admin@phapluatdansu.edu.vn

SỬA ĐỔI LUẬT QUỐC TỊCH: THỪA NHẬN HAI QUỐC TỊCH CŨNG RỐI!

Nhiều Việt kiều hiện có tới hai quốc tịch. Xu hướng “một quốc tịch mềm dẻo” xem chừng được nhiều chuyên gia pháp lý ủng hộ. Ngày 29-1, Ban soạn thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch năm 1998 đã họp phiên đầu tiên bàn về những vấn đề cơ bản khi xây dựng luật này. Một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất là Việt Nam có công nhận

Đa số kiều bào đã nhập quốc tịch nước sở tại nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam

Địa vị pháp lý của Việt kiều không rõ ràng

Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) dẫn chứng một tình huống khó xử: “Một công dân Việt Nam sang Mỹ, nhập quốc tịch Mỹ, sau đó về nước kết hôn với một công dân Việt Nam.

Trong trường hợp này, nếu ghi người đó mang quốc Mỹ thì vô hình trung Việt Nam đã từ bỏ “chủ quyền” của mình. Còn ghi quốc tịch Việt Nam thì phía Mỹ không cho họ xuất cảnh quay trở lại Mỹ”. Đây chỉ là một trong vô vàn tình huống rắc rối thể hiện những bất cập, vướng mắc của Luật Quốc tịch hiện hành.

Theo các chuyên gia, vấn đề nổi cộm và vướng nhất là việc Điều 3 Luật Quốc tịch năm 1998 quy định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.

Do chúng ta không đưa ra bất kỳ một biện pháp nào nhằm bảo đảm nguyên tắc một quốc tịch như yêu cầu công dân Việt Nam phải thôi hoặc mất quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch nước ngoài, người trở lại quốc tịch Việt Nam phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài… nên quy định tại Điều 3 hoàn toàn chỉ mang tính hình thức.

Việc công dân ta xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài không phải do pháp luật Việt Nam yêu cầu mà do pháp luật nước ngoài yêu cầu. Về mặt hình thức, công dân Việt Nam vẫn còn giữ được quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch nước ngoài cũng là do pháp luật nước ngoài không bắt buộc người đó phải từ bỏ quốc tịch gốc.

Trên thực tế trong gần ba triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, phần đông đều đã nhập quốc tịch nước sở tại nơi họ đang sinh sống nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam. Về mặt pháp lý, những người này vẫn được xem là còn quốc tịch Việt Nam. Nhưng trên thực tế, địa vị pháp lý của những kiều bào này lại không rõ ràng và không có điều kiện thực hiện các quyền, nghĩa vụ của một công dân Việt Nam.

Chính sách một quốc tịch “mềm dẻo”: Nên chăng?

Các chuyên gia nhận định cần có một chế định mới mềm dẻo để pháp lý hóa thực tế tồn tại tình trạng hai quốc tịch đối với số đồng bào đang định cư ở nước ngoài. Một số ý kiến đề xuất nên bỏ Điều 3 Luật Quốc tịch hiện hành.

Ông Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) khẳng định Việt Nam vẫn cần kế thừa nguyên tắc một quốc tịch nhưng sẽ giải quyết một số trường hợp để bảo đảm quyền lợi cho những người gốc Việt Nam có quốc tịch nước ngoài. Đại diện Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng trong trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài gia nhập quốc tịch nước ngoài, nếu nước cho nhập quốc tịch không bắt họ từ bỏ quốc tịch Việt Nam thì nhà nước nên thừa nhận người này có hai quốc tịch.

Trường hợp nước cho nhập quốc tịch bắt buộc kiều bào từ bỏ quốc tịch gốc thì kiều bào có quyền cân nhắc, lựa chọn.

Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp lưu ý tới những rắc rối phát sinh do xung đột quốc tịch nếu thừa nhận tình trạng hai quốc tịch. “Cần quy định rõ trường hợp nào phải dùng quốc tịch Việt Nam, trường hợp nào dùng quốc tịch nước ngoài, trường hợp nào được quyền lựa chọn quốc tịch” – ông Liên nói.

Trong chín năm thực hiện Luật Quốc tịch năm 1998, Việt Nam đã giải quyết hơn 61.000 trường hợp thôi quốc tịch Việt Nam, 231 trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam, 51 trường hợp trở lại quốc tịch Việt Nam. Hồ sơ phải chuyển qua nhiều khâu: thụ lý, xác minh, chuyển đến Bộ Ngoại giao, chuyển đến Bộ Tư pháp, trình Văn phòng Chủ tịch nước.

Tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hồ sơ được tập hợp và gom lại theo từng đợt mới được chuyển về nước nên nhiều khi chậm trễ, thời gian giải quyết bị kéo dài, thậm chí có trường hợp bị thất lạc.

Các chuyên gia đề xuất cần xây dựng cơ chế để Chủ tịch nước ủy quyền cho Chính phủ thực hiện việc cho thôi, nhập, tước quốc tịch. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Chính phủ để ký quyết định hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc cho thôi quốc tịch.

Riêng thẩm quyền quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể quy định cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

SOURCE: Theo ĐỨC MINH (Pháp luật TPHCM Online)

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading