admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI

THS.  NGUYỄN THỊ THỦY –  Khoa luật thương mại trường ĐH luật TP.HCM

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là một loại hình nghiệp vụ bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), theo đó, bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm còn DNBH tiến hành trả tiền bảo hiểm cho những trường hợp thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (BHTNDSCXCG) là hoạt động bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với ngưới thứ ba và hành khách trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách. Theo quy định của pháp luật, các chủ xe cơ giới là những chủ thể sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, có thể gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản đối với người thứ ba. Tuy nhiên, trên thực tế, những chủ xe này có thể không có đủ khả năng về tài chính để bồi thường cho những thiệt hại mà mình đã gây ra, vì vậy, pháp luật buộc các chủ thể này phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. BHTNDSCXCG thực chất là sự chia sẻ trách nhiệm tài chính giữa doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm, cụ thể nếu bên mua bảo hiểm có lỗi gây thiệt hại đối với người thứ ba buộc phải bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gánh đỡ một phần trách nhiệm tài chính mà bên mua bảo hiểm đã gây ra.

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 23/2003/QĐ-BTC ngày 25/2/2003 về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Bài viết này xin giới thiệu một số vấn đề pháp lý cơ bản về loại hình bảo hiểm này, đồng thời, đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện những quy định của pháp luật về BHTNDSCXCG.

1. Một số vấn đề pháp lý cơ bản về BHTNDSCXCG

* Đối tượng và phạm vi áp dụng: Theo quy định của pháp luật, đối tượng mua BHTNDSCXCG là chủ xe cơ giới kể cả chủ xe là người nước ngoài sử dụng xe cơ giới trên lãnh thổ nước CHXHCNVN. Phạm vi áp dụng của loại hình bảo hiểm này bao gồm:

– Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xe cơ giới gây ra thiệt hại về người và tài sản đối với người thứ ba;

– BHTNDSCXCG đối với thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách.

Như vậy, theo quy định trên đây, người được hưởng số tiền bảo hiểm không phải là bên mua bảo hiểm mà là người bị bên mua bảo hiểm gây thiệt hại. Chính vì vậy, một nguyên tắc được đặt ra là, nếu bên bị thiệt hại không kiện đòi bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại thì trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm không phát sinh. Có hai trường hợp mà DNBH tiến hành bảo hiểm đó là thiệt hại do chủ xe cơ giới gây ra đối với người thứ ba (không phải là hành khách trên chính chiếc xe đó) và thiệt hại đối với những hành khách trên chính chiếc xe của chủ xe cơ giới theo hợp đồng vận chuyển hành khách.

* Mức trách nhiệm bảo hiểm: Trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thanh toán cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới phải bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự về những thiệt hại đã xảy ra đối với người thứ ba và hành khách chuyên chở trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách do việc sử dụng xe cơ giới gây ra gồm:

– Đối với thiệt hại về người: Bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, bồi dưỡng chăm sóc người bị hại trước khi chết, mai táng phí hợp lý… theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.

– Đối với thiệt hại về tài sản: Bồi thường thiệt hại thực tế theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.

– Chi phí hợp lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất liên quan đến vụ tai nạn mà chủ xe cơ giới đã chi ra.

Tổng các khoản bồi thường và chi phí nêu trên không được vượt quá mức trách nhiệm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm và không vượt quá số tiền thực tế mà chủ xe cơ giới bồi thường cho nạn nhân theo hòa giải dân sự hoặc quyết định của tòa án.

Theo quy định trên đây, DNBH chỉ phải trả tiền bảo hiểm cho người bị thiệt hại trong phạm vi số tiền bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm được các bên thỏa thuận và ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm. Số tiền này được xác định theo từng vụ tai nạn mà xe cơ giới gây ra. Theo quy định tại QĐ 23/2003/QĐ-BTC thì mức bảo hiểm tối đa cho mỗi vụ tai nạn là về người 30triệu đồng/người (đối với người thứ ba và hành khách vận chuyển trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách), về tài sản là 30 triệu đồng/ vụ (đối với người thứ ba). Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận với chủ xe để bảo hiểm theo biểu phí và mức trách nhiệm cao hơn (1) (Điều 4 QĐ23/2002/QĐ-BTC). Như vậy, nếu chủ xe cơ giới gây thiệt hại cho chính hành khách trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải trả tiền bảo hiểm cho những thiệt hại về người mà không chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về tài sản.

Trường hợp thiệt hại thực tế xảy ra lớn hơn số tiền bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm (người gây ra thiệt hại) sẽ phải trả cho bên bị thiệt hại số tiền chênh lệch giữa thiệt hại thực tế và số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả. Chẳng hạn, thiệt hại về tài sản mà bên mua bảo hiểm gây ra là 40 triệu đồng/vụ thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường tối đa là 30 triệu, bên mua bảo hiểm sẽ phải trả cho bên bị thiệt hại 10 triệu đồng còn lại. Nếu chủ xe cơ giới tham gia từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên cho cùng một xe cơ giới thì số tiền bồi thường chỉ được tính trên một hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm cấp hợp đồng đầu tiên có trách nhiệm giải quyết bồi thường và thu hồi số tiền bồi thường chia đều cho các hợp đồng bảo hiểm.

Trong BHTNDSCXCG, trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được xác định theo từng vụ tai nạn. Cụ thể, trong thời hạn bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm gây ra bao nhiêu vụ tai nạn thuộc trường hợp bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm trong phạm vi số tiền bảo hiểm. Vấn đề đặt ra ở đây là pháp luật có buộc người gây ra tai nạn phải là bên mua bảo hiểm (chủ xe cơ giới) thì doanh nghiệp bảo hiểm mới chi trả bảo hiểm hay không? Chúng ta phải hiểu rằng khi giải quyết bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần xem xét, có phải chính chiếc xe đã mua bảo hiểm gây ra tai nạn hay không? Tai nạn xảy ra có nằm trong phạm vi bảo hiểm hay không? Còn ai là người gây ra tai nạn không phải là căn cứ để giải quyết bồi thường. Ví dụ: A đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chiếc xe của mình sau đó A cho bạn của mình là B mượn xe, trong quá trình lưu thông B đã gây tai nạn cho C. Trong trường hợp trên đây, nếu việc gây tai nạn của B không nằm trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho A để A tiến hành bồi thường cho C. Hay nói một cách khác, trong trường hợp trên đây A phải bồi thường cho C theo trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu chiếc xe, sau đó A có quyền đòi doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong giấy chứng nhận bảo hiểm.

* Phạm vi bảo hiểm: Trên thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng, nếu thiệt hại gây ra do lỗi của chủ xe cơ giới thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm. Quan điểm này là không chính xác vì BHTNDSCXCG là loại hình bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của chủ thể mua bảo hiểm đối với người thứ ba. Trách nhiệm này phát sinh khi người mua bảo hiểm có lỗi gây ra thiệt hại cho người bị thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Như vậy, về nguyên tắc, nếu thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm và tránh tình trạng trục lợi bất hợp pháp, pháp luật đã đưa ra những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Theo quy định tại Điều 11 QĐ 23/2003/QĐ-BTC (QĐ 23) thì doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra trong các trường hợp sau:

– Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe /lái xe, hoặc của người bị thiệt hại;

– Xe không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường (đối với loại xe yêu cầu phải có);

– Lái xe không có giấy phép lái xe hợp lệ (đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe), lái xe có nồng độ cồn, rượu, bia vượt quá quy định của pháp luật hiện hành, khi có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng;

– Xe sử dụng để đua thể thao, đua xe trái phép, chạy thử sau khi sửa chữa (trừ khi có thỏa thuận khác);

– Xe đi vào đường cấm, khu vực cấm;

– Thiệt hại có tính chất gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại;

– Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn;

– Chiến tranh và các nguyên nhân tương tự như chiến tranh;

– Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

Như vậy, loại trừ những trường hợp trên đây thì những thiệt hại còn lại mà bên mua bảo hiểm gây ra cho bên bị thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường trong phạm vi số tiền bảo hiểm. Căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành bồi thường là dựa vào yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bên bị thiệt hại đối với bên mua bảo hiểm trong thời hạn bảo hiểm. Về thực chất, số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho bên mua bảo hiểm là của bên bị thiệt hại. Tuy nhiên, trên thực tế, bên mua bảo hiểm có thể tiến hành bồi thường cho người bị thiệt hại trước, sau đó hoàn tất hồ sơ để yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm.

BHTNDSCXCG có thể được coi như một sự bảo lãnh về mặt tài chính (trong phạm vi số tiền bảo hiểm) của doanh nghiệp bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm đối với những thiệt hại mà bên này gây ra cho người thứ ba, chính vì vậy mà luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp người được bảo hiểm phải đóng tiền bảo lãnh hoặc ký quỹ để đảm bảo cho tài sản không bị lưu giữ hoặc để tránh việc khởi kiện tại tòa án thì theo yêu cầu của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc bảo lãnh hoặc ký quỹ trong phạm vi số tiền bảo hiểm”(khoản 4 Điều 55 Luật Kinh doanh bảo hiểm).

* Hiệu lực bảo hiểm: Hiệu lực bảo hiểm được hiểu là khoảng thời gian làm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm gây thiệt hại về người, tài sản (đối với người thứ ba) và thiệt hại về tài sản (đối với hành khách vận chuyển trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách) nếu trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Theo quy định tại Quyết định 23 thì “Hiệu lực bảo hiểm bắt đầu và kết thúc theo quy định ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm”. Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu không có thỏa thuận gì khác thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm khi chủ xe cơ giới đã đóng đủ phí bảo hiểm. Luật kinh doanh bảo hiểm quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng (2) (điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm). Như vậy, hiệu lực của giấy chứng nhận bảo hiểm phát sinh khi hai bên tiến hành giao kết hợp đồng (tức khi bên mua bảo hiểm đóng đủ phí bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm) nếu các bên không có thỏa thuận gì khác. Trong suốt thời gian bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải giữ giấy chứng nhận bảo hiểm để làm căn cứ pháp lý yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm. Trường hợp tai nạn xảy ra ngoài thời hạn bảo hiểm thì trách nhiệm trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phát sinh.

Trường hợp giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe mà chủ xe cơ giới không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến chiếc xe được bảo hiểm vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới. Tóm lại: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình nghiệp vụ bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể gánh bớt phần nào tổn thất mà bên mua bảo hiểm gây ra cho người bị thiệt hại. Mục đích của loại hình bảo hiểm này là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người bị thiệt hại trong một giới hạn nhất định nhưng đồng thời cũng giúp cho bên mua bảo hiểm chia sẻ phần nào tổn thất mà họ gây ra.

2. Một số kiến nghị

Mặc dù, Quyết định 23 ra đời đã cụ thể hóa những quy định về loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự trong luật kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, một số quy định trong Quyết định 23 đã bộc lộ những bất cập và thiếu tính khả thi trong quá trình thực hiện. Để hoạt động Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực sự là công cụ bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người bị thiệt hại và góp phần đảm bảo sự lành mạnh trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:

*Thứ nhất: Về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin:

Tại điểm a khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm”. Trên thực tế, quan hệ giữa công ty bảo hiểm và người mua bảo hiểm là hai bên ký kết một hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế trên  cơ sở đôi bên đều bình đẳng. Khi cấp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp những thông tin cần thiết về loại xe, tình trạng xe, mục đích sử dụng… còn bên mua bảo hiểm cũng cần phải biết các thông tin liên quan đến loại hình bảo hiểm mình mua. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm cung cấp những thông tin không chính xác hoặc sai sự thật về đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm được quyền từ chối chi trả bảo hiểm. Nhưng ngược lại, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không cung cấp những thông tin cần thiết cho bên mua bảo hiểm hoặc cung cấp không chính xác làm bên mua bảo hiểm hiểu sai về quyền lợi bảo hiểm của họ thì xử lý như thế nào, điều này chưa hề được quy định trong các văn bản pháp luật về bảo hiểm nói chung cũng như Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nói riêng. Đây là một thiếu sót cần phải khắc phục, vì hoạt động kinh doanh bảo hiểm là tương đối mới mẻ tại Việt Nam, sự hiểu biết của người dân về lĩnh vực này chưa cao. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính nên có quy định cụ thể về trường hợp nếu doanh nghiệp bảo hiểm không cung cấp những thông tin hoặc cung cấp thông tin không chính xác cho bên mua bảo hiểm gây thiệt hại thì có trách nhiệm bồi thường và vẫn phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nếu nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là do bên mua bảo hiểm không được cung cấp những thông tin cần thiết từ phía doanh nghiệp bảo hiểm.

* Thứ hai: Về hồ sơ yêu cầu bồi thường: Theo quy định tại Điều 20 Quyết định 23 thì hồ sơ yêu cầu bồi thường phải bao gồm các giấy tờ sau:

– Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường (theo mẫu đính kèm).

– Các giấy tờ chứng minh thiệt hại về người như Giấy chứng thương của nạn nhân, Giấy ra viện, Phiếu mổ và các giấy tờ liên quan đến chi phí chăm sóc, cứu chữa, Giấy chứng tử của nạn nhân, các chứng từ điều trị, chi phí mai táng.

– Các giấy tờ chứng minh thiệt hại tài sản như hóa đơn sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn; các giấy tờ chứng minh những chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

– Bản kết luận điều tra tai nạn của công an, trong trường hợp không có bản kết luận điều tra tai nạn của công an, việc bồi thường sẽ căn cứ vào biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm.

Như vậy, muốn được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải có đủ các giấy tờ trên. Theo chúng tôi quy định trên đây là thiếu tính khả thi, cụ thể, trong các giấy tờ trên đây thì bên mua bảo hiểm muốn có được bản kết luận điều tra tai nạn của công an hoặc biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm là rất khó khăn. Thông thường, khi tai nạn xảy ra (nếu không dẫn đến hậu quả chết người), hiện trường phải được giải phóng ngay để tránh ùn tắc giao thông. Trên thực tế không phải bất kỳ vụ tai nạn nào cũng đều có kết luận điều tra của công an mà thường chỉ những vụ tai nạn nào gây hậu quả nghiêm trọng về người hoặc tài sản mới có. Trường hợp không có bản kết luận điều tra thì bên mua bảo hiểm phải giữ hiện trường để chờ doanh nghiệp bảo hiểm đến giám định cũng là điều khó thực hiện. Chính vì quy định không thực tế trên đây, trong nhiều trường hợp bên mua bảo hiểm đã phải tự bỏ tiền túi ra bồi thường mà không thể yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ bớt tổn thất cho mình. Từ bất cập trên đây, chúng tôi xin kiến nghị, thay vì yêu cầu phải có biên bản kết luận điều tra tai nạn của công an hoặc bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, trong một số trường hợp, pháp luật nên cho phép bên mua bảo hiểm lập một giấy xác nhận tai nạn xảy ra, có chữ ký của bên bị thiệt hại và người làm chứng. Quy định như vậy vừa bảo vệ được quyền lợi của bên mua bảo hiểm lại tránh được tình trạng ùn tắc giao thông khi phải giữ hiện trường chờ công an hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đến giải quyết.

* Thứ ba: Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc chi trả bảo hiểm: Theo quy định của pháp luật thì cơ sở pháp lý để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm là đơn bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm cấp cho bên mua bảo hiểm. Thực chất đơn bảo hiểm là một cam kết chi trả tài chính từ phía doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm giải quyết. Chẳng hạn, khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải cử người đến hiện trường, nhận những giấy tờ cần thiết từ bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế, khi xảy ra tai nạn, bên mua bảo hiểm phải đến doanh nghiệp bảo hiểm xin giải quyết bồi thường và để được bồi thường cũng rất khó khăn do phải có đủ những giấy tờ khá nhiêu khê (như đã phân tích ở trên). Vì vậy, theo chúng tôi, Bộ Tài chính nên quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải quyết bồi thường. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ đến hiện trường theo thông báo của bên mua bảo hiểm, phải phối hợp với bên mua bảo hiểm hoàn tất những giấy tờ cần thiết để giải quyết bồi thường. Chứ không phải quy định chung chung như hiện nay “Nếu xét thấy cần thiết…”(3) (Khoản 2 Điều 8 QĐ 23). Quy định này là hoàn toàn phù hợp vì doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hoạt động kinh doanh trên cơ sở thu phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm thì phải có trách nhiệm giải quyết bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

* Thứ tư: Cần quy định rõ những thủ tục cần thiết nếu bên bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm, tuy nhiên, nếu thiệt hại xảy ra trong phạm vi số tiền bảo hiểm thì bên bị thiệt hại có thể trực tiếp đòi doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường hay không? Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật kinh doanh bảo hiểm thì “Người thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Thiết nghĩ, quy định trên đây cần phải xem xét lại, theo chúng tôi, nếu thiệt hại xảy ra trong phạm vi số tiền bảo hiểm, pháp luật nên cho phép bên bị thiệt hại trực tiếp đòi bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở chuyển quyền khiếu nại của bên mua bảo hiểm. Quy định như trên sẽ bảo vệ được quyền lợi của bên bị thiệt hại, vì việc đòi bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đảm bảo và nhanh chóng hơn từ người gây ra thiệt hại (bên mua bảo hiểm) do doanh nghiệp bảo hiểm có khả năng về tài chính, phải đảm bảo uy tín của mình trong kinh doanh. Vì lý do trên đây, theo chúng tôi pháp luật nên quy định cụ thể, trong trường hợp bên bị thiệt hại trực tiếp đòi bồi thường từ phía doanh nghiệp bảo hiểm thì cần phải có những giấy tờ nào, thủ tục cụ thể ra sao? Quy định này là cần thiết vì Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực chất là bảo vệ quyền lợi về mặt tài chính cho những chủ thể bị bên mua bảo hiểm gây ra thiệt hại.

* Thứ năm: Cần sớm ban hành văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội thông qua ngày

22 tháng 12 năm 2000 và có hiệu lực ngày 1/4/2001, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Sự chậm trễ này đã dẫn đến tình trạng, có những vi phạm pháp luật bảo hiểm thương mại không được xử lý trên thực tế do chưa có văn bản quy định cụ thể. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ bảo hiểm thương mại và thiết lập kỷ cương của Nhà nước trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Nhà nước cần ban hành ngay văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Trong văn bản xử phạt cần quy định rõ những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại, cách thức xử lý cụ thể trong trường hợp bên mua bảo hiểm cũng như doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm pháp luật về bảo hiểm thương mại. Thực hiện được điều này sẽ đảm bảo cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm được lành mạnh, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ bảo hiểm thương mại.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 3/2003

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: