I. Căn cứ pháp lý
1. Tên và số của văn bản: Thông tư số số 04/2007/TT-BTP ngày 17/5/2007 của Bộ Tư pháp.
2. Thời điểm có hiệu lực: Từ ngày 15/7/2007 (Thông tư được đăng Công báo ngày 30/6/2007).
3. Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 09/2005/TT-BTP ngày 06 tháng 12 năm 2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng cho thuê tài chính và việc quản lý nhà nước về đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính.
II. Tóm tắt nội dung chủ yếu
1. Mục đích ban hành Thông tư
– Hướng dẫn Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Cụ thể là tại Điều 13 và Điều 22 của Nghị định có quy định thứ tự ưu tiên giữa bên nhận bảo đảm với bên bán tài sản trả chậm, trả dần, bên thuê tài sản hoặc bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ đối với tài sản mua trả chậm, trả dần, tài sản thuê hoặc quyền đòi nợ được chuyển giao căn cứ vào thời điểm đăng ký các hợp đồng nêu trên.
– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu hoặc người được bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ.
– Công khai hoá thông tin về tình trạng pháp lý của động sản (đối tượng không thuộc diện đăng ký quyền sở hữu) nhằm giúp các chủ nợ trong tương lai tìm hiểu thông tin về tài sản mà bên bảo đảm đang chiếm hữu, sử dụng trước khi xác lập, thực hiện các giao dịch bảo đảm. Mọi tổ chức, cá nhân khác cũng có thể tìm hiểu từ nguồn thông tin này trước khi xác lập các hợp đồng, giao dịch dân sự liên quan đến tài sản là động sản.
2. Phạm vi, đối tượng áp dụng
– Việc đăng ký theo quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với các bên ký kết, thực hiện hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ theo quy định của pháp luật Việt Nam (sau đây được gọi chung là “Hợp đồng”). Tài sản là đối tượng của các hợp đồng này chỉ bao gồm các động sản theo quy định của pháp luật dân sự.
– Mọi tổ chức, cá nhân muốn xác định tình trạng pháp lý của động sản đều có quyền yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định của Thông tư này.
3. Nội dung chủ yếu
Thông tư quy định về các vấn đề cơ bản sau đây:
– Cơ quan có thẩm quyền đăng ký các hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ.
– Những vấn đề pháp lý liên quan đến việc đăng ký “Hợp đồng” như thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký; người yêu cầu đăng ký “Hợp đồng”; thời điểm đăng ký “Hợp đồng”, …;
– Các loại việc đăng ký liên quan đến “Hợp đồng”, bao gồm đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký; hồ sơ, trình tự và thủ tục thực hiện các loại việc đăng ký liên quan đến “Hợp đồng”;
– Việc cung cấp thông tin về “Hợp đồng” đã đăng ký tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
Ngoài ra, ban hành kèm theo Thông tư là các biểu mẫu biểu mẫu sử dụng trong việc đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng tại các Trung tâm Đăng ký. Tại mỗi biểu mẫu có hướng dẫn chi tiết và cụ thể về cách thức kê khai các thông tin trên đơn yêu cầu đăng ký.
III. Một số vấn đề cụ thể
1. Đối tượng đăng ký (khoản 1 Mục I)
Theo hướng dẫn tại Thông tư, thì đối tượng đăng ký bao gồm các hợp đồng sau đây:
a) Hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu đối với máy móc, thiết bị hoặc động sản khác không đăng ký quyền sở hữu nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà bên mua là doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký kinh doanh;
b) Hợp đồng thuê máy móc, thiết bị hoặc động sản khác không đăng ký quyền sở hữu có thời hạn từ một năm trở lên nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà bên thuê là doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký kinh doanh, bao gồm: hợp đồng có thời hạn thuê tài sản từ một năm trở lên, hợp đồng có thời hạn thuê tài sản dưới một năm, nhưng các bên giao kết hợp đồng thỏa thuận về việc gia hạn và tổng thời hạn thuê (bao gồm cả thời hạn gia hạn) từ một năm trở lên;
c) Hợp đồng cho thuê tài chính;
d) Hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng vay, hợp đồng mua bán, cho thuê tài sản hoặc từ các căn cứ pháp lý khác, bao gồm cả quyền đòi nợ hình thành trong tương lai.
2. Thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin (khoản 2 Mục I)
Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản (sau đây gọi là Trung tâm Đăng ký) của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về các “Hợp đồng”.
Về thẩm quyền theo địa giới hành chính, cả ba Trung tâm Đăng ký hiện nay tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin như nhau trong phạm vi cả nước, không bị giới hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi Trung tâm đặt trụ sở.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về các loại hợp đồng
Việc đăng ký, cung cấp thông tin được thực hiện theo các bước như sau:
– Người yêu cầu đăng ký nộp Đơn yêu cầu và lệ phí, phí theo một trong các phương thức nêu tại khoản 13 mục I của Thông tư này.
– Sau khi nhận đơn yêu cầu đăng ký, Đăng ký viên kiểm tra và ghi thời điểm nhận đơn (giờ, phút, ngày, tháng, năm), nếu đơn yêu cầu không thuộc một trong các trường hợp từ chối đăng ký, cung cấp thông tin. Trong trường hợp đơn được nộp trực tiếp tại Trung tâm Đăng ký thì Đăng ký viên cấp cho người yêu cầu giấy hẹn trả kết quả, trừ khi đơn yêu cầu được giải quyết ngay.
– Nếu có một trong các căn cứ từ chối đăng ký, cung cấp thông tin thì Đăng ký viên từ chối đăng ký, cung cấp thông tin và hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định. Việc từ chối đăng ký, cung cấp thông tin phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối. Trường hợp đơn được nộp trực tiếp tại Trung tâm Đăng ký, thì Đăng ký viên chỉ lập văn bản từ chối nếu có yêu cầu.
– Trong thời hạn giải quyết việc đăng ký, cung cấp thông tin, Đăng ký viên gửi cho người yêu cầu đăng ký bản sao đơn có chứng nhận về việc đăng ký hợp đồng, hoặc kết quả tìm kiếm thông tin.
4. Phương thức đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin (Mục VII)
– Nộp đơn trực tiếp tại Trung tâm Đăng ký;
– Gửi đơn qua đường bưu điện;
– Gửi đơn qua fax. Việc gửi đơn qua fax chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là khách hàng thường xuyên của Trung tâm Đăng ký.
Đối với đơn yêu cầu đăng ký có nội dung tương đối dài thì đồng thời với việc gửi đơn theo các phương thức nêu trên, người yêu cầu đăng ký có thể gửi kèm theo bản ghi điện tử của đơn yêu cầu đăng ký đó.
5. Thời hạn giải quyết (khoản 14 Mục I)
Trung tâm Đăng ký có trách nhiệm giải quyết việc đăng ký ngay sau khi nhận đơn hoặc trong ngày làm việc, nếu Trung tâm Đăng ký nhận được đơn sau ba (03) giờ chiều, thì việc giải quyết đăng ký được hoàn thành trong ngày làm việc tiếp theo. Trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết việc đăng ký thì thời hạn giải quyết cũng không quá ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu đăng ký hợp lệ.
6. Thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký (khoản 5 Mục I)
Thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký hợp đồng được tính từ thời điểm đăng ký đến thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc đăng ký được kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký. Trong trường hợp yêu cầu xóa đăng ký trước thời hạn đã kê khai thì thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc đăng ký là thời điểm Trung tâm Đăng ký nhận được đơn yêu cầu xóa đăng ký hợp lệ.
7. Lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin (khoản 15 Mục I)
Lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về các loại hợp đồng được tính theo mức cố định, tuỳ thuộc vào loại việc đăng ký, cung cấp thông tin (quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 10/01/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp). Lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin không phụ thuộc vào giá trị của hợp đồng hay tài sản.
8. Về cung cấp thông tin (Mục VII)
Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin về các hợp đồng đã được đăng ký và lưu giữ trong Hệ thống dữ liệu của Trung tâm Đăng ký dưới các hình thức sau:
a) Danh mục các hợp đồng (theo tên của bên mua, bên thuê tài sản, bên thuê tài chính, bên chuyển giao quyền đòi nợ): bao gồm thông tin về bên bán, bên cho thuê tài sản, bên cho thuê tài chính, bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ, thời điểm đăng ký hợp đồng, thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký trong các hợp đồng còn hiệu lực đăng ký tại thời điểm yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có);
b) Văn bản tổng hợp thông tin về các hợp đồng (theo tên của bên mua, bên thuê tài sản, bên thuê tài chính, bên chuyển giao quyền đòi nợ hoặc số khung, số máy của phương tiện giao thông cơ giới): bao gồm các thông tin nêu tại điểm a khoản này và các lần sửa đổi, bổ sung, sửa chữa sai sót nội dung đã đăng ký (nếu có).
SOURCE: nrast.moj.gov.vn
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 9. VBPL Dân sự, Hợp đồng |
Leave a Reply