Luật Doanh nghiệp (DN) có hiệu lực từ năm 2000 được coi là một hình mẫu trong soạn thảo và thực thi luật ở Việt Nam. Tuy được đánh giá là rất thành công, nhưng Luật DN mới chỉ “đánh thức” được khu vực tư nhân trong nước.1 Để thu hút hơn nữa nguồn đầu tư trong và ngoài nước và thực hiện cam kết quốc tế về xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng thì Luật DN phải là một luật áp dụng chung cho mọi loại hình DN. Đáp ứng nhu cầu cấp thiết này, Luật doanh nghiệp thống nhất (DNTN) hiện đang được gấp rút xây dựng để có thể trình Dự luật lên Quốc hội vào cuối năm nay. Bản tin này bàn luận về những nét mới của Dự luật cũng như một số ảnh hưởng đến giới doanh nghiệp.
Xoá bỏ các khác biệt bất hợp lý giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
Đúng như tên gọi, Luật DNTN có mục đích kết hợp và tiến tới thay thế các quy định hiện hành về thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp trong các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp Nhà nước. Luật DNTN sẽ tạo ra khung pháp lý áp dụng theo loại hình, đặc trưng của doanh nghiệp chứ không theo chủ thể sở hữu doanh nghiệp. Cụ thể là Luật DNTN sẽ qui định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của bốn loại hình doanh nghiệp cơ bản: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Bất cứ doanh nghiệp nào thuộc một trong bốn loại hình này đều được điều chỉnh bởi Luật DNTN mà không phụ thuộc vào tính chất sở hữu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự khác biệt bất hợp lý giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau có thực sự được xóa bỏ hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù quyền tự do kinh doanh được mở rộng đáng kể, nhưng họ vẫn còn có thể bị hạn chế hoặc bị từ chối trong một số ngành mà DN trong nước không bị cấm hoặc hạn chế. Tuy nhiên, danh mục những ngành nghề kinh doanh bị cấm hay hạn chế này lại được quy định trong Luật Đầu tư chung (cũng đang trong quá trình soạn thảo). Điều này có nghĩa là các ngành nghề hạn chế kinh doanh, cấm kinh doanh trong Luật Đầu tư chung sẽ phải phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như nguyên tắc đối xử công bằng trong chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam. Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), muốn hoạt động theo Luật DNTN thì phải chuyển đổi loại hình sang công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Có quy định bắt buộc các DNNN phải chuyển sang hoạt động theo luật DNTN hay không, thời gian phải chuyển đổi là bao lâu vẫn đang còn là một ẩn số. Nếu vẫn còn các DNNN nằm ngoài sự điều chỉnh của Luật DNTN thì chưa thể có một sân chơi chung cho tất cả các thành phần kinh tế.
Mở rộng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp
Quyền tự do kinh doanh của DN được hiểu là quyền của DN được tự chủ quyết định các vấn đề trong các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là quyền đầu tư kinh doanh và quyền huy động vốn. Mở rộng quyền tự do kinh doanh của DN cũng có nghĩa là hạn chế sự can thiệp hành chính tùy ý của các cơ quan nhà nước vào hoạt động của DN.
Một trong những thay đổi được coi là mang tính đột phá của của Luật DNTN lần này là quyền hạn của các DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được mở rộng đáng kể. Với Luật DNTN, các DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm chứ không chỉ bị giới hạn trong nội dung của giấy phép đầu tư như qui định trong Luật Đầu tư nước ngoài hiện hành. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng chế độ đăng ký kinh doanh giống như các DN tư nhân trong nước, nhờ đó việc thành lập DN trở nên đơn giản, nhanh và ít chi phí hơn so với chế độ cấp phép đầu tư phức tạp, tuỳ tiện và tốn kém hiện nay. Với Luật DN TN, các DN nước ngoài sẽ không bị giới hạn ở một loại hình công ty TNHH như hiện nay mà sẽ được tự do chọn các loại hình doanh nghiệp phù hợp, ví dụ công ty cổ phần với lợi thế về huy động vốn trên thị trường tài chính. Những khống chế về mức sở hữu (30%) đối với đầu tư nước ngoài về cơ bản sẽ được xóa bỏ. Đối với một số ngành, nghề hạn chế kinh doanh áp dụng cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có quy định những điều kiện nhất định mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng theo hướng công khai, minh bạch hơn. Những thay đổi này chắc chắn sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Nếu so với Luật DNNN hiện hành, Luật DNTN có vẻ khá “hấp dẫn” đối với các DNNN. Nếu như hiện nay, nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài được tự quyết về công việc kinh doanh của mình thì DNNN vẫn phải chịu ràng buộc hay chi phối bởi sự can thiệp mang tính chất hành chính, chủ quan và thiếu phối hợp của không ít cơ quan nhà nước. Ví dụ, trong các vấn đề liên quan đến sự sống còn của DNNN thì Bộ chuyên ngành quyết về chiến lược, Bộ Nội vụ quyết về nhân sự, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết về dự án đầu tư, Bộ Tài chính cấp vốn. Với Luật DNTN các DNNN sẽ được “cởi trói”, quyền kinh doanh sẽ được mở rộng, tính tự chủ kinh doanh sẽ đươc nâng cao, việc quản trị sẽ được cải thiện và sẽ ít phải phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước hơn.
Quản trị doanh nghiệp hợp lý, hiệu quả.
Luật DNTN sẽ tạo một khung quản trị thống nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế để áp dụng cho các DN trong nước (DN tư nhân, DNNN đã chuyển đổi và DN có vốn đầu tư nước ngoài). Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao khả năng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Khung pháp lý chung sẽ giúp giải quyết những tồn tại trong quản trị DNNN, ví dụ như quyền chủ sở hữu và quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý chưa được xác định đầy đủ và rõ ràng, vẫn còn chế độ “hành chính chủ quản”, cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm người quản lý chưa hợp lý, cơ chế giám sát điều hành kém hiệu quả v.v… Khác với Luật ĐTNN hiện hành, Luật DNTN sẽ không chỉ dừng lại ở việc giải quyết vấn đề cân bằng quyền lực giữa các bên trong liên doanh mà điều chỉnh cả quản trị của DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. 2
Dự thảo Luật DNTN sẽ khắc phục một số hạn chế của Luật DN năm 2000 như vấn đề về bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số và chủ nợ, cơ chế cung cấp và tiếp cận thông tin, vấn đề trách nhiệm của các bên góp vốn, sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người quản lý, giải quyết mối quan hệ về quản trị, công ty cổ phần, công ty hợp danh v.v… Ngoài ra Dự thảo sẽ bổ sung một chương mới về Công ty mẹ, công ty con và nhóm công ty – một hiện tượng rất phổ biến trên thế giới nhưng lại là mô hình mới ở Việt Nam. Những quy định này mở ra những cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư nước ngoài, tạo một hướng phát triển mới trong cải cách DNNN và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân mở rộng quy mô kinh doanh một cách hiệu quả mà vẫn kiểm soát được những rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động.
Còn nhiều việc cần phải làm …
Nhìn chung dự thảo Luật DNTN đang được xây dựng theo xu hướng tích cực. Dự luật đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,3 đó là: i) mở rộng quyền tự do kinh doanh để tất cả các doanh nghiệp được kinh doanh và đầu tư trong mọi lĩnh vực luật pháp không cấm cũng như được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về doanh nghiệp của mình; ii) đổi mới chức năng quản lý hành chính nhà nước cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và tăng cường tính minh bạch; iii) phù hợp với các nguyên tắc quốc tế và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong các thoả thuận hội nhập. Cho đến nay, Dự luật đang nhận được sự hưởng ứng lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, để Luật DNTN có thể phát huy được hiệu lực và đi vào cuộc sống thì cần có sự thống nhất giữa nội dung của Dự luật này và các quy định hiện hành khác có liên quan (ví dụ luật DNNN, Luật đầu tư, một số luật chuyên ngành và các cam kết quốc tế). Vì vậy cần thiết phải có sự rà soát lại để huỷ bỏ hoặc sửa đổi các quy định trong các văn bản luật có thể làm hạn chế tác dụng của Luật DNTN. Đặc biệt, trong bối cảnh Luật DNTN và Luật Đầu tư chung đều đang trong quá trình soạn thảo, việc phân định về phạm vi áp dụng của Luật DNTN với Luật Đầu tư chung là một vấn đề dù rất phức tạp nhưng hết sức quan trọng đối với hiệu lực của cả hai dự luật này.
(1) Đóng góp của khu vực tư nhân trong nước khoảng 10% GDP, 27% tổng đầu tư xã hội, gần 5% tổng số việc làm. Còn DN Nhà nước (DNNN) và DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chiếm 50% GDP thì không hoạt động theo Luật DN. (Nguyễn Đình Cung, Báo cáo đánh giá những ưu và nhược điểm của Luật Doanh nghiệp, tháng 9 năm 2004)
(2) Thực tế là một số DN có vốn đầu tư nước ngoài đã tìm cách lấp khoảng trống này bằng cách áp dụng các nguyên tắc quản trị DN của Luật DN vốn chỉ dành cho các DN trong nước. VCCI, Đề tài nghiên cứu rà soát các văn bản pháp luật về thành lập tổ chức và hoạt động của DN, Tháng 12 năm 2004.
(3) Ban nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ, Đề xuất về Tư tưởng chỉ đạo cũng như nội dụng chính của Luật Doanh nghiệp Thống nhất và Luật Đầu tư chung, tháng 4 năm 2004.
SOURCE: KINHDOANH.COM.VN
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 2. Chủ thể kinh doanh |
Leave a Reply