TS. PHAN HUY HỒNG – Khoa Luật Thương mại – ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh
Bài viết này nối tiếp bài “Lịch sử và cải cách pháp luật vỡ nợ của CHLB Đức” đã đăng trên tạp chí KHPL số 4/2004. Các ghi chú trong ngoặc về điều khoản luật mà không ghi tên luật đều là của Luật vỡ nợ.
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
So với luật cũ, luật cải cách đã mở rộng đáng kể phạm vi đối tượng áp dụng thủ tục vỡ nợ (Điều 11).
1. Trước hết có thể mở thủ tục vỡ nợ (sau đây: TTVN) đối với mọi cá nhân và pháp nhân. Trong chừng mực đó hiệp hội không đăng ký (không phải là pháp nhân) được xem như pháp nhân. Pháp nhân ở đây được hiểu là pháp nhân của tư luật, phổ biến nhất chính là các hiệp hội đăng ký, các công ty đối vốn và loại hình công ty kết hợp đối nhân và đối vốn như Công ty hợp vốn bằng cổ phần (Điều 278 Luật công ty cổ phần). Đối với các cá nhân hành nghề độc lập với quy mô đáng kể thì được áp dụng TTVN chung. Đối với các cá nhân không hành nghề độc lập hoặc hành nghề độc lập với quy mô không đáng kể thì áp dụng TTVN đối với người tiêu dùng là một thủ tục rút gọn (Điều 304). Mọi cá nhân, như vậy là kể cả thành viên chịu trách nhiệm vô hạn của các công ty đối nhân, có thể đặt đơn trong TTVN yêu cầu được giải phóng khỏi các khoản nợ còn lại dưới các điều kiện quy định tại các Điều 287-303.
2. Ngoài ra TTVN có thể được mở đối với tài sản của một công ty không có tư cách pháp nhân như “Công ty thương mại mở”1, “công ty hợp vốn”2, “công ty bạn hữu”3, “công ty dân sự”4, “công ty tàu thủy”5 và “Hiệp hội quyền lợi kinh tế châu Âu” là loại hình công ty trên cơ sở luật của EU6. Quy định này thể hiện một điểm mới của luật cải cách là sự công nhận khả năng vỡ nợ của công ty dân sự theo Bộ luật dân sự (BLDS).
3. TTVN còn có thể được mở đối với tài sản thừa kế, đối với tài sản chung của vợ chồng được xác lập trên cơ sở hợp đồng hôn nhân (các Điều 1415-1482 BLDS), đối với tài sản chung của vợ chồng được xác lập trên cơ sở hợp đồng hôn nhân sau khi vợ hoặc chồng chết (các Điều 1483-1518 BLDS).
4. Sau khi giải thể, một pháp nhân hoặc một công ty không có tư cách pháp nhân vẫn được phép mở TTVN, chừng nào việc phân chia tài sản chưa thực hiện.
5. Không được phép mở TTVN đối với tài sản của Liên bang hay tài sản của một tiểu bang. Được phép mở TTVN đối với tài sản của một pháp nhân công luật chịu sự giám sát của một tiểu bang, trừ phi bang đó quy định khác đi (Điều 12).
Như vậy chúng ta thấy rằng luật cải cách đã mở rộng đối tượng áp dụng thủ tục đến tất cả các chủ thể của tư luật. TTVN cũng áp dụng đối với một số chủ thể của công luật.
II. CƠ QUAN GIẢI QUYẾT
1. Cơ quan giải quyết TTVN là Sở tòa (Amtsgericht), là tòa án cấp cơ sở trong hệ thống tòa dân sự và hình sự gồm bốn cấp7 (Điều 2).
2. Tòa án có thẩm quyền chức năng là Sở tòa mà trên khu vực thẩm quyền của nó một Phủ tòa có trụ sở. Sở tòa này có thẩm quyền đối với toàn bộ khu vực thẩm quyền của Phủ tòa. Chính phủ các tiểu bang được ủy quyền, thông qua việc ban hành nghị định, quy định một Sở tòa khác hoặc bổ sung thêm các Sở tòa khác làm tòa án vỡ nợ hoặc quy định khu vực thẩm quyền khác đi nhằm đảm bảo giải quyết nhanh chóng hơn các TTVN.
3. Tòa án có thẩm quyền lãnh thổ duy nhất là tòa án nơi con nợ chịu bị khởi kiện. Nơi con nợ chịu bị khởi kiện được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS). Trường hợp trọng tâm hoạt động kinh tế độc lập của con nợ ở nơi khác với nơi con nợ chịu bị khởi kiện thì tòa án vỡ nợ duy nhất có thẩm quyền là tòa án nơi khác đó. Trường hợp nhiều tòa án có thẩm quyền lãnh thổ theo quy định trên thì tòa án nơi mà đơn mở TTVN được đặt trước loại trừ thẩm quyền của (các) tòa án khác (Điều 3).
III. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ ĐẶT ĐƠN
Đối với các quan hệ dân sự thì về nguyên tắc tòa án chỉ hành động khi có yêu cầu giải quyết của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đó. Trong các quan hệ dân sự thông thường thì đấy là sự thể hiện quyền tự quyết của các chủ thể bình đẳng với nhau. Cũng chính bởi vậy mà nguyên tắc tranh tụng trở thành nguyên tắc chủ đạo xuyên suốt thủ tục tố tụng dân sự8. Nhưng hệ thống pháp luật vỡ nợ không chỉ nhằm giải quyết các mối quan hệ đã được xác lập giữa chủ nợ và con nợ. Sự tồn tại và phát triển hay sự lụn bại của một doanh nghiệp còn là cơ hội hay nguy cơ đối với sự xác lập các mối quan hệ pháp luật mới. Ảnh hưởng của nó vượt ra ngoài phạm vi cá nhân. Và như vậy việc đặt đơn mở TTVN không chỉ còn là quyền tự quyết của các chủ thể của các quan hệ đã được xác lập. TTVN cần dược tiến hành còn là để bảo vệ lợi ích công cộng. Điều đó một mặt thể hiện ở nguyên tắc điều tra trong TTVN, mặt khác là ở các quy định về nghĩa vụ đặt đơn mở TTVN.
1. Quyền đặt đơn mở TTVN thuộc về các chủ nợ và con nợ (Điều 13). Đơn có thể được rút lại cho đến trước khi tòa án quyết định mở TTVN hoặc đến trước khi quyết định bác đơn có hiệu lực pháp luật. Việc rút đơn được xem như chưa khởi kiện vụ án và như vậy có thể đặt đơn lại (Điều 269 BLTTDS).
1.1. Đối với việc mở TTVN đối với tài sản của pháp nhân hoặc của công ty không có tư cách pháp nhân thì ngoài các chủ nợ, mỗi thành viên của cơ quan đại diện của pháp nhân hoặc công ty không có tư cách pháp nhân, ở công ty không có tư cách pháp nhân hoặc công ty hợp vốn bằng cổ phần thì cả từng thành viên chịu trách nhiệm vô hạn cũng như từng người điều hành việc giải thể công ty đều có quyền đặt đơn (khoản 1 Điều 15).
1.2. Trường hợp một công ty không có tư cách pháp nhân không có thành viên chịu trách nhiệm vô hạn nào là cá nhân, thì các thành viên của cơ quan đại diện của công ty là thành viên có quyền đại diện của công ty vỡ nợ có quyền đặt đơn mở TTVN. Nguyên tắc này tiếp tục được áp dụng chừng nào mối liên hệ kiểu này còn tiếp tục (khoản 3 Điều 15).
1.3. Đơn của chủ nợ chỉ hợp lệ, nếu chủ nợ có một lợi ích hợp pháp đối với việc mở TTVN và trình bày có căn cứ quyền đòi nợ của mình cũng như việc điều kiện mở TTVN đã xảy ra9.
1.4. Ngoài chủ nợ và con nợ, khác với một số quốc gia khác, pháp luật vỡ nợ của CHLB Đức không quy định chủ thể nào khác có quyền đặt đơn mở TTVN. Việc cần phải được mở TTVN đối với con nợ được xem là có thể đảm bảo bởi quy định về nghĩa vụ đặt đơn của con nợ.
2. Nghĩa vụ đặt đơn mở TTVN chỉ áp dụng đối với pháp nhân và các công ty không có tư cách pháp nhân. Nghĩa vụ này không được quy định tập trung trong Luật vỡ nợ, mà được quy định trong các luật áp dụng cho các pháp nhân và công ty đó.
2.1. Đối với công ty là pháp nhân thì những người có nghĩa vụ đặt đơn mở TTVN là các thành viên của cơ quan đại diện của công ty. Đối với Công ty hợp vốn bằng cổ phần thì ngoài thành viên của ban điều hành, (các) thành viên chịu trách nhiệm vô hạn cũng có nghĩa vụ đặt đơn mở thủ tục vỡ nợ10.
2.2. Đối với các công ty đối nhân như “Công ty thương mại mở” hay “Công ty hợp vốn” thì nghĩa vụ đặt đơn chỉ được quy định đối với những công ty không có thành viên chịu trách nhiệm vô hạn nào là cá nhân. Nghĩa vụ này không áp dụng đối với trường hợp bản thân thành viên chịu trách nhiệm vô hạn duy nhất lại là một công ty hợp danh hoặc công ty hợp vốn đơn giản mà thành viên chịu trách nhiệm vô hạn của công ty đó là một cá nhân. Ở các loại hình công ty có nghĩa vụ đặt đơn này thì người có nghĩa vụ đặt đơn là những thành viên của cơ quan đại diện của các thành viên có quyền đại diện công ty (Điều 130a BLTM).
2.3. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ đặt đơn cũng được quy định trong pháp luật công ty. Đấy là trách nhiệm cá nhân của người có nghĩa vụ đặt đơn. Luật vỡ nợ chỉ quy định trách nhiệm của người có nghĩa vụ đặt đơn phải hoàn trả khoản phí tổn tố tụng cho chủ nợ là người ứng trả trước để đặt đơn mở TTVN khi người có nghĩa vụ không đặt đơn (khoản 3 Điều 26). Ngoài ra việc vi phạm nghĩa vụ đặt đơn cũng còn bị đe dọa bởi trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền hoặc phạt tù đến 3 năm, trường hợp vô ý có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 1 năm11. Việc vi phạm nghĩa vụ đặt đơn cũng còn là một trong những yếu tố cấu thành tội phạm của một số tội danh thuộc nhóm “tội phá sản” được quy định trong Bộ luật hình sự.
IV. KHÁI NIỆM VỠ NỢ
Luật vỡ nợ không định nghĩa trực tiếp khái niệm vỡ nợ. Mà nó quy định rằng chỉ được mở TTVN nếu tồn tại một căn cứ cho việc mở thủ tục đó (Điều 16). Luật này đưa ra ba căn cứ để mở TTVN là con nợ mất khả năng thanh toán (Điều 17), bị đe dọa mất khả năng thanh toán (Điều 18) hoặc nợ của con nợ lớn hơn tài sản của nó (Điều 19).
1. Mất khả năng thanh toán là căn cứ chung để mở TTVN. Con nợ mất khả năng thanh toán nếu không còn khả năng thực hiện trách nhiệm thanh toán các khoản nợ đến hạn. Được phép suy đoán là con nợ mất khả năng thanh toán, nếu nó ngừng thanh toán. Như vậy sự ngừng thanh toán nợ không phải là một căn cứ độc lập để mở TTVN. Con nợ có thể chứng minh điều ngược lại để có thể dẫn đến việc tòa án bác đơn yêu cầu của chủ nợ.
2. Một trong những trọng tâm của cải cách pháp luật vỡ nợ là đưa ra các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự khánh kiệt tài sản của con nợ, giảm thiểu nguy cơ TTVN đã được mở lại phải đình chỉ vì không có tài sản phân chia. Bởi vậy Luật vỡ nợ đã đưa ra một căn cứ mới để mở TTVN là con nợ bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Điều đó xảy ra, nếu theo dự đoán thì con nợ sẽ không còn có khả năng thực hiện được nghĩa vụ thanh toán của mình vào thời điểm đến hạn. Việc thanh toán bị ngưng trệ với tính chất tạm thời không được xem là mất khả năng thanh toán. Như vậy ở đây việc xác định sự mất khả năng thanh toán có một yếu tố dự báo. Để tránh sự lạm dụng căn cứ này, luật quy định chỉ áp dụng căn cứ này trong trường hợp con nợ đặt đơn mở TTVN12. Chủ nợ không được sử dụng căn cứ này. Theo pháp luật công ty con nợ có quyền, nhưng không có nghĩa vụ phải đặt đơn mở TTVN bởi căn cứ này.
3. Một căn cứ tiếp theo để mở TTVN là tình trạng nợ của con nợ lớn hơn tài sản. Tuy nhiên căn cứ này chỉ áp dụng đối với con nợ là pháp nhân và công ty không có tư cách pháp nhân, nếu công ty này không có thành viên chịu trách nhiệm vô hạn nào là cá nhân, mà là pháp nhân hoặc một công ty không có tư cách pháp nhân, nhưng công ty thành viên này cũng không có thành viên chịu trách nhiệm vô hạn nào là cá nhân.
Tình trạng nợ lớn hơn tài sản xảy ra, nếu toàn bộ giá trị tài sản của con nợ nhỏ hơn tổng số nợ. Tuy nhiên việc định giá trị tài sản không dựa trên giá trị thanh lý, mà phải dựa trên giá trị của doanh nghiệp trong điều kiện tiếp tục hoạt động, nếu căn cứ vào các điều kiện cụ thể thì rất có khả năng doanh nghiệp tiếp tục hoạt động được. Điều đó có nghĩa là trong bước đầu tiên tòa án phải xem xét xem nợ của con nợ có lớn hơn giá trị thanh lý của tài sản hay không. Nếu điều đó không xảy ra thì tòa án bác đơn mở TTVN. Trường hợp xác định rằng nợ của con nợ lớn hơn giá trị thanh lý của tài sản thì tòa án phải tiếp tục xem xét khả năng doanh nghiệp có tiếp tục hoạt động được hay không. Nếu khả năng doanh nghiệp tiếp tục được hoạt động là không có, thì tòa án mở TTVN. Nếu căn cứ vào các điều kiện cụ thể mà doanh nghiệp có khả năng tiếp tục hoạt động được thì tòa án tiến hành xác định giá trị tài sản theo trị giá doanh nghiệp trong điều kiện tiếp tục hoạt động đó, xem giá trị này có nhỏ hơn tổng số nợ hay không.
Theo pháp luật công ty, pháp nhân cũng có nghĩa vụ đặt đơn mở TTVN khi căn cứ này xảy ra.
V. MỞ THỦ TỤC VỠ NỢ VÀ HẬU QUẢ
1. Trường hợp chủ nợ đặt đơn, mà đơn đó hợp lệ, thì tòa án phải thẩm vấn con nợ trước khi ra nghị quyết mở TTVN (Điều 14). Tòa án ra quyết định mở TTVN khi căn cứ mở thủ tục đó xảy ra (Điều 16). Khi quyết định mở TTVN tòa án bổ nhiệm một “người quản lý vỡ nợ” (sau đây: “người QLVN”), trừ trường hợp quyết định để con nợ tự quản lý hay trường hợp mở TTVN đối với người tiêu dùng (khoản 1 Điều 27). Tòa án quyết định dưới hình thức nghị quyết. Trong đó tòa phải yêu cầu các chủ nợ gửi các yêu cầu của mình trong thời hạn do tòa án quy định đến cho người QLVN (khoản 2 Điều 28). Thời hạn này tối thiểu là hai tuần và tối đa là ba tháng, kể từ thời điểm nghị quyết được công bố theo các quy định về công bố (các Điều 9 và 30), mặc dù nghị quyết này phải được tống đạt cho từng chủ nợ (khoản 2 Điều 30). Trong nghị quyết tòa còn phải yêu cầu các chủ nợ thông báo không chậm trễ cho người QLVN rằng họ đòi hỏi những quyền đảm bảo nào đối với các động sản và quyền tài sản của con nợ. Các chủ nợ phải nêu đích danh tài sản được dùng để đảm bảo, hình thức và lý do xác lập quyền được đảm bảo cũng như trị giá yêu cầu được đảm bảo. Chủ nợ chịu trách nhiệm cho việc vi phạm một cách có lỗi nghĩa vụ thông báo này (khoản 2 Điều 28). Tòa án cũng còn phải yêu cầu những người có nghĩa vụ đối với con nợ không thực hiện nghĩa vụ đối với con nợ nữa mà đối với người QLVN. Cũng trong nghị quyết tòa án định lịch cho một phiên họp của Hội nghị chủ nợ, mà trong đó trên cơ sở một báo cáo của người QLVN, Hội nghị chủ nợ sẽ quyết định về tiến trình của TTVN. Phiên họp này gọi là “phiên báo cáo”, nó cần được tiến hành sau không quá 6 tuần và không được phép tiến hành sau quá 3 tháng. Ngoài ra, trong nghị quyết này tòa án cũng đồng thời định lịch cho một phiên họp của Hội nghị chủ nợ để xem xét các yêu cầu của họ. Phiên họp này gọi là “phiên xem xét”. Khoảng thời gian từ khi kết thúc thời hạn gửi yêu cầu đến khi tiến hành phiên xem xét tối thiểu phải là 1 tuần và tối đa không quá 2 tháng. Tòa án cũng có thể gộp hai phiên họp này thành một (Điều 29).
