admin@phapluatdansu.edu.vn

ĐIỀU KHOẢN GIÁ CẢ VÀ VẤN ĐỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THEO QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC VIÊN 1980 VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ

THS. BÙI NGỌC HỒNG  – Khoa Luật Quốc tế – ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh

I. NỘI DUNG ĐIỀU 14 VÀ ĐIỀU 55 CỦA CÔNG ƯỚC VIÊN

1. Nội dung Điều 14

Điều 14 Công ước Viên quy định (1):

(1) Một đề nghị giao kết hợp đồng gửi cho một hay nhiều bên xác định được xem là một chào hàng nếu nó đầy đủ và thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng của người đề nghị trong trường hợp chào hàng được chấp nhận. Một đề nghị được coi là đầy đủ nếu có nêu rõ hàng hóa và – ngầm định hoặc rõ ràng – xác định hoặc quy định cách thức xác định giá cả và số lượng hàng hóa của hợp đồng.

(2) Một đề nghị không gửi tới một hoặc nhiều bên xác định thì chỉ được xem là lời mời chào hàng, trừ trường hợp bên đưa ra đề nghị đó tuyên bố rõ ràng sẽ chịu ràng buộc trách nhiệm.

Như vậy khoản 1 Điều 14 điều chỉnh một vấn đề hết sức cơ bản trong hợp đồng mua bán – đó là vấn đề chào hàng. Trước hết có thể khẳng định Công ước Viên, thông qua quy định tại khoản 1 Điều 14, đã chọn sử dụng phương thức truyền thống của việc kết lập hợp đồng thông qua mô thức chào hàng – chấp nhận chào hàng. Theo đó, bên chào hàng – thông qua đề nghị giao kết hợp đồng – thể hiện ý định giao kết hợp đồng, đưa ra các điều kiện của giao dịch cho bên được chào hàng. Dựa trên các điều kiện này, bằng quyết định chấp nhận chào hàng, bên được chào hàng kết lập nên hợp đồng với các điều khoản đưa ra trong chào hàng. Trong mô thức này, việc thể hiện ý định giao kết hợp đồng của bên chào hàng trước hết được xác định thông qua các điều kiện đưa ra trong chào hàng. Trong trường hợp được chấp thuận thì các điều kiện trong chào hàng trở thành những điều khoản cốt lõi của hợp đồng. Khoản 1 Điều 14 đã đưa ra các tiêu chí để xác định nội dung chủ yếu cần có của một chào hàng.

Xét trên phương diện thực hiện hợp đồng, chào hàng không chỉ là sự thể hiện ý định giao kết hợp đồng của người đưa ra chào hàng. Chào hàng còn thể hiện các yếu tố cơ bản cần thiết để các bên dựa vào đó thực hiện các nghĩa vụ của mình và qua đó đáp ứng quyền của bên kia2. Tùy thuộc vào từng loại hợp đồng cụ thể mà yêu cầu về điều kiện cơ bản của hợp đồng có thể khác nhau. Với hợp đồng mua bán, khoản 1 Điều 14 quy định nội dung chào hàng phải thể hiện tối thiểu ba điều kiện. Đó là: hàng hóa mua bán, số lượng và giá cả. Về giá cả, đó có thể là giá cả cụ thể hoặc phương thức xác định giá cả, được nêu ra rõ ràng hoặc ngầm định trong chào hàng.

Như thế, theo quy định tại khoản 1 Điều 14, bên cạnh những điều kiện khác, một chào hàng bắt buộc phải thể hiện điều kiện về giá cả thì mới được xem là đầy đủ để kết lập nên hợp đồng trong trường hợp chào hàng được chấp nhận.

Tuy nhiên, mệnh đề đảo: “Một chào hàng thiếu điều kiện về giá cả thì việc chấp nhận chào hàng sẽ không kết lập nên hợp đồng” liệu có được chấp nhận hay không? Vấn đề này sẽ được giải quyết sau khi nghiên cứu các quy định tại Điều 55 của Công ước.

2. Nội dung Điều 55 Công ước Viên

Điều 55 quy định3: “Trong trường hợp hợp đồng đã được kết lập có hiệu lực nhưng không đưa ra quy định để xác định giá cả thì, trừ khi có chỉ dẫn ngược lại, các bên trong hợp đồng được xem như đã ngầm định viện dẫn đến giá cả được tính vào thời điểm giao kết hợp đồng áp dụng đối với hàng hóa cùng loại trong điều kiện thương mại tương tự của ngành hàng liên quan”.

Việc tìm hiểu quy định tại Điều 55 không thể tách rời quy định tại Điều 14. Trong tương quan đó, có thể thấy Điều 55 giúp xác định phương thức tính giá khi hợp đồng được kết lập giữa các bên được xem là có hiệu lực nhưng bỏ qua không quy định điều kiện về giá cả. Giá cả được tính vào thời điểm giao kết hợp đồng, áp dụng đối với hàng hóa cùng loại trong điều kiện thương mại tương tự của ngành hàng liên quan được xem là ngầm định giữa các bên. Tuy nhiên hiệu lực của hợp đồng được xác định dựa trên quy định của luật của quốc gia điều chỉnh vấn đề này trong hợp đồng4.

Quan điểm phổ biến xem Điều 55 của Công ước Viên là quy định để “lấp lỗ hổng” (gap-filling) khi thỏa thuận trong hợp đồng không đề cập đến vấn đề giá cả của hàng hóa5. Quan điểm này tiếp cận quy định tại Điều 55 độc lập với quy định về chào hàng6, xem Điều 55 là quy định nhằm thực hiện hợp đồng (cụ thể là giải quyết vấn đề xác định giá cả khi việc giao kết hợp đồng đã được xem là hợp lệ). Trên phương diện khác, nếu xem sự hiện diện của điều kiện về giá cả trong nội dung của chào hàng (cùng với các điều kiện về hàng hóa và số lượng, theo khoản 1 Điều 14) là một trong những cơ sở quyết định hiệu lực của hợp đồng, thì tương quan giữa quy định của Điều 55 với khoản 1 Điều 14 sẽ không đơn giản như vậy.

3. Mối quan hệ giữa Điều 14 và Điều 55 Công ước Viên

Theo logic của quy định tại Điều 55 Công ước Viên, một hợp đồng có thể được kết lập có hiệu lực mà không cần có thỏa thuận về giá cả. Tuy nhiên, quy định tại Điều 14 có thể dẫn đến suy luận: điều luật này ngầm định rằng một đề nghị giao kết hợp đồng tuy có đầy đủ những điều kiện khác nhưng thiếu điều kiện về giá cả thì sẽ không được xem là một chào hàng hợp lệ7. Vấn đề ở đây là khi một chào hàng như thế (thiếu điều kiện về giá cả) được chấp nhận thì sự chấp nhận đó có làm nên một hợp đồng hay không? Nói cách khác là có sự mâu thuẫn giữa quy định của Điều 14 và Điều 55 hay không? Tùy thuộc vào lập trường của các hệ thống pháp luật khác nhau, vai trò của điều khoản giá cả đối với hiệu lực của hợp đồng được nhìn nhận khác nhau.

Ở những hệ thống pháp luật mà điều kiện về giá cả không bắt buộc đối với hiệu lực của hợp đồng, thì hợp đồng có thể được xem là giao kết hợp lệ dù trong đó các bên không có thỏa thuận nào về giá cả8. Với quan điểm này, quy định tại Điều 55 có chức năng “lấp lỗ hổng”, giúp các bên xác định giá cả để thực hiện hợp đồng trong trường hợp hợp đồng được kết lập không có thỏa thuận về điều này.

Vấn đề chỉ trở nên rắc rối khi câu trả lời đến từ các hệ thống pháp luật xem điều khoản giá cả là một trong những điều khoản bắt buộc đối với hiệu lực của hợp đồng9. Theo quan điểm của các hệ thống pháp luật này, cùng với các điều kiện khác, hợp đồng có những điều khoản cơ bản phải được các bên thỏa thuận thì mới được xem là có hiệu lực pháp luật. Thông thường, điều khoản giá cả là một trong những điều khoản đó. Chào hàng thiếu điều kiện về giá cả, vì thế, sẽ không làm nên một hợp đồng có hiệu lực dù cho người nhận được chào hàng có chấp nhận toàn bộ chào hàng. Các hệ thống pháp luật có cách tiếp cận theo hướng này cho rằng quy định của Điều 55 mâu thuẫn với quy định tại Điều 14 và cần được loại bỏ10.

Điều 14 và Điều 55 thuộc vào số những điều luật gây tranh cãi nhiều nhất trong các phiên họp của ban soạn thảo; và ngay cả đến khi tương quan lực lượng trong hội nghị dẫn đến kết quả là điều luật này được thông qua, vẫn còn những lá phiếu bất đồng11.

Sự khác biệt trong cách hiểu về mối quan hệ giữa các quy định của khoản 1 Điều 14 và Điều 55 Công ước Viên có nguồn gốc sâu xa từ sự khác biệt trong quan điểm của các hệ thống pháp luật khác nhau về vấn đề giao kết hợp đồng12. Cụ thể trong trường hợp này là quy định của pháp luật quốc gia về vai trò của điều kiện giá cả đối với hiệu lực của hợp đồng. Nếu một hợp đồng được xem là kết lập hợp pháp mà không cần có sự hiện diện của điều khoản giá cả, thì sẽ không có mâu thuẫn giữa hai điều luật và ngược lại. Đấy cũng là lời đáp cho câu hỏi: “Một chào hàng thiếu điều kiện về giá cả thì việc chấp nhận chào hàng sẽ không kết lập nên hợp đồng” liệu có được chấp nhận hay không?

Xoay quanh vấn đề mối quan hệ giữa quy định của khoản 1 Điều 14 và quy định của Điều 55 Công ước Viên, quan điểm trong giới nghiên cứu cũng chưa thống nhất. Tựu trung có 2 nhóm quan điểm: nhóm thứ nhất cho rằng có sự mâu thuẫn giữa quy định tại hai điều luật; nhóm thứ hai cho rằng quy định tại Điều 55 không mâu thuẫn, mà có tính bổ sung cho quy định tại khoản 1 Điều 14. Cụ thể, nhóm quan điểm thứ nhất, tiêu biểu là Giáo sư Allan Farnsworth, cho rằng hợp đồng không thể được xem là kết lập có hiệu lực (validly concluded) nếu không dựa trên một chào hàng hợp lệ13. Vì thế việc áp dụng quy định tại Điều 55 tạo ra mâu thuẫn với quy tắc được xác lập tại Điều 14. Nhóm quan điểm thứ hai, tiêu biểu là Giáo sư John O. Honnold, cho rằng theo Điều 55 một hợp đồng có thể có hiệu lực mặc dù không có quy định nào về giá cả, và rằng hai điều luật này không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau14. Theo Giáo sư John O. Honnold, ý định giao kết hợp đồng còn có thể được thể hiện qua nhiều yếu tố khác chứ không chỉ giới hạn trong những những điều kiện thể hiện trong chào hàng. Công ước Viên thông qua các quy định tại Điều 14, khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 18 đã điều chỉnh vấn đề kết lập hợp đồng trên cả hai khả năng: (i) hợp đồng được kết lập thông qua trao đổi chào hàng và chấp nhận chào hàng (Điều 14); (ii) hợp đồng được kết lập thông qua các diễn tiến khó tách biệt giữa chào hàng và chấp nhận chào hàng. Các diễn tiến này thể hiện thông qua hành vi của các bên hoặc các tập quán, các cách thức quen thuộc mà các bên đã thiết lập trong các giao dịch giữa họ. Nối tiếp và bổ sung nhau, các diễn tiến này dần dần phát triển quan hệ hợp đồng giữa các bên. Điều này được điều chỉnh bởi quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 18 của Công ước15.

Cách tiếp cận mang tính chính thức hiện nay là của Ủy ban về luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL), tổ chức đã cho ra đời điều ước này. Theo tóm tắt mang tính hướng dẫn của UNCITRAL, quy định tại Điều 55 được hiểu trong tương quan với Điều 14 (1) như sau:16

Điều 55 Hợp đồng với điều khoản giá cả để ngỏ 55A Giá trị ràng buộc của hợp đồng để ngỏ quy định về giá cả;các quan điểm không thống nhất:

55A1 Điều 14 không chấp nhận giá trị ràng buộc đối với chào hàng không hợp lệ

55A2 khẳng định của mục 55A1 chỉ áp dụng khi sự vắng mặt của quy định về giá cả cho thấy rằng các bên không có ý định giao kết hợp đồng

55A3 Khi các bên có ý định giao kết hợp đồng, Điều 55 bổ sung cho hợp đồng

55A31 Thỏa thuận ngầm định về mức giá thông thường đối với hàng hóa của hợp đồng

55A32 Vấn đề: Nếu không có mức giá nói chung, sử dụng quy định tại Điều 9 (các tập quán, thực tiễn thực hiện hợp đồng đã hình thành giữa các bên)

55A4 thuật ngữ “Validly concluded” trong Điều 55 viện dẫn đến luật quốc gia áp dụng để giải quyết vấn đề hiệu lực của hợp đồng.

