TS. LÊ NẾT – ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh
Trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) (BLDS) lần này, khoản 3 Điều 390 qui định: “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hay loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia, thì điều khoản này không có hiệu lực”. Điều khoản này liên quan đến một vấn đề ngày càng xuất hiện nhiều trong thực tế mà từ trước đến nay vẫn còn bỏ ngỏ: liệu những điều khoản dẫn đến hậu quả một bên được miễn trừ hay hạn chế nghĩa vụ trong hợp đồng có hiệu lực hay không? Đây là một vấn đề khá phức tạp song không thể lẩn tránh trong BLDS, do hậu quả của những điều khoản đó gây ra là rất lớn. Trong bài này, tôi xin đề cập những vấn đề pháp lý liên quan đến điều khoản miễn trừ trách nhiệm và phân tích cách giải quyết trong BLDS (sửa đổi).
1.1. Điều khoản miễn trừ trách nhiệm là gì?
Một điều khoản miễn trừ trách nhiệm (exclusion clause) được định nghĩa là “một điều khoản, trong hợp đồng hay trong thông báo, miễn trừ hay hạn chế trách nhiệm theo luật định của một bên”1. Các hình thức miễn trừ trách nhiệm được qui định rất đa dạng, tuy nhiên có thể phân thành hai loại: trực tiếp và gián tiếp.
Một thí dụ về điều khoản miễn trừ trực tiếp là điều khoản sau đây trong hợp đồng giáo dục giữa Trường British International School (Vietnam) và phụ huynh học sinh tại TP Hồ Chí Minh:
“Quí vị cần hiểu rõ rằng quí vị tự chịu rủi ro khi gửi con đến đây. Nhà trường không chịu trách nhiệm gì đối với các tai nạn hay thiệt hại xảy ra đối với con cái quí vị”2; hay nội qui của bãi giữ xe tại Toà nhà Saigon Trade Center có ghi: “Bãi giữ xe không chịu trách nhiệm về mọi mất mát xảy ra cho khách gửi xe”3.
Một biến thể của điều khoản miễn trừ trách nhiệm là điều khoản hạn chế trách nhiệm (limitation clause). Thí dụ trong hợp đồng vận chuyển hành khách giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và hành khách có ghi: “Hành khách được bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) với số tiền bảo hiểm tối đa là 30 triệu đồng. Khi tai nạn xảy ra, Bảo Việt sẽ bồi thường trực tiếp cho hành khách. Khoản tiền bồi thường này là toàn bộ những gì hành khách có thể được bồi thường do thiệt hại của hành khách, dù trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trong hay ngoài hợp đồng. Ngoài ra, hành lý trên tàu hành khách tự chịu trách nhiệm”4. Điều khoản miễn trừ trách nhiệm gián tiếp được thể hiện dưới hai dạng: điều khoản bồi hoàn (indemnity clause) và điều khoản hạn chế hay từ bỏ quyền khởi kiện (waiver). Thí dụ trong hợp đồng thuê văn phòng giữa chủ toà nhà M. tại trung tâm TP Hồ Chí Minh và khách hàng có qui định: “Bên thuê sẽ bồi hoàn cho Bên cho thuê mọi chi phí phát sinh do Bên thứ ba khởi kiện Bên cho thuê về thiệt hại xảy ra trong phạm vi toà nhà mà Bên thuê quản lý”. Điều này có nghĩa là nếu một khách đến thăm tòa nhà bị mất đồ đạc thì chủ toà nhà sẽ không phải chịu trách nhiệm mà bên thuê sẽ chịu trách nhiệm. Trong cùng hợp đồng trên, bên thuê có thể cam kết: “Các bên bảo đảm đây là hợp đồng có hiệu lực. Bên thuê từ bỏ mọi quyền khởi kiện liên quan đến việc yêu cầu toà án tuyên bố vô hiệu hợp đồng này”. Ngoài ra: “Mọi yêu cầu bồi thường thiệt hại của Bên thuê đối với Bên cho thuê phải được khởi kiện trong vòng 6 tháng kể từ khi thiệt hại xảy ra”. Cả hai điều khoản trên đều là những điều khoản từ bỏ hay hạn chế quyền khởi kiện.
1.2. Bản chất của miễn trừ trách nhiệm: xác định lại hay trốn tránh trách nhiệm?
Hiện nay, BLDS (1995) không qui định gì về điều khoản miễn trừ trách nhiệm. Theo nguyên tắc tự nguyện, tự định đoạt (Điều 7 BLDS), các bên có quyền tự do tự nguyện giao kết hợp đồng, miễn là nội dung và mục đích của hợp đồng không trái pháp luật, đạo đức xã hội (Điều 137 BLDS). Có quan điểm cho rằng, một số điều khoản miễn trừ trách nhiệm có thể được coi như trái pháp luật và đạo đức xã hội, và vì thế bị vô hiệu. Cách giải thích này khá gượng ép và chưa hoàn chỉnh. Khái niệm “pháp luật” trong Điều 137 BLDS chỉ bao gồm các qui phạm mệnh lệnh (ius cogens).5 Đối với các qui phạm tùy nghi (ius dispositivum) thì các bên có thể tự thỏả thuận. Thí dụ, nếu Khách sạn Sài Gòn – Phú Quốc không biết bên trong phong bì của khách lưu trú tại khách sạn là H.K.A. có gì thì không thể chịu trách nhiệm về mất mát xảy ra trong phong bì đó được. Vì thế, khách sạn có quyền ghi trong hợp đồng gửi giữ đồ vật trong khách sạn: “Khách sạn không chịu trách nhiệm về mọi mất mát xảy ra trừ trường hợp khách hàng kê khai giá trị tài sản gửi giữ.” Như vậy, bản chất của điều khoản miễn trừ trách nhiệm không phải là trốn tránh trách nhiệm mà chỉ để xác định lại trách nhiệm mà thôi.6 Hơn nữa, nhiều trường hợp khó xác định qui phạm nào là mệnh lệnh và qui phạm nào là tùy nghi. Thí dụ, Điều 13 BLDS hiện nay qui định các biện pháp bảo vệ quyền dân sự, trong đó có bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên các bên có thể hạn chế hay thay đổi phương thức bảo vệ quyền dân sự theo thỏa thuận. Thí dụ, thay vì đòi bồi thường thiệt hại toàn bộ, các bên có thể tự thỏa thuận một mức thiệt hại ấn định (phạt vi phạm) và chỉ phải trả khoản tiền phạt vi phạm khi thiệt hại xảy ra mà thôi. Như vậy, Điều 13 BLDS là qui phạm mệnh lệnh hay qui phạm tuỳ nghi? Nếu là qui phạm tùy nghi thì theo nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thoả thuận, các bên có quyền thỏa thuận với nhau về việc từ bỏ hay hạn chế quyền khởi kiện được không? Cũng có người lập luận rằng việc từ bỏ quyền khởi kiện tuy pháp luật không cấm (và vì thế không trái pháp luật) song trái đạo đức xã hội. Nhưng thế nào là “đạo đức xã hội” trong trường hợp này thì thật khó xác định.
Các quan điểm tranh luận hàn lâm sẽ không dẫn đến kết luận gì nếu chúng ta không căn cứ vào thực tiễn của vấn đề. Trên thực tế, các bên không thể tự nguyện cam kết thỏa thuận được nếu một bên mạnh hơn bên kia trong đàm phán.7 Các điều khoản miễn trừ trách nhiệm xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là trong các hợp đồng có các điều khoản được soạn sẵn. Trong các hợp đồng này, một bên qui định các điều kiện của hợp đồng, bên kia không được phép đàm phán, chỉ có thể hoặc chấp nhận, hoặc không giao kết hợp đồng. Thí dụ về hợp đồng vận chuyển hành khách bằng đường sắt tại Khoản 1.1 là một thí dụ. Như vậy, các điều khoản miễn trừ hay hạn chế trách nhiệm thực chất là các điều kiện của bên mạnh thế trong hợp đồng áp đặt cho bên yếu thế trong hợp đồng. Bên mạnh thế tước đoạt các quyền lợi của bên yếu thế mà lẽ ra họ có thể có nếu hợp đồng không có các điều khoản như vậy. Khi không thể có sự tự nguyện tuyệt đối giữa các bên trong hợp đồng, pháp luật phải qui định dự trên giả thiết là nếu như các bên có sự tự nguyện tuyệt đối, thì họ sẽ thỏa thuận như thế nào. Nếu chúng ta giả thiết rằng nếu các bên tuyệt đối tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận, thì họ sẽ thỏa thuận theo hướng có lợi nhất cho họ, thì một điều khoản miễn trừ trách nhiệm có thể được chấp nhận nếu nó có lợi cho đôi bên. Khoản 2 Điều 408 BLDS 1995 cũng qui định khi có một điều khoản không rõ ràng thì phải giải thích sao cho có lợi nhất cho tất cả các bên. Một giải pháp có lợi cho đôi bên được gọi là giải pháp công bằng. Như vậy, vấn đề là ở chỗ không phải chúng ta cho hay không cho phép sử dụng điều khoản miễn trừ trách nhiệm, mà là ở chỗ các điều khoản đó có công bằng và hợp lý hay không. Cách giải quyết của BLDS (sửa đổi), theo đó mọi điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng soạn sẵn đều vô hiệu, là chưa bắt đúng căn bệnh của các điều khoản soạn sẵn. Các trình bày tiếp theo sẽ cho thấy tại sao một điều khoản miễn trừ trách nhiệm đôi khi vẫn có lợi cho đôi bên.
1.3. Điều khoản miễn trừ trách nhiệm và sự tự nguyện của các bên
Trước tiên, điều khoản miễn trừ trách nhiệm có một số ích lợi nhất định. Thí dụ trong hợp đồng gửi giữ tài sản ở Khách sạn Sài Gòn – Phú Quốc, các bên biết được rủi ro của mình tới đâu khi tham gia hợp đồng. Nếu H.K.A. muốn bảo đảm cho khoản tiền (ví dụ) 20.000 USD mà cô gửi tại khách sạn đó, thì cô phải kê khai tài sản gửi giữ với người gửi giữ, và khách sạn đó sẽ phải có biện pháp bảo vệ thích ứng đối với một khoản tiền lớn. Nếu cô không kê khai, thì tài sản đó chỉ được bảo vệ ở mức độ vừa phải (thí dụ, không đưa vào két sắt mà chỉ lưu ở ngăn kéo quầy tiếp tân). Như vậy, lợi ích thứ nhất của điều khoản miễn trừ trách nhiệm là sẽ làm giảm chi phí phòng chống rủi ro của các bên khi giao kết hợp đồng, khiến các bên nắm được rủi ro của mình. Lợi ích thứ hai của các điều khoản miễn trừ trách nhiệm là ở chỗ nó có thể giảm chi phí kiện tụng (thí dụ vụ kiện giữa H.K.A. và Khách sạn Sài Gòn – Phú Quốc nêu trên).8 Lợi ích thứ ba của các điều khoản miễn trừ là làm giảm chi phí giao dịch, đàm phán hợp đồng và cho phép các bên mạnh dạn đầu tư. Thí du, nếu rủi ro quá lớn thì không ai dám mở nhà trẻ, cây xăng hay văn phòng luật sư. Như vậy xét về tính hiệu quả thì các điều khoản miễn trừ nghĩa vụ có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên các nhận xét nói trên chỉ đúng khi các bên tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Ở đây chúng ta phải hiểu sự tự nguyện theo nghĩa rộng, bao gồm cả việc các bên giao kết hiểu rõ mình giao kết những gì, chứ không phải chỉ là việc không có lừa dối, đe dọa, nhầm lẫn hay mất khả năng nhận thức (Điều 139, 140, 141 BLDS 1995). Khoản 2 Điều 406 BLDS 1995 qui định trong trường hợp có những điều khoản không rõ ràng ở một hợp đồng được soạn sẵn, bên soạn hợp đồng sẽ chịu bất lợi khi giải thích hợp đồng (contra proferentem).9 Tại Anh, qui tắc contra proferentem được thể hiện trong hàng loạt tiền lệ. Trong vụ Wallis v. Pratt [1911] AC 394, bên soạn hợp đồng nêu ra một điều khoản qui định rằng mình sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu hạt giống của mình cung cấp không đảm bảo chất lượng. Toà án đã phán quyết rằng tuy bên bị thiệt hại không được bồi thường, song họ có quyền hủy hợp đồng và trả lại hạt giống và bên gây thiệt hại phải trả lại tiền, vì điều khoản miễn trách nhiệm không miễn trừ quyền hủy hợp đồng. Trong vụ Andrews v. Singer [1934] 1 KB 17, bên bán viện dẫn một điều khoản, theo đó họ không chịu trách nhiệm do vi phạm bất cứ nghĩa vụ luật định nào. Tòa án phán quyết rằng người bán tuy không chịu trách nhiệm theo luật định, song vẫn phải chịu trách nhiệm đối với những gì mình cam kết trong hợp đồng. Vì đối tượng của hợp đồng là một chiếc xe hơi Singer mới, song bên mua phát hiện chiếc xe đã qua sử dụng, nên bên bán vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường do “xe mới” là cam kết trong hợp đồng. Tương tự, vì một điều khoản miễn trừ trách nhiệm là những điều khoản “bất thường”, nó không thể được đưa vào hợp đồng một cách “bình thường”, mà phải được ghi chữ in đậm hay viết hoa để bên không soạn hợp đồng khỏi phải chịu bất công do thiếu kinh nghiệm khi đọc dự thảo.10 Cách giải thích theo cách bất lợi cho bên soạn hợp đồng vẫn được áp dụng cho đến ngày nay ở nhiều nước khác.11 Để kết luận, ta có thể trích dẫn Điều 2.20 trong Những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT (Principles of International Commercial Contracts): “Một điều khoản bất ngờ trong hợp đồng soạn sẵn không được phía bên kia lường trước trong giới hạn hiểu biết của mình, sẽ không có hiệu lực, trừ trường hợp được bên kia chấp nhận một cách rõ ràng.”12 Ngoài ra, điều khoản này còn qui định “để xác định xem một điều khoản có các tính chất nói trên hay không, cần phải xem xét nội dung, ngôn từ hay cách diễn đạt của điều khoản”.
1.4 . Tính hợp lý của điều khoản miễn trừ trách nhiệm
Khi một điều khoản miễn trừ trách nhiệm được qui định rõ ràng và không trái với qui định bắt buộc của pháp luật, hay pháp luật qui định không rõ, thì điều khoản miễn trừ trách nhiệm đó có hiệu lực hay không? Nếu xét theo nguyên tắc tự nguyện, tự định đoạt, thì không có lý do gì không cho phép những điều khoản đó có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu điều khoản miễn trừ trách nhiệm đụng chạm đến những quyền và nghĩa vụ cơ bản (thí dụ quyền khởi kiện hay nghĩa vụ bồi thường do lỗi bất cẩn của mình gây ra) thì sẽ giải quyết ra sao? Câu hỏi này đã được Tòa án tối cao Anh quốc trả lời trong vụ Photo Production v. Securicor [1980] AC 827. Nguyên đơn là chủ một kho hàng đã thuê bị đơn làm dịch vụ bảo vệ. Một lần, nhân viên bảo vệ của bị đơn đốt lửa sưởi ấm, vô ý làm lửa lây lan và cháy kho hàng. Nguỵên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại trị giá 648.000 bảng Anh. Bị đơn viện dẫn đến một điều khoản trong hợp đồng, theo đó họ không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhân viên của họ gây ra, trừ khi các thiệt hại này có thể được bị đơn biết trước. Điều khoản này quá rõ ràng và không cần phải giải thích gì thêm. Vấn đề đối với Tòa án Tối cao (House of Lords) là ở chỗ điều khoản miễn trừ trách nhiệm như vậy có hiệu lực hay không. Thẩm phán Denning cho rằng điều khoản miễn trừ như vậy là vô hiệu, vì nó phản lại nội dung cơ bản của hợp đồng gửi giữ, theo đó bên nhận gửi giữ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình (hay nhân viên của mình) gây ra. Các thẩm phán khác không đồng ý. Theo Luật về Điều khoản bất công (Unfair Contract Terms Act – UCTA 1977), Điều 11(1), một điều khoản miễn trừ trách nhiệm có thể được coi là có hiệu lực nếu điều khoản đó có nội dung hợp lý. Trong trường hợp này, do giá trị hợp đồng bảo vệ quá thấp (100 bảng cho một năm), và giá trị kho hàng quá cao, việc miễn trừ trách nhiệm như vậy là hợp lý – theo nguyên tắc “tiền nào của nấy”. Nếu nguyên đơn muốn bị đơn gánh chịu trách nhiệm nhiều hơn, thì họ phải tăng tiền công cho bị đơn. Nếu không, họ phải mua bảo hiểm. Như vậy, để xét tính hợp lý của một điều khoản, Tòa án không chỉ nhìn vào nội dung của điều khoản đó, mà phải nhìn vào nội dung giao dịch giữa hai bên một cách tổng thể, xem mỗi bên được gì, mất gì khi giao kết hợp đồng có nội dung như vậy. Nếu điều khoản miễn trừ trách nhiệm được đánh đổi bằng một mức giá hấp dẫn cho bên kia thì điều khoản đó có thể được chấp nhận.
UCTA 1977 có một số ngoại lệ, đó là các nghĩa vụ liên quan đến lỗi của bên gây thiệt hại do bất cẩn, dẫn đến tai nạn chết người hay thương tật, hay nghĩa vụ liên quan đến việc bảo đảm chất lượng hàng hóa của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng (Điều 4.1, 6.2 và 11). Đây cũng là một kinh nghiệm để Việt Nam có thể tham khảo. Ngoài ra, điều khoản miễn trừ trách nhiệm ít khi được coi là có hiệu lực nếu một bên cố ý vi phạm nghĩa vụ. Trong vụ Overseas Medical Supplies v. Orient Transport [1999] Lloyd’s Rep 273, bên gửi hàng qui định trong hợp đồng rằng đại lý tầu biển phải mua bảo hiểm cho lô hàng của mình. Tuy nhiên đại lý cũng qui định rằng trách nhiệm bồi thường tối đa của mình là 600 bảng Anh cho lô hàng trên. Đại lý tàu biển sau đó đã không mua bảo hiểm và lô hàng bị mất. Bên gửi hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại 8400 bảng Anh. Đại lý chỉ chịu bồi thường 600 bảng Anh theo điều khoản hạn chế trách nhiệm. Tòa án cho rằng điều khoản hạn chế trách nhiệm trong trường hợp này không có hiệu lực. Việc hạn chế trách nhiệm chỉ hợp lý trong trường hợp hàng bị mất và đại lý có mua bảo hiểm. Trong trường hợp này, bên gửi hàng sẽ nhận 600 bảng Anh từ đại lý, phần còn lại họ sẽ nhận từ công ty bảo hiểm.
Ở đây, bên gửi hàng chỉ nhận được tổng cộng 600 bảng Anh. Điều này quá khác biệt so với những gì họ có thể tưởng tượng khi gửi hàng và vì vậy bất hợp lý. Tòa án do đó đã yêu cầu đại lý tàu biển phải bồi thường 8400 bảng Anh.
Hiện nay, các Tòa án ở Anh còn tiến thêm một bước nữa, đó là việc qui định mọi điều khoản hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm phải được chứng minh là hợp lý cho các bên trước khi được đưa vào hợp đồng. Trong vụ St Albans City v. International Computers [1996] 4 All ER 481, nguyên đơn là Hội đồng thành phố St Albans thuê bị đơn là công ty phần mềm thiết kế một phần mềm quản trị tài nguyên (ERP) cho mình. Hợp đồng qui định trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại của công ty phần mềm tối đa là 100.000 bảng Anh. Phần mềm sau khi thiết kế đã xuất hiện nhiều lỗi dẫn đến sự cố sập mạng, thiệt hại cho nguyên đơn lên đến 1 triệu bảng Anh. Tòa án đã tuyên bố điều khoản hạn chế trách nhiệm là vô hiệu do các lý do sau: Thứ nhất bị đơn (người soạn hợp đồng) là một công ty có kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm, trong khi nguyên đơn không có kinh nghiệm, và hầu như đồng ý mọi điều khoản do bị đơn soạn sẵn; Thứ hai là bị đơn không hề giải thích cho nguyên đơn tại sao số tiền hạn chế 100.000 bảng Anh là hợp lý; Thứ ba là số tiền này là quá nhỏ so với số tiền mà bị đơn thu được từ hợp đồng (200.000 bảng Anh). Từ đó, nguyên đơn được bồi thường toàn bộ.
1.5. Kết luận
Mặc dù điều khoản miễn trừ hay hạn chế trách nhiệm dân sự là những điều khoản “bất thường”, nhưng chúng có những lợi ích nhất định. Các điều khoản này phân định rõ ràng nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng, phân định rủi ro mà mỗi bên phải gánh chịu, cũng như khuyến khích những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư có rủi ro cao. Vì thế, cách giải quyết của Điều 390 Dự thảo BLDS (sửa đổi), theo đó mọi điều khoản miễn trách nhiệm trong hợp đồng được soạn sẵn đều vô hiệu là không tính đến tình hình thực tế và sự cân bằng giữa chi phí và lợi ích của các qui định pháp luật. Nên chăng đặt lại vấn đề: điểm mấu chốt không phải là sự tồn tại của các điều khoản miễn hay hạn chế trách nhiệm, mà là sự bất công mà các điều khoản đó mang lại khi một bên mạnh thế trong hợp đồng (soạn các điều khoản soạn sẵn) áp đặt ý chí của mình lên bên yếu thế hơn. Nếu xét trên phương diện trên, thì câu hỏi ở đầu bài: điều khoản miễn trừ đóng vai trò phân định trách nhiệm hay lẩn tránh trách nhiệm sẽ không còn quan trọng. Nếu chúng ta tham khảo kinh nghiệm của luật Anh hay “Những nguyên tắc của UNIDROIT” trong trường hợp này, thì khoản 3 Điều 390 Dự thảo BLDS (sửa đổi) có thể được qui định như sau:
– Nếu trong hợp đồng có những điều khoản miễn trừ hay hạn chế trách nhiệm của một bên thì bên đó phải chịu bất lợi khi giải thích các điều khoản đó.
– Các điều khoản miễn trừ hay hạn chế trách nhiệm không được trái với qui định của pháp luật và hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm do lỗi của mình gây ra dẫn đến thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ cho bên bị thiệt hại.
– Các điều khoản miễn trừ hay hạn chế trách nhiệm khác chỉ có hiệu lực nếu nội dung điều khoản đó hợp lý, xét trên tổng thể giao dịch giữa các bên.
Chú thích:
1 Yates, D. (1982) Exclusion Clauses in Contracts (2nd Edition), Sweet & Maxwell, tr. 1.
2 Xem http://www.bisvietnam.com/index.asp?id=2- 7.
3 Báo Công an TP Hồ Chí Minh ngày 5/3/2005: Bãi giữ xe ngày càng lộng hành.
4 Xem http://www.vnn.vn ngày 14/3/2005: Đường sắt Việt Nam không mua bảo hiểm tài sản.
5 Lê Nết (1999), Contracts – Vietnam, International Encyclopaedia of Laws, Tập IV, Bộ III, Tổng Biên tập: Prof. Dr. R. Blanpain, Biên tập: Prof. Dr. J. Herbots, Kluwer Law International, para. 246.
6 McKendrick, E. (2003, 5th Edition) Contract Law. Palgrave Macmillan.
7 Adams, J. and Brownsword, D. (1988) The Unfair Contract Terms Act: A Decade of Discretion, Law Quarterly Review, số 104, tr. 94.
8 Xem VNExpress 14/3/2005, http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2005/03/3B9DC419/.
9 Lê Nết, Sđd, para. 74.
10 BCCI v Ali [2001] UKHL 8.
11 Tuy nhiên, đối với điều khoản hạn chế trách nhiệm, nguyên tắc giải thích contra proferentem ít được áp dụng hơn so với điều khoản miễn trừ trách nhiệm. Xem Ailsa Craig v Malvern Fishing [1983] 1 WLR 964.
12 UNIDROIT (1999), Những Nguyên tắc Hợp đồng Thương mại Quốc tế (Lê Nết dịch), Nxb TP Hồ Chí Minh, tr.236.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 2/2005
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Hợp đồng |
Leave a Reply