THS. NGUYỄN THỊ HOÀI PHƯƠNG – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Nhân đọc bài “Hòa giải trong Tố tụng dân sự – Nhìn từ góc độ kinh tế” của tiến sĩ luật Lê Nết trên Tạp chí Khoa học pháp lý số 2 (33)/2006 (từ trang 31 đến trang 38), chúng tôi xin có vài ý kiến trao đổi về vấn đề liên quan đến luật thực định hiện hành và quan điểm khoa học được tác giả thể hiện trong bài viết ở các nội dung sau:
1. Về những vấn đề liên quan đến quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành về hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân
1.1 Thứ nhất: Về vấn đề giá trị pháp lý của biên bản hòa giải trong tố tụng dân sự
Tại phiên hòa giải thư ký ghi biên bản hòa giải. Nếu các bên đương sự thoả thuận được tất cả mọi vấn đề tranh chấp thì đó là biên bản hòa giải thành. Trường hợp các bên không thống nhất thì đó là biên bản hòa giải không thành. Các biên bản này là căn cứ pháp lý để Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên trong quy định của pháp luật không bao giờ cho phép các đương sự kháng cáo đối với biên bản này theo thủ tục phúc thẩm và cũng không có thủ tục giám đốc thẩm áp dụng đối với biên bản hòa giải thành. Quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) chỉ cho phép đương sự có quyền thay đổi ý kiến trong biên bản (khoản 1 Điều 187). Hơn nữa quyền kháng cáo, kháng nghị trong tố tụng dân sự chỉ áp dụng đối với bản án, quyết định chứ không thể áp dụng đối với biên bản hòa giải.
Vì vậy khi TS. Lê Nết viết rằng: “Biên bản hòa giải sau này có thể coi là sai về mặt tố tụng và bị kháng cáo, thậm chí giám đốc thẩm” (trang 37) chúng tôi cho rằng chưa chính xác so với quy định trong BLTTDS hiện hành.
1.2 Thứ hai: Vấn đề hiệu lực của quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 của BLTTDS: “Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực thi hành ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”.
Tuy nhiên trong bài viết khi viện dẫn Điều 187 và 188 BLTTDS tác giả nhận đinh: “Việc phải đợi thêm 7 ngày sau khi có biên bản hòa giải mới ra quyết định công nhận hòa giải của các bên, rồi 15 ngày sau quyết định này mới có hiệu lực sẽ khiến cho các bên có thời gian suy nghĩ lại hay cố tình kéo dài vụ việc bằng cách phản đối lại những gì mình đã thoả thuận trong biên bản trước đó… Thời gian phúc thẩm quyết định công nhận hòa giải thành nếu có chỉ dựa trên những căn cứ do việc áp dụng pháp luật của Thẩm phán có sai sót chứ không phải do đương sự không đồng ý với những gì mình đã ký trong biên bản mà không có lý do chính đáng” (trang 38).
Trong nội dung này chúng tôi có hai ý kiến:
– Theo quy định của Điều 187 sau khi Tòa án đã ra quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự thì đương sự không được quyền thay đổi ý kiến đã thể hiện trong biên bản hòa giải thành nữa. Họ chỉ có quyền này trong hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản, tức trước thời điểm ban hành quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự . Do vậy không thể hiểu là đương sự có thể gây khó khăn cho bên kia sau khi đã có quyết định bằng việc thay đổi ý kiến của mình.
– Theo quy định tại Điều 188, quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự có hiệu lực ngay, không bao giờ có thủ tục phúc thẩm đối với quyết định này. Do đó khi tác giả phân tích Điều 188 theo hướng cho rằng quyết định này sau 15 ngày mới có hiệu lực và có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (trang 38) là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành.
2. Về quan điểm khoa học liên quan đến thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự
2.1 Thứ nhất: Chúng tôi đồng quan điểm với tác giả khi cho rằng: hòa giải trong tố tụng khác với hòa giải ngoài tố tụng. Tuy nhiên, khi tác giả lập luận và đưa ra nhận định về hòa giải trong tố tụng: “Như vậy, hòa giải là biện pháp có hòa giải” (trang 32) thì, theo chúng tôi, cách nhận định này không thể hiện đúng bản chất pháp lý của hòa giải trong tố tụng dân sự do tòa án thực hiện. Bởi lẽ hòa giải trong tố tụng là do tòa án chủ động triệu tập đương sự theo quy định của pháp luật. Khi đương sự có mặt, Thẩm phán sẽ chủ trì phiên hòa giải, đương sự có toàn quyền định đoạt trong quá trình hòa giải, nhưng Thẩm phán có nghĩa vụ xem xét để công nhận hoặc không công nhận nội dung các bên đã thỏa thuận trong phiên hòa giải. Do vậy nếu hiểu: Hòa giải là biện pháp có hòa giải thì không thể hiện được tính chất của hòa giải nói chung và hòa giải trong tố tụng dân sự nói riêng. Đồng thời cũng không thể phân biệt được hòa giải trong tố tụng khác với hòa giải ngoài tố tụng về bản chất pháp lý của khái niệm.
Theo chúng tôi, hòa giải trong tố tụng là thủ tục bắt buộc do tòa án chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm giúp các bên đương sự thoả thuận giải quyết tranh chấp trong quá trình tố tụng. Kết quả của việc hòa giải có thể được tòa án công nhận và có giá trị pháp lý để thi hành.
2.2 Thứ hai: Chúng tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả cho rằng: “Muốn đẩy nhanh phương thức hòa giải nên chăng tòa án nên tăng mức bồi thường thiệt hại cho bên thua kiện khi đưa vụ án ra xét xử. Luật Sở hữu trí tuệ vừa thông qua ngày 25/11/2005 vừa qua đã lựa chọn phương án này. Tại Chương V của Luật có quy định tòa án có quyền tự ấn định mức bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại do hành vi của bị đơn gây ra. Mức bồi thường thiệt hại được ấn định tối đa là 500 triệu đồng” (trang 34).
Theo chúng tôi, nếu tòa án tự mình ấn định mức bồi thường thiệt hại là trái pháp luật. Ngược lại, tòa chỉ được xác định mức bồi thường dựa trên cơ sở những chứng cứ bên yêu cầu cung cấp mà được pháp luật chấp nhận. Việc tác giả viện dẫn Chương V của Luật Sở hữu trí tuệ để lý giải điều này lại càng không đúng. Vì toàn bộ Chương V của Luật Sở hữu trí tuệ là các quy định về: “Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan”. Chúng tôi không tìm thấy trong Chương V của Luật Sở hữu trí tuệ có bất kỳ một quy định nào liên quan đến nội dung được trình bày trong bài viết của tác giả.
Tuy nhiên tại chương XVII của Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 205 có quy định căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định: “Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu tòa án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây:
a/ Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;
b/ Giá chuyển giao quyền sử dụng đối với đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;
c/ Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a và b khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do tòa án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại nhưng không quá năm trăm triệu đồng…”.
Điều này có nghĩa nguyên đơn phải chứng minh được mình có thiệt hại vật chất do bị đơn gây ra nhưng không có căn cứ áp dụng theo cách tính tại điểm a và b nêu trên thì tòa án sẽ xem xét tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại để ấn định một mức bồi thường cụ thể nhưng không quá năm trăm triệu đồng. Như vậy khi nguyên đơn không chứng minh được mình có thiệt hại do hành vi của bị đơn gây ra thì tòa không thể buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn.
3.3 Thứ ba: Tại trang 32 tác giả nhận định: “Nhìn chung Luật tố tụng dân sự Việt Nam đã có những cải cách để làm tốt được vai trò thứ nhất thông qua các quy định gần đây trong Luật Sở hữu trí tuệ, song vẫn chưa làm tốt được vai trò thứ hai”. Và vai trò thứ nhất trong cách lý giải của tác giả tại trang 32 là:
“Thứ nhất là làm cho quá trình kiện tụng và thi hành án khó khăn hơn (các bên khi đó sẽ chọn phương án hòa giải cho nhanh chóng)”.
Chúng tôi cho rằng quan điểm này về mặt khoa học không phù hợp bởi Luật Sở hữu trí tuệ không phải là sự triển khai tiếp theo của Luật Tố tụng dân sự về cả nội dung cũng như mục đích. Do đó không thể nhận định rằng Luật Tố tụng dân sự thực hiện được vai trò của nó thông qua các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Mặt khác, dù hiểu thế nào đi chăng nữa cũng không thể cho rằng vai trò của Luật Tố tụng dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ là nhằm làm cho quá trình kiện tụng và thi hành án khó khăn hơn để từ đó các bên e ngại mà phải chọn việc hòa giải thay cho việc xét xử. Cách lập luận này e rằng trái với quan điểm lập pháp của nhà nước pháp quyền trong bối cảnh của công cuộc cải cách tư pháp hịên nay. Bởi vì sự ra đời và hiện diện của Luật Tố tụng dân sự là nhằm giúp cá nhân, tổ chức thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ lợi ích hợp pháp trước cơ quan tài phán nhà nước. Vì vậy, sự tiến bộ của Luật là các quy định thông thoáng, phù hợp để bảo đảm cho đương sự thực hiện tốt nhất quyền tố tụng của họ chứ không nhằm cản trở hoặc làm cho họ sợ mà không dám tham gia tố tụng.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 3/2006
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 1. Lý luận chung |
Leave a Reply