admin@phapluatdansu.edu.vn

VỀ QUYỀN NHÂN THÂN CỦA CÁ NHÂN TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

THS. LÊ MINH HÙNG –  Khoa Luật Dân sự – ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

1. Qui định tại khoản 3 Điều 32 Dự thảo về quyền bảo đảm an toàn thân thể trong“việc thực hiện phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể một người,… thì phải được sự đồng ý của người đó; nếu người đó chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc là bệnh nhân bất tỉnh, thì phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ, vợ hoặc chồng và con đã thành niên của người đó; trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người trên, thì phải có quyết định của người đứng đầu cơ sở y tế”.

Qui định này đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách và cần thiết trong việc cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên, việc trao quyền cho người đứng đầu cơ sở y tế quyết định việc chữa bệnh khi không thể chờ được ý kiến của thân nhân, như cách qui định trên, sẽ gây ra những hậu quả bất lợi cho nhân mạng của bệnh nhân và gây ra tâm trạng bất an cho gia đình, những người thân thích nhất của bệnh nhân. Bởi lẽ, thực tế hiện nay tại một số cơ sở chữa bệnh, người đứng đầu cơ sở chỉ là người quản lý mà không nắm bắt hoặc hiểu biết hết về các lĩnh vực y khoa chuyên sâu. Do đó, để những người này ra các quyết định về việc áp dụng phương pháp chữa bệnh mới, cắt bỏ bộ phận

cơ thể, cấy hoặc ghép nội tạng… thì rất mạo hiểm đối với sự an toàn cơ thể và sinh mạng của người bệnh, trong khi chúng ta chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ về việc ra các quyết định này của người đứng đầu cơ sở chữa bệnh, nhất là đối với các phòng khám cơ sở, các cơ sở chữa bệnh tư nhân… Vì thế, chúng tôi kiến nghị bổ sung thêm đoạn cuối khoản 3 Điều 33 Dự thảo với nội dung như sau “… quyết định của người đứng đầu cơ sở y tế, dựa trên kết luận của hội đồng y khoa của cơ sở chữa bệnh đó gồm từ 3 bác sỹ chuyên khoa trở lên có liên quan đến căn bệnh cần phải xử lý bằng các phương pháp y khoa kể trên, sau khi đã hội chẩn về căn bệnh đó. Kết luận của Hội đồng phải được lập thành văn bản hoặc thể hiện trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân”. Qui định như vậy sẽ hạn chế tối đa những sai lầm cá nhân của người đứng đầu cơ sở y tế khi ra các quyết định hệ trọng liên quan đến sự sống và sức khỏe, sự an toàn cơ thể của bệnh nhân (trong khi pháp luật hiện hành không có một qui định nào về trách nhiệm, chế tài hay biện pháp cần thiết để hạn chế sai lầm của người này khi ra các qui định đó). Nếu cẩn thận hơn, theo chúng tôi, cần xác định thêm là cơ sở y tế tuyến nào hoặc cấp nào mới có quyền ra những quyết định nói trên. Theo chúng tôi, chỉ nên cho phép những sơ sở chữa bệnh từ cấp huyện trở lên có đủ các bác sỹ chuyên khoa có chuyên môn để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn về phương pháp chữa bệnh thích ứng mới được quyền quyết định việc áp dụng phương pháp chữa bệnh, khi việc áp dụng các phương pháp đã kể trên (không bao gồm các phương pháp y khoa cần thiết để cấp cứu bệnh nhân) trường hợp khẩn cấp mà không thể chờ được ý kiến của thân nhân người bệnh. Đồng thời, việc áp dụng các phương pháp đó phải được thông báo cho những người thân thích nhất gồm những người được nêu trong điều luật, nếu họ có yêu cầu, trừ trường hợp việc thông báo đó xâm phạm bí mật đời tư của bệnh nhân. Nếu chỉ quan tâm đến việc áp dụng các phương pháp đặc biệt để cứu chữa bệnh nhân mà không tạo ra cơ chế bảo đảm cho việc đó được thực hiện một cách an toàn, thì đó sẽ là một thiếu sót nghiêm trọng -nguy cơ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc không lường trước được.

2. Qui định về quyền hiến bộ phận cơ thể hoặc hiến xác sau khi chết tại Điều 34 (mới) còn nhiều điểm chưa chặt chẽ.

Việc hiến tặng bộ phận cơ thể hay hiến xác cho khoa học hay chữa bệnh là việc làm cao thượng của người quá cố, là một quyền dân sự thể hiện sự tự định đoạt của cá nhân, cần phải được mọi người trong xã hội tôn trọng. Nhưng sự toàn vẹn cơ thể người chết là một vấn đề nhạy cảm đối với bản thân người chết cũng như đối với gia đình họ. Dân gian rất kiêng kỵ “cái chết không toàn thây” nên dù cho việc hiến bộ phận cơ thể hoặc hiến xác của người chết là một nghĩa cử cao thượng đi nữa, thì cũng rất dễ bị những người thân thích nhất phản đối, dẫn đến việc khó mà lấy được xác hoặc bộ phận trên cơ thể của người chết. Cả về pháp lý và về đạo lý, người ta không thể kiện ra tòa để yêu cầu một phán quyết ngay lập tức của tòa án về việc buộc những người thân của người chết phải giao xác người. Cho dù đã cầm được một quyết định có hiệu lực của tòa án, cơ quan thi hành án cũng khó có thể cưỡng chế thân nhân người chết phải giao xác chết, trong khi gia đình của họ đang tổ chức việc tang. Nếu cứ cưỡng chế để buộc những người này phải giao thi thể của người chết, thì không phù hợp với tình cảm và đạo lý con người. Do đó, việc hiến tặng xác và bộ phận cơ thể như đã nói trên vừa phải được sự đồng ý của người quá cố trước khi chết, đồng thời phải không có sự phản đối của những người thân thích của người chết.

Về nội dung và về kỹ thuật liên quan đến vấn đề này, chúng tôi thiết nghĩ cần phải sửa đổi những điểm sau đây:

2.1. Cần phải bổ sung về thủ tục và điều kiện thể hiện sự đồng ý của người quá cố.

Con người được quyền chết trong sự toàn vẹn thân thể. Nhưng chết là không còn đối chứng, nên không thể dựa vào “lời trăn trối” hay lời kể của một ai đó để chứng minh sự đồng ý của người chết mà việc đồng ý đó phải thể hiện bằng một bằng chứng rõ ràng, chẳng hạn bằng một bức thư, trong di chúc hay bằng một văn bản riêng thể hiện ý nguyện hiến tặng xác hoặc bộ phận cơ thể cho một cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền và xác định. Do vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung đoạn 1 qui định: “Việc hiến bộ phận cơ thể hoặc hiến xác phải được người chết tự mình thực hiện một cách tự nguyện, bằng văn bản. Nội dung văn bản phải ghi rõ ngày tháng năm lậpvăn bản; họ, tên, tuổi, địa chỉ của người hiến tặng thi thể hay bộ phận cơ thể sau khi chết; chỉ định người có quyền nhận thi thể hay bộ phận cơ thể là cá nhân, tổ chức y tế hữu quan…”.

2.2. Qui định việc người chết hiến xác, bộ phận cơ thể của họ phải được những người thân “đồng ý” như đoạn hai của điều luật là cần thiết và hợp tình, nhưng chưa hợp lý và không khả thi.

Việc lấy xác hoặc bộ phận cơ thể người chết ngoài việc phải được chính người chết đồng ý trước khi chết, nhà làm luật còn phải tính đến thực tế xã hội, những biểu hiện tâm lý, tình cảm và các phong tục tập quán của người Việt Nam. Vì nếu việc lấy xác hoặc bộ phận cơ thể của người chết mà bị những người thân thích của họ (được kể trong điều luật) phản đối, không cho mang xác chết đi, thì người được chỉ định nhận xác hoặc bộ phận cơ thể người chết cũng không thể thực hiện được ý nguyện của người đã chết. Với cách tiếp cận vấn đề như vậy, chúng tôi cho rằng qui định về vấn đề này trong Dự thảo còn có hai điểm bất lợi, đe dọa khả năng có thể lấy được xác hoặc bộ phận cơ thể của người chết:

+ Thứ nhất, điều luật qui định “phải được sự đồng ý” của tất cả những người được liệt kê là không khả thi trong nhiều trường hợp. Qui định như vậy sẽ đe dọa đến sự an toàn pháp lý cho những người trực tiếp tiến hành các hoạt động lấy xác hoặc lấy các bộ phận cơ thể người chết. Vì những người thân thích chưa thể hiện ý chí hoặc có nhiều người đã không có mặt để ký tên thể hiện sự đồng ý cho lấy xác có thể sẽ khởi kiện những người có liên quan đến việc lấy xác hay lấy bộ phận cơ thể người chết. Ngược lại, để có thể lấy được tất cả các chữ ký của những người thân thích của người chết thì quả là chuyện không đơn giản, nhất là những người đang vắng mặt hoặc những người có mặt tuy không phản đối, nhưng lại không chịu ký tên vào văn bản thể hiện sự đồng ý của mình. Đó là chưa kể việc yêu cầu ký tên đồng ý vào văn bản cho lấy xác có thể sẽ gợi thêm cho họ những tình cảm thiêng liêng đối với người chết. Không qui định về “sự đồng ý” của người thân thích thì sẽ không phù hợp với thực tế, nhưng phải có “sự đồng ý” của tất cả những người thân thích thì điều luật sẽ trở nên không khả thi và không thực hiện được quyền định đoạt cá nhân đối với thân thể của mình và vì thế cũng sẽ không thực hiện được ý nguyện cao thượng của người quá cố. Do đó, để dung hòa giữa hai loại quyền nói trên, chúng tôi kiến nghị thay cụm từ “được sự đồng ý của…” trong Dự thảo thành “nếu không bị phản đối bởi…”. Hậu quả của việc “đồng ý” so với hậu quả của việc “không bị phản đối” là rất khác nhau. Theo Dự thảo, việc lấy xác hoặc lấy bộ phận cơ thể của người chết phải được sự đồng ý, tức buộc phải có chữ ký của những người thân thích của người chết, trong một văn bản, khi thể hiện “sự đồng ý”. Ngược lại, nếu qui định “không có sự phản đối” thì chỉ cần họp mặt những người thân thích của người chết như đã kể trong điều luật và lập biên bản ghi nhận việc có thông báo về việc lấy xác hay lấy bộ phận cơ thể của người chết mà không có ai phản đối và người đại diện trong gia đình thay mặt ký tên. Giữa thái độ “phản đối” và thái độ “đồng ý” rõ ràng là có sự khác biệt. So với việc phải thuyết phục tất cả người thân thích “đồng ý”, thì qui định “không phản đối” là dễ thực hiện và khả thi hơn vì khi lấy xác, mà những người thân thích không nói gì, thì đó là mặc nhiên được hiểu là họ “không phản đối”, không cần phải thuyết phục. Ngược lại, nếu bắt buộc phải có sự đồng ý của tất cả những người thân thích thì phải thuyết phục, còn nếu không có đủ chữ ký xác nhận sự đồng ý của những người thân thích như qui định của điều luật trong Dự thảo, thì coi như chưa đủ thủ tục để có thể lấy xác hoặc lấy đi bộ phận cơ thể người chết, và có thể bị kiện vì xâm phạm tới thi thể người chết trái với ý chí những người thân thích của người chết. Đồng thời, phải bổ sung về điều kiện để những người thân thích nhất (cha, mẹ, vợ, chồng, các con của người chết) có quyền phát biểu ý kiến phải là người đã thành niên hoặc chưa thành niên nhưng từ đủ 15 tuổi trở lên.

+ Thứ hai, cần dự trù các trường hợp những người thân thích được liệt kê trong điều luật đều không có năng lực để thể hiện ý chí hoặc người chết là người độc thân, không còn người thân thích. Do vậy, cần bổ sung vào cuối đoạn 2 qui định sau: “…, trừ trường hợp người chết không có ai là người thân thích hoặc không có ai trong số những người thân thích kể trên có đủ năng lực hành vi dân sự để thể hiện ý chí phản đối, thì không cần hỏi ý kiến của những người này. Trong trường hợp này, người có quyền nhận xác vẫn lập biên bản ghi rõ tình trạng không có người thân hoặc lý do mà những thân thích không phản đối”. Qui định này bảo đảm cho điều luật chặt chẽ và khả thi hơn nếu xảy ra tình trạng như vừa nêu. Theo đó, dù cho người chết không có người thân thích hoặc có người thân thích, nhưng không có ai có đầy đủ năng lực hành vi, thì việc lấy xác vẫn được tiến hành bình thường mà không cần phải có đủ thủ tục lập văn bản về việc đồng ý hay phản đối của người thân thích của người chết

3. Qui định về quyền xác định lại giới tính tại Điều 36 Dự thảo (mới) là một điều luật hay và đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. Tuy nhiên, nếu qui định không chặt chẽ, sẽ dễ dàng bị lợi dụng để chuyển sang việc “thay đổi giới tính”.

3.1. Xác định lại giới tính của một người bị khuyết khiếm (sinh học) về giới, muốn có sự can thiệp bằng y học để xác định đúng giới tính của mình. Đây là một việc rất cần thiết, là một quyền nhân thân chính đáng của cá nhân. Còn thay đổi giới tính là trường hợp một người có giới tính bình thường, nhưng không chấp nhận giới tính tự nhiên của mình mà muốn thay đổi hiện trạng

đó để chuyển sang giới tính khác. Theo chúng tôi, không nên thừa nhận quyền tự do thay đổi giới tính đối với những người bình thường mà chỉ nên dừng lại ở việc cho phép cá nhân được phép xác định lại giới, tính nếu họ bị dị tật bẩm sinh, vì các lẽ sau:

– Một là, việc thay đổi giới tính của một người sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Dĩ nhiên, nếu việc đó là cần thiết và mang lại một hiệu quả xã hội thiết thực cho cá nhân và cho xã hội thì cho dù có phức tạp cũng nên làm. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, việc thay đổi giới tính cũng chẳng để làm gì cả. Pháp luật trong trường hợp này cần phải thể hiện tốt chức năng bảo vệ, ổn định trật tự xã hội mà ngăn cấm các trường hợp thay đổi giới tính chỉ vì ham muốn cá nhân.

– Hai là, việc một người bình thường muốn thay đổi giới tính là một tình trạng bệnh tâm lý, nên dùng các biện pháp chữa bệnh lý hoặc các liệu pháp thích ứng khác, chứ không nên cứ cho thay đổi giới tính là xong. Ai cũng biết việc thay đổi giới tính sẽ tạo ra các hệ quả rất lớn về những biến đổi cơ thể, như người có giới tính bị thay đổi sẽ không thể thực hiện được các chức năng của giới tính mới (ví dụ: người đàn ông bị thay đổi thành đàn bà thì không thể mang thai và sinh con). Người thay đổi giới tính phải thường xuyên tiêm vào người các chất nội tiết tố cần thiết để “nuôi’ diện mạo mới của mình cũng như để duy trì thể trạng của một con bệnh được ghép một bộ phận cơ thể người khác trên cơ thể của mình (hầu như phải uống thuốc và tiêm thuốc suốt đời). Cơ thể tự nhiên bình thường của tạo hóa dành cho con người là một cơ thể hoàn hảo nhất, không cần thiết phải có sự can thiệp của con người, trừ những trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh. Do đó, không nên qui định mở đường cho sự can thiệp sâu bằng các biện pháp y khoa vào giới tính của cá nhân, với tư cách là một giá trị nhân phẩm chung của con người trong xã hội.

– Ba là, điều kiện kinh tế và tâm lý của xã hội Việt Nam chưa cho phép tự do thay đổi giới tính. Trong quan hệ ứng xử xã hội, như trong tình yêu, trong quan hệ giữa họ hàng thân thích với nhau mà có người thay đổi giới tính, thì họ sẽ nên gọi như thế nào? Con cái hoặc anh chị em, bạn bè của người thay đổi giới tính sẽ kêu họ là cha, anh, chú, cậu đối với một cô gái đã được thay đổi giới tính để thành đàn ông? Những người thân sẽ có tâm trạng và tình cảm như thế nào, nếu người thân của họ thay đổi giới tính? Chắc chắn việc thay đổi về giới tính sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, tâm lý và quan hệ thân thích giữa người thay đổi giới tính với cha, mẹ hay con cái của họ. Chưa kể việc thay đổi giới tính là cách thức lẩn tránh pháp luật trong việc kết hôn giữa những người đồng giới. Trong khi đó, để có thể thay đổi giới tính người ta phải là người có khả năng kinh tế lớn, giàu có vì chi phí rất lớn và những tổn phí để duy trì tình trạng này đến suốt cuộc đời. Pháp luật quá mở rộng quyền tự do thay đổi giới tính thì có thể sẽ xảy ra hậu quả xã hội và các hậu quả pháp lý khó lường.

Từ ba luận điểm trên, chúng tôi cho rằng không nên thừa nhận quyền tự do thay đổi giới tính tại Việt Nam mà chỉ nên cho phép xác định lại giới tính như qui định của Dự thảo là phù hợp, nhưng phải kèm theo những điều kiện và thủ tục chặt chẽ hơn để phòng ngừa những trường hợp lợi dụng qui định này để thay đổi giới tính.

Theo tinh thần của Điều 36 Dự thảo, cá nhân có quyền xác định lại giới tính, nhưng xét về mặt pháp lý thực chất là thay đổi giới tính có điều kiện. Bởi lẽ, theo qui định của điều luật, nhà làm luật thừa nhận “cá nhân có quyền xác định lại giới tính… khi giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học… thì được xác định lại giới tính theo qui định của pháp luật cũng có nghĩa là cho phép cá nhân được thay đổi giới tính xét về mặt pháp lý, trừ trường hợp có kèm những thủ tục pháp lý cần thiết để kiểm soát việc cho phép xác định lại giới tính. Theo tinh thần của điều luật như vừa nêu, thì người ta sẽ dễ dàng lợi dụng qui định này để thay đổi giới tính vì 2 lý do sau:

(i) Giới tính là một yếu tố thuộc về đời tư. Do đó, rất khó phát hiện và khó chứng minh về việc họ có thực tế thay đổi giới tính hay không để làm chứng, khi được yêu cầu làm chứng về việc chứng minh có sự thay đổi giới tính mà không tuân thủ các qui định của pháp luật.

(ii) Sau khi phẫu thuật thay đổi giới tính, thì những “bằng chứng” hay “dấu vết” đó không còn nguyên tình trạng ban đầu, trong khi người ta cũng không biết chính xác là liệu trước đó, đương sự có bị “dị tật bẩm sinh” hoặc bị khiếm khuyết về giới tính “mà chưa thể xác định chính xác giới tính” thật sự hay không. Nếu hồ sơ sức khỏe hoặc bệnh án bị làm sai lệch hay ghi không trung thực, thì cơ quan có thẩm quyền cũng khó có thể kiểm tra, xác minh được.

Hai yếu điểm nói trên tạo sơ hở để cho nhiều người lợi dụng để dễ dàng thay đổi giới tính cũng như tạo ra một cơ hội thuận lợi mở đường cho các chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ, các cơ sở chữa bệnh thiếu nghiêm túc và thiếu trách nhiệm mở ra các dịch vụ về lĩnh vực này. Để tránh khả năng lợi dụng điều luật nhằm thay đổi giới tính trái pháp luật đối với trẻ sơ sinh, thì nội dung Điều 36 Dự thảo phải được sửa đổi, bổ sung thêm các điều kiện để có thể xin xác định lại giới tính, chẳng hạn như phải có kết luận pháp y hoặc kết luận của một Hội đồng y khoa gồm các bác sỹ chuyên khoa có liên quan. Việc xác định lại giới tính cũng chỉ nên cho phép thực hiện tại các cơ sở chữa bệnh của Nhà nước hoặc các cơ sở y tế được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có liên quan đến việc điều chỉnh lại giới tính.

3.2. Việc cho phép một người có quyền xác định lại giới tính cũng phải tính đến ý chí tự nguyện của người đó hoặc của người đại diện hợp pháp của cá nhân trong trường hợp họ là người chưa thành niên, cũng như bằng chứng thể hiện sự đồng ý đó.

Điều 36 Dự thảo không qui định nếu người muốn xác định lại giới tính là người chưa thành niên thì ai sẽ là người quyết định việc xác định lại giới tính cho họ và nếu họ đạt đến độ tuổi nhất định thì họ có quyền thể hiện ý chí của mình hay không? Theo chúng tôi, chỉ cho phép cha, mẹ (trong trường hợp không còn cha, mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng biểu lộ ý chí thì do ông bà nội và ông bà ngoại có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) được quyết định việc xác định lại giới tính cho con (cháu) chưa thành niên và nếu người có giới tính cần xác định lại từ đủ 9 tuổi trở lên, thì phải có ý kiến của người đó. Theo tinh thần Điều 36 Dự thảo thì nhà làm luật chỉ thừa nhận quyền được xác định lại giới tính là quyền của cá nhân đương sự mà không tính đến trường hợp thay đổi giới tính của người chưa thành niên. Như vậy, trong nhiều trường hợp, cá nhân không có khả năng biểu hiện ý chí, thì quyền này không thể được thực hiện. Vì thế, cần sửa đổi, bổ sung điều luật theo hướng xác định rõ khi cho phép người chưa thành niên cần được xác định lại giới tính thì ai có quyền cho phép, quyết định và hình thức thể hiện sự quyết định đó là hình thức gì. Theo chúng tôi, nên chỉ dành cho cha, mẹ hoặc trong trường hợp không có cha mẹ, thì chỉ có ông bà nội và ông bà ngoại mới có quyền quyết định; nếu đó là người chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên, thì việc xác định lại giới tính của người đó phải có ý kiến của họ. Việc xác định lại giới tính không nên và không cần thiết đặt ra đối với người thành niên không có khả năngnhận thức và điều khiển hành vi của mình. Nếu họ có trí tuệ minh mẫn thì mới để cho họ tự mình quyết định.

Từ hai luận điểm nêu trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 36 Dự thảo như sau:

“Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Người thành niên có quyền tự mình quyết định việc xác định lại giới tính cho mình. Người chưa thành niên muốn được thay đổi giới tính phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ. Nếu người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc cha mẹ bị tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ thì việc xác định

lại giới tính của người đó phải được sự đồng ý của ông bà nội, ông bà ngoại. Trong trường hợp người chưa thành niên từ đủ chín tuổi trở lên thì phải có ý kiến của họ về việc đồng ý cho xác định lại giới tính của mình.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính, khi có sự kết luận của pháp y có thẩm quyền. Chỉ có những cơ sở y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có liên quan mới được phép thực hiện phẫu thuật xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo qui định của pháp luật”.

Qui định này vừa bảo đảm quyền được xác định lại giới tính của người chưa thành niên, tôn trọng ý chí cá nhân của họ nếu họ đã đạt được một độ tuổi nhất định có thể nhận thức được phần nào hậu quả của việc xác định lại giới tính (tương tự như việc hỏi ý kiến của người làm con nuôi theo qui định Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình,…); đồng thời, qui định này cũng thể hiện quan điểm hạn chế tối đa các trường hợp thay đổi giới tính không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc thay đổi giới tính của các cá nhân trong xã hội cũng những hoạt động bất hợp pháp của những cơ sở y tế thiếu nghiêm túc.

Đồng thời với việc qui định hạn chế thay đổi giới tính và các thủ tục bắt buộc phải tuân thủ khi muốn xác định lại giới tính, thiết nghĩ pháp luật cũng cần chuẩn bị biện pháp đồng bộ và các chế tài thích ứng khi cá nhân và cơ sở y tế vi phạm các thủ tục về thay đổi giới tính. Chẳng hạn, nếu cá nhân vi phạm thủ tục thay đổi giới tính thì có được xin đăng ký lại giới tính hay không? Nếu cho đăng ký lại giới tính thì có bị xử lý hành chính hay không? Trong trường hợp các cơ sở y tế (trong nước) thay đổi giới tính của người có yêu cầu xác định lại giới tính mà việc đó là không đúng thủ tục hoặc thuộc trường hợp không có quyền được thay đổi giới tính, thì biện pháp chế tài nào sẽ được áp dụng?…

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 2/2005

One Response

  1. bai nay rat hay em dang can tim it tai lieu ve viec hoan thien che dinh quyen nhan than,bai nay thuc su giup ich cho em duoc rat nhieu..

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading