Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TỜ TRÌNH VỀ DỰ ÁN LUẬT TRƯNG MUA, TRƯNG DỤNG TÀI SẢN

Advertisements

 

        CHÍNH PHỦ

           ********

      Số: 73/TTr-CP

                   CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                         *****************

                                            Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2007

 

TỜ TRÌNH

VỀ DỰ ÁN LUẬT TRƯNG MUA, TRƯNG DỤNG TÀI SẢN

____________

Kính gửi: Quốc hội

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá XI về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI (2002-2007), Chính phủ đã tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản trên phạm vi cả nước; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài; xây dựng Dự án Luật; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức có liên quan; trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XII thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 2. Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật.

Chính phủ xin trình Quốc hội về Dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG LUẬT TRƯNG MUA, TRƯNG DỤNG TÀI SẢN

1. Tình hình trưng mua, trưng dụng tài sản ở Việt Nam

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những yêu cầu đặt ra là phải đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về nhân lực, vật lực trong trường hợp xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các tình huống cấp thiết khác đe doạ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Trong những trường hợp đó, các quốc gia đều cho phép thực hiện trưng thu, trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức, cá nhân.

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, tại các Sắc lệnh số 9 ngày 6/9/1945 và Sắc lệnh số 68 ngày 30/11/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã quy định: Trong thời kỳ quốc gia còn cần phải bảo vệ và củng cố nền độc lập trên khắp địa hạt Việt Nam, các nhà chức trách quân sự hoặc hành chính, nếu không điều đình thoả thuận được với tư nhân thì có quyền: Trưng dụng bất động sản; trưng thu hoặc trưng dụng động sản.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, trong từng thời kỳ Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện chính sách trưng mua, trưng dụng tài sản:

a) Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ: Việc trưng mua, trưng dụng chủ yếu là huy động nhân lực, vật lực phục vụ kháng chiến. Với lòng yêu nước thiết tha, nhân dân đã hưởng ứng các biện pháp huy động của Nhà nước, trong đó đại bộ phận là quyên góp, ủng hộ Nhà nước; chỉ một số ít là trưng mua, trưng dụng. Khuôn khổ pháp lý để thực hiện trưng mua, trưng dụng trong thời kỳ này là Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà… Theo quy định tại các văn bản này, thì trong trường hợp cấp thiết, Nhà nước thực hiện trưng thu, trưng mua, trưng dụng tài sản là bất động sản, động sản của các tổ chức, cá nhân. Người có tài sản trưng mua, trưng dụng được thanh toán tiền trưng mua hoặc tiền bồi thường tài sản trưng dụng. Tiền trưng mua hoặc tiền bồi thường được trả bằng tiền hoặc hiện vật. Người có tài sản trưng mua, trưng dụng phải chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền.

Sau khi kháng chiến thắng lợi, Nhà nước đã thực hiện thanh toán các khoản trưng mua, trưng dụng. Đến nay, việc thanh toán đã hoàn tất chỉ trừ một số ít trường hợp chưa có đủ căn cứ xác định việc trưng mua, trưng dụng để làm cơ sở thanh toán.

b) Thời kỳ từ năm 1975 đến nay: Đây là giai đoạn hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc trưng thu, trưng mua chủ yếu được thực hiện trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản theo các quyết định của Hội đồng Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ. Sau thời kỳ này, Nhà nước không thực hiện biện pháp trưng thu; việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được sử dụng trong trường hợp thật cần thiết như phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản theo đúng pháp luật, các quy định về trưng mua, trưng dụng đã được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Quốc phòng, Luật An ninh Quốc gia, Luật Đê điều, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Pháp lệnh dân quân tự vệ, Pháp lệnh Cảnh sát biển, Pháp lệnh Bộ đội biên phòng, Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự,… Các quy định này đã được vận hành khá tốt trong thực tiễn cuộc sống.

2. Sự cần thiết ban hành Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản

2.1. Góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước

Điều 23 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản do Luật định”.

Như trên đã báo cáo, thời gian qua, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến trưng mua, trưng dụng tài sản. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mới chỉ quy định một số nội dung có liên quan đến tài sản thuộc đối tượng trưng mua, trưng dụng; thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng và các trường hợp được thực hiện trưng mua, trưng dụng; còn nguyên tắc, hình thức quyết định, trình tự thủ tục thực hiện; cơ chế thanh toán và xử lý vi phạm chưa được quy định cụ thể. Do vậy, việc ban hành Luật trưng mua, trưng dụng tài sản là thực hiện quy định của Hiến pháp và góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

2.2. Đáp ứng yêu cầu về tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia mà các biện pháp huy động khác không đáp ứng được

Trong giai đoạn hiện nay và dự báo trong thời gian tới, trên phạm vi thế giới, cũng như trong khu vực, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế cơ bản. Tuy nhiên, thế giới và khu vực vẫn phải đối mặt với những vấn đề gay gắt như mất ổn định chính trị, an toàn xã hội, đặc biệt là một bộ phận môi trường sinh thái bị huỷ hoại, khí hậu trái đất thay đổi thất thường kèm theo các thiên tai lớn; các dịch bệnh nguy hiểm có chiều hướng phát triển… Để chủ động đối phó với những nguy cơ và thách thức nêu trên, cùng với việc tăng cường tiềm lực tài chính của đất nước, tăng dự trữ quốc gia để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của công tác quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, việc hoàn thiện thể chế về trưng mua, trưng dụng tài sản là cần thiết.

2.3. Góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, việc công nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, pháp nhân và của các nhà đầu tư trong và ngoài nước có ý nghĩa quan trọng. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước, đây là điều kiện để đảm bảo ổn định cuộc sống, phát triển kinh doanh. Đối với các tổ chức cá nhân nước ngoài, đây là sự đảm bảo điều kiện thuận lợi và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, hợp tác văn hoá, phát triển du lịch. Việc xây dựng Luật này với các nội dung quy định rõ về nguyên tắc, điều kiện khi thực hiện trưng mua, trưng dụng; quy định về sự công khai, minh bạch trong trình tự, thủ tục trưng mua, trưng dụng tài sản; trong việc xác định và thực hiện chi trả tiền trưng mua tài sản, tiền bồi thường đối với tài sản trưng dụng là cơ sở pháp lý cho việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, mà sau khi đã huy động tài sản do Nhà nước quản lý nhưng chưa đảm bảo được yêu cầu nhiệm vụ, thì Nhà nước mới trưng mua, trưng dụng tài sản của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; người có tài sản trưng mua, trưng dụng được thanh toán hoặc bồi thường theo nguyên tắc giá thị trường. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng và không phân biệt đối xử. Các quy định đó sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật này là nhằm cụ thể hoá các cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Theo các cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nước thuộc khối ASEAN và các nước khác (Italia, Ôtxtrâylia, Vương quốc Anh…), thì việc trưng mua, trưng dụng phải đáp ứng 4 điều kiện cơ bản là: (i) để sử dụng vào mục đích công; (ii) theo các thủ tục được pháp luật quy định; (iii) không phân biệt đối xử và (iv) có sự bồi thường theo giá thị trường. Từ đó, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về vốn và tài sản của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là khi nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

II. VỀ QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG LUẬT

1. Quan điểm xây dựng Luật:

Quan điểm 1: Huy động kịp thời nguồn lực về tài sản để đáp ứng nhu cầu của Nhà nước trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia; góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

Quan điểm 2: Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản, thì người có tài sản trưng mua, trưng dụng được thanh toán hoặc bồi thường theo nguyên tắc thị trường và không phân biệt đối xử.

Quan điểm 3: Kế thừa có chọn lọc các văn bản quy phạm pháp luật quy định về trưng mua, trưng dụng tài sản và luật hoá một số quy định đã phát huy hiệu quả để nâng cao tính pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và cơ sở thực thi trong thực tiễn.

Quan điểm 4: Đảm bảo phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế và khu vực mà Việt Nam là thành viên; tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế.

2. Nguyên tắc xây dựng dự án Luật:

Nguyên tắc 1: Việc trưng mua, trưng dụng tài sản phải được thực hiện công khai, minh bạch. Nhà nước chỉ thực hiện việc trưng mua, trưng dụng tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.