Đối chiếu với các quan điểm tiêu biểu trong giới nghiên cứu nêu ở trên, có thể nói quan điểm của John O. Honnold gần hơn với giải thích của UNCITRAL về Điều 55.

Xét về bản chất của quan hệ, yếu tố quyết định để xem một hợp đồng đã được xác lập hay chưa là sự thể hiện ý định giao kết hợp đồng của các bên. Vấn đề đặt ra là bằng cách nào xác định yếu tố đó. Khoản 1 Điều 14 đưa ra các tiêu chí để xác định một chào hàng hợp lệ, lấy đó làm một cơ sở quan trọng để xem xét ý định giao kết hợp đồng của bên đưa ra chào hàng. Nhưng cũng trong Công ước Viên, quy định tại các Điều 8, 9 và khoản 3 Điều 18 còn sử dụng các yếu tố khác để giải thích ý định của các bên tham gia vào giao dịch như: hành vi của các bên trong hợp đồng, các tập quán, thói quen mà các bên đã xác lập giữa họ với nhau. Trên góc độ thực tế, quy định trong các khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 18 mở ra khả năng giải thích linh hoạt hơn và trong nhiều trường hợp các quy định này tỏ ra hữu hiệu trong việc làm rõ thực chất ý định của các bên trong quan hệ. Ngược lại, cách giải thích ý định của các bên thông qua việc dựa trên các tiêu chí trong chào hàng giúp cụ thể hóa khái niệm chào hàng, khiến cho chào hàng trở thành công cụ định lượng cho yếu tố ý định giao kết hợp đồng của các bên. Dung hòa quan điểm của các truyền thống pháp luật khác nhau, Công ước Viên đã kết hợp cả hai cách quy định này. Trong quá trình thực hiện Công ước Viên, cách giải quyết vấn đề mối quan hệ giữa Điều 14 và Điều 55 cũng đã được thể hiện phần nào qua các phán quyết giải quyết tranh chấp của trọng tài và tòa án. Thực tiễn này sẽ được khảo sát trong phần dưới đây.

II. THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 14 VÀ ĐIỀU 55 CỦA CÔNG ƯỚC VIÊN

Trong phần này, chúng tôi phân tích một số tình huống tương đối điển hình, lấy từ thực tiễn của các tòa án và các trung tâm trọng tài áp dụng Công ước Viên giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, giới hạn trong phạm vi các tranh chấp có liên quan đến quy định tại Điều 14 và Điều 55 của Công ước.

Tình huống thứ nhất17:

Nguyên đơn là người bán (Hà Lan), bị đơn là người mua (Thụy Sĩ). Theo hợp đồng, người bán sẽ cung cấp nguyên vật liệu để người mua sản xuất một lượng hàng theo thỏa thuận. Hợp đồng không có thỏa thuận về giá cả. Sau khi sử dụng hết 10% nguyên liệu thì giao dịch không được thực hiện nữa, người mua trả phần nguyên liệu còn lại cho người bán. Người bán khởi kiện đòi thanh toán cho toàn bộ lượng nguyên liệu đã giao.

Kết quả tòa án đã ra phán quyết buộc người mua thực hiện đúng yêu cầu của người bán. Tòa án, áp dụng quy định của khoản 3 Điều 8 Công ước Viên, giải thích ý định giao kết hợp đồng dựa trên hành vi của các bên sau khi giao kết được xác lập. Theo đó, người mua đã yêu cầu người bán gửi hóa đơn tiền hàng mà không đưa ra một sự hạn định nào, mặc dù người mua đã biết rõ là sẽ không sử dụng hết số nguyên liệu đó. Vì các bên không có thỏa thuận về giá cả, tòa án đã sử dụng quy định tại Điều 55 Công ước Viên để đưa ra mức giá buộc người mua thanh toán cho người bán.

Qua vụ việc trên, chúng ta có thể rút ra rằng: mặc dù không có thỏa thuận về giá cả, nhưng dựa trên xử sự của các bên, cơ quan giải quyết tranh chấp có thể giải thích để xác định sự thể hiện của ý định tham gia giao kết hợp đồng và lấy đó làm cơ sở để xác định sự tồn tại của hợp đồng. Trong trường hợp này, Điều 55 sẽ được áp dụng.

Tình huống thứ hai18:

Nguyên đơn là một công ty của Áo (người mua), bị đơn là một công ty của U-crai-na (người bán). Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh do bị đơn U- crai-na từ chối giao hàng. Bị đơn từ chối bồi thường, nại lý do là hợp đồng chưa được kết lập giữa hai bên.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài đã vận dụng các quy định về nội dung của chào hàng, tại khoản 1 Điều 14 Công ước Viên. Bản telex của bị đơn (người bán) trả lời nguyên đơn xác định hàng hóa và số lượng hàng mua bán theo hợp đồng, nhưng không thể hiện giá cả của hàng hóa. Thay vào đó, bản telex có đề nghị: giá cả của hàng hóa theo hợp đồng sẽ được thỏa thuận 10 ngày trước ngày đầu năm mới. Các bên sau đó đã không đạt được thỏa thuận về giá cả. Người bán báo cho người mua là không thể ký kết hợp đồng đối với lượng hàng hóa đã thỏa thuận. Người mua không đồng ý.

Giải quyết vụ việc, trọng tài căn cứ trên bản telex cho rằng khi một bên đưa ra thời điểm để thỏa thuận về giá cả thì điều đó cho thấy cần có những thỏa thuận tiếp tục trong tương lai, hay nói cách khác hai bên vẫn chưa đạt được sự thống nhất về điều kiện này. Trọng tài giải quyết vụ việc này cũng chỉ ra rằng quy định tại Điều 55 của Công ước Viên không thể được áp dụng trong trường hợp này, vì những gì thể hiện trong bản telex cho thấy các bên đã ngầm định về sự cần thiết phải đạt được thỏa thuận về giá cả trong tương lai.

Từ lập luận đó, căn cứ các quy định tại khoản 1 Điều 14, trọng tài cho rằng hợp đồng chưa được kết lập. Vì thế, trọng tài bác yêu cầu của nguyên đơn.

Qua vụ việc này chúng ta nhận thấy rằng không phải bất cứ hợp đồng nào thiếu quy định về giá cả cũng có thể được áp dụng quy định của Điều 55. Tòa án chỉ tính đến việc áp dụng Điều 55 khi có căn cứ để cho rằng các bên đã bỏ qua không thỏa thuận vấn đề giá cả. Trong trường hợp các bên cần thỏa thuận về một điều kiện nhưng vì lý do nào đó mà chưa đạt được thỏa thuận, thì chúng ta không có quyền kết luận là các bên đã ngầm định về một cách giải quyết nào cả. Thỏa thuận là nguyên tắc tối thượng trong hợp đồng19. Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận thì, dù vì bất cứ lý do gì, cũng không thể ràng buộc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đối với các bên được. Sự thỏa thuận rằng sẽ tiếp tục đàm phán về điều kiện giá cả, nếu sau đó các bên không thống nhất được cách giải quyết, là yếu tố loại bỏ việc áp dụng quy định tại Điều 55.

III. MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ ĐỀ XUẤT

1. Nhận xét

Từ các phân tích về khoản 1 Điều 14 và Điều 55, kết hợp thực tiễn áp dụng của hai điều luật này, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

Nhận thức về nội dung của hai điều luật:

Với các quy định tại khoản 1 Điều 14 và Điều 55, một cách tóm tắt, có thể nói rằng theo Điều 14, chào hàng là một trong những cơ sở để xác định ý định giao kết hợp đồng. Một chào hàng chỉ được coi là hợp lệ khi thể hiện được các điều kiện về hàng hóa, số lượng và giá cả. Một chào hàng hợp lệ khi được chấp nhận sẽ kết lập nên hợp đồng. Tuy nhiên, theo Điều 55, yêu cầu nói trên của Điều 14 chỉ áp dụng trong trường hợp sự thiếu thỏa thuận về giá cả cho thấy các bên không có ý định giao kết hợp đồng. Nói cách khác, khi có cơ sở khẳng định các bên đã thực sự có ý định giao kết hợp đồng thì Điều 55 có thể được áp dụng. Khi đó, giá cả được xem là ngầm định giữa các bên được xác định bằng cách viện dẫn đến giá cả được tính vào thời điểm giao kết hợp đồng, áp dụng đối với hàng hóa cùng loại trong điều kiện thương mại tương tự của ngành hàng liên quan. Hiệu lực của hợp đồng được xác định dựa trên quy định của luật quốc gia. Điều này dẫn đến hệ quả là tùy thuộc vào luật quốc gia áp dụng giải quyết vấn đề hiệu lực của hợp đồng, một thỏa thuận mua bán hàng hóa theo Công ước Viên có thể được coi là đã được kết lập và có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, mặc dù trong thỏa thuận đó không có điều kiện về giá cả.

Hướng tiếp cận của cơ quan giải quyết tranh chấp:

Nghiên cứu các vụ việc trên, người viết đồng tình với quan điểm của Giáo sư Gabuardi về cách tiếp cận của tòa án và trọng tài: “Trong khi không lên tiếng trong cuộc tranh luận của giới học thuật, tòa án đã tiếp cận vấn đề điều khoản giá cả để ngỏ (open-price terms) theo hướng: Điều 14 và Điều 55 giải quyết các vấn đề khác nhau. Điều 14 giải quyết vấn đề điều khoản giá cả để mở vào thời điểm kết lập hợp đồng, trong khi Điều 55 giải quyết vấn đề này khi các bên đã đi vào thực hiện”20.

Các trường hợp áp dụng quy định tại Điều 55:

Khi có căn cứ cho thấy các bên thực sự có ý định ràng buộc khi giao kết hợp đồng nhưng đã bỏ qua không đưa điều kiện giá cả vào trong thỏa thuận giữa họ thì lúc đó Điều 55 có thể sẽ được áp dụng. Về nguyên tắc, việc áp dụng Điều 55 đòi hỏi đáp ứng đồng thời hai điều kiện: (a) Hợp đồng có hiệu lực và (b) Trong hợp đồng không có thỏa thuận về giá cả.

Các trường hợp không áp dụng quy định tại Điều 55: Về nguyên tắc, Điều 55 sẽ không được áp dụng khi hợp đồng rơi vào một trong các khả năng:

– Hợp đồng bị xem là chưa được kết lập: Trường hợp sự thiếu vắng của điều kiện giá cả cho thấy có ít nhất một bên không có ý định giao kết hợp đồng. Điều kiện giá cả không phải là đã được bỏ qua mà chỉ là chưa thống nhất được.

– Đã có phương thức xác định giá cả: Đây là trường hợp các bên trong hợp đồng đã thiết lập như một tiền lệ, một thói quen giữa họ về cách xác định giá cả. Mặc dù trong hợp đồng không có quy định về giá cả, nhưng thông qua các giao dịch trước đó các bên đã hình thành một thực tiễn thực hiện điều kiện này. Vì thế, có thể xem rằng các bên đã ngầm định áp dụng giá cả theo cách được xác định trong các giao dịch trước đó21. Có thể nói đây là biểu hiện của trường hợp “có chỉ dẫn ngược lại” trong quy định của Điều 55 Công ước.

– Hợp đồng vô hiệu: Trường hợp này hợp đồng không có thỏa thuận về giá cả và điều đó khiến hợp đồng bị xem là vô hiệu theo quy định của luật quốc gia được viện dẫn để điều chỉnh vấn đề hiệu lực của hợp đồng.

2. Một số đề xuất

Như đã phân tích ở phần trên, trong buôn bán quốc tế vẫn xảy ra những tranh chấp mà nguyên nhân là do nhận thức không đúng về quy định tại các Điều 14 và 55 của Công ước Viên. Ngày nay, khi tỷ lệ hàng hóa được sản xuất theo tiêu chuẩn ngày càng tăng, trong bối cảnh thị trường mở rộng và thông tin thông suốt trên phạm vi quốc tế, người ta ngày càng có xu hướng dựa vào các bản báo giá (price-list) của các công ty. Mặt khác, các tiện ích của phương tiện truyền thông hiện đại cũng hướng đến hỗ trợ cho việc đặt hàng không qua thỏa thuận về giá22. Tất cả những diễn biến này cho thấy rằng khả năng các bên tham gia vào giao dịch mua bán mà không thỏa thuận về điều kiện giá cả là hoàn toàn có thể xảy ra. Những tranh chấp phát sinh trong hoàn cảnh này có thể buộc các bên phải trở lại với các quy định tại Điều 55 và Điều 14 của Công ước. Một số khuyến nghị sau đây có thể là bổ ích đối với doanh nghiệp:

Đưa điều kiện giá cả vào thỏa thuận hợp đồng: Các bên nên dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng thương vụ mà xây dựng thỏa thuận phù hợp về điều kiện giá cả. Ở mức đơn giản nhất cũng nên có quy định về cách thức xác định giá cả. Để tránh các tranh chấp có thể phát sinh từ việc bỏ qua điều khoản giá cả, tổ chức Phát triển luật quốc tế đã đưa ra điều khoản mẫu giúp các bên nhanh chóng đưa thỏa thuận về vấn đề này vào hợp đồng.

Theo đó, điều khoản này có thể rất đơn giản như sau: “Giá của hàng hóa mua bán là giá thị trường tại thời gian và địa điểm giao hàng (hoặc gửi hàng)”23. Một quy định ngắn gọn như vậy đã có thể giúp giải quyết được nhiều vấn đề. Vừa có cách thức xác định giá, vừa đáp ứng yêu cầu về sự linh hoạt theo diễn biến thị trường, hạn chế thiệt thòi quá mức cho một bên khi thị trường biến động đột ngột và như thế giúp hạn chế khả năng phát sinh tranh chấp.

Liên lạc, trao đổi để khẳng định các điều kiện của giao dịch: trong trường hợp nghi ngờ có sự chưa rõ ràng trong ý định của người chào hàng thì nên trao đổi để làm rõ. Một cuộc điện thoại hay vài bức fax có thể giúp giải quyết nhanh chóng vấn đề này, tránh được những rủi ro tiềm tàng do hiểu lầm hoặc sự mập mờ trong các cam kết.

Nhận thức rõ quy định của Công ước Viên về chào hàng có nhiều điểm khác so với quy định pháp luật trong nước: điều kiện của chào hàng đơn giản hơn, hợp đồng có thể được kết lập có hiệu lực mà không nhất thiết phải có điều khoản về giá cả. Đây là điều khác với quy định hiện hành trong pháp luật của ta. Trong thực tế, nhận thức này có ý nghĩa khi hợp đồng được điều chỉnh bởi Công ước Viên24.

Ở khía cạnh lập pháp, cũng cần cân nhắc khả năng của hệ thống pháp luật khi quyết định mức độ tham gia vào Công ước Viên: Điều 92 của Công ước Viên cho phép các nước giới hạn mức độ tham gia Công ước, có thể là toàn bộ hoặc từng phần. Từ các phân tích trên, có thể nói nếu Việt Nam chọn tham gia toàn phần đối với Công ước Viên thì chắc chắn phải có những điều chỉnh trong quy định pháp luật về hợp đồng, trong đó có quy định về nội dung của chào hàng, các quy định điều chỉnh mối liên hệ giữa các điều kiện trong chào hàng với vấn đề hiệu lực của hợp đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 Tạm dịch từ bản tiếng Anh của Công ước Viên.

•2 Tất nhiên chào hàng có thể và thường không thể hiện tất cả các điều kiện của giao dịch. Nhiều điều kiện của giao dịch sẽ được giải thích bởi luật áp dụng. Pháp luật có thể ràng buộc các bên thỏa thuận một số điều khoản nhất định.

•3 Xem chú thích số 2.

4 Vấn đề hiệu lực của hợp đồng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Viên (Điều 4, điểm a). Theo quy định tại Điều 7(2) của Công ước, vấn đề này sẽ được điều chỉnh bởi luật quốc gia theo dẫn chiếu của các quy phạm chọn luật trong tư pháp quốc tế.

5 Xem Ronald A. Brand, Fundamentals of Interna-tional Business Transactions, Kluwer Law Interna-tional,

(2000), p.134. Xem G. Eorsi trong bi Open-price Contracts, FARNSWORTH, in BIANCA-BONELL, COMMENTARY ON THE INTERNA-TIONAL SALES LAW, pp. 406-407.

6 Điều khoản giá cả (trong chào hàng và sau đó là trong hợp đồng) theo quan điểm này không nhất thiết là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Nội dung của chào hàng chỉ được xem là một trong các yếu tố thể hiện ý định giao kết hợp đồng.

7 Thuật ngữ “chào hàng hợp lệ” ở đây được dịch từ thuật ngữ “sufficiently definite”, dùng để chỉ một chào hàng mà về nội dung thể hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 14(1) (hàng hóa, giá cả và số lượng).

8 Xem các ý kiến của các đại biểu Feltham (Vương quốc Anh), của Vindding Kruse (Đan Mạch), của Sevon (Phần Lan) tại hội nghị thông qua Công ước. John O. Honnold, Documentary History of the Uniform Law for International Sales, Kluwer Law and Taxation Publishers, p.584.

9 Ví dụ quy định của pháp luật các nước châu Âu lục địa như Áo, Bỉ, Hà Lan, Pháp cũng như của CH XHCN Xô-viết trước đây đều theo hướng này. Xem Petar Sarcevic and Paul Volken (Editors), International Sale of Goods-Dubrovnik Lectures, Oceana Publications, Inc. (1986), p.208. Với Việt Nam, theo quy định pháp luật hiện hành (2004), giácả cũng là điều khoản bắt buộc phải có đối với hiệu lực của hợp đồng (Điều 401 Bộ luật dân sự 1995, Điều 50 Luật thương mại 1997).

10 Xem ý kiến của các đại biểu Minami (Nhật Bản), Andruyushin (Cộng hòa Blat-xia). John O. Honnold. Sđd. tại chú thích số (9), tr.584.

11 Điều 55 (trong Dự thảo lúc đó là Điều 51) đã được thông qua với 40 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 5 phiếu trắng. Xem John Honnold, Sđd. ở chú thích số 9, tr.746.

12 Ngoài ra còn có nguyên nhân từ quy trình soạn thảo. Hai điều luật này nếu nằm trong hai văn bản độc lập thì khó có thể bị xem là mâu thuẫn. Công ước Viên hình thành từ hai dự thảo riêng biệt là Kết lập hợp đồng (Formation Draft) và Mua bán hàng hóa (Sales Draft). Các dự thảo được soạn thảo tách biệt, và quyết định kết hợp hai dự thảo vào một điều ước chỉ được đưa ra khi việc soạn thảo đã tương đối hoàn tất, thông qua phiên họp thứ 11 của Ủy ban soạn thảo. Quy định tại Điều 14 và 55 vốn thuộc về hai dự thảo tách biệt đó. Xem Yearbook, IX (1978), p.13.

13 Xem chú thích số 8.

14 Theo Paul Amato, U.N. CISG- The Open Price Term and Uniform Application: An Early Interpretation by the Hungarian Courts, 13 Journal of Law and Commerce, p.10, (1993).

15 Xem John O. Honnold, Uniform Law for International Sales under the 1980 United Nations Convention, 2nd Edition, Kluwer Law and Taxation Publishers, p.192, p.193.

16 Xem UNCITRAL Outline of the CISG [The UNCITRAL Thesaurus] (A/CN.9/SER.C/GUIDE/1 English 12 September 1995). Tạm dịch từ bản tiếng Anh: Article 55. Open-price contracts: 55A Enforceability of agreements that do not make provision for the price; conflicting views: (55A1) Article 14 denies enforcement for lack of definiteness; (55A2) Article 14 denies enforcement only when lack of provision for price indicates that parties do not intend to be bound; (55A3) When parties intend to be bound, Article 55 upholds the agreement;

(55A31) Implied agreement on price generally charged for such goods (55A312) Problem: No general price; see art. 9 (practices and usages); (55A4) “Validly concluded” in article 55 refers to applicable domestic law outlawing such agreements.

17 Case số 215. Như trên.

18 Case số 139. Như trên.

19 Nguyên tắc này cũng chi phối vấn đề hiệu lực của hợp đồng. Nếu chứng minh được các quy định trong hợp đồng được hình thành không phải qua tự nguyện tự do thỏa thuận, thì hợp đồng sẽ không có hiệu lực pháp lý.

20 Xem Carlos A. Gabuardi, Open Price Term in the CISG, the UCC and Mecican Commercial Law. DistritoB-6 No. 571, Col. Leones, Monterrey, N.L. MEXICO. (2001).

21 Xem Điều 9 Công ước Viên. Trường hợp này là một ví dụ về thỏa thuận ngầm định về giá cả, được giải quyết theo Điều 14 và các điều khác có liên quan, mà không phải là Điều 55.

22 Xem Xem G. Eorsi, chú thích số 6, Sđd. tr.405.

23 International Development Law Organization, Development Lawyers Course DLC 20E- International Sale of Goods, (April 14-15, 2003), email: waltla@aol.com, Suggested Contractual Provisions/Forms Related to

Certain Articles Of CISG.

24 Tất nhiên, trên cơ sở của quy định tại Điều 6 Công ước Viên, các bên trong hợp đồng có quyền có những thỏa thuận khác với quy định của Công ước.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 6/2004

One Response

  1. cho em hoi. xay dung dieu khoan gia ca trong hop dong xuat khau cua thuong nhan viet nam co nhung dieu khoan gi?mong moi nguoi giup em co cau tra loi som nhat.em xin cam on

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading