Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

ĐÂU PHẢI CHỈ CÓ DÂN MỚI PHẢI THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT

Advertisements

TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Vấn đề số phận của giấy trắng, tức là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là sổ đỏ chính thức, bỗng trở thành mồi lửa cho một “cuộc chiến” giải thích pháp luật khá căng thẳng, bộc phát giữa các cơ quan nhà nước.

Ở TPHCM, nơi có số giấy trắng chưa được đổi thành giấy đỏ nhiều nhất nước và cũng là nơi các giao dịch về nhà đất diễn ra sôi động nhất, UBND TPHCM chỉ đạo một đàng: từ nay, chỉ một vài loại giấy trắng được tiếp tục lưu hành, bởi luật quy định như thế. Trong khi Bộ Tài nguyên – Môi trường lại hướng dẫn một nẻo: mọi loại giấy trắng đều được tiếp tục sử dụng bình thường đến năm 2010… vì đó là quy định của luật.

Mỗi cơ quan giải thích đều yêu cầu các cấp thuộc quyền của mình, khi thực hiện tác nghiệp liên quan đến giấy trắng, phải nghiêm chỉnh tôn trọng những điều mình khẳng định. Hệ quả nhãn tiền là sự rối loạn trong lĩnh vực dịch vụ công về nhà đất, đặc biệt là ở TPHCM, do các cấp thừa hành không biết phải tuân lệnh ai. Tất nhiên, chính người dân có giấy trắng là người đầu tiên phải gánh chịu thiệt hại vật chất trực tiếp từ tình trạng rối loạn đó.

Thực ra, cách giải thích của Bộ Tài nguyên – Môi trường, dù có vẻ thoáng, tỏ ra rất gượng ép và nhất là hoàn toàn không phù hợp với câu chữ rành rành của điều luật đang gây tranh cãi. Ai cũng biết chính bộ này là tác giả của ý tưởng khai tử các loại giấy trắng. Trong khuôn khổ hiện thực hóa ý tưởng đó, họ đã không dưới một lần, nhân danh Chính phủ, ấn định thời hạn mà sau thời hạn đó, giấy trắng phải bị loại ra khỏi cuộc sống pháp lý.

Mọi người cũng có thể hiểu tại sao Bộ Tài nguyên – Môi trường lại giải thích điều luật, do chính họ soạn thảo, một cách kỳ cục như thế. Họ đã xây dựng một quy định, đúng ra là một chuỗi quy định liên tiếp, không có cơ sở hiện thực, nhất là không phù hợp với năng lực đáp ứng của bản thân bộ máy mà họ quản lý. Các quy định ấy cuối cùng đã không thể thực hiện được, thậm chí đã “phát huy” tác hại.

Ra một quy tắc không hợp lý, dẫn đến rối ren, Bộ Tài nguyên – Môi trường dùng biện pháp giải thích pháp luật như một cách khắc phục hậu quả. Đáng lý ra, trong chuyện này, cần tiến hành kiểm điểm trách nhiệm pháp lý, kể cả trách nhiệm vật chất, của những người soạn thảo quy tắc đó. Luật Việt Nam hiện hành còn quá sơ hở trong việc xác định vai trò, trách nhiệm của người nắm quyền lực công, đặc biệt là của người có quyền hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, trong trường hợp chính sách, pháp luật được đề ra là sai lầm, gây thiệt hại cho xã hội.

Đây không phải là lần đầu tiên việc áp dụng một quy tắc pháp lý, có vẻ như rất bình thường, lại dẫn đến quá nhiều hệ lụy xã hội không hay, do lỗi (hay sự yếu kém) của nhà chức trách trong việc đánh giá trước một cách toàn diện tác động của luật, đặc biệt là trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tính hữu hiệu của luật. Việc cấm sử dụng xe công nông, xe ba, bốn bánh tự chế, như các phương tiện vận tải trên đường công cộng, gần đây, là một ví dụ khác, cũng gây ồn ào không kém.

Đáng chú ý nữa là, muốn cho lời giải thích của mình có giá trị bắt buộc thi hành đối với toàn xã hội, nghĩa là mang tính chất của quy phạm giải thích, nhưng Bộ Tài nguyên – Môi trường lại kèm điều đó trong một văn bản không có tính quy phạm – một công văn. Điều đó hoàn toàn trái với tinh thần của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các quan chức liên quan chắc chắn không thể không biết luật này; nhưng, dường như họ không bận tâm đến nó, đến hiệu lực ràng buộc của nó đối với hoạt động xây dựng pháp luật.

Và không chỉ có Bộ Tài nguyên – Môi trường làm việc như vậy. Cũng trong thời gian này, để trấn an dư luận xung quanh việc cấm sử dụng xe công nông và xe ba, bốn bánh tự chế, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, vào giờ chót, đã quyết định sửa lại một phần nội dung của quy định trước đó, trong một nghị quyết của Chính phủ; quy định sửa này được ghi nhận tại… một công điện khẩn, chứ không phải một văn bản pháp quy nào đó mà Bộ được quyền ban hành, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhà chức trách còn không tự giác tôn trọng những quy tắc do chính mình đặt ra hỏi sao người dân thường không làm sai pháp luật?

——————————————————————

Quy định của Chính phủ

Điều 66, Nghị định 84 của Chính phủ (ban hành ngày 25-5-2007) về thời hạn buộc phải có giấy đỏ, giấy hồng mới được giao dịch nhà đất.

1. Kể từ ngày 1-1-2008, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê…, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.

2. Trường hợp trước ngày 1-11-2007 người sử dụng đã nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận và người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 Luật Đất đai thì vẫn được thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê…

Hai điều kiện theo quy định của UBND TPHCM:

– Đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận trước ngày 1-11-2007 mà chưa được cấp giấy.

– Có một trong các loại “giấy trắng” theo khoản 1, 2, 5 điều 50 Luật Đất đai.

Riêng đối với đất có nhà, người có những loại “giấy trắng” có giá trị công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được giao dịch vô hạn định.

SOURCE: SAIGONTIMES

Exit mobile version