Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Trách nhiệm tài sản của pháp nhân: HỮU HẠN HAY VÔ HẠN?

Advertisements

TS. PHAN HUY HỒNG* – TS. LÊ NẾT –  Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Vấn đề tưởng chừng như đã rõ ràng, chân lý dường như đã ngự trị trong giáo trình. Nhưng cuộc tranh luận về việc công ty hợp danh có hay không có tư cách pháp nhân – dấy lên sau sáng kiến của các nhà soạn luật Luật Doanh nghiệp 2005(1) – đã làm bộc lộ những khoảng cách trong nhận thức.

Cuộc tranh luận đó khơi dậy nhu cầu lật lại một số vấn đề rất căn bản của pháp luật dân sự và kinh tế: Tài sản của pháp nhân là gì, tài sản đó bao gồm những gì? Pháp nhân chịu trách nhiệm tài sản đến đâu? Và công ty hợp danh có thể là pháp nhân?

1. Về tài sản của pháp nhân

a) Tài sản của pháp nhân là gì?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 84 Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005) điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân là phải “có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”. Nhiều người hiểu và diễn giải quy định này như một điều kiện duy nhất. Thực chất, nó chứa đựng hai điều kiện, thứ nhất là “có tài sản độc lập” và thứ hai là “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”. Tuy có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nhưng đây là hai điều kiện độc lập với nhau về mặt pháp lý. Bằng chứng rõ ràng nhất là trường hợp công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 1999 (LDN 1999). Loại công ty này có tài sản độc lập, nhưng không (chỉ) tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó (vấn đề này còn được đề cập trong bài viết).

Và ngay cả đối với từng điều kiện cũng không có cách hiểu thống nhất. Đặc biệt là đối với điều kiện “có tài sản độc lập”. Thực tế này bắt nguồn từ việc xác lập chế độ sở hữu toàn dân đối với tư liệu sản xuất trong các hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa với hệ quả xóa nhòa ranh giới giữa công luật và tư luật.

“Tài sản độc lập” trong chế định pháp nhân của tư luật có nghĩa là tài sản đó thuộc sở hữu của pháp nhân, không đồng thời thuộc sở hữu của thành viên pháp nhân. Tài sản mà thành viên dùng để góp vốn trở thành sở hữu của pháp nhân. Trong pháp luật doanh nghiệp nước ta điều đó được thể hiện trong quy định “người cam kết góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty”2. Quy định này bao hàm sự mặc nhiên công nhận công ty là một chủ thể của pháp luật sở hữu hay là chủ thể sở hữu. Người góp vốn mất quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn, nhưng trở thành chủ sở hữu hay chủ sở hữu chung đối với công ty.3 Nói một cách khái quát, pháp nhân có đầy đủ năng lực pháp luật sở hữu, là chủ thể của pháp luật sở hữu. Tuy nhiên, cũng chính quy định đó cho thấy “tài sản độc lập” không phải là đặc điểm riêng biệt của pháp nhân. Công ty hợp danh cũng có tài sản độc lập, nhưng đối với nhà làm Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì loại công ty này không phải là pháp nhân. Có “tài sản độc lập” nghĩa là có sự tách bạch giữa tài sản của pháp nhân và tài sản của thành viên pháp nhân. Đối với công ty hợp danh điều đó hoàn toàn tương tự. Nhưng chính ở đây có thể quan sát thấy sự nhầm lẫn khá phổ biến: nhiều người nghĩ rằng đối với công ty hợp danh không có sự tách bạch giữa tài sản của công ty và tài sản của thành viên hợp danh, bởi vì họ đã hiểu điều kiện “có tài sản độc lập” và điều kiện “tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” như một điều kiện duy nhất.

Nhưng trong pháp luật xã hội chủ nghĩa thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa, “tài sản độc lập” đã không còn được hiểu mà cũng không thể còn được hiểu theo nghĩa như trên. Bởi vì tài sản trong nhà máy, xí nghiệp trở thành sở hữu toàn dân. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với tư cách là các chủ thể thực hiện kế hoạch chỉ được nhà nước giao quyền quản lý tài sản. Sự định đoạt của bộ máy quản lý doanh nghiệp đối với tài sản được giao quyền quản lý dựa trên cơ sở ủy quyền của chủ sở hữu nhà nước. Chủ sở hữu nhà nước nằm ngoài doanh nghiệp. Ngày nay, trong quá trình soạn thảo Luật Doanh nghiệp 2005 điều đó được gọi là “cơ chế quản lý phi tập trung”.

Sự chuyển sang “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần” làm hồi sinh chế định pháp nhân tư luật. Các đạo luật về doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế tư nhân hay kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều có quy định rõ ràng loại doanh nghiệp nào có tư cách pháp nhân.4 Và chính các loại doanh nghiệp đó là chủ sở hữu đối với tài sản mà chủ đầu tư dùng góp vốn điều lệ và đối với tài sản tích lũy được từ hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà từ đây tồn tại song song hai loại pháp nhân ngay trong lĩnh vực kinh doanh (pháp nhân kinh tế). Một loại pháp nhân là chủ sở hữu tài sản mà chủ đầu tư góp vào vốn điều lệ và tài sản tự tích lũy được; còn loại pháp nhân là DNNN thì vẫn chỉ là “người quản lý” tài sản do Nhà nước giao.5 Chính vì vậy mà có cách hiểu “tài sản độc lập” bao gồm tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân và tài sản thuộc sở hữu Nhà nước giao cho pháp nhân quản lý.6

Sự xuất hiện thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với sự tham gia của các DNNN là bên liên doanh Việt Nam và quá trình cổ phần hóa DNNN đã hình thành nên những doanh nghiệp thuộc sở hữu hỗn hợp theo quy định tại Điều 226 BLDS 1995. Nay, theo quy định của BLDS 2005 thì sở hữu hỗn hợp là một dạng thức của sở hữu chung theo phần, được gọi là sở hữu chung hỗn hợp (Điều 218, 216, 214 BLDS 2005). Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp thực hiện như đối với sở hữu chung theo phần (khoản 3 Điều 218, 216 BLDS 2005). Nhưng ngay ở đây, chính các doanh nghiệp là chủ sở hữu tài sản, còn các nhà đầu tư – trong đó có Nhà nước – là chủ sở hữu chung hỗn hợp của doanh nghiệp. Đây chính là điểm kết nối để tiến tới một chế định pháp nhân “đồng nhất” trong tương lai.

Đến Luật DNNN 2003 dường như có thêm bước chuyển biến trong quan niệm. Luật xác định công ty nhà nước là công ty do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ (khoản 1 Điều 3). Nhà nước sở hữu vốn điều lệ chứ không phải sở hữu tài sản giao cho doanh nghiệp. Ngoài ra luật còn giải thích “vốn của công ty (nhà nước) bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại công ty, vốn do công ty tự huy động và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật” (Điều 12). Tuy nhiên, “cơ quan quyết định cao nhất” của công ty vẫn nằm ngoài công ty; Hội đồng quản trị (HĐQT) chỉ là “cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước” (Điều 29), còn trong công ty không có HĐQT thì giám đốc vẫn chỉ là “người điều hành công ty” (Điều 23). Vẫn là cơ chế quản lý phi tập trung hay còn gọi là “cơ chế bộ chủ quản”.

Chỉ có thể đạt được một chế định pháp nhân “đồng nhất” khi toàn bộ DNNN được chuyển đổi thành công ty TNHH hay công ty cổ phần (CP) như mục tiêu mà các nhà làm Luật Doanh nghiệp 2005 đặt ra. Có nghĩa là khi “tài sản độc lập” được hiểu theo một nghĩa duy nhất: chính pháp nhân là chủ sở hữu đối với các tài sản đó. Nhà nước cũng như các nhà đầu tư tư nhân là chủ sở hữu hay chủ sở hữu chung đối với công ty.

b) Tài sản của pháp nhân có thể bao gồm những gì?

Câu trả lời thực chất rất đơn giản: Tài sản của pháp nhân bao gồm tất cả những gì thuộc về quyền sở hữu của pháp nhân. Pháp luật chỉ công nhận quyền sở hữu khi nó được xác lập một cách hợp pháp. Tính hợp pháp của việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản về nguyên tắc được xác định theo pháp luật nơi có tài sản đó, trừ hai ngoại lệ đối với động sản trên đường vận chuyển và đối với tàu bay dân dụng và tàu biển (Điều 766 BLDS 2005).

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, câu hỏi tài sản đó có thuộc về sở hữu của pháp nhân hay không vẫn còn được trả lời khác nhau.

Trước hết, tài sản thuộc về sở hữu của pháp nhân là tài sản được thành viên pháp nhân dùng để góp vốn. Đối với các loại công ty TNHH và công ty CP thì điều đó đã rõ ràng, vì theo quy định của pháp luật doanh nghiệp thì thành viên hay cổ đông phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn cho công ty (khoản 1 Điều 22 LDN 1999, khoản 1 Điều 28 LDN 2005). Tài sản đó có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng hay các tài sản hữu hình khác, giấy tờ có giá, quyền tài sản khác hay tài sản thuộc sở hữu trí tuệ. Tài sản góp vốn tạo thành vốn tự có và vốn ban đầu của công ty. Riêng đối với công ty CP, do giá phát hành cổ phần có thể cao hơn mệnh giá cổ phần nên khoản vốn cổ phần thu được có thể cao hơn vốn điều lệ.

Tài sản thuộc sở hữu pháp nhân còn là tài sản tích lũy được từ quá trình hoạt động kinh doanh, trước hết là lợi nhuận chưa chia. Ngoài ra, tài sản thuộc sở hữu pháp nhân còn có thể là tài sản được tặng, cho hay được thừa kế. Tài sản do pháp nhân góp vốn vào doanh nghiệp khác trở thành sở hữu của doanh nghiệp đó, nhưng pháp nhân trở thành chủ sở hữu chung đối với doanh nghiệp đó hay chủ sở hữu đối với phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đó.

Riêng đối với tài sản vay, vẫn còn quan điểm cho rằng không phải là của pháp nhân. Tuy nhiên pháp luật dân sự đã quy định rõ rằng “bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó” (Điều 472 BLDS 2005, Điều 469 BLDS 1995). Đổi lại quyền sở hữu đối với tài sản vay, bên vay gánh vác nghĩa vụ hoàn trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Xuất phát từ quan hệ tài sản như vậy, pháp luật kế toán xem tổng tài sản (asset) bằng tài sản nợ (debt) cộng tài sản có (equity). Thậm chí trong tổng tài sản của pháp nhân, tài sản hình thành từ nguồn vốn vay có thể lớn hơn nhiều tài sản từ nguồn vốn tự có7.

Như vậy, tài sản độc lập của pháp nhân (hay tài sản thuộc quyền sở hữu của pháp nhân) bao gồm vốn tự có của pháp nhân (còn gọi là vốn chủ sở hữu), tài sản mà pháp nhân tích lũy được từ hoạt động kinh doanh, tài sản được tặng cho, thừa kế, và cả tài sản vay.

2. Về trách nhiệm tài sản của pháp nhân

Trách nhiệm dân sự của pháp nhân được thể hiện ở điều kiện thứ hai trong quy định tại khoản 3 Điều 84 BLDS 2005. Theo đó pháp nhân tự chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập của mình như trình bày ở mục trên. Điều kiện này bao hàm hai nội dung như sau:

Thứ nhất, tài sản chịu trách nhiệm là tài sản độc lập của pháp nhân. Đó là tài sản tất cả các loại mà pháp nhân sở hữu. Bởi vậy ta có thể nói pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Điều này hoàn toàn tương tự như phạm vi trách nhiệm của các chủ thể pháp luật dân sự (theo nghĩa rộng) không phải là pháp nhân khác, chẳng hạn như cá nhân. Cá nhân và pháp nhân đều chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Nhưng vậy thì tại sao người ta nói chế độ trách nhiệm tài sản của cá nhân là chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn, còn chế độ trách nhiệm tài sản của pháp nhân là chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn? Đấy là vấn đề thuộc nội dung thứ hai của điều kiện.

Thứ hai, pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, nhưng cũng chỉ bằng toàn bộ tài sản của mình mà thôi. Nội dung này thể hiện mối quan hệ giữa pháp nhân với thành viên pháp nhân và được thể hiện ở quy định tại khoản 2 và 3 Điều 93 BLDS 2005. Theo đó pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho thành viên đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, còn thành viên thì không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện.

Mối quan hệ này còn được thể hiện rõ hơn ở các quy định đối với pháp nhân kinh doanh. Theo pháp luật doanh nghiệp, thành viên công ty TNHH hay cổ đông công ty CP đều (chỉ) chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp hay đã góp vào doanh nghiệp8. Thành viên pháp nhân đương nhiên được giải phóng khỏi trách nhiệm tài sản khi hoàn thành nghĩa vụ góp vốn. Nói cách khác: Thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn mà họ muốn góp và đã cam kết góp vào công ty, hay rủi ro của họ được hạn chế trong phạm vi đó, hay thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn.9 Như vậy khái niệm “trách nhiệm hữu hạn” là để chỉ phạm vi trách nhiệm của thành viên chứ không phải phạm vi trách nhiệm của pháp nhân: thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn góp của mình, pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.

Bởi vậy, nói “pháp nhân chịu trách nhiệm hữu hạn” là không chính xác. Mà chính xác phải là: Chế độ trách nhiệm tài sản của pháp nhân là chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn. Hạt nhân của chế độ trách nhiệm tài sản đó là trách nhiệm hữu hạn của từng thành viên trong phạm vi phần vốn góp của mình.10

3. Công ty hợp danh là pháp nhân?

Vấn đề này được đặt ra khi Ban soạn thảo LDN 2005 muốn đưa vào luật này quy định “công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm đăng ký kinh doanh” và vì vậy đã gây nên cuộc tranh luận đáng quan tâm. Có hai quan điểm đối lập nhau đã được nêu ra trong Tờ trình về dự án Luật doanh nghiệp.11 Các trình bày ở đây nhằm bình luận về cả hai quan điểm đó và lập luận một quan điểm khoa học riêng.

a) Về quan điểm “tài sản độc lập” đồng nghĩa với “trách nhiệm hữu hạn”

Đây là quan điểm đối lập với Ban soạn thảo, coi “tài sản độc lập” đồng nghĩa với “trách nhiệm hữu hạn” của thành viên và cho rằng quy định công ty hợp danh là pháp nhân không phù hợp với Luật Dân sự; bởi vì, “thành viên chịu trách nhiệm vô hạn, nên tài sản của công ty không độc lập với tài sản của thành viên”.

Quan điểm này hoàn toàn trái với quan điểm đã được trình bày trong bài viết này. Tài sản độc lập không đồng nghĩa với trách nhiệm hữu hạn. Đây đã là một thực tế lập pháp. Các thành viên công ty hợp danh đều phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn cho công ty (khoản 1 Điều 22 LDN 1999). Như vậy công ty hợp danh là một chủ thể pháp luật sở hữu độc lập với thành viên. Cả các tài sản hình thành từ nguồn khác như tài sản tích lũy được từ hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản vay hay tài sản được tặng, cho hay thừa kế đều thuộc quyền sở hữu của công ty và chỉ thuộc quyền sở hữu của công ty. Trong khi đó công ty hợp danh có chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn, do thành viên hợp danh “phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty” (khoản 1 (b) Điều 95 LDN 1999).

Như vậy, việc phủ nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh vì loại công ty này không có tài sản độc lập với thành viên là trái với thực tế lập pháp. Chúng ta không được nhầm lẫn giữa hai khái niệm “tư cách pháp nhân” (đồng nghĩa với “là pháp nhân”) và “tư cách chủ thể”: Công ty hợp danh không phải là pháp nhân nhưng vẫn có tư cách chủ thể (legal entity), như tư cách chủ thể của pháp luật sở hữu, pháp luật doanh nghiệp, pháp luật thương mại v.v.. Chỉ khi một lĩnh vực pháp luật chuyên ngành nào đó (chẳng hạn pháp luật về cho thuê tài chính)12 đòi hỏi chủ thể tiến hành các hoạt động được quy định bởi luật chuyên ngành phải là pháp nhân thì khi đó công ty hợp danh không được tiến hành các hoạt động đó.

b) Về quan điểm “thừa nhận công ty hợp danh là pháp nhân không trái với quy định của BLDS”

Đây là quan điểm của Ban soạn thảo LDN 2005. Ban soạn thảo cho rằng “tài sản độc lập” của pháp nhân không gắn với trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn của thành viên. “Một tổ chức có tài sản độc lập có nghĩa là tài sản của nó được hình thành theo quy định tương ứng của pháp luật và đương nhiên thuộc về sở hữu của tổ chức đó; tất cả tài sản của tổ chức đều mang danh của tổ chức đó”.

Trong chừng mực đó các tác giả bài viết tán đồng với quan điểm của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, khi Ban soạn thảo cho rằng “việc thừa nhận công ty hợp danh không trái với quy định của Bộ luật Dân sự” thì có nghĩa là quy định tại khoản 3 Điều 84 BLDS đã được hiểu hoàn toàn khác. Ban soạn thảo thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh và như vậy đồng thời thừa nhận chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn của loại công ty này (vì thành viên hợp danh chịu trách nhiệm tài sản vô hạn). Điều đó cho phép hiểu rằng Ban soạn thảo không xem chế độ trách nhiệm hữu hạn là điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân.

Và chính điều đó, theo quan điểm được trình bày trong bài viết này (xem mục 2) là trái với các quy định của BLDS. Bởi vì sự “tự chịu trách nhiệm bằng tài tài sản đó (tài sản độc lập của mình)” (khoản 3 Điều 84 BLDS 2005) có nghĩa là “thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện” (khoản 3 Điều 93 BLDS 2005).

c) Vậy công ty hợp danh có thể là pháp nhân?

Điều đó hoàn toàn có thể được, nếu các nhà làm luật muốn như vậy. Nhưng họ không thể lập luận rằng chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn không phải là điều kiện bắt buộc để một tổ chức được công nhận là pháp nhân.

LDN có thể quy định công ty hợp danh là pháp nhân vì mục đích riêng của luật.13 Các nhà làm luật có thể ban cho loại công ty này tư cách pháp nhân, mặc dù nó có chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn, và như vậy làm tổn hại đến chế định pháp nhân của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, các nhà làm luật có thể lập luận điều đó vì một lợi ích lớn hơn. Bởi vậy, vấn đề đặt ra ở đây là lợi ích đó là gì?

Việc công nhận công ty hợp danh là pháp nhân có thể tạo nên một loại hình doanh nghiệp phù hợp cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp (thành viên hợp danh) lựa chọn loại doanh nghiệp có chế độ trách nhiệm vô hạn, nhưng lại có tư cách pháp nhân. Một mặt, chế độ trách nhiệm vô hạn bất lợi cho thành viên hợp danh vì không được hạn chế rủi ro. Nhưng mặt khác, chế độ trách nhiệm vô hạn lại nâng uy tín tín dụng của công ty trong giao dịch pháp luật. Tư cách pháp nhân giúp công ty có được khả năng gia nhập thị trường như các loại công ty khác. Chẳng hạn như ví dụ đã nêu: nếu là pháp nhân, công ty hợp danh có thể hoạt động cho thuê tài chính hay nói cách khác là các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp có thể lập công ty hợp danh để hoạt động cho thuê tài chính.

Việc công nhận công ty hợp danh có tư cách pháp nhân không phải là một sáng tạo của pháp luật Việt Nam. Trong pháp luật công ty của Đức có loại “công ty hợp vốn cổ phần” (Kommanditgesellschaft auf Aktien) là một loại công ty pha trộn giữa công ty CP và công

ty hợp vốn.14 Như công ty CP ở chỗ vốn điều lệ của nó được chia thành cổ phần, một bộ phận thành viên tham gia vào công ty mà chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn cổ phần của họ. Giống công ty hợp vốn ở chỗ nó có ít nhất một thành viên chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình (trách nhiệm tài sản vô hạn). Bản thân công ty hợp vốn theo luật Đức là loại công ty không có tư cách pháp nhân, tương tự như loại công ty hợp danh có thành viên góp vốn theo quy định của LDN 1999. Mặc dù có thành viên chịu trách nhiệm tài sản vô hạn, nhưng loại công ty hợp vốn cổ phần này được pháp luật công ty Đức quy định là pháp nhân (khoản 1 Điều 278 Luật Công ty cổ phần). Và như vậy điều đó cũng trái với chế định pháp nhân của Bộ luật Dân sự Đức. Tuy nhiên, pháp luật công ty Đức quy định như vậy để nhằm tạo cơ sở cho loại công ty này được tham gia vào các giao dịch pháp luật như các loại công ty là pháp nhân khác. Khi trình bày về chế định pháp nhân, các giáo sư Đức xem trường hợp công ty hợp vốn cổ phần như một ngoại lệ.

4. Thay lời kết

Trong lần nói chuyện với nhau bên lề một cuộc hội thảo, các tác giả bài viết này rất bất ngờ khi biết rằng họ đều từng được sinh viên luật thắc mắc tại sao lại thấy giáo viên lắc đầu khi họ trả lời “tài sản vay là tài sản của pháp nhân” hay “trách nhiệm dân sự của pháp nhân là vô hạn, trách nhiệm dân sự của thành viên là hữu hạn”. Nhưng câu chuyện đó đã có thể bị lãng quên nếu như không có cuộc tranh luận trong quá trình góp ý các dự thảo Luật Doanh nghiệp mới về việc công ty hợp danh có thể là pháp nhân hay không. Tất cả điều đó đã gợi cảm hứng cho bài viết này, cảm hứng về một đề tài rất cũ, trong khi có xu hướng theo đuổi những đề tài rất mới. Nhưng đấy là sự “quay trở lại tương lai”, bởi vì để có một hệ thống pháp luật hiện đại thì những vấn đề cơ bản phải được giải quyết trước hết.

Chú thích:

1 Đó là sáng kiến đưa quy định “công ty hợp danh có tư cách pháp nhân” vào Luật Doanh nghiệp.

2 So sánh khoản 1 Điều 22 LDN 1999.

3 Nhận thức đúng mối quan hệ pháp lý này còn có thể giúp nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp có quyết định đầu tư hợp lý, chẳng hạn ký hợp đồng cho công ty thuê mặt bằng thay vì góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho công ty. Nếu góp vốn bằng cách chuyển quyền sử dụng đất cho công ty thì giá trị tài sản góp vốn được định vào thời điểm góp vốn. Giá trị tài sản góp vốn đó sẽ không thay đổi, cho dù giá trị quyền sử dụng đất sau đó (lúc này là của công ty) biến động tăng hay giảm.;

4 So sánh Điều 26, 46, 51 LDN 1999, Điều 6, 15 Luật Đầu tư nước ngoài 1996/2000.

5 So sánh Điều 1 Luật DNNN 1995: DNNN có tư cách pháp nhân, có các quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động, kinh doanh trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý.

6 Xem: Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập I, Nxb Công an nhân dân 1997, tr. 98: Tài sản của pháp nhân “không chỉ là tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân mà có thể được Nhà nước giao cho tổ chức được quyền quản lý của pháp nhân đó.”

7 Khi thẩm định hồ sơ đầu tư với mục cho vay hoặc tài trợ vốn, thông thường các tổ chức tín dụng hay tổ chức tài trợ đòi hỏi nhà đầu tư phải có ít nhất 30% vốn tự có trong tổng vốn đầu tư. Các nhà làm luật Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã từng chuyển tiêu chí kinh tế này thành điều kiện pháp lý, theo đó vốn pháp định (vốn tự có) của doanh nghiệp có vốn ĐTNN ít nhất phải bằng 30% tổng vốn đầu tư, chỉ trong một số trường hợp tỉ lệ này có thể thấp hơn

nhưng không được dưới 20% (xem Điều 16 Luật ĐTNN 1996/2000, Điều 14, 23 Nghị định 24/2000/NĐ-CP).

8 So sánh khoản 1 (b) Điều 26, khoản 1 (b) Điều 51 LDN 1999; khoản 1 (b) Điều 37, khoản 1 (c) Điều 76 LDN 2005.

9 Đối với người bỏ tiền mua cổ phần do công ty cổ phần phát hành trên thị trường chứng khoán thậm chí người ta không cần nói đến trách nhiệm tài sản của họ, mà chỉ cần nói rằng họ chịu rủi ro bằng khoản tiền đã bỏ ra để mua cổ phần.

10 Tuy nhiên, trách nhiệm thực tế của thành viên có thể vượt qua phạm vi phần vốn góp của mình. Trường hợp đó xảy ra chẳng hạn đối với thành viên công ty TNHH, nếu thành viên đó không góp vốn đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết hay đã đăng ký nên phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại phát sinh (xem khoản 1 Điều 27, khoản 2 (a) Điều 47 LDN 1999). Theo LDN 2005, thậm chí các thành viên khác còn phải gánh chịu trách nhiệm góp vốn thay cho thành viên không góp đủ số vốn đã cam kết sau thời hạn cam kết lần cuối (xem khoản 2, 3 Điều 38).

11 Tờ trình số 126/CP-XDPL ngày 28/9/2005.

12 Xem Điều 2 Nghị định 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001 về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính  (được sửa đổi bởi Nghị định 65/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005).

13 Đỗ Văn Đại, Góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp (chung): Cần quy định hợp lý về Công ty hợp danh, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6/2005, tr. 52-56, tham gia vào cuộc tranh luận với ý kiến: “khó có thể chứng minh được việc thừa nhận tư cách pháp nhân của CTHD là mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự. Và giả thiết như điều đó được chứng minh thì cũng không có ảnh hưởng gì về lý luận pháp lý khi chúng ta thừa nhận tư cách pháp nhân của CTHD. Bộ luật Dân sự là luật chung còn Luật Doanh nghiệp là luật chuyên ngành. Vì vậy, có thể coi việc thừa nhận tư cách pháp nhân của CTHD là một ngoại lệ của Bộ luật Dân sự.”

14 Tham khảo Luật Công ty cổ phần của Đức ngày 06/9/1965: Điều 278-290, Bộ luật Thương mại của Đức ngày 10/8/1897: Điều 161-177a.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ…./2006

Exit mobile version