LP
Pháp là một nước có nền dân chủ lâu đời, một nền kinh tế thị trường phát triển, một nền pháp chế hoàn thiện. Số luật sư ở Pháp rất đông, riêng đoàn Luật sư Paris có trên 1, 5 vạn người, Đoàn nhỏ cũng có khoảng vài trăm luật sư. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, việc đào tạo nghề nghiệp cho luật sư rất được chú trọng và được tổ chức chặt chẽ.
Trước tiên, luật sư được đào tạo ở Trung tâm đào tạo luật sư. Sau khi tốt nghiệp, Trung tâm vẫn giám sát việc tập sự của luật sư và đào tạo thường xuyên về nghề nghiệp cho luật sư. Người muốn vào nghề luật sư phải có bằng Đại học luật hoặc tương đương và trải qua một kỳ thi tuyển. Thời gian học là 1 năm. Một số người có thể được miễn học tập ở Trung tâm như Giáo sư luật, Tiến sỹ luật, người đã có nhiều năm làm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Công chứng viên do pháp luật quy định. Các học viên được đào tạo về lý luận và thực tiễn hành nghề luật sư. Chương trình học do Uỷ ban quản lý Trung tâm khu vực quy định với sự nhất trí của Hội đồng quốc gia luật sư và báo cáo với Bộ Tư pháp. Nội dung chương trình chủ yếu là nghiên cứu điều lệ và đạo đức luật sư, thảo các văn bản, bào chữa trước toà, thực hành các thủ tục tố tụng, quản lý một văn phòng luật sư, học một ngoại ngữ. Người tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ khả năng hành nghề luật sư.
Để trở thành một luật sư thực thụ, người đã có chứng chỉ khả năng hành nghề luật sư phải gia nhập một Đoàn luật sư, tuyên thệ trước Toà án phúc thẩm và phải ghi tên vào danh sách những người tập sự thuộc Trung tâm khu vực đào tạo nghề nghiệp, thời gian tập sự là 2 năm. Trung tâm khu vực quy định những yêu cầu của luật sư tập sự, những việc phải giao cho học viên và giám sát thực hiện. Trung tâm lập danh sách những luật sư hướng dẫn, luật sư được giao nhiệm vụ không được từ chối. Các luật sư tập sự bên cạnh một luật sư, một người chuyên nghề nghiệp pháp lý, một chuyên gia kinh tế trong cơ quan pháp chế có từ 3 luật gia trở lên hoặc có thể tập sự ở một cơ quan công quyền. Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm khu vực đào tạo nghề nghiệp luật sư còn tổ chức bồi dưỡng cho luật sư về các đề tài pháp lý mới hoặc về thực tiễn.
Ở nước ta, sau khi được đào tạo ở Học viện Tư pháp, người được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư được tham gia tập sự ở các Đoàn luật sư hoặc Văn phòng luật sư. Để nghề luật sư phát triển và thực sự phát huy được ý nghĩa tốt đẹp của nó thì không những cần tăng cường về số lượng mà còn phải quan tâm đến vấn đề chất lượng luật sư. Hiện nay, việc xây dựng một ngôi nhà chung cho Đoàn Luật sư toàn quốc ở Việt Nam là cần thiết để vừa phát huy sức mạnh nội lực đồng thời có thể tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức luật sư nước ngoài về đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp cho luật sư.
SOURCE: HAIPHONG.GOV.VN
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 4. Tranh tụng và luật sư, 8. Tố tụng nước ngoài |
đào tạo luật nói chung ạ, k phải mỗi nghề luật sư
ai Biết gì về đào tạo luật ở pháp thì nói mình Biết với