admin@phapluatdansu.edu.vn

VỤ CHÓ CẮN TRẺ: CHỦ CHÓ PHẢI BỒI THƯỜNG!

 Đến nay gia đình ông Tư Cóc đã hỗ trợ chị 3,2 triệu đồng để lo thuốc thang. Do nghĩ sự việc xảy ra ngoài ý muốn nên vợ chồng chị không khiếu nại đòi ông Tư Cóc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, chị cũng rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé sau này.

Hôm qua (28-12), chị Lê Thị Thanh Mỹ, ngụ ấp Long Thới, Long Bình, Gò Công Tây (Tiền Giang), cho biết sức khỏe của con chị – cậu bé bốn tuổi Đào Văn Quý, bị chó giằng xé suýt chết – hiện đã tạm ổn định. Bé đã chơi đùa trở lại nhưng thỉnh thoảng vẫn còn bị co giật cục bộ ở hai chi dưới.

Mới được hỗ trợ 3,2 triệu đồng

Chị Mỹ kể khoảng 8 giờ sáng 6-12, vợ chồng chị gửi bé Quý cho người cô cùng ấp để đi làm đồng. Bé đi theo những người phóng lúa ngang sân nhà ông Tư Cóc thì bị ba con chó (mỗi con nặng khoảng 15-20 kg) đang nuôi con nhào ra cắn xé. Do bé Quý nhỏ mà ba con chó lại lớn nên các nông dân không thấy, tưởng chúng cắn nhau. Mãi hồi lâu một người hàng xóm đi ngang qua, thấy bé Quý đẫm máu, nằm im lìm dưới chân ba con chó bèn vội la lên. Liền đó, hai con chó hung dữ rượt đuổi người này, con còn lại đứng giữ bé Quý. Mọi người phải xúm lại dùng cây đuổi chúng rồi đưa bé đi cấp cứu.

Khi được đưa đến bệnh viện, toàn thân bé Quý chi chít vết thương và đã hôn mê, hai mắt không còn mở ra được. Chỉ trong một ngày, bé được chuyển đến bốn bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Cuối cùng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã chữa trị được cho bé tai qua nạn khỏi.

Theo chị Mỹ, đến nay gia đình ông Tư Cóc đã hỗ trợ chị 3,2 triệu đồng để lo thuốc thang. Do nghĩ sự việc xảy ra ngoài ý muốn nên vợ chồng chị không khiếu nại đòi ông Tư Cóc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, chị cũng rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé sau này.

Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Long Bình xác định ba con chó trên đều chưa được tiêm ngừa nhưng cơ quan thú y chưa phát hiện chúng có dấu hiệu bị bệnh. Theo ông Đinh Văn Thế, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An, sau một tháng, nếu chúng không phát bệnh thì sức khỏe của bé Quý tạm thời sẽ không bị ảnh hưởng.

Dân sự: Phải bồi thường!

Xung quanh vụ này đã phát sinh vấn đề pháp lý thú vị: Chủ chó có phải bồi thường và có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Theo Bộ luật Dân sự, nếu chủ sở hữu súc vật có lỗi (kể cả lỗi vô ý) thì phải bồi thường cho người bị súc vật gây tổn hại sức khỏe. Chỉ trong trường hợp người bị tổn hại có lỗi hoàn toàn trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ súc vật mới thoát.

Muốn khởi tố chủ chó, phải xác định chó có phải là “nguồn nguy hiểm cao độ” và khi tấn công người, chó có đang “thi hành lệnh” của chủ hay không.

Trong vụ việc trên, dù sân nhà hàng xóm là “vùng lãnh thổ” canh giữ của ba con chó nhưng gia đình này có lỗi là không treo biển báo, không rào giậu kỹ, để bé Quý băng qua sân. Cạnh đó, khi chó đẻ con, gia đình này biết rõ chó mẹ sẽ hung dữ bất thường nhưng lại không xích, nhốt chó lại. Như vậy, chủ chó hoàn toàn có lỗi nên phải bồi thường cho người giám hộ của bé Quý.

Theo luật sư Cổ Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM), nếu người giám hộ của bé Quý yêu cầu thì chủ chó phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị cho bé và thu nhập của người nhà trong thời gian chăm sóc bé ở bệnh viện, tổn thất tinh thần của bé… theo quy định của pháp luật dân sự.

Hình sự: Vô can!

Một thẩm phán TAND tối cao cho rằng muốn khởi tố chủ chó thì phải xác định chó có phải là “nguồn nguy hiểm cao độ” và khi chó tấn công bé Quý có phải là thi hành lệnh của chủ hay không. Nếu trả lời được hai câu hỏi này thì mới có thể bàn đến trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu chó là “nguồn nguy hiểm cao độ” thì chủ phải có trách nhiệm nhốt giữ cẩn thận, sơ suất để chó thoát ra cắn người thì tùy theo hậu quả mà có thể bị xử lý về tội vô ý gây thương tích hoặc vô ý làm chết người. Nếu chủ cố tình suỵt chó cắn người (một số loài chó thông minh, được huấn luyện có khả năng nghe lệnh chủ tấn công người khác) thì có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc giết người.

Còn ở đây, theo quy định, chó nhà không được liệt vào “nguồn nguy hiểm cao độ” (thú dữ, điện cao thế, các phương tiện vận tải đang lưu thông) nên BLHS không đưa hành vi nuôi chó nhà trong chuồng hay thả rông vào diện phòng ngừa chung. Mặt khác, ba con chó tự phát tấn công bé Quý nên không có cơ sở nào để xử lý hình sự người chủ cả.

Theo thẩm phán này, hiện nay nuôi chó thả rông vẫn là thói quen của người dân, nhất là ở các vùng nông thôn nên việc chó cắn người thường xảy ra. Để tránh chuyện đáng tiếc, tốt nhất là chính quyền địa phương phải làm mạnh tay trong việc bắt buộc người dân xích chó, làm chuồng…

+ Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

+ Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Người bị xâm phạm sức khỏe được bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc trong thời gian điều trị. Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động, cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu.

(Theo Điều 625, 609 BLDS)

Nguồn: HỒNG CHÂU – HOÀNG ANH (Pháp Luật TP)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: