-
Về phạm vi điều chỉnh, Luật DNTN được soạn thảo theo tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng là mở rộng tối đa, bao quát gần hết các loại hình DN đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài DN tư nhân, Luật DNTN sẽ bao gồm các DNNN và các DNĐTNN. Khi luật này có hiệu lực thì các công ty nhà nước cũng sẽ chuyển sang hoạt động theo Luật DN mới. Tuy nhiên, cơ chế cần có thời gian chuyển tiếp nhất định, ví dụ một năm cho các công ty nhà nước để làm thủ tục chuyển đổi. Còn hơn 4000 DN đầu tư nước ngoài, vừa tổ chức hoạt động theo Luật DN, vừa theo Luật Đầu tư hiện hành cũng cần có thời gian chuyển đổi nhưng tôi chắc chắn sẽ nhanh chóng và được hưởng ứng.
Chúng tôi cũng đã xem xét và quyết định là HTX chưa thuộc diện điều chỉnh của Luật DN mới mặc dù theo quy định của Luật HTX hiện hành, HTX được tổ chức và họat động như một loại hình DN và chịu trách nhiệm trong phạm vi góp vốn và tài sản của HTX – bản chất đó là một doanh nghiệp TNHH.
Khi thực hiện các cam kết quốc tế, chúng ta cần phải tính đến hai nguyên tắc không phân biệt đối xử (tối huệ quốc và đối xử quốc gia). Tuy nhiên, trên thế giới không có nước nào thực thi nguyên tắc đối xử quốc gia một cách tuyệt đối, vì vậy Việt Nam vẫn có thể áp dụng một số ngoại lệ như bảo lưu đất đai, ngành nghề trong Hiệp định thương mại Việt Mỹ. Chúng ta cần xem xét chọn lĩnh vực nào để bảo lưu cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng, Viện Quản lý kinh tế Trung Ương
-
Một sân chơi chung cho mọi loại hình doanh nghiệp là cần thiết. Tất nhiên DN tư nhân sẽ gặp thách thức là phải cạnh trạnh với những đối thủ mạnh như DNNN và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng sự cạnh tranh này có thể là một động lực tốt để DN tư nhân trong nước nỗ lực hoàn thiện và phát triển.
Để DNNN có thể tham gia vào sân chơi chung này, cần quy định trong luật lộ trình cũng như thời hạn cụ thể để hoàn thành chuyển đổi tất cả các DNNN. Thời hạn này càng ngắn thì Nhà nước càng có lợi. Càng để lâu thì Nhà nước càng mất vốn. Các DNNN sẽ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tức là kìm hãm sự phát triển chung. Càng rút ngắn được thời hạn chuyển đổi DNNN bao nhiêu, tức là rút ngắn thời gian bảo trợ của Nhà nước, thì càng có lợi. Đây là vấn đề cần được quy định cụ thể trong Luật DNTN.
Ông Hoàng Quyết Tiến, Giám đốc, Công ty Cổ phần An Sinh
-
Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều mong muốn có sự đối xử bình đẳng về pháp lý, mà cụ thể là có một khung pháp lý bình đẳng để điều chỉnh các lĩnh vực đầu tư và kinh doanh và mong muốn có một sân chơi bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả DNNN. Tuy nhiên, các DNNN hiện vẫn chưa thuộc diện điều chỉnh của Luật DNTN. Việc các DN này được điều chỉnh bởi một chế độ pháp lý riêng biệt và vẫn chịu sự quản lý của Nhà nước như hiện nay sẽ hạn chế quá trình tạo ra một sân chơi bình đẳng và cản trở các nỗ lực của Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế.
Dù tham gia cùng sân chơi với các doanh nghiệp trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài còn bị cấm hoặc hạn chế ở một số lĩnh vực mà nhà đầu tư trong nước được phép kinh doanh. Ngoài ra quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp còn phụ thuộc vào “điều kiện kinh doanh”; theo dự thảo Luật DNTN thì “điều kiện kinh doanh được thể hiện bằng giấy phép hoặc các yêu cầu khác mà luật, pháp lệnh và nghị định quy định” mà DN phải có trước khi có thể tiến hành kinh doanh một cách hợp pháp.
Về vấn đề này, Chương V của dự thảo Luật Đầu tư chung quy định thủ tục cấp giấy phép đầu tư hoàn toàn giống với thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài hiện hành. Các điều kiện thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại dự thảo Luật ĐT chung cũng khắt khe hơn so với những điều kiện hiện hành của Luật Đầu tư nước ngoài.
Do vậy nếu Chính phủ có ý định duy trì hệ thống cấp phép đối với nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay (tùy thuộc vào điều kiện khắt khe hơn về các lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia) thì việc áp dụng hai luật mới nêu trên sẽ không mang lại hiệu quả cao; và có lẽ chúng ta sẽ dễ đạt được mục tiêu đề ra hơn chỉ đơn giản bằng cách sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài hiện hành.
Đề nghị các nhà làm luật đảm bảo rằng Luật DNTN sẽ phù hợp với các quy định và pháp luật hiện hành nhưng đồng thời cũng từng bước hủy bỏ hoặc sửa đổi, tùy từng trường hợp cụ thể, tất cả các luật khác có thể hạn chế phạm vi điều chỉnh của luật thống nhất này. Ví dụ như điều chỉnh các quy định và luật liên quan đến giải quyết tranh chấp, bao gồm các quy định và pháp luật về trọng tài, để đảm bảo rằng tất cả các nhà đầu tư và doanh nghiệp đều bình đẳng với nhau về quyền được áp dụng tất cả các thủ tục giải quyết tranh chấp hiện có.
Ông Nicolas Audier, Công ty Luật Gide Loyrette Nouel
-
Luật Doanh nghiệp coi việc thành lập doanh nghiệp là một quyền chứ không phải một đặc quyền. Các nguyên tắc cơ bản của quản trị công ty đã được đưa vào luật này nhưng Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn tìm hiểu vấn đề này. Luật DNTN cần tính đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tham gia. Đã đến lúc Việt Nam cần thể hiện với quốc tế sự nghiêm túc của mình trong việc thực hiện các cam kết này.
Chẳng hạn, dự thảo Luật DNTN quy định các nhà đầu tư nước ngoài phải có tài sản/vốn đầu tư tối thiểu là 100.000 đô la Mỹ mới đủ điều kiện thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam trong khi quy định này không áp dụng đối với các nhà đầu tư trong nước. Quy định phân biệt đối xử này là vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia trong chương Đầu tư của Hiệp định thương mại Việt-Mỹ. Hơn nữa, tại sao lại là 100.000 đô la Mỹ? Lý luận rằng hạn chế này nhằm bảo vệ cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước là không thuyết phục vì không những không bảo vệ được mà còn cản trở các doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu vào Việt Nam thông qua việc đầu tư vào những doanh nghiệp nhỏ. Nhưng vấn đề đáng lo lắng hơn cả là quan niệm về phân biệt đối xử cũng như hiểu biết về nguyên tắc Đối xử Quốc gia ở đây là chưa rõ ràng.
Ông Fred Burke, Tổng Giám đốc, Baker &McKenzie
-
Hiện nay “công ty nhà nước” chưa phải là công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần vì còn thiếu hai đặc điểm quan trọng là khả năng chuyển nhượng cổ phần hoặc phần góp vốn và khả năng quản lý tập trung thống nhất. Vì vậy, công ty nhà nước cần chuyển đối thành công ty TNHH hay cổ phần thì mới thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật DNTN. Ban soạn thảo cho rằng mấu chốt của quá trình chuyển đổi này là việc phải có “chế độ chủ quản mới phù hợp” thay vì chế độ “hành chính chủ quản” như hiện nay. ít nhất phải làm 3 việc cơ bản sau đây để thiết lập chế độ “chủ quản” mới: một là tách chức năng chủ quản ra khỏi bộ máy thực hiện chức năng hành chính quản lý nhà nước; hai là thay cơ chế hành chính thực hiện chức năng chủ quản sang cơ chế của người đầu tư kinh doanh; và ba là thực hiện quyền của chủ sở hữu một cách tập trung thống nhất.
Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô,
Viện Quản lý kinh tế Trung Ương và thành viên Ban Soạn thảo Luật DNTN
-
Việc các Tổng công ty được điều chỉnh bởi Luật DNNN, trong khi đó các công ty thành viên sẽ được điều chỉnh bởi Luật DNTN không có gì mâu thuẫn. Một doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi nhiều luật cũng là chuyện bình thường, giống như con người trong xã hội bị điều chỉnh bởi nhiều luật lệ. Tuy nhiên điều bất cập lớn hiện nay là cần có được một luật để có thể đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải thông qua được một luật chung trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa này. Luật doanh nghiệp chung không nên chỉ cộng hai luật khác nhau lại để giảm thiểu sự trùng lắp mà phải giúp giảm được sự khác biệt. Mọi thành phần tham gia kinh doanh cần có được một sân bình đẳng, khắc phục được các khác biệt, nhất là trong cách đối xử, kể cả về tài chính, địa điểm kinh doanh, xử lý lao động, cơ chế kinh doanh, nghĩa vụ của người kinh doanh, trách nhiệm trước pháp luật.
Cá nhân tôi không tán thành việc luật đưa ra thời hạn nhất định cho sự chuyển đổi DNNN. Lộ trình chuyển đổi DNNN đã được Chính phủ xác định rõ, không cần phải quy định thêm, quan trọng hơn là việc tổ chức thực hiện để đảm bảo lộ trình đó. Quy định của Nghị quyết TƯ 3 là đến cuối năm 2005 này là cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi DNNN. Nếu theo đúng tiến trình thì cuối năm nay sẽ chỉ còn 1900 DNNN. Theo đúng tinh thần Nghị quyết TƯ khóa 9 rà soát tiếp khoảng 700 DN để đưa ra cổ phần hóa thì đến cuối 2005, hay cùng lắm đến giữa 2006 sẽ chỉ còn 1200 DNNN. Số này là không lớn, và trong đó đã có 400-450 DN là để phục vụ các hoạt động công ích. Với điều kiện phát triển hiện nay của Việt Nam thì 400-450 DN phục vụ công ích là hợp lý. Tất nhiên, đổi mới DNNN cũng như tạo điều kiện để DNNN hoạt động giống như các DN khác là cần thiết, nếu không DNNN sẽ không thể đủ sức cạnh tranh trong xu thế mới. Việc duy trì DNNN sẽ đồng nghĩa với việc Nhà nước phải tăng trợ cấp, mà hiện nay việc tăng trợ cấp là không thể được nữa. Không đổi mới thì DNNN sẽ không còn đáp ứng được yêu cầu định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế đất nước.
Ông Hồ Xuân Hùng, Phó Ban Chỉ Đạo Đổi mới và Phát triển DNNN
-
Theo chương trình làm luật của Quốc hội thì ủy ban Kinh tế và Ngân sách sẽ chịu trách nhiệm thẩm định dự luật DNTN. Vấn đề thống nhất các luật về DN đã được đặt ra khi làm Luật DN năm 2000 nhưng lúc đó điều kiện chưa cho phép. Hiện nay, việc ban hành Luật này trở nên bức thiết do yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế.
Để trở thành một Luật chung cho mọi loại hình doanh nghiệp, dự thảo cần sửa phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng vì hiện nay vẫn còn một bộ phận DNNN đã chuyển đổi hoạt động theo Luật DNNN. Chẳng hạn trường hợp của các công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, về tổ chức hoạt động thì được điều chỉnh bởi Luật DN nhưng về quản lý và quyền sở hữu vốn thì áp dụng Luật DNNN. Theo tôi nên mạnh dạn đưa Luật DNTN vào áp dụng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Ông Hoàng Thanh Phú, ủy viên thường trực,
Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc Hội
-
Luật DNTN cần xóa bỏ các qui định khác biệt trong tổ chức và vận hành của các loại hình doanh nghiệp theo các luật về DN hiện nay, nhưng đừng vì thế mà áp cho Luật DNTN sứ mệnh tạo mặt bằng pháp lý trong kinh doanh giữa các loại hình DN, vì việc tạo mặt bằng bình đẳng phải được hình thành thông qua các quy định khác nhau như trong Luật Thuế và chính sách ưu đãi đầu tư. Luật doanh nghiệp có thể tạo một mặt bằng pháp lý để mọi doanh nghiệp mới ra đời đều được hưởng bình đẳng. Một khi doanh nghiệp bắt đầu bước vào thương trường, họ sẽ chịu tác động của một môi trường pháp lý phức hợp, bao gồm nhiều lĩnh vực như luật hợp đồng, đất đai, thuế, lao động, tín dụng, phá sản, giải quyết tranh chấp v.v…
Ông Nguyễn Như Phát, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp Luật
SOURCE: KINHDOANH.COM.VN
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 2. Chủ thể kinh doanh |
Leave a Reply