tích ở các phần trước. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng của chúng ta đã đủ hoàn chỉnh. Chúng ta cần phải nhận thấy một điều quan trọng là việc đánh giá hệ thống các quy định pháp luật này cần phải được đặt trong các yếu tố kinh tế – xã hội. Và nếu nhìn nhận từ góc độ đó, rõ ràng các quy định pháp luật của chúng ta hiện nay còn có rất nhiều vấn đề phải khắc phục, chẳng hạn như vấn đề liên quan đến tính hợp lý, tính khả thi, tính khoa học… Đối với công cuộc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung ở Việt Nam, việc tham khảo và tranh thủ các thành tựu pháp lý quốc tế và các nước là hết sức cần thiết. Trong đó, hệ thống pháp luật của Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ là những hệ thống pháp luật tiến bộ trên thế giới mà Việt Nam cần nghiên cứu học hỏi.

Chú thích:

1 David I Bandbride, Sở hữu trí tuệ, tại Luân Đôn, 1999, tr. 521.

2 Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được ban hành ngày 20/03/1883 tại Paris với hơn 100 quốc gia ký kết, công ước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 07/03/1884, được sửa đổi nhiều lần như tại Brussels ngày 14/12/1900, tại Washington ngày 02/06/1911, tại Hague ngày 06/11/1925, tại Luân Đôn ngày 02/06/1934, tại Lisbon ngày 31/10/1958 và ại Stockholm ngày 14/07/1967. Sau đó, Công ước được tiếp tục sửa đổi tại Brussels năm 1990 và tại Washington năm 1991.

3 Điều khoản này được bổ sung và ghi nhận vào Công ước trong lần sửa đổi năm 1967 ở Stockholm.

4 Điều 6bis, khoản 1, Công ước Paris.

5 Điều 6bis, khoản 2 và 3, Công ước Paris.

6 Hiệp định về những ảnh hưởng ở khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ được ký kết ngày 15/04/1994 tại Marakech và sau đó cấu thành một bộ phận quan trọng của WTO.

7 Điều 16.2. Hiệp định TRIPs.

8 Chẳng hạn, Tòa phúc thẩm Paris của Pháp đã tuyên thừa nhận nhãn hiệu PONTIAC là nhãn hiệu nổi tiếng cho xe hơi bởi vì “một bộ phận lớn công chúng đã biết đến tên gọi này như là một nhãn hiệu cho một loại xe hơi cao cấp ở Pháp” (bản án tuyên ngày 08/12/1962); hoặc nhãn hiệu hàng hóa cũng có thể được xem là nổi tiếng ngay cả khi nó không thật sự nổi tiếng một cách đặc biệt (theo một Quyết định khác của Tòa phúc thẩm Paris tuyên ngày 19/10/1970); hoặc trong một số trường hợp khác, Tòa án có thể tham khảo một cuộc điều tra thị trường để xác định một nhãn hiệu có phải là nổi tiếng hay không.

9 Tạp chí Managing Intellectual Property, ngày 02/05/2001, chuyên mục Russia, bài “Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng”, http://elin.lub.lu.se, truy cập lần cuối ngày 22/07/2004.

1010 Bài viết “Legislative changes boost status of well-known marks”, Yvonne Chua, Howard Tsang. Tạp chí Managing Intellectual Property, phát hành tại London, tháng 12/2002 – tháng 02/2003, tr. 75; http://proquest.umi.com, truy cập lần cuối ngày 22/07/2004.

11 Điều 15.1 – Hiệp định TRIPS.

12 Peter Groves, Anthony Martino, Claire Miskin, John Richards – “Intellectual property and the Internal market of the European Community”, xuất bản năm 1993 bởi Nxb Graham & Trotman, 1999, tr. 56.

13 Xem Điều 4 – Văn bản hướng dẫn 104/89/EEC.

14 Đây là hai nguyên tắc cơ bản được các quốc gia trên thế giới áp dụng trong việc cho đăng ký bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó, nguyên tắc quyền ưu tiên đăng ký được sử dụng phổ biến hơn so với nguyên tắc quyền ưu tiên sử dụng.

15 Xem khoản 1 – Điều 4 – Văn bản hướng dẫn 89/104/EEC.

16 Xem khoản 2 – Điều 8 – Quy định về nhãn hiệu hàng hóa cộng đồng 40/94/EC.

17 Trong ấn phẩm bằng tiếng Đức của Văn bản hướng dẫn, thuật ngữ này còn được hiểu như là “rủi ro do nhầm lẫn” (risk of confusion)

18 Phán quyết của Tòa án ngày 11/11/1997 về vụ kiện “Sabel v. Puma AG”, số C – 251/95, Tạp chí Tòa án Châu Âu năm 1997, tr. I – 06191.

19 Xem ý kiến của luật sư trong vụ kiện “Masca Mode v. ADIDAS [2000] ETMR. 561 và phán quyết của Tòa án công lý Châu Âu [2000] ETMR. 723 và xem Tạp chí Sở hữu trí tuệ Châu Âu năm 2002, bài “Trade Mark Law and Domain Names: Back to Basics?”, Spyrus M. Maniatis, giảng viên về IP, Đại học Queen Mary, London, tr. 398.

20 Đạo luật Liên bang về sự lu mờ nhãn hiệu hàng hóa (Federal Trade Mark Dilution Act – FTDA) (H.R. 1295) được thông qua bởi Hạ viện Hoa Kỳ ngày 16/12/1995 và bởi Thượng viện vào ngày 29/12/1995.

21 Ý kiến của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong vụ kiện số 01 – 1015 giữa “Victor Mosely and Cathy Mosely, dab Victor’s Little Secret, Petitioners v. V Secret Catalogue, Inc., et al.” [tháng 4/2003].

22 Xem Điều 3 – Đạo luật Liên bang về sự lu mờ nhãn hiệu hàng hóa năm 1995. Và xem “Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng – Sự so sánh các điều kiện thực thi nhãn hiệu hàng hóa và các hệ thống pháp luật nhãn hiệu hàng hóa giữa Nhật Bản và Trung Quốc”, Xia Qing, tr. 11.

23 Tạp chí “Public policy and Marketing”, bài “Famous marks now federally protected against dilution”, các tác giả Jeffrey M. Samuels và Linda B. Samuels, tr. 309.

24 Xem Điều 4 – Đạo luật Liên bang về sự lu mờ nhãn hiệu hàng hóa năm 1995.

25 Xem “Mead Data Central v, Toyota Motor Sales, USA”, năm 1989, tr. 1031. “Coca Cola Company v. Gemini Rising” năm 1972, tr. 1183. “American Express Company v. Vibra Approved Laboratories Corporation”, năm 1989, tr. 2006.

26 Xem chú thích số 64.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 4/2006

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading