Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

NGHĨA VỤ GIỮ BÍ MẬT THÔNG TIN KHÁCH HÀNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Advertisements

THS. NGUYỄN THANH TÚ – KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI – ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Việc giữ bí mật thông tin ngày càng được đề cao trong các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Trong quá trình giao dịch với khách hàng, tổ chức tín dụng nắm rất nhiều thông tin khách hàng, đó là những thông tin liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính hay những thông tin liên quan đến các vấn đề riêng tư cá nhân của khách hàng… Những thông tin này rất nhạy cảm, có thể có giá trị kinh tế cao, cần phải được bảo vệ để không bị người khác khai thác, sử dụng. Chính vì thế, tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng1. Một tổ chức tín dụng không giữ bí mật thông tin khách hàng thường sẽ mất lòng tin của khách hàng nói riêng và của công chúng nói chung. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng không thể vì giữ bí mật thông tin khách hàng mà làm ảnh hưởng đến lợi ích chung hay tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động phạm pháp như khủng bố, rửa tiền, lừa đảo… Trong những trường hợp đặc biệt, tổ chức tín dụng có thể cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ ba. Do đó, pháp luật cần phải có chế định về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, các trường hợp ngoại lệ và chế tài thích hợp nếu tổ chức tín dụng vi phạm nghĩa vụ này.

Theo pháp luật ngân hàng Việt Nam, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc giữ bí mật thông tin khách hàng được quy định tại Điều 17 và Điều 104 Luật các tổ chức tín dụng năm 1997. Cho đến năm 2000, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 70/2000/NĐ- CP ngày 21/11/2000 về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng; sau đó Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2001/TT-NHNN ngày 4/4/2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định trên. Tuy nhiên, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng giữ bí mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật ngân hàng Việt Nam hiện nay còn chưa đầy đủ với nhiều hạn chế. Vấn đề đặt ra trong bài viết là xác định cơ sở của nghĩa vụ, phạm vi của nghĩa vụ, các trường hợp ngoại lệ và xem xét quy định của pháp luật ngân hàng Việt Nam về vấn đề này. Qua đó bài viết có một số đề xuất liên quan đến việc hoàn thiện các quy định pháp luật về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng.

II. KHÁI QUÁT VỀ NGHĨA VỤ VÀ CƠ SỞ CỦA NGHĨA VỤ

Nghĩa vụ giữ (bảo vệ) bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng trong chừng mực nào đó có thể tương tự như nghĩa vụ của bác sĩ, luật sư hay kiểm toán viên. Tuy nhiên, nghĩa vụ này không chỉ dừng lại ở vấn đề đạo đức hay quy tắc nghề nghiệp mà nó thực sự là một nghĩa vụ pháp lý mà tất cả các tổ chức tín dụng phải tuân thủ trong quá trình hoạt động ngân hàng của mình.

Nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng thường được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về ngân hàng của các quốc gia theo hệ thống luật thành văn2. Đối với các quốc gia theo hệ thống án lệ, tòa án các quốc gia này cũng có nhiều phán quyết nêu rõ nghĩa vụ của ngân hàng trong việc giữ bí mật thông tin khách hàng3.

Có rất nhiều quan điểm khác nhau về cơ sở pháp lý hay nguồn gốc, xuất phát điểm của nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng. Ở Đức, nơi mà các quyền cơ bản, đặc biệt là quyền riêng tư của cá nhân và của pháp nhân được quy định cụ thể trong Hiến pháp liên bang, theo một số luật gia, nghĩa vụ này xuất phát và được bảo vệ bởi Hiến pháp liên bang4. Dưới góc độ nhân quyền, có quan điểm cho rằng nghĩa vụ này xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng thông tin cá nhân, đời sống riêng và bí mật thư tín – một trong những nguyên tắc cơ bản của nhân quyền, được quy định tại Điều 8 Công ước Châu Âu về nhân quyền (EHRC). Thậm chí có quan điểm cho rằng nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc giữ bí mật thông tin khách hàng dựa vào các quy định của luật hình sự, bởi vì theo Điều 47 Luật Liên bang về ngân hàng và ngân hàng tiết kiệm của Thụy Sĩ, chủ thể vi phạm nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc giữ bí mật thông tin khách hàng, dù cố ý hay vô ý đều bị phạt tù (tối đa 6 tháng) hoặc bị phạt tiền (lên tới 50,000 Franc Thụy Sĩ)5. Chính quy định giữ bí mật thông tin khách hàng nghiêm khắc này của pháp luật Thụy Sĩ là một trong những yếu tố quan trọng thu hút khách hàng gửi tiền, tài sản và tiến hành các giao dịch với các ngân hàng Thụy Sĩ, giúp Thụy Sĩ trở thành một nước có công nghiệp ngân hàng rất phát triển.

Tuy nhiên quan điểm phổ biến hiện nay là nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng một mặt là nghĩa vụ hàm chứa trong thỏa thuận về giữ bí mật thông tin trong hợp đồng ký kết giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, mặt khác là nghĩa vụ xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ chủ thể pháp lý hay bảo vệ quyền con người và quyền riêng tư cá nhân trong luật dân sự6.

Khi tiến hành giao dịch hay tham gia vào các hoạt động ngân hàng được tiến hành bởi các tổ chức tín dụng, các cá nhân hay pháp nhân đều có sự tin tưởng và tín thác (trust) đối với tổ chức tín dụng đó. Vì vậy, có thể hợp đồng giao dịch giữa tổ chức tín dụng và khách hàng không quy định cụ thể, rõ ràng nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc giữ bí mật thông tin khách hàng, nhưng các bên tham gia hợp đồng cần phải ngầm hiểu rằng đó là nghĩa vụ bắt buộc của tổ chức tín dụng trong quá trình tiến hành hoạt động ngân hàng. Mặt khác nghĩa vụ này còn xuất phát từ nguyên tắc thiện chí, tôn trọng lợi ích của nhau trong các giao dịch dân sự, thương mại. Chính vì vậy, pháp luật một số quốc gia cho rằng nghĩa vụ này là nghĩa vụ mặc nhiên của tổ chức tín dụng xuất phát từ điều khoản ngầm về giữ bí mật thông tin trong hợp đồng. Điều này đặc biệt được khẳng định rõ trong pháp luật của các quốc gia theo hệ thống án lệ7.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tổ chức tín dụng có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng tiềm năng8 hay các thông tin của các đối tác của khách hàng hay không bởi giữa tổ chức tín dụng và khách hàng tiềm năng và giữa tổ chức tín dụng với đối tác của khách hàng không có (hoặc chưa) ký kết hợp đồng. Những thông tin của khách hàng tiềm năng hay thông tin của các đối tác của khách hàng (đối tác đó không có quan hệ trực tiếp với tổ chức tín dụng) mà tổ chức tín dụng nắm được đều có thể có giá trị kinh tế, nếu bị tiết lộ có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khách hàng tiềm năng hay đối tác của khách hàng. Điều này chưa thể giải thích rõ ràng nếu dựa trên cơ sở hợp đồng9.

Do đó, độc lập với các quan hệ hợp đồng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng cũng có thể dựa trên các quy định pháp lý về bảo vệ các vấn đề riêng tư và quyền cá nhân10. Việc bảo vệ này rất quan trọng đối với khách hàng bởi song song với nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng theo hợp đồng như đã phân tích ở trên, việc bảo vệ quyền riêng tư và quyền cá nhân có thể rộng hơn nghĩa vụ giữ bí mật thông tin theo hợp đồng. Bên cạnh đó, việc bảo vệ vấn đề riêng tư và quyền cá nhân có thể dùng để giải thích cho nghĩa vụ của tổ chức tín dụng giữ bí mật thông tin của khách hàng tiềm năng và thông tin của đối tác của khách hàng11.

Hiện nay, pháp luật về hợp đồng của Việt Nam hầu như chưa công nhận điều khoản ngầm hay nghĩa vụ ẩn, không được quy định rõ, cụ thể trong hợp đồng mặc dù có thừa nhận nguyên tắc thiện chí và hợp tác12. Trên thực tế, khách hàng chưa thể viện dẫn Điều 135 và 408 Bộ luật Dân sự về giải thích giao dịch dân sự và hợp đồng dân sự để chứng minh rằng tổ chức tín dụng có nghĩa vụ giữ bí mật các thông tin mà khách hàng cung cấp cho tổ chức tín dụng hay các thông tin mà tổ chức tín dụng thu thập được trong quá trình giao dịch nếu các bên không có thỏa thuận trước về nghĩa vụ này. Trong khi đó rất ít hợp đồng được ký kết giữa tổ chức tín dụng và khách có điều khoản về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng giữ bí mật thông tin khách hàng13. Và nếu có thì nghĩa vụ này cũng chỉ được quy định hết sức sơ sài, không đầy đủ14.

Nếu xem các hợp đồng được ký kết giữa tổ chức tín dụng và khách hàng là hợp đồng dịch vụ thì theo quy định tại khoản 5 Điều 525 Bộ luật Dân sự, tổ chức tín dụng (bên làm dịch vụ) có nghĩa vụ: “giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian làm dịch vụ, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Khi các bên không có thỏa thuận về việc giữ bí mật thông tin thì khách hàng chỉ có thể dựa vào các quy định của pháp luật. Hiện nay, pháp luật dân sự Việt Nam cũng không có quy định cụ thể về việc giữ bí mật các thông tin liên quan đến giao dịch tài chính và tình hình tài chính của cá nhân, pháp nhân và các thông tin liên quan; đặc biệt không có các quy định pháp lý về bảo vệ quyền riêng tư của một pháp nhân cho dù về mặt lý luận cũng như thực tiễn, một pháp nhân cũng cần có các quyền riêng tư như một cá nhân trong chừng mực có thể áp dụng được cho pháp nhân15. Ngoài ra, các thông tin được khách hàng cung cấp cho tổ chức tín dụng trong quá trình tham gia hoạt động ngân hàng mà không có thỏa thuận trước về giữ bí mật thì không thỏa mãn quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định số 54/2000/NĐ- CP về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh vì chủ sở hữu đã không bảo mật thông tin bằng các biện pháp cần thiết, nên không thể được bảo vệ theo quy định của Nghị định này.

Tuy nhiên, pháp luật ngân hàng Việt Nam cũng đã có những quy định ban đầu về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng. Luật các tổ chức tín dụng tại khoản 3 Điều 17 quy định nghĩa vụ của tổ chức tín dụng “bảo đảm bí mật số dư tiền gửi của khách hàng”, tại khoản 2 Điều 104 khẳng định: “tổ chức tín dụng được quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi, tài sản của khách hàng…”.

Như vậy, khoản 2 Điều 104 Luật các tổ chức tín dụng chưa thực sự quy định rõ nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng mà chỉ xem đây là quyền (có thể thực hiện hoặc không) của tổ chức tín dụng từ chối yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi, tài sản của khách hàng cho bên thứ ba, còn khoản 3 Điều 17 chỉ dừng lại ở nghĩa vụ của tổ chức tín dụng giữ bí mật số dư tiền gửi của khách hàng. Nhưng khi quy định chi tiết Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng, Nghị định số 70/2000/NĐ-CP đã khẳng định đây chính là nghĩa vụ của tổ chức tín dụng và nội dung thông tin cần giữ bí mật đã được mở rộng, không chỉ dừng lại ở số dư tiền gửi của khách hàng mà bao hàm tất cả các thông tin có liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng.

III. PHẠM VI CỦA NGHĨA VỤ

Về mặt lý luận, thông tin khách hàng mà tổ chức tín dụng có nghĩa vụ giữ bí mật bao hàm tất cả các thông tin mà tổ chức tín dụng có được do khách hàng cung cấp hay các thông tin mà tổ chức tín dụng có thể thu thập được thông qua quá trình tiến hành hoạt động ngân hàng của mình. Tuy nhiên, những thông tin này phải là những thông tin có giá trị, cần giữ bí mật, nếu bị tiết lộ sẽ có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Nếu một khách hàng có tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng và số hiệu tài khoản này được khách hàng công bố trên các giấy tờ giao dịch hàng ngày của mình thì việc tổ chức tín dụng cung cấp số hiệu tài khoản đó cho bên thứ ba không vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng.

Nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng không giới hạn ở một nhóm khách hàng cụ thể nào mà đối với tất cả khách hàng tham gia hoạt động ngân hàng với tổ chức tín dụng đó. Theo quy định của pháp luật ngân hàng Việt Nam: “hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi và sử dụng số tiền này để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán”16.

Như vậy, khách hàng của tổ chức tín dụng không chỉ là người gửi tiền, gửi tài sản mà còn là người đi vay, người được cung cấp các dịch vụ thanh toán, người mua, bán ngoại tệ và các giấy tờ có giá, người thuê mua tài chính, người được tư vấn tài chính… Trong quá trình tiến hành hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng nắm được các thông tin liên quan đến các khách hàng này. Mọi khách hàng đều mong muốn được giữ bí mật những thông tin đó và họ có sự tin tưởng, tín thác đối với tổ chức tín dụng nên tổ chức tín dụng có nghĩa vụ phải giữ bí mật thông tin của tất cả khách hàng.

Đồng thời, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng không chỉ giới hạn ở khách hàng hiện hữu mà còn cả khách hàng tiềm năng, những người đã từng là khách hàng và cả đối tác của khách hàng.

Đối với khách hàng tiềm năng, một cá nhân hay một doanh nghiệp tuy chưa từng có giao dịch với tổ chức tín dụng nhưng có thể đến tổ chức tín dụng đó để xin vay vốn. Khi đó trong hồ sơ vay vốn của cá nhân hay doanh nghiệp phải có những thông tin cần phải giữ bí mật với bên thứ ba như tình hình tài chính của cá nhân, doanh nghiệp và dự án đầu tư, phương thức sản xuất, kinh doanh17. Nếu tổ chức tín dụng và cá nhân hay doanh nghiệp này chưa (hoặc không) ký kết hợp đồng tín dụng nhưng thông tin này bị tổ chức tín dụng tiết lộ cho đối thủ cạnh tranh thì việc tiết lộ thông tin này có thể gây thiệt hại lớn cho cá nhân, doanh nghiệp. Thêm vào đó, tổ chức tín dụng cũng có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng sau khi tổ chức tín dụng và khách hàng chấm dứt giao dịch vì những thông tin này vẫn còn giá trị nếu bị đối thủ cạnh tranh của khách hàng khai thác hay những thông tin này vẫn cần được giữ bí mật vì vấn đề riêng tư.

Ngoài ra, trong quá trình giao dịch với khách hàng, tổ chức tín dụng cũng có thể biết được các thông tin liên quan đến tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh của các đối tác của khách hàng. Ví dụ như trong thanh toán bằng thư tín dụng, ngân hàng thông báo (ngân hàng của bên bán) có thể không có mối quan hệ trực tiếp với bên mua hàng. Nhưng ngân hàng thông báo có thể biết được những thông tin như khối lượng, giá cả, thời gian nhận hàng, thời gian thanh toán… của bên mua. Nếu đối thủ của bên mua hàng được ngân hàng thông báo cung cấp những thông tin này thì đối thủ đó có thể có biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép bên mua hàng và kết quả là có thể gây thiệt hại cho bên mua hàng. Do đó tổ chức tín dụng cũng phải có nghĩa vụ giữ bí mật những thông tin của đối tác của khách hàng.

Pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật các tổ chức tín dụng và Nghị định số 70/2000/NĐ- CP, Thông tư số 02/2001/TT-NHNN, đã có quy định về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, nhưng còn rất hạn chế. Pháp luật chỉ dừng lại ở nghĩa vụ đối với các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng, tức khách hàng ở đây chỉ dừng lại ở người gửi tiền và gửi tài sản hiện hữu. Và mặc dù các văn bản pháp luật này có quy định về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng giữ bí mật thông tin của khách hàng là người gửi tiền, gửi tài sản nhưng chưa có quy định cụ thể về chế tài đối với tổ chức tín dụng trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ này.

Như vậy, rất nhiều khách hàng trong quá trình tham gia hoạt động ngân hàng với các tổ chức tín dụng (bao gồm khách hàng không phải là người gửi tiền, gửi tài sản cũng như khách hàng tiềm năng, những người đã từng là khách hàng, hay đối tác của khách hàng) cũng có nhu cầu được tổ chức tín dụng giữ bí mật thông tin mà họ cung cấp cho tổ chức tín dụng hay thông tin mà tổ chức tín dụng thu thập được. Nhưng pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng giữ bí mật những thông tin liên quan đến nhóm khách hàng này. Do đó trong quá trình giao dịch giữa khách hàng với tổ chức tín dụng, khách hàng thường ngại tiết lộ thông tin với tổ chức tín dụng; các dự án, phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh trong hồ sơ xin vay vốn của khách hàng tại tổ chức tín dụng thường sơ sài, không đúng thực tế, gây khó khăn cho tổ chức tín dụng trong quá trình đánh giá, xét duyệt cho vay.

Đây cũng chính là một trong những lý do khiến cho hoạt động dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ tư vấn tài chính của tổ chức tín dụng Việt Nam cho khách hàng không phát triển.

IV. CÁC TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ CỦA NGHĨA VỤ

Tuy tổ chức tín dụng có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng nhưng nghĩa vụ này không phải là tuyệt đối, nó cũng có những trường hợp ngoại lệ nhất định cần được pháp luật quy định cụ thể.

Thứ nhất, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin theo yêu cầu của khách hàng hay người được khách hàng ủy quyền theo quy định của pháp luật. Vì đây là những thông tin của khách hàng nên khi khách hàng yêu cầu thì tổ chức tín dụng phải cung cấp những thông tin đó cho khách hàng hay người được khách hàng chỉ định. Điều này đã được quy định rõ tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 70/2000/NĐ-CP.

Thứ hai, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của pháp luật. Việc cung cấp thông tin này là bắt buộc do luật định nhưng cũng phải tuân thủ những thủ tục cần thiết18.

Thứ ba, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin của khách hàng vì lợi ích công cộng. Một trong những nguyên tắc của luật dân sự là nguyên tắc tôn trọng, đảm bảo lợi ích công cộng hay lợi ích chung. Tổ chức tín dụng phải cung cấp các thông tin của khách hàng liên quan đến những khoản tiền bất hợp pháp, hay hành vi rửa tiền, lừa đảo… cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền19. Ngoài ra, tổ chức tín dụng cần cung cấp thông tin của khách hàng cho ngân hàng trung ương20, tổ chức bảo hiểm tiền gửi nhằm giúp các định chế này có kế hoạch, chính sách thích hợp phục vụ cho lợi ích hung, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngoại lệ này đã được quy định tản mạn trong Luật Ngân hàng nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Bộ luật Hình sự 1999… nhưng Nghị định số 70/2000/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết lại không quy định đầy đủ và khái quát về trường hợp ngoại lệ này.

Thứ tư, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin của khách hàng vì lợi ích chính đáng của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng nhưng nghĩa vụ này không thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng.

Ví dụ điển hình của trường hợp ngoại lệ này là khi tổ chức tín dụng tiến hành khởi kiện khách hàng để thu hồi khoản tiền cho khách hàng vay đã đến hạn nhưng không được trả. Trong trường hợp này, tổ chức tín dụng sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến tài khoản của khách hàng, số tiền mà khách hàng còn nợ tổ chức tín dụng liên quan đến việc vay vốn đó cho luật sư, cho cơ quan tài phán. Hoặc trong trường hợp tài khoản thanh toán của khách hàng không đủ tiền để thanh toán tờ séc thì tổ chức tín dụng thông báo cho người nộp séc về vấn đề này21. Rõ ràng, việc tiết lộ các thông tin đó là hợp pháp. Tổ chức tín dụng còn có thể cung cấp thông tin của khách hàng trong nội bộ tổ chức tín dụng, thậm chí cho các công ty con của mình nhưng không được sử dụng những thông tin đó để tiến hành các hoạt động kinh doanh, tiếp thị22. Ngoài ra các tổ chức tín dụng còn có thể cung cấp thông tin của khách hàng cho nhau để phục vụ cho hoạt động nội bộ của các tổ chức tín dụng trên nguyên tắc có đi có lại, hay tổ chức tín dụng là bên nhận ủy thác cho vay vốn có thể cung cấp thông tin của khách hàng vay vốn cho bên ủy thác cho vay vốn23. Tuy nhiên, Nghị định số 70/2000/NĐ-CP chỉ quy định việc cung cấp thông tin nhằm phục vụ hoạt động nội bộ của tổ chức tín dụng và giữa các tổ chức tín dụng24 mà chưa xác định rõ việc cung cấp thông tin nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của tổ chức tín dụng nói chung.

V. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Pháp luật ngân hàng Việt Nam cần quy định rõ và đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc giữ bí mật thông tin khách hàng cũng như các trường hợp ngoại lệ của nghĩa vụ này. Điều này có thể được thực hiện bằng việc sửa đổi, bổ sung Điều 104 của Luật các tổ chức tín dụng.

Như đã phân tích, khoản 2 Điều 104 và khoản 3 Điều 17 Luật các tổ chức tín dụng là quy định pháp lý cao nhất hiện nay quy định cụ thể về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng giữ bí mật thông tin của một nhóm nhỏ khách hàng. Tuy nhiên tiêu đề của Điều 17 là “Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền” còn tiêu đề của Điều 104 là “Bảo mật thông tin ngân hàng”. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Điều 104 Luật các tổ chức tín dụng để quy định đầy đủ về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng giữ bí mật thông tin của tất cả các khách hàng là hợp lý nhất.

2. Pháp luật ngân hàng Việt Nam cũng cần phải quy định cụ thể chế tài trong trường hợp tổ chức tín dụng để lộ bí mật thông tin khách hàng dù cố ý hay vô ý. Nếu không có chế tài cụ thể thì khi xảy ra sai phạm, tổ chức tín dụng hầu như sẽ ít chịu trách nhiệm vì vấn đề khách hàng chứng minh thiệt hại để đòi bồi thường khi bị tiết lộ thông tin là rất khó và sẽ có nhiều tranh cãi. Việc quy định cụ thể chế tài đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghĩa vụ sẽ khiến tổ chức tín dụng chấp hành tốt hơn nghĩa vụ này.

3. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự bằng việc thêm điều khoản về bảo vệ thông tin riêng tư nói chung và các thông tin liên quan đến tài chính của cá nhân và pháp nhân (đặc biệt là pháp nhân) cũng là một vấn đề cần được đặt ra để nghiên cứu. Tóm lại, hoàn thiện các quy định pháp lý về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng sẽ góp phần gia tăng thêm niềm tin của khách hàng đối với tổ chức tín dụng, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc bảo mật thông tin, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Nhất là khi các hoạt động ngân hàng thông qua điện thoại (telephone banking) và thông qua mạng internet (e-banking) đang bước đầu phát triển mạnh ở Việt Nam, việc hoàn thiện các quy định pháp lý như vậy là hết sức cấp thiết.

Chú thích:

1 Nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng được hiểu là nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, của cán bộ, nhân viên của tổ chức tín dụng đó.

2 Ví dụ Điều 47 Luật Liên bang về ngân hàng và ngân hàng tiết kiệm năm 1934 của Thụy Sĩ; Mục 97 (1) Luật các chế định tài chính và hoạt động ngân hàng năm 1989 của Malaysia.

3 Theo phán quyết của Tòa kháng án (Court of Appeals) Anh năm 1923 trong án lệ Tournier v. National Provincial and Union Bank of England ([1924] 1KB 461), lần đầu tiên luật pháp nước Anh đã xác định rõ nghĩa vụ pháp lý của ngân hàng trong việc giữ bí mật thông tin khách hàng. Ở Mỹ, phán quyết của Tòa tối cao bang Idaho năm 1961 trong án lệ Peterson v. Idaho First National Bank (367 P.2d 248 [Ida1]) là phán quyết sớm nhất trong lĩnh vực này.

4 Ví dụ Điều 2 Hiến pháp Liên bang Đức cũng như Điều 13 Hiến pháp Liên bang Thụy Sĩ. Xem O. sandrock and E. Klausing, “Germany”, in Ross Cranston (ed.), European Banking Law, LLP, London, 1993, tr. 91.

5 Xem Ross Cranston, Principles of Banking Law, Clarebdon Press, Oxford, 1997, tr. 182.

6 Xem Franco Taisch, Confidentiality at the Bank Counter or Protection of Personality in the Banking Business, Liechtenstein-Swiss Aspects Syonnis, Liechtensteinische Landesbank Aktiengese-llschaft Series, Vol.19, 1996, tr. 3.

7 Phán quyết Tournier v. National Provincial and Union Bank of England khẳng định: “Điều khoản ẩn trong hợp đồng giữa ngân hàng và khách hàng quy định rằng ngân hàng không được tiết lộ cho người thứ ba, nếu không có sự đồng ý rõ ràng hoặc ngầm, tình trạng tài khoản của khách hàng, các giao dịch của khách hàng với ngân hàng, hay bất cứ thông tin nào liên quan đến khách hàng mà ngân hàng có được thông qua việc quản lý tài khoản của khách hàng…”, hay trong phán quyết Peterson v. Idaho First National Bank: “Ẩn ý trong hợp đồng giữa ngân hàng với khách hàng hoặc người gửi tiền rằng không một thông tin nào có thể bị ngân hàng hay nhân viên của ngân hàng tiết lộ liên quan đến tài khoản của khách hàng hay người gửi tiền…”.

8 Khách hàng tiềm năng ở đây được hiểu là những người đã có những trao đổi thông tin ban đầu với tổ chức tín dụng nhằm đề nghị tổ chức tín dụng giao kết hợp đồng nhưng hợp đồng này chưa được giao kết và trước đây họ cũng chưa từng giao kết bất kỳ hợp đồng nào với tổ chức tín dụng đó.

9 Xem thêm Ross Cranston, chú thích số 7, trang 183.

10 Có thể tìm thấy quy định pháp lý về việc bảo vệ vấn đề riêng tư và quyền cá nhân hay nghĩa vụ bảo vệ một chủ thể pháp lý tại Điều 27, 28 Bộ luật Dân sự Thụy Sĩ; Điều 37, 38, 115 Luật Công ty và cá nhân Liechtenstein. Xem Franco Taisch, chú thích số 9, tr. 5.

11 Xem Franco Taisch, chú thích số 9, tr. 4.

12 Có thể thấy quy định pháp lý về nguyên tắc này tại Điều 22 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ban hành ngày 25/9/1989; Điều 2, Điều 9 Bộ luật Dân sự.

13 Mặt sau của Sổ tiết kiệm của một số ngân hàng (Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn) có quy định nghĩa vụ này. Sổ tiết kiệm của Ngân hàng Ngoại thương trước đây có ghi rõ nghĩa vụ này nhưng từ khi chuyển từ Sổ tiết kiệm sang Chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn thì lại không quy định vấn đề này ở mặt sau nữa.

14 Hợp đồng tín dụng ngắn hạn theo mẫu số 01-TD của Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank) trong phần nghĩa vụ của bên cho vay (VP Bank) có quy định: “Đảm bảo giữ bí mật các thông tin do bên vay cung cấp theo luật định”. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là pháp luật ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa quy định về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng giữ bí mật thông tin của khách hàng là bên vay (xem phần 3. Phạm vi của nghĩa vụ) thì “luật định” ở đây được hiểu như thế nào và VP Bank có nghĩa vụ giữ bí mật các thông tin của Bên vay do VP Bank tự thu thập được hay không?

15 Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của pháp nhân được thừa nhận theo pháp luật của nhiều quốc gia. Ví dụ: Khoản 3 Điều 10 Hiến pháp Liên bang Đức; Điều 115 Luật công ty và cá nhân Liechtenstein.

16 Xem khoản 3 Điều 9 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; khoản 7 Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng.

17 Xem Điều 7 và Điều 14 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

18 Xem khoản 4 Điều 5 Nghị định số 70/2000/NĐ-CP; Điều 49 – Thu thập chứng cứ – Bộ luật tố tụng hình sự 1988 (Điều 65 Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Điều 9 Pháp lệnh Thanh tra cũng quy định quyền yêu cầu cung cấp thông tin của co quan tiến hành tố tụng, của tổ chức Thanh tra Nhà nước.

19 Xem Điều 19 Luật các tổ chức tín dụng; Điều 251 Bộ luật hình sự 1999.

20 Xem Điều 40 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Điều 103 Luật các tổ chức tín dụng.

21 Xem Điều 24 Quy chế phát hành và sử dụng séc ban hành kèm theo Nghị định số 30/CP ngày

9/5/1996.

22 Xem thêm E.P.Ellinger, E.Lomnicka, R. Hooley, Modern Banking Law, Oxford University Press,2002, tr. 154 – 156.

23 Xem Điều 6 Nghị định số 70/2000/NĐ-CP; Điều 10 Quy định về ủy thác và nhận ủy thác cho vay vốn của tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 742/2002/QĐ-NHNN ngày 17/7/2002.

24 Xem khoản 2 Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 70/2000/NĐ-CP.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 1/2004

Exit mobile version