Nguyên tắc 2: Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi có quyết định của người có thẩm quyền và phải tuân theo trình tự, thủ tục do luật định. Người có tài sản trưng mua, trưng dụng phải chấp hành quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản của người có thẩm quyền. Việc quản lý, sử dụng tài sản trưng mua, trưng dụng phải đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.

Nguyên tắc 3: Quy định cụ thể, rõ ràng về phạm vi, đối tượng, điều kiện, thẩm quyền và hình thức quyết định, trình tự và thủ tục thực hiện việc trưng mua, trưng dụng tài sản để tránh việc lạm dụng quyền hạn, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản.

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT

Dự thảo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản gồm 5 Chương, 52 Điều.

1. Chương I: Những quy định chung

Chương này gồm 11 Điều (từ Điều 1 đến Điều 11) quy định về những nội dung chủ yếu sau đây:

1.1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1):

Luật này quy định về việc trưng mua, trưng dụng tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc trưng mua, trưng dụng tài sản; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản trưng mua, trưng dụng.

1.2. Đối tượng áp dụng (Điều 2): Dự thảo Luật quy định 4 đối tượng áp dụng bao gồm: (i) Người có thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản; (ii) người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng; (iii) tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng mua hoặc được giao sử dụng tài sản trưng dụng; (iv) các đối tượng khác có liên quan đến việc trưng mua, trưng dụng tài sản.

1.3. Chính sách trưng mua, trưng dụng tài sản (Điều 5): Dự thảo Luật quy định Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng tài sản hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Nhà nước khuyến khích và ghi nhận việc các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tự nguyện hiến, tặng tài sản cho Nhà nước hoặc cho Nhà nước mượn tài sản không nhận bồi thường trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản, thì người có tài sản trưng mua, trưng dụng được thanh toán theo nguyên tắc thị trường và không phân biệt đối xử.

1.4. Nguyên tắc trưng mua, trưng dụng tài sản (Điều 6): Dự thảo Luật quy định cụ thể 5 nguyên tắc trưng mua, trưng dụng tài sản gồm: (i) Chỉ thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được; (ii) việc trưng mua, trưng dụng tài sản được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này; (iii) người có tài sản trưng mua, trưng dụng phải chấp hành quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản của người có thẩm quyền; (iv) việc trưng mua, trưng dụng tài sản phải đảm bảo công khai, minh bạch và (v) việc quản lý, sử dụng tài sản trưng mua, trưng dụng phải đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.

1.5. Hình thức quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản (Điều 7): Dự thảo Luật quy định quyết định trưng mua, trưng dụng phải thể hiện bằng văn bản. Riêng việc trưng dụng tài sản trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp không thể ra quyết định bằng văn bản, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói để thực hiện nhiệm vụ được giao.

1.6. Quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trưng mua, trưng dụng (Điều 9): Quyền sở hữu tài sản trưng mua thuộc về Nhà nước kể từ thời điểm quyết định trưng mua tài sản có hiệu lực pháp luật. Quyền sở hữu tài sản trưng dụng vẫn thuộc về người có tài sản trưng dụng; quyền sử dụng tài sản trưng dụng trong thời gian trưng dụng thuộc về người có thẩm quyền quyết định trưng dụng.

2. Chương II: Trưng mua tài sản

Chương này bao gồm 13 Điều (từ Điều 12 đến Điều 24) quy định những nội dung chủ yếu sau đây:

2.1. Tài sản thuộc đối tượng trưng mua (Điều 12): Căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật và thực tiễn trưng mua tài sản thời gian vừa qua, Dự thảo quy định cụ thể tài sản được phép trưng mua gồm: công cụ, dụng cụ, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu khác; riêng phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác chỉ được trưng mua trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh.

2.2. Điều kiện trưng mua tài sản (Điều 13): Việc trưng mua tài sản chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện: (i) Thuộc một trong các trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia; (ii) Nhà nước có nhu cầu về tài sản để sử dụng trong các trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia mà việc mua bán theo thoả thuận hoặc các biện pháp huy động khác không thực hiện được và (iii) phải phù hợp với đối tượng, thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật này.

2.3. Thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản (Điều 15): Căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu về tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, chống việc lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ, Dự thảo Luật quy định cụ thể 03 nhóm đối tượng có thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản gồm: (i) Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và một số Bộ trưởng khác theo quy định của Chính phủ (ii) Chủ tịch UBND cấp tỉnh và (iii) người có thẩm quyền khác được trưng mua tài sản theo quy định của luật, pháp lệnh có liên quan.

2.4. Giá trưng mua tài sản (Điều 20): Dự thảo Luật quy định nguyên tắc, cách thức xác định và thẩm quyền quyết định giá trưng mua tài sản. Theo đó, giá trưng mua tài sản do người có tài sản trưng mua và người có thẩm quyền quyết định trưng mua thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì người có thẩm quyền quyết định trưng mua quyết định giá căn cứ vào giá phổ biến trên thị trường địa phương của tài sản cùng loại tại thời điểm quyết định trưng mua tài sản; trường hợp giá thị trường tại thời điểm trưng mua thấp hơn giá thị trường tại thời điểm thanh toán thì người có tài sản trưng mua được thanh toán theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán.

2.5. Thanh toán tiền trưng mua tài sản (Điều 21): Để đảm bảo quyền lợi của người có tài sản trưng mua và tình hình thực tế, Dự thảo Luật quy định tiền trưng mua tài sản được thanh toán một lần cho người có tài sản trong thời hạn tối đa là 45 ngày khi xảy ra tình trạng khẩn cấp và 30 ngày khi xảy ra các trường hợp còn lại, kể từ ngày quyết định trưng mua tài sản có hiệu lực pháp luật. Trường hợp bất khả kháng thì có thể gia hạn nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá thời hạn thanh toán nêu trên (Trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo quy định riêng).

2.6. Nguồn kinh phí thực hiện thanh toán tài sản trưng mua (Điều 22): Kinh phí thực hiện thanh toán tài sản trưng mua do ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Chương III. Trưng dụng tài sản

Chương này gồm 22 Điều (từ Điều 25 đến Điều 46) quy định về thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản, căn cứ quyết định trưng dụng tài sản, nội dung của quyết định, thời hạn trưng dụng tài sản, chuyển giao tài sản, quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng, hoàn trả tài sản trưng dụng, bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng gây ra, thanh toán tiền bồi thường thiệt hại, kinh phí thực hiện bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng gây ra. Một số nội dung chủ yếu như sau:

3.1. Tài sản thuộc đối tượng trưng dụng (Điều 25): Dự thảo quy định tài sản thuộc đối tượng trưng dụng gồm: Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác; đất và các tài sản gắn liền với đất; các tài sản khác được trưng dụng theo quy định của luật, pháp lệnh có liên quan.

3.2. Điều kiện trưng dụng tài sản (Điều 26): Việc trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện: (i) Thuộc một trong các trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia; (ii) Nhà nước có nhu cầu về tài sản để sử dụng trong các trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được và (iii) phải phù hợp với đối tượng, thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật này.

3.3. Thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản (Điều 27): Căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật, hạn chế việc lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ, đồng thời đáp ứng nhu cầu về tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Dự thảo Luật quy định cụ thể 5 nhóm đối tượng có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản gồm: (i) Bộ trưởng Bộ Tài chính và một số Bộ trưởng khác theo quy định của Chính phủ; (ii) Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn; (iii) Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh và cấp huyện (iv) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; (v) các đối tượng khác được trưng dụng tài sản theo quy định của luật, pháp lệnh có liên quan.

3.4. Trình tự, thủ tục quyết định trưng dụng bằng lời nói (Điều 31): Việc trưng dụng tài sản bằng lời nói là vấn đề nhạy cảm và dễ bị lạm dụng trong thực tế. Vì vậy, dự thảo quy định cụ thể về trình tự, thủ tục quyết định trưng dụng bằng lời nói. Theo đó, khi ra quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản phải xuất trình thẻ công vụ theo quy định của pháp luật và phải xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng tài sản ngay tại thời điểm trưng dụng. Trường hợp khi ra quyết định có mặt người thứ ba, thì người thứ ba được mời chứng kiến việc quyết định trưng dụng. Trường hợp đặc biệt khi quyết định bằng lời nói không kịp xác nhận ngay bằng văn bản thì chậm nhất là 48 giờ, kể từ thời điểm trưng dụng tài sản bằng lời nói, cơ quan của người đã ra quyết định trưng dụng tài sản có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng tài sản.

3.5. Thời hạn trưng dụng tài sản (Điều 32): Để đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản trưng dụng, Dự thảo Luật quy định cụ thể thời hạn trưng dụng tài sản trong từng trường hợp cụ thể. Trường hợp đã hết thời gian trưng dụng tài sản theo quy định mà mục đích của việc trưng dụng tài sản chưa hoàn thành, thì người đã ra quyết định trưng dụng tài sản quyết định gia hạn trong thời hạn tối đa được quy định tại Luật này (15 ngày trong trường hợp xảy ra hoả hoạn, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc thiên tai lũ lụt và 10 ngày trong các trường hợp khác).

3.6. Bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra (Điều 39): Dự thảo Luật quy định người có tài sản trưng dụng được bồi thường thiệt hại về tài sản trong các trường hợp: (i) Tài sản trưng dụng bị mất; (ii) tài sản trưng dụng bị hư hỏng; (iii) tài sản trưng dụng bị giảm chất lượng và (iv) người có tài sản trưng dụng bị mất thu nhập do việc trưng dụng tài sản trực tiếp gây ra. Cách thức xác định mức bồi thường thiệt hại cũng được quy định theo từng trường hợp cụ thể (Điều 40, Điều 41 và Điều 42).

3.7. Thẩm quyền quyết định mức bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra (Điều 43): Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản là người quyết định mức bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra.

3.8. Kinh phí thực hiện bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng gây ra (Điều 46): Tương tự trường hợp trưng mua tài sản, kinh phí thực hiện bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng gây ra cũng do ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với những tài sản đã tham gia bảo hiểm bị thiệt hại nhưng không được doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chi trả hoặc số tiền được doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chi trả theo chế độ quy định thấp hơn số tiền người có tài sản trưng dụng được bồi thường, thì số tiền chênh lệch do ngân sách nhà nước chi trả.

4. Chương IV: Khen thưởng, xử lý vi phạm; khiếu nại, tố cáo và khởi kiện

Chương này bao gồm 4 Điều (từ Điều 47 đến Điều 50) quy định về việc khen thưởng; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo; xử lý các hành vi vi phạm các quy định về trưng mua, trưng dụng tài sản.

5. Chương V: Điều khoản thi hành

Chương này bao gồm 2 Điều (Điều 51 và Điều 52) quy định hiệu lực thi hành và thẩm quyền hướng dẫn thi hành.

Trong đó, Chính phủ dự kiến ban hành 01 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều 15, 21, 27 và 44 của Luật này.

IV. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ KINH PHÍ KHI BAN HÀNH LUẬT NÀY

1. Về tổ chức bộ máy và biên chế:

Luật này chủ yếu nhằm luật hoá các quy định cụ thể về trưng mua, trưng dụng tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia mà hiện nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang thực hiện. Trong dự thảo Luật không tăng thêm các quyền hạn về trưng mua, trưng dụng cho bộ máy nhà nước, đồng thời không quy định lập ra cơ quan chuyên trách về thực hiện trưng mua, trưng dụng. Do đó, việc ban hành Luật này không làm tăng thêm tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan nhà nước.

2. Về kinh phí thực hiện trưng mua, trưng dụng:

Theo quy định tại Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước, dự toán chi ngân sách nhà nước được bố trí khoản dự phòng từ 2% đến 5% tổng số chi để chi phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán.

Như vậy, trường hợp do trưng mua, trưng dụng phải phát sinh các khoản thanh toán thì sử dụng trong dự phòng ngân sách các cấp. Do vậy, việc ban hành Luật này không làm tăng chi ngân sách nhà nước, nhưng có tác dụng rất lớn trong việc đảm bảo việc chi ngân sách được thực hiện chặt chẽ và minh bạch.

V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XIN Ý KIẾN QUỐC HỘI

1. Về tên gọi của dự thảo Luật

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, tên gọi của dự án Luật là: “Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức”. Qua thảo luận, các ý kiến đều thống nhất bỏ cụm từ “của cá nhân, tổ chức” vì cùng với quá trình xây dựng nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, ngoài các tổ chức, cá nhân, còn có các chủ thể dân sự khác cũng có quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thuộc đối tượng trưng mua, trưng dụng như: hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, việc sử dụng từ “thể thức” tại tên gọi của dự án còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị tên gọi là: “Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản” đúng theo tên của Dự án Luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Mặt khác, tên gọi này còn có ý nghĩa làm yên tâm các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân vì với Luật này Quốc hội chỉ quy định thống nhất về thể thức mà không ban hành các quy định mới về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị tên Luật là: “Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản” (bỏ từ “thể thức”); vì trong dự thảo Luật có nội dung quy định không phải chỉ là thể thức. Việc sử dụng tên gọi này sẽ đảm bảo phù hợp giữa tên gọi, phạm vi điều chỉnh và nội dung của Luật; đồng thời, nếu các quy định trong Luật rõ ràng, minh bạch thì cũng không ảnh hưởng tới sự ổn định của môi trường đầu tư và tâm lý nhân dân mà còn củng cố thêm lòng tin của các nhà đầu tư và người dân vào hệ thống pháp luật của nhà nước. Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị lấy tên gọi này.

Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội tên gọi của dự án Luật là: “Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản”.

2. Về hình thức quyết định trưng mua, trưng dụng:

Có ý kiến cho rằng để đáp ứng được yêu cầu về tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, thì người có thẩm quyền quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản có thể ra quyết định bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Có ý kiến đề nghị quyết định trưng mua, trưng dụng phải bằng văn bản để tránh việc lợi dụng, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản.

Về vấn đề này, Chính phủ trình Quốc hội như sau: Việc trưng mua tài sản gắn với việc chuyển quyền sở hữu tài sản từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sang khu vực Nhà nước, đồng thời trong thực tiễn việc trưng mua chỉ xảy ra trong một số ít trường hợp, vì vậy để đảm bảo thật chặt chẽ, dự thảo Luật quy định: quyết định trưng mua tài sản phải được thể hiện bằng văn bản. Đối với quyết định trưng dụng tài sản về nguyên tắc cũng phải được thể hiện bằng văn bản. Tuy nhiên, có trường hợp được thực hiện trong các tình huống đặc biệt khẩn cấp mà tại thời điểm đó không kịp ra quyết định bằng văn bản, nên việc quyết định trưng dụng có thể thực hiện bằng lời nói nhưng người ra quyết định bằng lời nói phải có văn bản xác nhận việc trưng dụng tài sản ngay tại thời điểm trưng dụng. Trường hợp đặc biệt không kịp xác nhận bằng văn bản thì trong vòng 48 giờ phải có xác nhận này. Đồng thời, tại Điều 48 của Luật này cũng quy định việc xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp lợi dụng quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói để trục lợi, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản.

3. Về việc huy động người điều khiển, vận hành tài sản:

Có ý kiến đề nghị không nên quy định việc huy động người điều khiển, vận hành tài sản trong Luật này vì Luật này chỉ quy định việc trưng mua, trưng dụng tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp khi trưng dụng tài sản là phương tiện giao thông, phương tiện kỹ thuật cần phải có người có trình độ chuyên môn vận hành tài sản đó thì được huy động người điều khiển phương tiện đó. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi và sự chặt chẽ khi ban hành Luật này, Chính phủ đề nghị trong Luật này chỉ quy định những nội dung có liên quan tới việc huy động người điều khiển, vận hành khi trưng dụng tài sản. Các trường hợp huy động người vào việc khác đã được quy định ở Luật, Pháp lệnh khác có liên quan (Luật Đê điều, Pháp lệnh phòng, chống lụt bão…).

4. Về giá trưng mua tài sản:

Hầu hết các ý kiến tham gia đều tán thành việc giá trưng mua tài sản được xác định để thực hiện thanh toán cho người có tài sản trưng mua được xác định theo nguyên tắc giá thị trường để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người có tài sản trưng mua và phù hợp với Điều 23 Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, về cơ chế xác định giá và thời điểm xác định giá còn có ý kiến khác nhau:

a) Về cơ chế xác định giá: Có ý kiến đề nghị không quy định cơ chế thoả thuận giữa người có tài sản trưng mua và người ra quyết định trưng mua vì quyết định trưng mua là quyết định hành chính, theo đó, giá trưng mua do người quyết định trưng mua áp đặt. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng trưng mua tài sản là việc nhà nước thực hiện mua tài sản thông qua quyết định hành chính. Như vậy, quan hệ mua bán trong trường hợp này là áp đặt. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là đương nhiên áp đặt về giá, mà để đảm bảo quyền lợi kinh tế của người có tài sản bị trưng mua cần thiết phải thực hiện theo cơ chế thoả thuận, trừ trường hợp không thoả thuận được mới phải áp dụng biện pháp áp đặt của cơ quan nhà nước. Đây là quy định có tính “mở”, vừa đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có tài sản trưng mua, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí cho việc định giá nếu thực hiện được cơ chế thoả thuận.

b) Về thời điểm xác định giá để thanh toán: Có ý kiến đề nghị thanh toán theo giá tại thời điểm trưng mua, có ý kiến đề nghị thanh toán theo giá tại thời điểm thanh toán, cũng có ý kiến đề nghị lấy giá tại thời điểm trưng mua cộng với lãi suất ngân hàng trong thời gian chưa thanh toán. Trên cơ sở đảm bảo công bằng theo hướng có lợi cho dân, đồng thời đơn giản thủ tục, Chính phủ đề nghị quy định trong Luật như sau: “Giá trưng mua tài sản được xác định căn cứ vào giá phổ biến trên thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và xuất xứ tại thời điểm quyết định trưng mua tài sản. Trường hợp tại thời điểm thanh toán tiền trưng mua tài sản, giá thị trường của tài sản đã trưng mua cao hơn so với giá thị trường tại thời điểm quyết định trưng mua thì thanh toán theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán”.

5. Về thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản:

Dự thảo Luật quy định thành 5 nhóm đối tượng có thẩm quyền trưng dụng gồm:

– Bộ trưởng Bộ Tài chính và một số Bộ trưởng khác theo quy định của Chính phủ;

– Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn;

– Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện;

– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện;

– Người có thẩm quyền khác được quyết định trưng dụng tài sản theo quy định của luật, pháp lệnh có liên quan.

Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị không giao thẩm quyền trưng dụng tài sản cho người đứng đầu các tổ chức liên ngành (Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện…) mà chỉ cần Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là đủ vì trên thực tế các Trưởng ban này luôn là lãnh đạo Bộ hoặc lãnh đạo UBND. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng thẩm quyền huy động tài sản của người đứng đầu một số tổ chức liên ngành trong các trường hợp cụ thể đã được quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Luật Đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão… Các quy định này là phù hợp với tính chất và yêu cầu của việc trưng dụng tài sản trong các trường hợp cần thiết. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội quy định trong Luật này thẩm quyền trưng dụng trong một số trường hợp cụ thể cho người đứng đầu một số tổ chức liên ngành nêu trên.

6. Về việc giải quyết các trường hợp đã trưng mua, trưng dụng tài sản trước khi Luật này có hiệu lực thi hành:

Thời gian vừa qua, cơ quan nhà nước các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các trường hợp đã thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản trước đây. Đến nay, đã giải quyết thanh toán đầy đủ, theo đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp có đủ căn cứ thanh toán. Tuy nhiên, hiện cũng còn tồn tại một số ít trường hợp phức tạp do chưa đủ căn cứ thanh toán. Để có thể tiếp tục xử lý các trường hợp này một cách bình đẳng với các trường hợp tương tự đã được xử lý, Chính phủ trình Quốc hội thể hiện trong luật này như sau: Đối với các trường hợp Nhà nước đã thực hiện việc trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, thì thực hiện theo các quy định của pháp luật tại thời điểm trưng mua, trưng dụng; không áp dụng và điều chỉnh theo các quy định của Luật này.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

– Uỷ ban Pháp luật Quốc hội;

– Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội;

– Các Bộ: Tài chính, Tư pháp;

– VPCP: BTCN, các PCN;

– Lưu: VT, XDPL.

TM. CHÍNH PHỦ

TUQ. THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Vũ Văn Ninh

(đã ký)

TẢI DỰ THẢO LUẬT TRƯNG MUA, TRƯNG DỤNG TÀI SẢN TẠI ĐÂY

Exit mobile version