TƯỞNG DUY LƯỢNG & NGUYỄN VĂN CƯỜNG – Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao
I. CHỦ THỂ THAM GIA TRANH TỤNG TRONG CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ
1. Nhận thức về tranh tụng mở rộng tại Tòa án:
Theo từ điển Hán Việt thì tranh tụng có nghĩa là “cái lẽ, cãi nhau để tranh lấy phần phải”. Như vậy, từ điển Hán Việt chỉ giải thích theo ngữ nghĩa của từ tranh chấp, chứ không phải “tranh” theo một trình tự tố tụng.
Còn theo từ điển tiếng Việt thì tranh tụng là việc “yêu cầu xét xử việc người khác đã làm thiệt hại đến mình”. Do đó, tranh tụng chỉ đặt ra khi cá nhân, cơ quan, tồ chức cho rằng quyền lợi của họ hay của người khác bị xâm phạm và yêu cầu Tòa án giải quyết nhằm bảo vệ cho họ. Yêu cầu này được Tòa án chấp nhận giải quyết theo trình tự tố tụng pháp luật quy định, khi việc đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, tranh tụng trong tố tụng dân sự diễn ra từ khi bắt đầu khởi kiện, Viện kiểm sát khởi tố vì lợi ích chung cho đến kết thúc giai đoạn tranh luận tại phiên tòa.
Các đương sự tham gia vào các giai đoạn này luôn đưa ra yêu cầu Tòa án xét xử theo hướng có lợi cho mình và đồng thời đưa ra lý lẽ để biện minh cho yêu cầu của mình đặt
ra là đúng pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay có quan điểm cho rằng tố tụng của Việt Nam là
tố tụng xét hỏi, do đó tranh tụng chỉ có trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa. Bởi lẽ, từ khi thụ lý đến khi mở phiên tòa các thẩm phán phải trực tiếp điều tra, thu thập chứng cứ,
có nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp, có căn cứ về yêu cầu của các bên. Thực tế cho thấy, trước giai đoạn tranh luận, không có việc các bên đương sự đối đáp, tranh tụng trực tiếp với nhau, chỉ đến giai đoạn tranh luận thì mới xuất hiện sự tranh tụng, còn điều tra, xét hỏi tại phiên tòa thực chất là quá trình Tòa án tìm ra sự thật vụ án, chưa xuất hiện tranh tụng trong các giai đoạn này. Chúng tôi cho rằng cách hiểu về tranh tụng trong quan điểm này, chỉ coi sự đối đáp trực tiếp mới là tranh tụng sẽ không đầy đủ. Có lẽ cách hiểu đúng về thuật ngữ tranh tụng phải bao gồm cả đối đáp trực tiếp và cả sự “đối đáp” gián
tiếp. Trong đó một yếu tố không thể thiếu để có được sự tranh tụng thực sự đó là việc các bên đương sự phải cung cấp chứng cứ, thông tin cho nhau, qua đó, các bên đưa ra lập luận, lý lẽ, chứng cứ được thể hiện bằng văn bản nhằm bác bỏ quan điểm phía bên kia.
Do đó, dù Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự còn nhiều hạn chế nhưng các quy định của Pháp lệnh đã phần nào thể hiện sự kết hợp giữa tố tụng xét hỏi và tố tụng tranh tụng, còn dự thảo 12 Bộ luật tố tụng dân sự đã thể hiện một cách rõ nét sự kết hợp giữa tố tụng xét hỏi và tố tụng tranh tụng, vai trò của các bên đương sự trong tố tụng đã được đề cao rất nhiều, nó thể hiện ngay trong trách nhiệm của các bên đương sự trong quá trình tố tụng.
2. Chủ thể tham gia tranh tụng trong tố tụng dân sự:
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì chủ thể tham gia tranh tụng trong tố tụng dân sự, bao gồm:
– Đương sự trong vụ án dân sự có thể là cá nhân, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được Viện kiểm sát khởi tố
vụ án dân sự hoặc cá nhân, tổ chức khác có thẩm quyền do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện, người bị Viện kiểm sát khởi tố vụ án dân sự hoặc cá nhân, tổ chức khác có thẩm quyền do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa
vụ của họ.
– Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được Tòa án chấp nhận để tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Những người sau đây có thể được chấp nhận làm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự: Luật sư không bị cấm thực hiện dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư; Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa bị kết án hoặc đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không phải là cán bộ, công chức trong ngành Tòa án, ngành Kiểm sát, ngành Công an; Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều đương sự trong cùng một vụ án, nếu quyền, lợi ích hợp pháp của những người đó không đối lập nhau.
– Các cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi chức năng của mình có quyền khởi kiện hoặc đề nghị Viện kiểm sát xem xét việc khởi tố vụ án trong những trường hợp theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
– Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động.
– Viện kiểm sát nhân dân có quyền khởi tố vụ án trong những trường hợp theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình và đối với những vi phạm pháp luật liên quan đến quyền,
lợi ích hợp pháp của người lao động là người chưa thành niên, người tàn tật và các vi phạm pháp luật lao động nghiêm trọng khác.
– Người đại diện.
Người đại diện theo pháp luật được quy định trong Bộ luật dân sự là đại diện đương nhiên trong tố tụng dân sự, như: đại diện cho đương sự là người bị hạn chế năng lực hành
vi dân sự hoặc đại diện cho cơ quan, tổ chức… Tuy nhiên, các trường hợp sau đây sẽ bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự: nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ án với người đại diện mà quyền, lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền,
lợi ích hợp pháp của người được đại diện; nếu họ đang là đại diện đương nhiên trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác, mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án; cán bộ, công chức trong ngành Tòa án, ngành Kiểm sát, ngành Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.
Cá nhân, tổ chức khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện đương nhiên trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
Đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự phải tuân theo quy định của Bộ luật dân sự.
Thực tiễn tùy từng vụ án mà các đối tượng có thể tham gia tranh tụng do pháp luật tố tụng dân sự quy định. Họ cũng có thể tham gia từ khi thụ lý vụ án, nhưng cũng có thể tham gia vào những giai đoạn tố tụng khác nhau. Khi tham gia tranh tụng thực hiện quyền, nghĩa vụ được quy định trong tố tụng dân sự.
3. Sự khác nhau giữa tranh tụng trong tố tụng dân sự và tranh tụng trong tố tụng hình sự:
Tranh tụng trong tố tụng hình sự chỉ diễn ra trong các phiên tòa mà phần tranh tụng chủ yếu là ở phần tranh luận; tại đây giữa các bên đã đối đáp nhau một cách trực tiếp. Chủ thể tranh tụng trong tố tụng hình sự bao gồm: Viện kiểm sát và người bị hại, nguyên đơn dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại, đại diện cho bị hại, nguyên đơn dân sự…, luật
sư của các bên và bị cáo.
Như vậy, trong tranh luận sẽ hình thành 2 tuyến chủ thể chủ yếu, đó là người buộc tội, còn một bên là người gỡ tội. Mặc dù bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, nhưng bị cáo và những người thuộc tuyến chủ thể này có quyền chứng minh sự vô tội của mình, họ đưa ra các căn cứ, lý lẽ, lập luận bác bỏ sự buộc tội của phía bên kia. Về nguyên tắc thì các bên đều bình đẳng với nhau trong quá trình tranh tụng. Nhưng thực tế bên bị buộc tội khó có thể có được sự bình đẳng thực sự trong tranh tụng, vì chính họ có thể bị thiếu những điều kiện, phương tiện và khả năng để thực hiện được sự bình đẳng trong tranh tụng. Tranh tụng trong tố tụng hình sự chỉ diễn ra tại phiên tòa, còn tranh tụng tố tụng trong dân sự diễn ra kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án và giữa các bên trong quá trình tranh tụng hoàn toàn bình đẳng. Trong tố tụng hình sự thì Viện kiểm sát là cơ quan đại diện quyền lực cho nhà nước, luôn luôn là một chủ thể phải tham gia tranh tụng với tư cách là người buộc tội, còn trong dân sự Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức xã hội chỉ tham gia tranh tụng khi họ là người khởi kiện hoặc khởi tố vụ án. Đây có thể là những dấu hiệu
cơ bản để phân biệt tranh tụng trong tố tụng hình sự với tranh tụng trong tố tụng dân sự.
II. VAI TRÒ CỦA THẨM PHÁN TRONG TRANH TỤNG TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
Tranh tụng là một hoạt động quan trọng trong tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng. Nó chỉ diễn ra trong hoạt động tư pháp. Tranh tụng trong tố tụng dân sự chính là hoạt động của chủ thể trong quá trình chứng minh về tính hợp pháp và có căn cứ của các yêu cầu mà họ đặt ra hoặc chứng minh về tính bất hợp pháp, thiếu căn cứ về các yêu cầu mà phía đương sự bên kia đưa ra. Trong quá trình tranh tụng các bên đương sự sẽ đưa ra các chứng cứ, lý lẽ, những lập luận nhằm bảo vệ quan điểm của mình và bác bỏ quan điểm của đối phương. Do đó, tất cả các hoạt động như trình bày các yêu cầu của mình trong đơn, các bản tự khai trong đó đưa ra các lý lẽ, chứng cứ, lập luận, yêu cầu, phản yêu cầu, cung cấp chứng cứ, bằng chứng hoặc sự đối chất qua các bên, quá trình trao đổi
tài liệu chứng cứ cho nhau diễn ra trước khi mở phiên tòa, chính là quá trình các đương
sự thực hiện sự tranh tụng. Trong suốt quá trình tố tụng đó, vai trò của thẩm phán là rất quan trọng, thậm chí có thể cho rằng họ có vai trò gần như quyết định đến chất lượng trong quá trình tranh tụng. Mặc dù thẩm phán không trực tiếp tham gia với tư cách là một chủ thể, hay là một bên trong quá trình tranh tụng nhưng với tư cách là người đại diện cho nhà nước, thực thi công lý, họ có vai trò là người trọng tài, là người hướng dẫn cho các bên đương sự trong việc thực hiện quyền tranh tụng đúng pháp luật.
Nếu việc tranh tụng đó diễn ra tại phiên tòa thì vai trò của thẩm phán được thể hiện một cách rõ nét đầy đủ nhất. Bởi vì cũng chính tại phiên tòa là nơi sẽ diễn ra đỉnh điểm của sự tranh tụng, nó hàm chứa đầy đủ các dấu hiệu, đặc điểm của việc tranh tụng và cũng tại giai đoạn này vai trò của thẩm phán trong tranh tụng cũng được thể hiện một
cách nổi bật, thẩm phán là người điều khiển, dẫn dắt việc tranh tụng để việc tranh tụng diễn ra một cách có trật tự, đi đúng trọng tâm vào những vấn đề mấu chốt, những điểm còn mâu thuẫn, cần làm rõ của vụ kiện.
Thông qua kết quả tranh tụng, thẩm phán đánh giá nội dung thực chất của vụ án, các chứng cứ, các lý lẽ, lập luận của mỗi bên, trên cơ sở đó căn cứ vào quy định của pháp luật để ra quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn tố tụng thì thẩm phán lại có vai trò khác nhau:
1. Giai đoạn khởi kiện, khởi tố và thụ lý, điều tra vụ án:
Thẩm phán kiểm tra đơn khởi kiện, quyết định khởi tố có đủ điều kiện thụ lý hay không. Chỉ có các trường hợp sau đây thì đơn khởi kiện, khởi tố sẽ không được thụ lý:
– Thời hiệu khởi kiện đã hết;
– Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
– Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ các vụ án ly hôn mà Tòa án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc các vụ kiện đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho ở nhờ, mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện;
– Hết thời hạn được thông báo mà người khởi kiện không đến Tòa án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
– Chưa có đủ điều kiện khởi kiện, khởi tố;
– Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Còn trong trường hợp khác thẩm phán phải thụ lý, nếu trong trường hợp đơn khởi kiện, khởi tố không đúng quy định của pháp luật thì yêu cầu người khởi kiện, khởi tố sửa đổi,
bổ sung đơn khởi kiện, quyết định khởi tố.
Sau khi thụ lý, thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa phải thông báo về việc thụ lý vụ án cho các nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và yêu cầu đương sự nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và đồng thời yêu cầu họ đưa ta các chứng cứ, lý lẽ chứng minh cho yêu cầu của mình đưa ra là chính đáng và ngược lại đối với bên bị yêu cầu, nếu họ không chấp nhận yêu cầu của phía bên kia thì cũng phải đưa ra chứng cứ, lý lẽ để bác bỏ yêu cầu của phía bên kia. Vấn đề này thể hiện thông qua đơn khiếu nại, giải trình, lấy lời khai đương sự, đối chất các chứng cứ tài liệu
do các bên xuất trình…
Trong quá trình tranh tụng các đương sự có thể yêu cầu hoặc Tòa án thấy cần thiết có thể yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp tài liệu là giấy tờ, ảnh, băng, đĩa ghi âm, ghi hình hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án; trưng cầu giám định; quyết định,
định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; ủy thác việc thu thập chứng cứ, sắp tới khi Bộ luật tố tụng dân sự thông qua, với yêu cầu nâng cao vai trò nghĩa vụ chứng minh của đương sự, để các bên có được thông tin khi thực hiện việc tranh tụng thì thẩm phán phải yêu cầu các bên đương sự cung cấp chứng cứ của mình cho phía bên kia. Vì vậy, nếu thiếu vai trò tích cực của thẩm phán thì vấn đề tranh tụng của các đương sự không được thực hiện một cách triệt để. Đây là giai đoạn tranh tụng thể hiện bằng các hành vi pháp
lý, thông qua các hình thức văn bản là chủ yếu nhằm chuẩn bị cho tranh tụng có sự đối đáp trực tiếp tại phiên tòa.
2. Vai trò của thẩm phán đối với vấn đề tranh tụng trong phiên tòa:
* Về thủ tục xét hỏi
– Bắt đầu vào thủ tục xét hỏi, Hội đồng xét xử lần lượt nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của họ… Nếu tổ chức xã hội hoặc Viện kiểm sát… là người khởi tố thì Viện kiểm sát, tổ chức khởi kiện được trình bày và phát biểu trước. Người trình bày có quyền nêu rõ nội dung sự việc và yêu cầu, đồng thời xuất trình các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình.
– Sau khi nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ kiện, hội đồng xét xử yêu cầu người làm chứng nói rõ những việc liên quan đến việc tranh chấp mà họ biết.
+ Trước khi nghe lời trình bày của người làm chứng, Chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu người làm chứng tuyên thệ trước Tòa là chỉ nói đúng sự thật.
+ Nếu người làm chứng là người chưa thành niên thì Chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu, người giám hộ giúp đỡ để hỏi.
– Hội đồng xét xử tiến hành xem xét các vật chứng và hướng dẫn cho đại diện Viện kiểm sát, đại diện của tổ chức, các đương sự, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự xem xét các vật chứng tại phiên tòa.
Nếu vật chứng không đưa đến phiên tòa được, khi cần thiết Hội đồng xét xử có thể cùng với Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng đến xem xét tại chỗ.
– Chủ tọa phiên tòa công bố bản kết luận giám định, nếu người giám định vắng mặt hoặc mời người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định. Người giám định có quyền giải thích bổ sung trên cơ sở kết luận giám định tại phiên tòa.
– Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát lần lượt đặt câu hỏi đối với từng vấn đề đang
có tranh chấp, câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng, người được hỏi phải trả lời ngắn gọn và đúng vấn đề được hỏi và yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết của vụ kiện mà người đó đã biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.
– Nếu thấy cần thiết, Chủ tọa phiên tòa có thể cho đối chất ngay tại phiên tòa giữa những người đã trình bày về những điểm có mâu thuẫn.
– Những người tham gia tố tụng khác có quyền đề xuất với Hội đồng xét xử những vấn
đề cần được hỏi thêm hoặc yêu cầu thu thập thêm chứng cứ. Hội đồng xét xử xem xét yêu cầu đó và căn cứ vào tình tiết vụ án đề quyết định.
Hội đồng xét xử phải tạo điều kiện cho nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa
vụ liên quan đến vụ án, luật sư… thực hiện đặt câu hỏi với phía bên kia, đối với người làm chứng, giám định và những người tham gia tố tụng khác về các tình tiết liên quan đến vụ án.
+ Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, cung cấp thêm chứng cứ hoặc xác minh tính hợp pháp của chứng cứ, nếu thấy việc đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết đúng đắn vụ kiện.
+ Trường hợp chấp nhận yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, cung cấp thêm vật chứng, nếu không thực hiện được ngay, thì có thể phải dừng phiên tòa.
Trong quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử mà đặc biệt vai trò của thẩm phán chủ tọa là người chủ trì, điều khiển đảm bảo phiên tòa diễn ra một cách trật tự. Hội đồng xét xử phải khách quan tập trung lắng nghe lời khai của các bên, của các nhân chứng… lời phát biểu của luật sư, của các đương sự và những người tham gia tố tụng khác.
* Thủ tục tranh luận tại phiên tòa.
– Sau khi kết thúc việc xét hỏi, nếu không phải hoãn phiên tòa hoặc tạm đình chỉ việc xét xử thì Chủ tọa phiên tòa tuyên bố chuyển sang phần tranh luận.
– Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bảo vệ quyền, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những người đó lần lượt lập luận về các tình tiết của vụ kiện, về kết luận giám định, đưa ra các căn cứ pháp lý và đề xuất hướng giải quyết vụ kiện. Nếu Viện kiểm sát khởi tố vụ kiện hoặc cá nhân, tổ chức khởi kiện lợi ích của người khác thì Kiểm sát viên, cá nhân hoặc đại diện của tổ chức đó trình bày ý kiến của mình đầu tiên.
– Trong trường hợp đương sự có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa, trình bày
ý kiến trước thì người đại diện hợp pháp có quyền bổ sung hoặc nếu người đại diện hợp pháp trình bày ý kiến trước thì đương sự được quyền trình bày ý kiến bổ sung.
– Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác nhưng thông thường họ chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Tuy nhiên, đối với tình tiết hoặc chứng cứ quan trọng có ý nghĩa quyết định nội dung tranh chấp, Chủ tọa phiên tòa có thể để các bên tranh luận thêm. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ kiện.
– Chủ tọa phiên tòa là người điều khiển việc tranh luận, để việc tranh luận có chất lượng thì chủ tọa phải xác định những vấn đề mà các bên cần tranh luận với nhau, hướng việc tranh luận vào trọng tâm, vào những điều cần phải làm rõ để xác định sự thật, xác định được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
– Nếu qua tranh luận thấy việc điều tra vụ án chưa toàn diện thì có thể dừng phiên tòa
để điều tra bổ sung, nếu cần thấy phải xem xét thêm vật chứng, xét hỏi thêm thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại giai đoạn xét hỏi và sau đó lại tiếp tục tranh luận.
Tóm lại, quy trình tranh tụng như trên cho thấy thẩm phán có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc mở rộng tranh tụng, nếu không có thẩm phán tham gia thì không thể có tranh tụng như luật quy định. Đối với các đương sự họ là nhân vật trọng tâm, là chủ thể chính của việc tranh tụng còn thẩm phán giữ vai trò là người tổ chức, điều khiển, dẫn dắt việc tranh tụng theo đúng quy định của pháp luật và là người trọng tài để đưa ra phán quyết trên cơ sở các chứng cứ, các quy định của pháp luật mà các đương sự đã chứng minh là đúng đắn trong quá trình tranh tụng.
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC PHÁP LÝ SỐ 2 /2004
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 4. Tranh tụng và luật sư, Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng |
Leave a Reply