2. Tòa án có thể bác đơn yêu cầu bởi vì một trong các căn cứ mở TTVN đã không xảy ra hoặc khi có khả năng tài sản của con nợ sẽ không đủ để thanh toán phí tổn tố tụng (Điều 26). Tuy nhiên khi trường hợp này xảy ra, tòa án vẫn có thể ra nghị quyết mở TTVN thay vì ra nghị quyết bác đơn, nếu chủ nợ ứng trả trước một khoản tiền tương ứng để trang trải phí tổn tố tụng hoặc trong trường hợp con nợ là một cá nhân và người đó đặt đơn xin giải phóng khỏi các món nợ còn lại và tòa án cho hoãn nghĩa vụ trả phí tổn tố tụng cho đến thời điểm quyết định cho giải phóng khỏi các khoản nợ còn lại (Điều 4a, Điều 26).
Trường hợp ra nghị quyết bác đơn bởi lý do có khả năng tài sản của con nợ sẽ không đủ để thanh toán phí tổn tố tụng, Tòa án tiến hành ghi tên con nợ vào Danh mục con nợ theo các quy định của BLTTDS. Thời hạn xóa tên trong danh mục này là 5 năm (khoản 2 Điều 26). Nếu con nợ có đăng ký trong Danh mục thương mại, Danh mục hợp tác xã, Danh mục công ty hợp danh hoặc Danh mục hiệp hội thì tòa án vỡ nợ phải chuyển đến cho tòa án đăng ký một bản Nghị quyết bác đơn mở TTVN, nếu con nợ là một pháp nhân hoặc một công ty không có tư cách pháp nhân. Trường hợp con nợ là pháp nhân hoặc là công ty không có tư cách pháp nhân thì nó phải tiến hành giải thể khi nghị quyết bác đơn mở TTVN có hiệu lực (Điều 31).
Người đặt đơn có quyền kháng nghị nếu quyết định bác đơn dựa trên lý do rằng căn cứ để mở TTVN không xảy ra; con nợ có quyền kháng nghị nếu quyết định bác đơn dựa trên lý do con nợ không đủ tài sản để thanh toán phí tổn tố tụng (Điều 34).
3. Việc mở TTVN đối với Công ty thương mại mở, Công ty hợp vốn đơn giản, Công
ty dân sự, đối với tài sản của một thành viên công ty dân sự hoặc đối với pháp nhân dẫn đến hậu quả là các công ty và pháp nhân này rơi vào tình thế pháp lý của sự giải thể13. Việc giải thể công ty thực hiện trong TTVN đó, trừ việc giải thể một công ty dân sự khi mở TTVN đối với tài sản của một thành viên công ty này. Việc giải thể công ty dân sự trong trường hợp này thực hiện ngoài phạm vi TTVN đối với tài sản của thành viên công ty (Điều 84). Công ty bị giải thể khi hoàn tất việc thanh lý tài sản. Tuy nhiên nếu TTVN bị đình chỉ trong khi đang tiến hành bởi con nợ không đủ hoặc chỉ đủ tài sản để thanh toán phí tổn tố tụng, thì công ty vẫn tiếp tục phải thực hiện thủ tục giải thể.
Với nghị quyết mở thủ tục vỡ nợ thì quyền quản lý và định đoạt của con nợ đối với tài sản vỡ nợ chuyển sang người QLVN (khoản 1 Điều 80). Một sự cấm con nợ hoặc quyết định của tòa án hoặc một cơ quan nhà nước cấm con nợ không được định đoạt theo các quy định tại Điều 135, 136 BLDS mất hiệu lực khi mở TTVN, nếu sự cấm hoặc quyết định đó chỉ nhằm để bảo vệ một số người nhất định nào đó. Tuy nhiên các quy định về hiệu lực của sự tịch biên tài sản để thi hành án hoặc tịch thu tài sản trong thủ tục cưỡng chế thi hành án không bị ảnh hưởng bởi việc mở TTVN (khoản 2 Điều 80). Mọi định đoạt của con nợ đối với tài sản thuộc tài sản vỡ nợ sau khi mở TTVN đều vô hiệu. Tuy nhiên Luật vỡ nợ cũng viện dẫn một số ngoại lệ được quy định trong một số luật khác14. Hậu quả của định đoạt vô hiệu là người QLVN phải trả lại cho phía bên kia khoản mà người này thực hiện đáp trả, nếu qua đó mà tài sản vỡ nợ được lợi thêm. Các định đoạt của con nợ về các khoản tiền lương hoặc tiền hưu trí trong tương lai cũng vô hiệu, trong chừng mực các định đoạt đó liên quan đến các khoản lương hưu hoặc tiền hưu trí cho thời gian sau khi kết thúc TTVN (Điều 81). Quy định này nhằm đảm bảo con nợ có thể nhượng quyền đòi hỏi các khoản tiền lương hoặc hưu trí đó cho người được ủy quyền quản lý để nhằm thanh toán nợ cho các chủ nợ trong thủ tục giải phóng con nợ khỏi các khoản nợ còn lại. Nếu sau khi mở TTVN mà một con nợ của con nợ thực hiện một nghĩa vụ đối với con nợ, mặc dù nghĩa vụ đó lúc này phải thực hiện đối với người QLVN, thì con nợ của con nợ đó chỉ được giải phóng khỏi trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ, nếu vào thời điểm thực hiện nghĩa vụ, người đó không biết việc mở TTVN. Nếu người này thực hiện nghĩa vụ trước khi công bố nghị quyết mở TTVN thì được suy đoán rằng người này không biết TTVN đã được mở (Điều 82). Nếu con nợ là người thừa kế mà thời điểm mở thừa kế xảy ra trước khi mở TTVN hoặc trong quá trình tiến hành TTVN, thì chỉ có con
nợ này có quyền nhận hay từ chối nhận di sản (Điều 83), chứ không phải là người QLVN. Nếu giữa con nợ và người thứ ba tồn tại một cộng đồng sở hữu chung hoặc một công ty dân sự, thì khi mở TTVN đối với con nợ, cộng đồng sở hữu đó hoặc công ty dân sự đó bị giải thể15. Những người có quyền yêu cầu xuất phát từ quan hệ sở hữu chung hoặc công ty đó có quyền yêu cầu được thanh toán trước từ phần quyền được xác định qua việc phân chia hoặc giải thể đó của con nợ (Điều 84). Một thỏa thuận mà qua đó quyền yêu cầu giải thể cộng đồng sở hữu chung bị loại bỏ hoàn toàn hoặc trong một khoảng thời gian nhất định hoặc yêu cầu giải thể chỉ có hiệu lực sau một thời hạn nhất định, đều mất hiệu lực khi mở TTVN. Người QLVN có thể tiếp nhận quyền và nghĩa vụ tố tụng đối với các tranh chấp về tài sản thuộc về tài sản vỡ nợ do con nợ khởi kiện mà chưa kết thúc vào thời điểm mở TTVN (khoản 1 Điều 85). Nếu người QLVN chậm trễ trong việc đó thì đối phương có quyền yêu cầu tòa án buộc người đó tiếp tục thực hiện tố tụng (khoản 1 Điều 85, khoản 2-4 Điều 239 BLTTDS). Nếu người QLVN từ chối tiếp nhận vụ kiện thì cả con nợ lẫn đối phương đều có thể tiếp tục vụ kiện (khoản 2 Điều 85). Còn các tranh chấp mà trong đó con nợ bị kiện và vụ kiện còn tiếp tục vào thời điểm mở TTVN thì có thể được người QLVN lẫn đối phương tiếp tục tiến hành, nếu các tranh chấp đó liên quan đến việc tách một tài sản ra khỏi khối tài sản vỡ nợ, đến quyền ưu tiên thanh toán trước hay liên quan đến các khoản nợ của tài sản vỡ nợ (là các khoản nợ được xác lập sau khi đặt đơn mở TTVN). Trường hợp người QLVN lập tức công nhận các yêu cầu này, thì đối phương chỉ có quyền yêu cầu thanh toán phí tổn tố tụng với tư cách là chủ nợ trong TTVN (Điều 86). Còn nếu một chủ nợ thông qua thủ tục cưỡng chế thi hành án mà có được một bảo đảm từ tài sản của con nợ thuộc về tài sản vỡ nợ trong thời gian một tháng trước khi đặt đơn mở TTVN hoặc sau đó, thì khi mở TTVN bảo đảm này mất hiệu lực (Điều 88).
Trong toàn bộ thời gian tiến hành TTVN không được phép cưỡng chế thi hành án cho các chủ nợ vỡ nợ vào khối tài sản vỡ nợ cũng như vào các tài sản khác của con nợ (khoản 1 Điều 89). Trong thời gian đó thì việc cưỡng chế thi hành án cho các chủ nợ không phải là chủ nợ vỡ nợ vào quyền đòi hỏi trong tương lai xuất phát từ quan hệ lao động hay công chức hoặc vào quyền đòi hỏi lương hưu của con nợ cũng không được phép, trừ phi đây là việc cưỡng chế thi hành án để buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hay nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi phạm pháp vào phần lương hoặc lương hưu mà các chủ nợ khác không có quyền tịch biên (khoản 2 Điều 89). Tòa án vỡ nợ có thẩm quyền quyết định đối với khiếu kiện về việc cưỡng chế thi hành án tại các quy định nói trên có được phép hay không. Trước khi quyết định, Tòa án có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tạm thời; đặc biệt có thể quyết định tạm thời đình chỉ mà không đòi hỏi phải có đảm bảo hoặc với điều kiện có đảm bảo hoặc việc cưỡng chế thi hành án chỉ có thể tiếp tục nếu người yêu cầu thi hành án nạp một khoản tiền đảm bảo (khoản 3 Điều 89). Các giao dịch sau khi mở TTVN xác lập quyền tài sản đối với các tài sản cụ thể thuộc khối tài sản vỡ nợ (chẳng hạn đối với một động sản nhất định) đều không có hiệu lực, kể cả trường hợp việc xác lập đó xuất pháp từ giao dịch của người QLVN đối với người thứ ba, trừ một số ngoại lệ được quy định trong các luật khác16 (Điều 91). Trường hợp TTVN được mở đối với một công ty không có tư cách pháp nhân hoặc một Công ty hợp vốn bằng cổ phần, thì trong toàn bộ thời gian tiến hành thủ tục đó chỉ có người QLVN có quyền yêu cầu thành viên chịu trách nhiệm vô hạn thực hiện trách nhiệm tài sản vô hạn đó đối với các khoản nợ của công ty (Điều 93).
Ngoài các quy định về hiệu lực chung quan trọng nhất trình bày trên, Luật vỡ nợ cũng còn quy định các chi tiết quyền và nghĩa vụ của con nợ, của các chủ nợ, của người QLVN và của tòa án phát sinh từ việc mở TTVN (các điều 94 -102) cũng như tác động của nó đến việc thực hiện một số giao dịch (các điều 103-128), mà những quy định đó không thể trình bày hết được ở đây.
4. Tuy nhiên một công cụ quan trọng trong TTVN không thể không được nhắc tới là quyền phủ quyết một số giao dịch được xác lập trước thời điểm mở TTVN. Về nguyên tắc, các giao dịch pháp luật được xác lập trước khi mở TTVN và gây thiệt hại cho các chủ nợ có thể bị người QLVN phủ quyết theo các điều kiện được quy định tại các điều 130-146. Hậu quả của việc phủ quyết các giao dịch là, những gì đã được bán, được trao đi hoặc cho đi đều phải trả lại vào khối tài sản vỡ nợ. Các quy định về hậu quả của sự thu lợi không có căn cứ (các điều 812-822 BLDS) được áp dụng tương tự ở đây. Người nhận tài sản tặng cho chỉ phải hoàn trả lại những gì nhận được, nếu người này có lợi qua việc nhận tài sản tặng cho đó (Điều 143). Khi người nhận tài sản trên cơ sở giao dịch có thể bị phủ quyết hoàn trả lại khoản tài sản đó, thì quyền yêu cầu thanh toán của người đó được phục hồi, nhưng về nguyên tắc người này chỉ có quyền yêu cầu thanh toán với tư cách là chủ nợ vỡ nợ mà thôi (Điều 145). Quyền phủ quyết mất hiệu lực sau 2 năm kể từ thời điểm mở TTVN. Nhưng kể cả khi quyền phủ quyết mất hiệu lực, người QLVN vẫn có thể từ chối thực hiện nghĩa vụ xuất phát từ giao dịch chịu bị phủ quyết đó (Điều 146).
VI. PHỤC HỒI DOANH NGHIỆP VÀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA CON NỢ
1. Bởi vì mỗi TTVN đều nhằm đạt mục đích chung là thực hiện trách nhiệm tài sản của con nợ, nên luật không ưu tiên biện pháp thanh lý tài sản con nợ, phục hồi doanh nghiệp hay bán doanh nghiệp con nợ, mà dành quyền lựa chọn cho các chủ nợ. Hội nghị chủ nợ lựa chọn biện pháp thông qua nghị quyết sau khi bắt đầu một thủ tục áp dụng chung và thống nhất trong “phiên báo cáo”. Hội nghị chủ nợ có thể ủy nhiệm cho người QLVN soạn thảo một “Kế hoạch vỡ nợ” và ấn định trước mục tiêu cho nó. Vai trò của Kế hoạch vỡ nợ là tạo ra một khuôn khổ mềm dẻo cho việc cùng nhau giải quyết vụ việc. Kế hoạch này không phải là công cụ riêng cho biện pháp phục hồi, mà về mặt nội dung nó để ngỏ cho mọi biện pháp. Trường hợp chọn biện pháp phục hồi thì các điều kiện và các thức tiến hành cũng đều được ghi nhận trong Kế hoạch vỡ nợ. Và cũng trong kế hoạch đó các chủ nợ có thể dự liệu các tình huống xảy khi việc phục hồi không thành công. Như vậy các chủ nợ không phải tiến hành các biện pháp khác nhau theo những thủ tục độc lập.
2. Kế hoạch vỡ nợ phải được Hội nghị chủ nợ chấp thuận, con nợ đồng ý và tiếp đó phải được tòa án phê duyệt. Kế hoạch được phê duyệt có hiệu lực thi hành đối với tất cả các bên tham gia TTVN, kể cả đối với các chủ nợ không gửi yêu cầu của mình và đối với những người phản đối kế hoạch đó (Điều 254). Từ các quy định của kế hoạch này, các chủ nợ có thể yêu cầu cưỡng chế thi hành án đối với con nợ như trên cơ sở một bản án có hiệu lực thi hành. Khi Kế hoạch vỡ nợ có hiệu lực pháp luật, tòa án ra nghị quyết hủy bỏ TTVN. Nghị quyết này có hiệu lực kết thúc chức năng của người QLVN và của các thành viên Ủy ban chủ nợ. Con nợ được nhận lại quyền định đoạt về tài sản vỡ nợ. Tuy nhiên, trong Kế hoạch vỡ nợ có thể quy định rằng người QLVN và Ủy ban chủ nợ giám sát việc thực hiện kế hoạch này. Trong chừng mực đó, người quản lý vỡ nợ, các thành viên Ủy ban chủ nợ và tòa án vẫn tiếp tục có chức năng giám sát.
3. Để đảm bảo quyền lợi của con nợ, luật quy định con nợ có quyền tham gia tư vấn cho người QLVN khi người này soạn thảo Kế hoạch vỡ nợ. Bên cạnh đó bản thân con nợ cũng có quyền đệ trình một Kế hoạch vỡ nợ lên tòa án. Con nợ có thể đệ trình một kế hoạch như vậy cùng với đơn mở TTVN hoặc trong quá trình tiến hành tố tụng và chậm nhất là trước khi tiến hành phiên họp cuối cùng. Kế hoạch vỡ nợ đã được Hội nghị chủ nợ chấp thuận có thể bị con nợ từ chối. Kế hoạch bị con nợ từ chối không được tòa án phê duyệt, trừ phi theo kế hoạch đó vị thế của con nợ không bị kém đi so với trường hợp không có kế hoạch.
4. Quyền lợi của con nợ cũng còn được quan tâm bảo vệ thông qua các quy định về “tự quản lý” của con nợ đối với tài sản vỡ nợ (chương 7 Luật vỡ nợ). Tòa án áp dụng chế độ tự quản lý, nếu con nợ đề nghị điều đó, trường hợp một chủ nợ đặt đơn mở TTVN thì chủ nợ đó đã đồng ý với đề nghị của con nợ và căn cứ và tình hình cụ thể có thể cho rằng việc áp dụng chế độ tự quản lý không làm trì hoãn tiến độ thực hiện TTVN và không gây thiệt hại gì cho các chủ nợ. Chế độ tự quản này cũng có thể được áp dụng trong quá trình tiến hành thủ tục vỡ nợ. Nếu tòa án đã bác đơn đề nghị của con nợ, nhưng phiên họp đầu tiên của Hội nghị chủ nợ lại đề nghị áp dụng chế độ tự quản, thì tòa án quyết định áp dụng chế độ này. Theo chế độ này, dưới sự giám sát của “người quản lý sự việc”, con nợ có quyền quản lý và định đoạt khối tài sản vỡ nợ.
VII. BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA CHỦ NỢ
1. Quyền lợi của chủ nợ được luật cải cách chú trọng bảo vệ thông qua các quy định nhằm tăng cường quyền tự quyết của họ trong TTVN và quyền giám sát việc thực hiện Kế hoạch vỡ nợ sau khi hủy bỏ TTVN. Các chủ nợ có quyền lựa chọn các biện pháp tối ưu để thực hiện quyền yêu cầu của họ. Họ có thể thay đổi hoặc kết hợp các biện pháp với nhau trong quá trình tiến hành TTVN. Mặc dù khi mở TTVN, quyền định đoạt về tài sản vỡ nợ thuộc về người QLVN, nhưng điều đó cũng là để đảm bảo cho việc thực hiện quyền lợi của các bên tham gia tố tụng một cách hợp pháp và công bằng. Kế hoạch vỡ nợ có thể do con nợ, người QLVN tự mình hoặc với sự ủy nhiệm của Ủy ban chủ nợ đệ trình, nhưng đều phải được Hội nghị chủ nợ chấp thuận.
2. Các quy định về chế độ tự quản lý của con nợ cũng dành cho chủ nợ có quyền đồng ý hay từ chối áp dụng chế độ này và quyền yêu cầu hủy bỏ việc áp dụng chế độ này. Khi con nợ được tự quản lý, nó vẫn phải chịu sự giám sát của người quản lý sự việc là một chức trách tương tự như người QLVN nhưng không có thẩm quyền quản lý và định đoạt. Quyền tự do định đoạt của con nợ khi áp dụng chế độ tự quản cũng bị hạn chế bởi một số giao dịch quan trọng phải được người quản lý sự việc hoặc chủ nợ đồng ý. Hội nghị chủ nợ cũng có quyền yêu cầu tòa án quyết định một số giao dịch phải được sự chấp thuận của người quản lý sự việc.
VIII. TRÌNH TỰ THỦ TỤC VỠ NỢ
Đơn yêu cầu mở TTVN được đặt có hiệu lực như “khởi kiện vụ án” trong tố tụng dân sự thông thường. Nó bắt buộc tòa án phải xem xét đơn. Trong giai đoạn xem xét tòa án có thể áp dụng các biện pháp tạm thời, bổ nhiệm người quản lý tạm thời. Chức năng của người quản lý tạm thời được luật quy định chi tiết. Giai đoạn này kết thúc bằng việc tòa án ra nghị quyết mở hoặc bác đơn mở TTVN. Tòa quyết định mở TTVN, nếu một trong ba căn cứ (xem mục IV) mở thủ tục xảy ra và tài sản của con nợ ít nhất đảm bảo thanh toán được phí tổn tố tụng. Đơn mở thủ tục bị bác bỏ, nếu căn cứ mở thủ tục không xảy ra, hoặc tài sản của con nợ không đảm bảo ít nhất thanh toán được phí tổn tố tụng. Được phép kháng nghị quyết định của Tòa án (xem hậu quả của các quyết định của tòa án ở mục V). Tòa án có thể ra quyết đình chỉ TTVN, nếu trong quá trình tiến hành mà nhận thấy rằng tài sản của con nợ không đủ để đảm bảo thanh toán ít nhất là các phí tổn tố tụng. Sau khi Kế hoạch vỡ nợ được phê duyệt có hiệu lực, Tòa án ra quyết định kết thúc TTVN. Trường hợp tiến hành thanh lý tài sản con nợ không thông qua Kế hoạch vỡ nợ thì Tòa án ra quyết định kết thúc TVNN khi việc phân chia tài sản thanh lý đã hoàn thành. Về TTVN đối với người tiêu dùng và thủ tục giải phóng con nợ khỏi các khoản nợ còn lại xem bài viết nói ở lời mở đầu.
IX. TÀI SẢN VỠ NỢ
1. Tài sản vỡ nợ là tài sản thuộc về con nợ vào thời điểm mở TTVN và tài sản con nợ có được trong thời gian tiến hành thủ tục này (Điều 35). Các quyền yêu cầu hoàn trả của con nợ xuất phát từ việc phủ quyết một giao dịch được phép phủ quyết17 và cả những quyền yêu cầu chưa đến hạn thanh toán hoặc quyền yêu cầu có Điều kiện của con nợ đều được xem là tài sản thuộc về con nợ vào thời điểm mở TTVN (Điều 41).
2. Tuy nhiên các tài sản của con nợ không chịu bị cưỡng chế thi hành án theo BLTTDS18 thì không thuộc về tài sản vỡ nợ (khoản 1 Điều 36). Nhưng thuộc về tài sản vỡ nợ lại là sổ sách kế toán của con nợ và các tài sản không chịu bị cưỡng chế thi hành án theo Điều 811 khoản 1 điểm 4 và 9 BLTTDS (khoản 2 Điều 36). Các tài sản nói tại Điều khoản này là tài sản của con nợ là người sản xuất nông nghiệp, bao gồm các công cụ, gia súc và phân bón cần thiết để sản xuất cũng như các sản phẩm nông nghiệp cần thiết để đảm bảo đời sống của con nợ, gia đình con nợ và của người lao động của con nợ hoặc các sản phẩm tương tự cần thiết cho việc tiếp tục sản xuất cho đến mùa vụ tiếp theo; là các máy móc, dụng cụ chứa và hàng hóa cần thiết để kinh doanh hiệu thuốc của người kinh doanh hiệu thuốc.
3. Trường hợp cần xác định rằng một tài sản nhất định nào đó có phải là đối tượng chịu bị cưỡng chế thi hành án theo các quy định của BLTTDS hay không thì Tòa vỡ nợ có thẩm quyền quyết định. Thay vì chủ nợ, người QLVN có quyền đề nghị tòa án xem xét (khoản 4 Điều 36).
X. THỦ TỤC THANH LÝ
1. Thanh lý ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp là biện pháp “thanh lý tài sản của con nợ”, nghĩa là biện pháp nhằm biến đổi các tài sản hiện vật hoặc các quyền yêu cầu thành tiền phục vụ cho việc thanh toán cho các chủ nợ. Sau khi Hội nghị chủ nợ quyết định biện pháp này người QLVN phải kịp thời tiến hành thanh lý các tài sản thuộc tài sản vỡ nợ (Điều 159). Trong quá trình thanh lý, một số giao dịch đặc biệt quan trọng của người QLVN được luật quy định chi tiết phải được sự đồng ý của Ủy ban chủ nợ hoặc Hội nghị chủ nợ (Điều 160-163). Tuy nhiên các giao dịch của người QLVN trên cơ sở vi phạm các quy định trên đây vẫn có hiệu lực (Điều 164). Quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho giao dịch pháp luật. Quyền lợi của các bên tham gia TTVN được bảo vệ bởi quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người QLVN.
2. Việc thanh toán cho các chủ nợ không có đảm bảo chỉ được bắt đầu sau khi tiến hành Phiên xem xét (các Điều 176-177), mà trong phiên họp đó các quyền yêu cầu của các chủ nợ được xác định theo trị giá và thứ hạng ưu tiên thanh toán. Sau thời điểm đó việc thanh toán có thể tiến hành khi nào có đủ tiền mặt. Khi thanh toán từng phần thì các chủ nợ thứ hạng không được tham gia (Điều 187). Người QLVN thực hiện việc thanh toán. Nếu có Ủy ban chủ nợ thì mỗi lần thanh toán đều phải được ủy ban này đồng ý. Luật vỡ nợ cũng còn có các quy định nhằm đảm bảo cho việc thanh toán các khoản nợ đang tranh chấp, các khoản nợ có Điều kiện, các khoản nợ được thông báo muộn cũng như thanh toán cho các chủ nợ có đảm bảo (các Điều 189-192). Ủy ban chủ nợ quyết định phần nợ được thanh toán trong đợt thanh toán từng phần trên cơ sở đề nghị của người QLVN. Nếu không có Ủy ban chủ nợ thì người QLVN quyết định việc này (Điều 196).
3. Thanh toán lần cuối được tiến hành khi việc thanh lý kết thúc và được sự đồng ý của tòa án. Đồng thời với quyết định đồng ý, Tòa án định lịch cho Phiên họp kết thúc của Hội nghị chủ nợ. Khi việc thanh toán lần cuối kết thúc, tòa án ra nghị quyết kết thúc TTVN (Điều 200). Sau khi TTVN được hủy bỏ, các chủ nợ vỡ nợ có quyền đòi nợ không hạn chế đối với các khoản nợ không được thanh toán đối với con nợ (trường hợp con nợ là cá nhân, là thành viên chịu trách nhiệm vô hạn của công ty) (Điều 201). Nhưng ngay cả khi TTVN đã được hủy bỏ, Tòa án tự mình hoặc trên cơ sở đề nghị của người QLVN hoặc của một chủ nợ vỡ nợ ra quyết định mở đợt “thanh toán bổ sung” nếu lúc này các khoản được giữ lại có thể được dùng để phân chia, các khoản được thanh toán từ tài sản vỡ nợ được trả lại hoặc có tài sản khác thuộc tài sản vỡ nợ được phát hiện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 So sánh §§ 105-160 Bộ luật thương mại (BLTM).
2 So sánh §§ 161-177a BLTM.
3 So sánh Luật công ty bạn hữu (Partners-chaftsgesetz v. 25.7.1994).
4 So sánh §§ 705-740 Bộ luật dân sự (BLDS).
5 So sánh Quyển V BLTM.
6 So sánh EWG-VO Nr. 2137/85 (ABl. EGNr. L 199 v. 31.7.1985).
7 Hệ thống Tòa án dân sự và hình sự bốn cấp này gồm Sở tòa, Phủ tòa, Tòa án Tiểu bang và Tòa án Liên bang.
8 Về vấn đề này so sánh Thomas/Putzo: Zivilprozessordnung (Bình luận BLTTDS), Muenchen 2002, Einleitung I.
9 Tòa án không có quyền từ chối đơn hay “trả lại đơn”. Tòa án nhận được đơn nghĩa là vụ việc được khởi kiện. Tòa án chỉ có thể bác đơn với lập luận rằng đơn không hợp lệ ( ) thông qua nghị quyết. Đương sự có quyền kháng nghị quyết định này.
10 So sánh khoản 2 Điều 92, 283 mục 14 Luật công ty cổ phần (Luật CTCP), Điều 64 Luật công ty TNHH (Luật CTTNHH).
11 So sánh Điều 401 LCTCP, Điều 84 Luật CTTNHH, Điều 130b BLTM.
12 Tham khảo Reinhard Bork, Insolvenzordnung, Dtv-Textausgabe, Muenchen 2002, Einf. II.3.
13 So sánh khoản 1 mục 3 Điều 131, khoản 2 Điều 161 Bộ luật thương mại; Điều 728 BLDS; khoản 1 mục 3 Điều 262 Luật CTCP; khoản 1 mục 4 Điều 60 Luật CTTNHH.
14 Đấy là các ngoại lệ quy định tại Điều 892, 893 BLDS, các điều 16,17 Luật về các quyền đối với tàu biển có đăng ký và các điều 16, 17 Luật về quyền đối với máy bay.
15 So sánh Điều 728 BLDS.
16 So sánh các điều 878, 892, 893 BLDS,khoản 3 , các điều 16, 17 Luật về đăng ký tàu biển; khoản 3 Điều 5, các điều 16,17 Luật về các quyền đối với máy bay và khoản 3 Điều 20 của Nghị định về phân chia quyền hàng hải.
17 So sánh Stefan Smid, Grundzuege des Insolvenzrechts, Muenchen 2002, § 18Rn. 1.
18 So sánh các điều 850, 850a, 850c, 850e, 850f khoản 1, các điều từ 850g-850i BLTTDS.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 6/2004
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 8. LUẬT DÂN SỰ NƯỚC NGOÀI |
Leave a Reply