admin@phapluatdansu.edu.vn

NHỮNG VƯỚNG MẮC KHI NHẬN TÀI SẢN BẢO ĐẢM TIỀN VAY LÀ MÁY MÓC, THIẾT BỊ VÀ DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT

VÕ MƯỜI – NHNN Quảng Ngãi

Thời gian qua các tổ chức tín dụng nhận cầm cố tài sản là máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất để bảo đảm tiền vay không những tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có vốn mở rộng, phát triển sản xuất – kinh doanh, mà còn tạo cơ hội cho các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, việc nhận tài sản là máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất để đảm bảo tiền vay đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc về thủ tục và khả năng thẩm định.
Máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất của bên cầm cố thường là đã qua quá trình sử dụng nên việc đánh giá, định giá những tài sản này khi nhận cầm cố là khó khăn, đòi hỏi các TCTD phải kiểm tra, đánh giá được tình trạng của tài sản đảm bảo, đồng thời phải có khả năng giám sát việc sử dụng tài sản đảm bảo của khách hàng; phải có đội ngũ cán bộ có khả năng chuyên môn về thẩm định giá, hoặc đôi khi phải thuê tổ chức tư vấn, tổ chức chuyên môn xác định. Ngoài ra những máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất đều mang những bí quyết công nghệ riêng, thường bị lỗi thời, lạc hậu và nhanh chóng bị mất giá trị, bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hơn nữa do quá trình cạnh tranh nên máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất phải thường xuyên được khách hàng nâng cấp, đổi mới liên tục để phù hợp với sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, khi đã nhận cầm cố và đặc biệt phải bán thanh lý khi người vay không trả được nợ là rất phức tạp và số tiền bán tài sản thường không thu hồi đủ gốc, lãi vay, do ít người có nhu cầu mua lại máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng, thời gian bán tài sản kéo dài làm cho tài sản hư hỏng, xuống cấp, mất giá trị…
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thì khi cầm cố tài sản, bảo lãnh bằng bất động sản, các bên được thoả thuận về việc khách hàng vay, bên bảo lãnh hoặc bên thứ ba giữ tài sản cầm cố. Nghĩa là, khách hàng vay, bên bảo lãnh (gọi là bên bảo đảm) có thể giữ tài sản là máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất (tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu), tuy nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự thì: “cầm cố tài sản là việc bên có nghĩa vụ giao tài sản là bất động sản thuộc sở hữu của mình cho bên có quyền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự; nếu tài sản cầm cố có đăng ký quyền sở hữu, thì các bên có thể thoả thuận bên cầm cố vẫn giữ tài sản cầm cố hoặc giao cho người thứ ba giữ”. Như vậy, theo Bộ luật dân sự bên cầm cố chỉ được giữ những tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Rõ ràng, quy định giữa Bộ luật dân sự và quy định của NHNN còn thiếu nhất quán, nên đã gây không ít khó khăn cho các TCTD khi nhận máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất làm bảo đảm tiền vay. Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 và Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/4/1999 về quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước thì: “Khi doanh nghiệp cho thuê, thế chấp, cầm cố những tài sản là toàn bộ dây chuyền công nghệ chính theo quy định của cơ quan quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật, thì phải được cơ quan ra quyết định thành lập doanh nghiệp đồng ý bằng văn bản”. Đồng thời hướng dẫn thực hiện một số quy định về bảo đảm tiền vay có các tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 07/2003/TT-NHNN ngày 19/5/2003, trong đó cũng quy định: “Khi doanh nghiệp Nhà nước cầm cố, thế chấp tài sản là toàn bộ dây chuyền công nghệ chính theo quy định của cơ quan quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật, thì phải được cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp đó đồng ý bằng văn bản. Việc cầm cố, thế chấp tài sản không phải là dây chuyền công nghệ chính thì do doanh nghiệp Nhà nước và tổ chức tín dụng thoả thuận”. Theo quy định là vậy, những khi nhận cầm cố thì tổ chức tín dụng không đủ cơ sở để phân biệt được máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nào là chính, là phụ để đảm bảo hoàn thiện về mặt thủ tục. Bởi vì, hiện nay vẫn chưa có sự quy định nào về tiêu chuẩn, chuẩn mực của dây chuyền công nghệ chính, hay phụ; cũng như quy định các loại giấy tờ gì phải kèm theo. Do vậy, việc nhận cầm cố tài sản là máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất trên thực tế ít được tổ chức tín dụng quan tâm và đã gây cho các doanh nghiệp Nhà nước nhiều thiệt thòi trong quan hệ tín dụng.
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho khách hàng trong trường hợp nhận cầm cố tài sản là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, thiết nghĩ ngoài việc tổ chức tín dụng phải nâng cao khả năng chuyên môn và hiểu biết về máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, các cơ quan chức năng có liên quan cũng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện và cụ thể hoá những quy định của Chỉ thị 59 và Chỉ thị 27 nói trên của Chính phủ./.

SOURCE: ICB.COM.VN

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d