admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

PHAN THỊ THĄNH DƯƠNG –  Khoa Luật Thương Mại, trường ĐH Luật TPHCM

Khi ban hành hai luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ chính trị đã có chỉ thị số 44 CT/TW ngày 04/11/1998 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các luật thuế mới trong đó có xác định 3 yêu cầu: đảm bảo công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trong nền kinh tế; bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thu ngân sách Trung ương trong năm đầu thực hiện; đảm bảo ổn định thị trường trong nước, tránh gây ra những biến động về giá cả. Cho đến nay Luật thuế TNDN đã đi vào cuộc sống hơn bốn năm, bước đầu đã cho thấy những kết quả như sau:

– Thuế TNDN góp phần kích thích tăng trưởng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh: Nhờ vào các quy định của pháp luật thuế TNDN trong việc khuyến khích đầu tư, các cơ sở sản xuất mới thành lập được miễn thuế hai năm đầu, được giảm 50% hai năm tiếp theo hoặc nếu đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề, vùng kinh tế được ưu đãi đầu tư sẽ hưởng mức thuế suất thấp hơn các dự án khác. Thời gian được miễn giảm cao nhất là 13 năm (4 năm miễn, 9 năm giảm). Ngoài ra còn khuyến khích miễn, giảm thuế đối với các trường hợp đầu tư dây chuyền sản xuất mới mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất, di chuyển cơ sở kinh doanh, khuyến khích đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

– Thuế TNDN góp phần tăng cường mở rộng quy mô vốn của doanh nghiệp: Viẹc sửa đổi phương pháp tính thuế TNDN bổ sung lần thứ hai đối với các doanh nghiệp có mức thu nhập cao theo hướng tăng phần tích lũy để lại cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát huy năng lực, mở rộng quy mô vốn.

– Thuế TNDN góp phần bình ổn thị trường giá cả: Với cơ chế điều chỉnh của mình thuế TNDN không điều chỉnh qua giá mà điều chỉnh sau khi có thu nhập, vì vậy dù có nhiều quy định ưu đãi, miễn giảm thuế cũng không gây ảnh hưởng đến cơ chế giá của thị trường, đảm bảo không có sự biến động hàng hóa thiết yếu trên thị trường, gia tăng lưu thông hàng hóa, hỗ trợ cho những địa bàn kinh tế khó khăn .

– Thuế TNDN là nguồn thu quan trọng cho Ngân sách nhà nước: Trong 3 năm nguồn thu từ thuế TNDN chiếm trung bình từ 30%-33% tổng thu từ thuế, hơn 20% tổng thu ngân sách nhà nước. Mặc dù có nhiều trường hợp được miễn giảm, ưu đãi nhưng không vì thế mà số thu giảm sút. Điều đó cho thấy thuế TNDN phần nào có tác dụng kích thích sản xuất, tăng sản lượng lao động và sản phẩm tạo ra có nhiều giá trị cho xã hội. Năm 2002 số thu thuế TNDN có giảm nhẹ so với cùng kỳ vì có sự thay đổi của Thông tư 18/BTC/2002, NĐ 26/CP/2002 về giảm mật độ điều tiết thuế TNDN bổ sung.

– Thực hiện thuế TNDN với đảm bảo công bằng xã hội và hoàn thiện chế độ hóa đơn chứng từ: Để từng bước thực hiện chính sách công bằng về thuế, chúng ta thay thế thuế lợi tức với 3 mức thuế suất áp dụng phân biệt đối với từng ngành hàng bằng thuế TNDN với một mức thuế suất đòi hỏi các doanh nghiệp phấn đấu xắp xếp lại sản xuất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao trình độ quản lý để thực hiện các mức thuế mới. Việc kê khai và tính đúng thuế TNDN trên nguyên tắc phải có hóa đơn chứng từ đầy đủ để xác định chi phí được khấu trừ. Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp, đối tượng nộp thuế chú trọng tốt hơn công tác mở sổ sách kế toán, ghi chép, quản lý và sử dụng hóa đơn chứng từ. Trong năm 1999 số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tăng gấp đôi so với năm 1998. Năm 2002 số lượng này tăng gấp rưỡi năm 1999. Con số này ngày càng tăng khi số đơn vị đăng ký sử dụng hóa đơn chứng từ ngày càng cao. Việc sử dụng hóa đơn thể hiện một bước chuyển biến mới trong việc sử dụng hóa đơn và quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh những thành quả đạt được, pháp luật thuế TNDN trong thời gian qua đã bộc lộ những vấn đề cần được xem xét hoàn thiện:

1. Về tên gọi của sắc thuế:

Nếu chiếu theo tên gọi là thuế thu nhập doanh nghiệp, thì thuế này chỉ đánh vào thu nhập của những chủ thể là: “doanh nghiệp”; trong khi thực chất phạm vi điều chỉnh của sắc thuế này lại rộng hơn: đó là điều chỉnh đối với tất cả các chủ thể kinh doanh. Nói cách khác yếu tố kinh doanh quyết định và chi phối nghĩa vụ thuế thu nhập của một chủ thể. Mặc dù đây không phải là vấn đề mang tính bản chất, nhưng thiết nghĩ để hoàn thiện một cách đồng bộ pháp luật thuế TNDN, nên chăng định danh sắc thuế này là: thuế thu nhập kinh doanh nếu như chúng ta vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của thuế TNDN như hiện nay.

2. Về phạm vi điều chỉnh của thuế TNDN:

2.1. Xác định đối tượng nộp thuế:

Một chủ thể tham gia vào quan hệ thuế TNDN với tư cách là đối tượng nộp thuế khi họ tiến hành một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh. Vì thế việc quy định đối tượng nộp thuế theo cách liệt kê như hiện nay là không cần thiết vì làm mất đi tính linh hoạt của một sắc thuế, đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện những loại hình kinh doanh mới. Khi có sự thay đổi về loại hình kinh doanh có thể dẫn đến bất cập trong quy định pháp luật thuế TNDN. Điều quan trọng pháp luật thuế TNDN phải ghi nhận và chỉ rõ thế nào là hoạt động sản xuất, kinh doanh để làm tiêu chí xác định đối tượng nộp thuế. Chúng ta có thể tham khảo Luật thuế công ty của Anh quy định “thuế thu nhập công ty áp dụng đối với các chủ thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh và loại trừ những đối tượng không nộp thuế này bao gồm công ty và thành viên công ty hợp danh (partnership), các tổ chức chính quyền điạ phương”. Với cách quy định như vậy sẽ tạo điều kiện mở rộng đối tượng thu, là xu hướng đổi mới hệ thống thuế hiện nay.

Đối với trường hợp hộ sản xuất nông nghiệp có thu nhập trên 36 triệu đồng/năm, tổng giá trị sản lượng trên 90 triệu đồng/năm được coi là có mức sản xuất hàng hóa lớn, có thu nhập cao. Việc định mức thu nhập 36 triệu đồng/năm như vậy là quá thấp. Với số thu nhập đó, bình quân thu nhập tháng của họ chỉ vào khoảng 3 triệu đồng nhưng vẫn phải trang trải rất nhiều phí sinh hoạt cho cả hộ gia đình của mình. Quy định này chủ yếu nhắm vào hoạt động trang trại đang cần kích thích và nhân rộng. Thuế suất đánh vào thu nhập của đối tượng này cũng bị xem là cao vì thực chất họ sẽ bị đánh 32% trên tổng thu nhập. Vì vậy việc xác định mức thu nhập sẽ là cơ sở làm phát sinh nghĩa vụ thuế TNDN của họ. Khắc phục tình trạng này, Nghị định 26/CP và Thông tư 18/BTC đã đưa đối tượng này vào nhóm đối tượng tạm thời chưa nộp thuế. Quy định này chỉ mang tính chất tình huống. Về lâu dài hoạt động trang trại thực chất là hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế không nên đưa quy định tạm thời không chịu thuế đối với hộ gia đình nông dân sản xuất nông nghiệp có thu nhập cao theo quy định hiện hành. Việc thu thuế đối với đối tượng này sẽ đảm bảo bình đẳng với các nông trường, trạm trại và các hộ kinh doanh công thương nghiệp. Tuy nhiên đối với đối tượng này nên chăng xem xét lại định mức “sản xuất hàng hóa lớn, thu nhập cao” để điều tiết thu nhập một cách hiệu quả nhất. Bởi vì suy cho cùng hoạt động sản xuất của những chủ thể này một phần mang tính kinh doanh nhưng phần khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của các thành viên trong hộ .

Mặt khác, việc phân biệt 2 đối tượng nộp thuế là cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh và cá nhân có thu nhập chiụ thuế thu nhập cá nhân trong một số trường hợp gặp khó khăn và gây bất bình đẳng giữa hai chủ thể đều là cá nhân có cùng mức thu nhập nhưng chịu điều tiết bởi 2 mức thuế suất khác nhau. Thu nhập trong hai trường hợp đều phục vụ cho những nhu cầu của cá nhân: tiêu dùng, sinh hoạt…. Do đó nếu có cùng thu nhập 3.000.000đ/tháng thì cá nhân không nộp thuế thu nhập, nhưng cá nhân kinh doanh phải nộp thuế 32% mất khoảng 1/3 thu nhập của mình. Khi thu nhập cá nhân ở mức cao nhất định thì bị điều tiết thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao lại nặng hơn so với thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng rất khó xác định cá nhân có thu nhập từ chuyển giao công nghệ, phát minh sáng chế là đối tượng nộp thuế TNDN hay nộp thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao vì hai sắc thuế này đều cùng xác định thu nhập trên thuộc phạm vi điều chỉnh của mình. Như vậy, cùng là cá nhân có thu nhập như nhau nhưng đóng góp cho nhà nước là khác nhau. Cho nên để đảm bảo sự bình đẳng trong nghĩa vụ thuế nên loại chủ thể là cá nhân ra khỏi đối tượng chịu thuế TNDN mà họ phải là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân.

Đối với thành viên công ty hợp doanh thì họ là đối tượng nộp thuế TNDN hay là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân? Thực tế hiện nay việc hạch toán mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty hợp doanh ở Việt Nam được thực hiện như các loại hình công ty khác. Do đó thành viên hợp doanh sẽ được phân chia lợi nhuận từ công ty hợp doanh là thu nhập sau thuế. Thu nhập này không thể bị điều tiết một lần nữa bằng thuế TNDN hay thuế Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Hoạt động của thành viên công ty hợp doanh phục vụ cho công ty mang lại lợi nhuận không thể tách ra là thu nhập của cá nhân hành nghề độc lập. Đây cũng là vấn đề không chỉ cần được xem xét về mặt lý luận mà còn ở góc độ thực tiễn áp dụng trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

2.2. Về thu nhập chịu thuế:

Để xác định thu nhập chịu thuế chúng ta căn cứ vào 2 yếu tố là doanh thu và chi phí. Tuy nhiên hai yếu tố này cũng thường biến động và phụ thuộc vào quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Do vậy, ở góc độ kế toán thuế và kế toán kinh doanh có sự khác biệt. Đối với kế toán kinh doanh thì tất cả chi phí và số thu đều phải kết sổ để tính thực lãi của đơn vị, có sự chênh lệch về thời điểm xác định doanh thu so với thực tế. Một số chi phí không phù hợp với quy định của pháp luật thuế TNDN cũng không được thừa nhận để khấu trừ. Vì thế trên thực tế nảy sinh một số vướng mắc liên quan :

* Xác định doanh thu tính thuế:

Thời điểm xác định tính thu nhập chịu thuế là thời điểm hàng hóa dịch vụ đã tiêu thụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Như vậy giữa xác định doanh thu tính thuế GTGT và tính thu nhập chịu thuế có lúc không trùng hợp, nhất là vào thời điểm cuối năm tài chính. Đặc biệt là đối với những trường hợp đã tính thuế hàng hóa nhưng việc thanh toán trả chậm hoặc đã ra hóa đơn nhưng chưa được tiêu thụ (VD: thời điểm bán vé máy bay xác định GTGT nhưng chỉ khi thực tế có vận chuyển thì lúc đó dịch vụ mới được tiến hành). Như vậy việc xác định thời điểm phát sinh doanh thu như thế nào là phù hợp? NĐ26/CP và TT18/BTC có ghi nhận thêm trường hợp cho thuê tài sản, vay vốn trả tiền một lần thì cho phép phân chia doanh thu theo từng kỳ. Nhưng trường hợp thanh toán trả chậm hoặc trả sau vẫn phải hoạch toán tính thuế một lần tại thời điểm chuyển giao. Theo chúng tôi, quy định này nhằm tránh tình trạng thanh toán ngầm không chịu thuế, rất khó kiểm soát nếu chỉ dựa vào thời điểm thanh toán để xác định doanh thu. Tuy nhiên ở góc độ quyền lợi của những đơn vị kinh doanh chân chính thì thời điểm xác định doanh thu chịu thuế là rất quan trọng. Nó quyết định thời điểm chịu trách nhiệm pháp lý khi họ không thực hiện nộp thuế đúng thời hạn quy định cho phần thu nhập mà họ chưa được nhận nhưng có thể đã phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý .

Đối với nghĩa vụ thuế TNDN thì tất cả doanh thu bán hàng đều phải được kê khai tính thuế bất kể nó có hóa đơn chứng từ và có hợp lý hay không. Ở góc độ này thường có sự tranh chấp giữa cơ quan thuế và đối tượng nộp thuế. Cơ quan quản lý thu không khỏi gặp khó khăn để có thể quản lý được cả những giao dịch mà đối tượng nộp thuế đã tiến hành nhưng không phản ánh vào sổ sách, chứng từ kế toán của đơn vị.

* Vấn đề xác định chi phí:

Căn cứ xác định chi phí là điểm dễ bị lợi dụng để tránh thuế hay ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

Vấn đề chi phí khấu hao tài sản cố định. Đặc biệt trong việc vận dụng phương pháp và thời gian khấu hao. Hiện nay QĐ 166/QĐBTC ngày 30/12/1999 quy định chế độ khấu hao tài sản đã được tháo gỡ một số nội dung. Tuy nhiên quy định này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác không có căn cứ thực hiện. Một số doanh nghiệp nhập nhằng giữa tài sản dùng trong kinh doanh và tài sản dùng trong sinh hoạt để trích khấu hao tài sản làm giảm thu nhập chịu thuế. Việc định giá thường theo giá cao để có lợi khi khấu hao. Một số tài sản phải định giá lại nên cần lập hội đồng định giá. Nhưng pháp luật không quy định rõ hội đồng định giá được thành lập như thế nào và cơ sở định giá ra sao?

Với nguyên vật liệu sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế trong kỳ được tính theo định mức tiêu hao vật tư hợp lý và giá thực tế xuất kho. Định mức này do giám đốc doanh nghiệp xây dựng dựa vào định mức tiêu hao và thực tế doanh nghiệp. Quy định này còn chung chung nên không xác định được mức tiêu hao bao nhiêu là hợp lý? Mức tiêu hao phụ thuộc lớn vào thực tế kinh doanh của doanh nghiệp nên rất khó xây dựng định mức tiêu hao. Vì thế khi quyết toán thuế, cơ quan thuế không có căn cứ để loại chi phí vượt mức mà thường chấp nhận theo giá trị vật tư xuất kho tương ứng với định mức. Trường hợp trong kỳ có số tiêu hao nguyên vật liệu thực tế lớn hơn định mức, nhưng doanh nghiệp cũng không được tính khấu trừ phần giá trị vượt quá định mức tiêu hao nguyên vật liệu.

Chi tiền lương hiện chỉ được quy định mức lương tối thiểu doanh nghiệp phải trả khi sử dụng lao động, chưa có quy định tiền lương bình quân xã hội để xác định chi phí tiền lương hợp lý. Do đó, tiền lương trên hợp đồng lao động làm căn cứ xác định chi phí có thể cao hơn thực tế người lao động có thể nhận được.

Chi phí sửa chữa lớn được quy định khấu trừ nhưng hiện không có tiêu chí phân biệt giữa chi sửa chữa lớn và chi cho hoạt động cải tạo nâng cấp (khoản chi mang tính vốn). Do đó rất dễ bị lợi dụng gây ra sự thay đổi nghĩa vụ thuế. Ngoài ra, cũng chưa có sự phân biệt rõ doanh thu từ hoạt động khác và thu nhập từ hoạt động khác. Quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật thuế TNDN về các thu nhập khác có trường hợp là thu nhập nhưng có trường hợp là doanh thu. Như tiền cho thuê tài sản, tiền giải phóng tàu nhanh có được trừ chi phí không và công nhận những chi phí nào được khấu trừ tính thu nhập chịu thuế TNDN.

Như thế khi xác định chi phí được khấu trừ tính thu nhập chịu thuế thì được khấu trừ theo quy định hiện hành dựa trên cơ sở chứng từ và tỷ lệ định mức được khấu trừ. Quy định này đã có lỗ hổng để đối tượng nộp thuế lợi dụng và cán bộ thuế sách nhiễu. Hoàn thiện nội dung pháp luật về xác định chi phí tính thu nhập phải giải quyết được mối quan hệ giữa nội dung kinh tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động thu NSNN. Hiện nay nhà nước quản lý các khoản chi bằng hình thức khống chế mức chi. Điều này dễ trở nên chủ quan và mang tính áp đặt, không thể áp dụng linh hoạt giữa các ngành nghề khác nhau (như chi phí tiếp thị, quảng cáo). Nếu quy định chi tiết thì gây phức tạp, không tránh khỏi bất hợp lý. Thiết nghĩ, thay vì đưa ra mức khống chế chúng ta nên đưa ra nguyên tắc nhất định phù hợp với mỗi loại chi phí. Bất kỳ chủ thể kinh doanh nào cũng muốn tìm lợi nhuận, muốn đánh giá được hiệu quả kinh doanh thì phải phản ánh trung thực trên báo cáo tài chính. Như vậy muốn biết khoản chi của doanh nghiệp có là hiện thực hay không có thể căn cứ vào sổ sách, chứng từ kế toán. Để làm được điều này trong thời điểm hiện nay, nên:

+ Tăng mức độ xử phạt để đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm về thuế.

+ Tăng cường quản lý số tiền mua bán được thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng. Muốn vậy phải có cơ chế khuyến khích, ràng buộc các chủ thể mở và thanh toán qua ngân hàng (mới được quyết toán thuế, hoàn thuế, nhận tiền…).

+ Áp dụng thống nhất phương pháp tính thuế, tiến tới không còn hình thức khoán thuế để tránh trường hợp một số hóa đơn chứng từ của chủ thể kinh doanh áp dụng hình thức khoán thuế không cần sử dụng và sẽ chuyển cho đối tượng nộp thuế theo phương pháp thông thường dùng để kê khai chi phí.

+ Cần có cơ chế khuyến khích người mua hàng là người tiêu dùng nhận hóa đơn mua hàng. Có ý kiến nên mở số trúng thưởng trên số seri của tờ hóa đơn. Đây có thể xem là một cách khuyến khích nhưng không giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Các quy định nghĩa vụ thuế phải có cơ chế tác động tiêu cực đến lợi ích vật chất của người tiêu dùng nếu họ không lấy hóa dơn mua hàng. Có như thế người tiêu dùng mới nhận thức được sự cần thiết của việc tập hợp hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ. Ở các nước phát triển, hóa đơn chứng từ là cơ sở tính chi phí sinh hoạt, tiêu dùng được chước giảm khi tính thuế thu nhập cá nhân. Hoàn thiện pháp luật thuế TNDN trên cơ sở đồng bộ, vậy nên xem xét đưa quy định này vào nội dung của luật thuế Thu nhập đối với người có thu nhập cao.

+ Cần nghiên cứu đưa thêm một số khoản lỗ và chi phí vào danh mục chi phí được khấu trừ để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể nộp thuế: như chi phí thu tiền phạt, chi phí mua bán chứng khoán, chi phí cho hoạt động liên doanh, chi phí mua bán ngoại tệ, lỗ do chuyển nhượng tài sản cố định.…

3. Vấn đề thuế suất:

Nhiều ý kiến cho là mức thuế suất thông thường ta đang áp dụng là khá cao, làm giảm khả năng tích lũy để đầu tư đổi mới công nghệ, bắt kịp trình độ sản xuất của các nước trong khu vực, đặc biệt là đối với doanh nghiệp trước đây áp dụng thuế suất thuế lợi tức thấp hơn. Ngoài ra, thuế suất cao còn làm giảm lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Mặt khác so với các nước trong khu vực thuế suất thuế TNDN của họ thấp hơn so với Việt Nam, một số còn bãi bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước lại phải đối diện với cuộc cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó không ít các chi phí đầu vào hiện nay tăng giá. Theo thống kê chi phí đầu vào bình quân tăng 32,43% từ năm 1996 đến nay trong khi giá đầu ra chỉ tăng 22% làm cho tỉ suất lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp giảm từ 16,8% năm 1996 xuống còn 6,2% năm 2000 thấp hơn 2 lần so với các nước trong khu vực. Với thực tế đó thì thuế suất thuế TNDN hiện nay sẽ trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp, làm cho họ không có khả năng nộp thuế, xu hướng nợ thuế và chậm nộp thuế tăng cao, nghiêm trọng hơn là tìm cách trốn thuế, tránh thuế. Theo Cục thuế TPHCM, số đơn vị kê khai không có lãi ngày càng gia tăng trong sáu tháng đầu năm vừa qua.

Mặt khác, do tồn tại quá nhiều mức thuế suất ưu đãi (6 mức thuế suất ưu đãi) phân biệt cho 2 nhóm chủ thể khác nhau mặc dù đã được quy định tương đối chi tiết điều kiện áp dụng nhưng cũng gây ra những khó khăn nhất định. Thuế TNDN ra đời với tiêu chí đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng với 2 mức thuế suất cơ bản thay thế một thuế lợi tức 4 mức thuế suất; nhưng thực chất lại có tới 8 mức thuế suất khác nhau. Do vậy, với một đơn vị có hoạt động đan xen giữa những ngành nghề, lĩnh vực… có mức độ thuế suất khác nhau thì việc hoạch toán riêng từng ngành là điều không dễ thực hiện. Điều này làm mất tác dụng ưu đãi của hệ thống thuế suất.

Việc quy định khác nhau về thuế suất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài là sự bất bình đẳng. Thực tế cho thấy số thu thuế TNDN từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là rất thấp, trong khi đó các thành phần kinh tế khác giữ vai trò chủ yếu trong đóng góp ngân sách nhà nước lại không được quan tâm. Vậy việc thuế TNDN khuyến khích đầu tư nước ngoài cũng cần phải xem xét lại và không nhất thiết phải quy định quá thoáng như hiện nay. Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, điều họ quan tâm hơn mức thuế suất thuế TNDN là môi trường đầu tư thuận lợi (cơ sở hạ tầng, điều kiện làm việc, cơ chế pháp lý, bộ máy chính quyền…). Có cạnh tranh bình đẳng thì môi trường đầu tư mới thông thoáng và không có tình trạng sách nhiễu, lợi dụng để gây khó dễ cho nhà đầu tư.

Riêng thuế suất thuế TNDN bổ sung chỉ áp dụng với doanh nghiệp trong nước, không áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một sự bất bình đẳng. Thiết nghĩ áp dụng thuế suất bổ sung như hiện nay nếu chỉ dựa vào tỉ suất lợi nhuận so với vốn thì không phản ánh đúng mục đích điều tiết thêm của thuế suất bổ sung là điều tiết đối với doanh nghiệp do có lợi thế khách quan (ngành hàng ít bị cạnh tranh, địa điểm kinh doanh thuận lợi) nhưng tiêu chí xác định lợi thế khách quan không rõ ràng, khó xác định, trừu tượng vì vậy mục tiêu của thuế suất bổ sung hiện nay là không đạt được, làm triệt tiêu ý muốn sản xuất, kinh doanh tạo nhiều thu nhập. Ở góc độ so sánh thì cùng điều kiện và vốn như nhau, nhưng có doanh nghiệp tạo ra nhiều lợi nhuận hơn lại bị điều tiết nhiều hơn là không hợp lý. Phần thu nhập thay vì tái đầu tư mở rộng lại bị nhà nước điều tiết. Trên thực tế để lách quy định này, khi đến thời điểm quyết toán thuế, một số đơn vị tìm cách nâng vốn thuộc chủ sở hữu để tránh thuế TNDN bổ sung. Vì thế, có thể bỏ thuế TNDN bổ sung hoặc nếu vẫn duy trì thì nên tiến đến áp dụng thuế suất bổ sung đối với tất cả các đối tượng nộp thuế, không có sự phân biệt về loại hình kinh doanh. Khi vận dụng thì cần có quy định về căn cứ đánh giá lợi thế khách quan mang lại lợi nhuận cao làm cơ sở điều tiết thuế TNDN bổ sung và quy định về thẩm quyền xác định căn cứ này. Điều này góp phần tạo môi trường pháp lý đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và chống độc quyền.

Vấn đề đặt ra là, nếu như lấy nguồn lực trong nước làm tiền đề phát triển, vậy tại sao chúng ta không dành chính sách ưu đãi cho đơn vị ngoài quốc doanh với tiềm năng phát triển của mình sẽ trở thành trụ cột trong việc phát triển kinh tế. Nghị quyết Hội nghị TW 5 khóa IX cũng nhấn mạnh “phát triển mạnh kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Do đó, ta không nên có sự phân biệt đối xử về mức thuế suất giữa 2 nhóm chủ thể như hiện nay. Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia và ngay cả Trung Quốc cũng đã tiến đến bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và áp dụng thuế suất thống nhất. Thuế suất chung thống nhất là tiền đề cho việc không phân biệt đối xử giữa các loại hình kinh doanh như hiện nay. Tiếp theo là hạ mức thuế suất để thu được nhiều hơn, phù hợp với xu thế thế giới và tương tự như các nước trong khu vực. Hiện nay Singapore áp dụng thuế suất thuế TNDN là 26%, Myanma 30%, Thái Lan 25%, Malaysia 26%. Mức thuế suất phải phù hợp đảm bảo lợi ích của đối tượng nộp thuế và mục tiêu điều tiết của nhà nước. Tức là mức thuế suất phải đảm bảo tỉ lệ đóng góp hợp lý sao cho lợi nhuận sau thuế của đối tượng nộp thuế còn lại đủ để doanh nghiệp có thể tái đầu tư , mở rộng sản xuất, tích lũy tăng đầu tư chiều sâu, cải thiện đời sống và tăng phúc lợi cho người lao động. Mức thuế suất chung 28% hiện nay đang được quan tâm xem xét. Nếu mức thuế suất này được áp dụng chung phổ biến thì sẽ làm giảm thu NSNN 2.700 tỷ đồng/năm, nhưng nó lại có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài mà vẫn bảo đảm bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước. Nếu như kết hợp đồng thời với việc bỏ thuế suất ưu đãi và giới hạn chế độ miễn giảm thì việc giải quyết vấn đề giảm thu NSNN là có thể thực hiện được. Tuy nhiên ở đây chúng tôi không đề nghị một mức thuế suất cụ thể vì thiết nghĩ điều đó cần có sự nghiên cứu kỹ về mức độ tác động của thuế suất lên toàn diện đời sống kinh tế – xã hội.

Như thế, chúng ta cũng chỉ nên giữ một mức thuế suất cơ bản, chuyển các mức thuế suất ưu đãi thành chế độ miễn giảm thuế. Bản chất của thuế suất ưu đãi là giảm thuế suất. Giảm thuế suất là giảm mức độ điều tiết của nhà nước đối với đối tượng chịu thuế. Mức độ ưu đãi đã xác định nên không đồng nghĩa với giảm thu NSNN. Thuế TNDN của chúng ta hiện nay không có sự khác biệt giữa chế độ miễn giảm và giảm thuế suất: đều có mục đích khuyến khích, động viên, hỗ trợ. Cho nên, nếu chỉ là khuyến khích, hỗ trợ thì nên chăng chỉ cần dùng chế độ miễn giảm với tỉ lệ miễn giảm, thời gian miễn giảm, và điều kiện miễn giảm hợp lý.

4. Về việc thực hiện chế độ miễn giảm thuế TNDN:

Vấn đề quy định miễn giảm đối với đơn vị mới thành lập đã bị một số chủ thể kinh doanh lợi dụng. Khi thời hạn hưởng chế độ miễn giảm thuế kết thúc họ chuyển sang kê khai không có lãi hoặc thành lập doanh nghiệp mới. Các văn bản hướng dẫn thuế TNDN mặc dù có quy định không áp dụng miễn giảm thuế đối với các cơ sở sát nhập, chia tách chuyển đổi hình thức hoạt động nhưng vẫn bị lách bằng hình thức thành lập mới .

Thuế TNDN có nhiều quy định khuyến khích, hỗ trợ thông qua chế độ miễn giảm, nhưng đồng thời cũng dùng biện pháp giảm thuế suất để ưu đãi đầu tư. Điều đó dẫn đến tình trạng phức tạp, chồng lấn giữa chế độ miễn giảm và chế độ ưu đãi bằng thuế suất. Quy định như vậy vừa gây khó khăn cho việc áp dụng vừa làm giảm hiệu quả thu ngân sách. Ngoài ra ưu đãi và miễn, giảm thuế TNDN được quy định trong nhiều văn bản như luật khuyến khích đầu tư trong nước, luật đầu tư nước ngoài và các văn bản hướng dẫn nên có sự trùng lắp và không nhất quán trong việc thực hiện chính sách điều tiết.

Nên chăng thống nhất chế độ miễn giảm thuế bằng cách chỉ quy định chế độ miễn giảm trong luật thuế TNDN. Ở các luật chuyên ngành khác như luật đầu tư nước ngoài, luật khuyến khích đầu tư trong nước chỉ nên ghi nguyên tắc ưu đãi, hoặc chỉ đơn giản là danh mục các ngành nghề cần ưu đãi khuyến khích. Bỏ quan điểm như lâu nay là nếu đầu tư bị giảm sút, hoặc khi ban hành luật chuyên ngành lại có quy định ưu đãi riêng. Điều đó làm mất đi ý nghĩa của chế độ miễn giảm, mục đích điều tiết của thuế TNDN và cào bằng ưu đãi. Do vậy cần rà soát lại văn bản luật thuế TNDN hoặc những luật chuyên ngành liên quan để loại bỏ những nội dung trùng lắp này, đảm bảo sự thống nhất về mặt hình thức và lô gích hơn về mặt nội dung.

Mặt khác, chúng ta cần cân nhắc và chọn lựa nội dung miễn giảm thuế TNDN. Các nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thái Lan) đã chứng minh rằng việc điều tiết hoạt động đầu tư thông qua chế độ miễn giảm là rất khó khăn và hạn chế, vì thực tế miễn giảm chỉ có ý nghĩa khi có thu nhập. Do đó, miễn giảm là yếu tố hấp dẫn nhưng không phải là yếu tố quyết định đầu tư. Như vậy, thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập bằng biện pháp miễn giảm thuế ta nên chuyển sang biện pháp hỗ trợ tài chính khác.

Ngoài ra ta cần có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong việc kiểm soát các doanh nghiệp mới thành lập, tránh tình trạng lợi dụng quy định miễn thuế cho doanh nghiệp mới thành lập, hoặc thành lập ở những vùng kinh tế ưu đãi nhưng thực tế mọi hoạt động lại diễn ra trên địa bàn các địa phương khác để trốn tránh thuế .

5. Vấn đề chuyển giá:

Tình trạng thất thu thuế TNDN do chuyển giá ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng cách nâng giá đầu vào đối với vật tư nguyên liệu và hạ giá mua sản phẩm xuất khẩu, phân bổ chi phí của công ty mẹ ở Việt Nam. Theo tổng kết 10 năm thực hiện Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì tại TP.HCM số thuế lợi tức thu từ khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp là 12,15% so với thành phần kinh tế khác. Đến năm nay tỷ lệ này vẫn không khả quan hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khai không có lãi năm 1999 chiếm 73,82% (251/340) và năm 2000 chỉ có 180/426 doanh nghiệp kê khai có lãi (Nguồn: Cục thuế TPHCM).

Quy định về chuyển giá hiện nay mang nặng tính nghiệp vụ với mục đích xác định lại giá mà chưa có quy định cụ thể về điều kiện và trách nhiệm trong việc thực hiện biện pháp này. Không có quy định nào buộc doanh nghiệp thực hiện chuyển giá phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành vi của mình. Biện pháp chuyển giá hiện chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có các đơn vị liên kết. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước cũng thực hiện chuyển giá từ doanh nghiệp đang hoạt động sang doanh nghiệp mới thành lập hoặc đang được hưởng ưu đãi thuế hay ngược lại. Doanh nghiệp đang hoạt động sẽ chấp nhận bán lỗ để chuyển thu nhập sang doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi. Như vậy ở những doanh nghiệp này mặc dù có thu nhập nhưng được miễn hay giảm thuế nên tránh được thuế một cách hợp pháp. Chính vì chưa có quy chế xử phạt, xác định trách nhiệm rõ ràng nên việc chuyển giá hiện nay chưa được kiểm soát một cách có hiệu quả. Các biện pháp chống chuyển giá hiện mới chỉ được ghi nhận tại thông tư 13/BTC-8/3/2001. Trong khi đó thực tế chuyển giá còn xảy ra rất đa dạng ở các loại hình kinh doanh khác. Do đó, để thực hiện biện pháp chống chuyển giá có hiệu quả chúng ta cần lưu tâm các vấn đề sau:

– Cần có quy định căn cứ bắt buộc áp dụng biện pháp chống chuyển giá.

– Mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp chuyển giá đối với các đơn vị liên kết trong nước mà thực tế hiện nay xảy ra rất nhiều hiện tượng chuyển giá.

– Cần quy định biện pháp xử lý đối với cán bộ thuế chuyên quản nếu bỏ qua hành vi chuyển giá ở các đơn vị mình quản lý và đối với các đơn vị có hành vi chuyển giá. Theo kinh nghiệm của các nước OEDC thì các doanh nghiệp sẽ bị phạt tỷ lệ rất cao trên khoản chênh lệch chuyển giá (khoảng 25%-40%).

***

So với thuế lợi tức, thuế TNDN đang dần phát huy những ưu điểm của mình trong việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, một số điểm quy định đối tượng nộp thuế, thuế suất, chế độ miễn giảm. Thực hiện thuế TNDN hiện nay là bước chuyển tiếp từ thuế lợi tức do vậy không thể tránh khỏi thiếu sót và hạn chế. Nhưng thuế TNDN cũng đã làm gia tăng số thu mặc dù so với thuế lợi tức thì thuế TNDN có mức thuế suất thấp hơn. Điều này cho thấy xu hướng giảm thuế suất, mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ là xu hướng hoàn thiện luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Chiến lược phát triển kinh tế năm 2001-2010 được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng: “Tạo môi trường pháp lý bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh, hợp tác để phát triển; tiếp tục cải cách hệ thống thuế phù hợp theo hướng đơn giản, thống nhất, không phân biệt đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, nuôi dưỡng nguồn thu, hiện đại hóa công tác thu thuế của nhà nước”. Pháp luật thuế nói chung và thuế TNDN nói riêng không thể tách riêng khỏi hệ thống pháp luật và đòi hỏi chủ trương hoàn thiện của Đảng và nhà nước. Vì thế những thay đổi căn bản này sẽ góp phần đưa công cụ thuế nói chung và thuế TNDN nói riêng trở thành công cụ hữu hiệu điều tiết nền kinh tế phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài trong thời gian tới ở VN.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 2/2003

3 Responses

  1. Cảm ơn bài viết của Cô.

  2. CÔ ƠI EM LAM LUẬN VĂN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU VỀ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP 2008 EM ĐANG GẶP KHÓ KHĂN VỀ CHƯƠNG III “KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI THUẾ TNDN 2008” CÔ ƠI GIÚP EM VỚI, EM THÀNH THẬT BIẾT ƠN CÔ

  3. cám ơn cô vì bài viết bổ ích này. Cô có thể cung cấp cho em một số kiến thức về lý luận và thực tiễn gian lận thuế thu nhập cua các doanh nghiệp Việt Nam được không ạ. Em làm luận văn tốt nghiệp về vấn đề đó mà thấy ít bài viết về vấn đề đó quá.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading