admin@phapluatdansu.edu.vn

VỀ YẾU TỐ TUỔI TRONG LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

PHÍ THỊ QUỲNH NGA – BẢO HIỂM NHÂN THỌ VIỆT NAM

Thông tin về tuổi của người được bảo hiểm (người có tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe được doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm). khi giao kết hợp đồng bảo hiểm con người đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp bảo hiểm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá rủi ro và ra quyết định chấp nhận bảo hiểm, trì hoãn chấp nhận bảo hiểm hay từ chối chấp nhận bảo hiểm.

Quy định của pháp luật

Thông tin về tuổi của người được bảo hiểm (người có tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe được doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm). khi giao kết hợp đồng bảo hiểm con người đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp bảo hiểm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá rủi ro và ra quyết định chấp nhận bảo hiểm, trì hoãn chấp nhận bảo hiểm hay từ chối chấp nhận bảo hiểm.

Mặt khác, hợp đồng bảo hiểm phải dựa trên nguyên tắc “trung thực tuyệt đối”, doanh nghiệp bảo hiểm hoàn toàn tin tưởng và căn cứ vào các thông tin mà bên mua bảo hiểm cung cấp, trong đó có thông tin về tuổi của người được bảo hiểm để giao kết và thực hiện hợp đồng. Do vậy, bên mua bảo hiểm có trách nhiệm kê khai chính xác về tuổi của người được bảo hiểm. Vì nếu không, “trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm không thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và hoàn trả số phí bảo hiểm đã đóng cho bên mua bảo hiểm sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực từ hai năm trở lên thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm” (Khoản 2, Điều 34 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000). Theo đó, nếu khách hàng có hành vi thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm, thì hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu là:

1) Nhận lại số phí bảo hiểm đã nộp sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan (chi phí kiểm tra sức khỏe, chi phí quản lý, chi phí hoa hồng trả cho đại lý, chi phí phát hành hợp đồng…) nếu hợp đồng có hiệu lực dưới 24 tháng;

2) Nhận giá trị hoàn lại nếu hợp đồng có hiệu lực từ 24 tháng trở lên.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH) và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành đều không đưa ra khái niệm “giá trị hoàn lại” nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Theo các điều khoản bảo hiểm nhân thọ mà các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra thì giá trị hoàn lại (còn gọi là giá trị giải ước) là số tiền bên mua bảo hiểm được nhận khi bên mua bảo hiểm yêu cầu hủy hợp đồng hoặc khi hợp đồng chấm dứt hiệu lực theo điều khoản và các điều kiện của hợp đồng.

Mỗi doanh nghiệp có một cách tính giá trị giải ước khác nhau nhưng đều dựa trên cơ sở dự phòng phí bảo hiểm (số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trích ra từ phí bảo hiểm và lãi đầu tư thu được nhằm đảm bảo thanh toán đối với các trách nhiệm bảo hiểm đã cam kết trong tương lai). Giá trị giải ước được tính bằng dự phòng phí trừ đi phí giải ước. Việc khấu trừ phí giải ước nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp bảo hiểm thu đủ các chi phí đã bỏ ra liên quan đến hợp đồng đồng thời có thể bao gồm một khoản “tiền phạt” đối với bên mua bảo hiểm vì đã có lỗi trong việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Với cách tính như trên, giá trị giải ước không đồng nhất với số phí bảo hiểm đã nộp sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan. Trong một số trường hợp, giá trị giải ước có thể nhỏ hơn số phí bảo hiểm đã nộp, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan và ngược lại. Giá trị giải ước vào ngày kỷ niệm hợp đồng là số tiền cụ thể đã được xác định tại phụ lục hợp đồng bảo hiểm và thường nhỏ hơn số phí bảo hiểm đã nộp (khi hợp đồng sắp đến kỳ đáo hạn thì giá trị này có thể bằng hoặc cao hơn số phí bảo hiểm đã nộp). Tại cùng một thời điểm, giá trị giải ước/tổng phí đã đóng là khác nhau theo mỗi sản phẩm, độ tuổi, giới tính, thời hạn bảo hiểm, phương thức đóng phí và cũng có sản phẩm bảo hiểm không có giá trị giải ước, ví dụ như bảo hiểm tử kỳ.

Những bất cập

Theo chúng tôi, quy định tại Khoản 2, Điều 34 Luật KDBH là chưa đầy đủ, rõ ràng và không phù hợp với luật gốc – Bộ luật Dân sự, thậm chí có sự mâu thuẫn ngay trong bản thân điều luật. Bởi vì:

Thứ nhất, Khoản 2, Điều 34 Luật KDBH đưa ra chế tài đối với bên mua bảo hiểm có hành vi thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm là “hủy bỏ hợp đồng” nhưng lại áp dụng hai hậu quả pháp lý hoàn toàn khác nhau và không đúng bản chất của hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Điều 419, Bộ luật Dân sự năm 1995 (Điều 425 Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2005). Theo đó: “1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. … 3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ, thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. 4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị huỷ bỏ phải bồi thường thiệt hại”.

Về mặt nguyên tắc, hậu quả pháp lý của hợp đồng bị hủy bỏ cũng giống như hợp đồng vô hiệu. Nghĩa là hợp đồng coi như chưa được giao kết, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên (đối với hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường thiệt hại hay trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, khách hàng không có nghĩa vụ phải đóng phí bảo hiểm) và các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu như khi chưa có hợp đồng. Trong trường hợp này, do bên mua bảo hiểm là bên có lỗi nên họ phải bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm những chi phí hợp lý có liên quan mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Vì vậy, nếu bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm thì phải chịu hậu quả pháp lý – nhận giá trị giải ước nếu hợp đồng có hiệu lực từ hai năm trở lên (Khoản 2, Điều 34 Luật KDBH) là không đúng với bản chất của hợp đồng bị huỷ bỏ được quy định tại Bộ luật Dân sự. Bởi vì, quy định việc hoàn trả giá trị giải ước nghĩa là đồng thời công nhận hợp đồng bảo hiểm đó vẫn có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết đến khi bị hủy. Và như vậy, nếu rủi ro của khách hàng xảy ra trước thời điểm hợp đồng bị hủy doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bồi thường thiệt hại hoặc trả tiền bảo hiểm.

Thứ hai, không phải hợp đồng bảo hiểm con người nào cũng có giá trị giải ước khi hợp đồng có hiệu lực từ hai năm trở lên. Do đó, quy định “cứng nhắc” như Khoản 2, Điều 34 Luật KDBH sẽ dẫn đến việc khách hàng thắc mắc, khiếu nại hoặc khởi kiện doanh nghiệp bảo hiểm khi mua các sản phẩm bảo hiểm không có giá trị giải ước, đồng thời làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng trong việc áp dụng luật để giải quyết tranh chấp.

Thứ ba, Khoản 2, Điều 34 Luật KDBH chỉ quy định việc bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm mà không đề cập đến yếu tố lỗi (cố ý hay vô ý) của hành vi đó. Vấn đề đặt ra là, giả sử bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật về tuổi của người được bảo hiểm thì lúc đó sẽ áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng theo Khoản 2, Điều 34 hay đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí đến thời điểm đình chỉ theo khoản 2 Điều 19 hoặc xử lý hợp đồng vô hiệu theo điểm d, Khoản 1, Điều 22 Luật KDBH?

Thứ 4, Khoản 2, Điều 34 Luật KDBH thiếu những quy định về việc loại trừ trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm đối với rủi ro của người được bảo hiểm xảy ra trước thời điểm hợp đồng bị hủy bỏ.

Hướng sửa đổi

Theo chúng tôi, Khoản 2, Điều 34 Luật KDBH nên được sửa đổi như sau: “Trong trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý hay vô ý thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm, nhưng tuổi đúng của người được bảo hiểm không thuộc nhóm tuổi có thể được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền huỷ bỏ hợp đồng, hoàn trả số phí bảo hiểm đã nộp cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan và không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay trả số tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra đối với người được bảo hiểm”.

Mặt khác, vì Luật KDBH cũng như Bộ luật Dân sự chưa đề cập đến giá trị thời gian của số tiền mà các bên đã giữ hộ nhau. Chẳng hạn, số tiền bảo hiểm tại thời điểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho bên mua bảo hiểm có giá trị khác với số tiền mà bên mua bảo hiểm hoàn trả lại cho doanh nghiệp bảo hiểm khi hợp đồng chấm dứt hiệu lực do thông báo sai tuổi, nhất là khi số tiền đó đã được giữ hộ trong một thời gian dài. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, việc tính đến giá trị thời gian của tiền tệ khi hợp đồng bị huỷ bỏ là cần thiết và cần được thể hiện thống nhất trong Bộ luật Dân sự cũng như trong Luật KDBH.

SOURCE: Tạp chí nghiên cứu lập pháp

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading