admin@phapluatdansu.edu.vn

PHÁT TRIỂN QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA DOANH NGHIỆP LỚN VÀ DOANH NGHIỆP NHỎ Ở VIỆT NAM

Tạo lập mối quan hệ hiệu quả giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của mọi quốc gia. Nội dung của bài viết này đề cập đến các hình thức và thực trạng hợp tác giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp phát triển quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

1. Các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ

Quá trình thay đổi nhanh chóng về công nghệ trong những năm qua cùng với công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa đã thúc đẩy sự tương tác và kết hợp chặt chẽ giữa hai cộng đồng doanh nghiệp: lớn và nhỏ dưới nhiều hình thức khác nhau, tựu chung có thể phân loại theo ba hình thức chủ yếu sau đây:

Thứ nhất là liên kết doanh nghiệp theo hình thức mạng lưới (network). Hình thức liên kết doanh nghiệp theo mạng lưới thường được xây dựng trên cơ sở chuyên môn hóa các công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh bắt đầu từ khâu cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, các giai đoạn của quá trình sản xuất và quá trình tiêu thụ, phân phối sản phẩm. Mạng lưới liên kết các doanh nghiệp từ quy mô nhỏ, vừa đến doanh nghiệp lớn thông qua quan hệ trao đổi thông tin, quan hệ giao dịch thương mại (giữa người cung cấp và tiêu thụ), quan hệ thầu phụ công nghiệp, quan hệ mạng lưới phân phối tiêu thụ hàng hóa… Đặc trưng của hình thức liên kết này là không cần sự gần gũi về địa lý giữa các doanh nghiệp và thường được tổ chức trên cơ sở doanh nghiệp lớn là hạt nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là các vệ tinh.

Các tổng công ty nhà nước ở Việt Nam thường lựa chọn hình thức liên kết này thông qua quan hệ hợp đồng với các DNNVV để tìm kiếm nguồn bán thành phẩm đầu vào hoặc tiêu thụ sản phẩm đầu ra, nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp nhà nước lớn này, trong quá trình tìm kiếm biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh, thay vì tự tổ chức mọi công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh đã tiến hành liên kết với các DNNVV theo hình thức mạng lưới. Các hình thức cụ thể của dạng liên kết này là các liên hiệp xí nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp theo ngành nghề, các dạng thầu phụ công nghiệp.

Thứ hai là liên kết doanh nghiệp theo hình thức cụm  công nghiệp (clusters), khu công nghiệp (industrial zones). Hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp là hình thức liên kết dựa trên yếu tố gần gũi về địa lý giữa các doanh nghiệp trong cùng một khu vực. Sau 16 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tạo ra sức hút lớn đối với luồng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Thông qua các dự án đầu tư tại Việt Nam của các tập đoàn kinh tế lớn đã thúc đẩy sự hình thành hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam. Với trên 90 khu công nghiệp, khu chế xuất và hàng trăm cụm công nghiệp quy mô nhỏ phân bổ trên khắp cả nước đã hình thành được mối quan hệ kinh doanh hiệu quả giữa các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp vệ tinh Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Phần lớn các quan hệ hợp tác doanh nghiệp kiểu này được hình thành tự phát không có sự tác động của Nhà nước. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước trong việc đưa ra các chính sách khuyến khích, chủ động phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là tiền đề quan trọng cho việc hình thành các kết cấu công nghiệp theo khu vực địa lý dạng này.

Thứ ba là dạng liên kết dưới hình thức đối tác kinh doanh chiến lược. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, hình thức đối tác kinh doanh chiến lược để liên kết với các doanh nghiệp nhỏ chưa được sử dụng nhiều. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đây lại là hình thức liên kết khá phổ biến. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định ba hình thức đầu tư là (i) doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, (ii) doanh nghiệp liên doanh, (iii) hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hai trong số ba hình thức này là đầu tư thông qua doanh nghiệp liên doanh và đầu tư thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh đã trực tiếp quy định một mối liên kết về đối tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) đã có mặt rất sớm ở Việt Nam và hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp luồng vốn đầu tư cũng như mở ra các cơ hội mới cho các DNNVV trong nước. Các tập đoàn xuyên quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam như Intel, Motorola, Toyota, Unilever, Sanyo, Shell… đang có những chương trình phát triển hệ thống đối tác kinh doanh chiến lược như các nhà cung cấp, các hãng phân phối đã tạo điều kiện cho các DNNVV nâng cao trình độ quản lý và phát triển năng lực công nghệ. Ví dụ điển hình về hình thức này là việc Công ty Unilever Việt Nam đã hình thành mạng lưới trên 300 công ty vệ tinh (chủ yếu là các DNVVN) hoạt động rất hiệu quả, đem lại lợi ích cho các bên tham gia.

2. Nhân tố thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ

Theo kết quả những nghiên cứu về doanh nghiệp Việt Nam gần đây cho thấy những yếu tố ảnh hưởng tích cực, trực tiếp đến mối quan hệ tương tác giữa các doanh nghiệp lớn và các DNNVV là kết quả tích cực từ thành công của cải cách kinh tế mang đến tốc độ tăng trưởng cao của thị trường, môi trường chính sách được cải thiện và hệ thống thuế giá trị gia tăng được áp dụng thay hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp trước đây.

a/ Thành công của cải cách kinh tế ở Việt Nam

Quá trình cải cách kinh tế ở Việt Nam với nội dung chủ yếu là chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã đạt được những thành công to lớn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và phát triển nhanh chóng doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn và DNNVV. Sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng cũng như chất lượng các DNNVV đã góp phần đáp ứng nhiều mặt nhu cầu của các doanh nghiệp lớn từ việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, thực hiện các hợp đồng thầu phụ, phân phối sản phẩm do các doanh nghiệp lớn sản xuất ra.

b/ Các chính sách phát triển doanh nghiệp

Môi trường kinh doanh được cải thiện nhờ tác động tích cực của các chính sách phát triển doanh nghiệp đã làm nên sự khác biệt trong đời sống kinh tế trên nhiều mặt như giải phóng tư duy và sức sáng tạo về ý tưởng kinh doanh và phương thức tổ chức kinh doanh, số lượng doanh nghiệp và số vốn đầu tư trực tiếp phát triển kinh doanh đã liên tục tăng nhanh, tạo thêm được hàng triệu chỗ làm việc mới, đóng góp tích cực vào tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách; là nhân tố đáng kể góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng trong mấy năm qua. Từ năm 2000, Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống với các quy định rõ ràng, cởi mở và thuận tiện hơn cho việc thành lập doanh nghiệp khiến cho số lượng doanh nghiệp kinh doanh tăng nhanh với tốc độ chưa từng thấy. Cho đến tháng 9/2005 nước ta đã có khoảng 185.000 doanh nghiệp được thành lập, trong đó đăng ký mới trong giai đoạn 2000-9/2005 là gần 145.000 doanh nghiệp, cao hơn 3,5 lần so với con số 40.600 doanh nghiệp được thành lập trong giai đoạn 1991-1999. Tính ra, trung bình hiện nay mỗi năm chúng ta có hơn 25 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, mỗi tháng có hơn 2 nghìn doanh nghiệp bước vào hoạt động.

Về các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2001/NĐ-CP về “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Nghị định 90 là khuôn khổ pháp lý cơ bản cho việc hỗ trợ các DNNVV, đưa ra các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV, trong đó có các biện pháp mạnh mẽ thúc đẩy sự hợp tác trong cộng đồng DNNVV cũng như hợp tác với các doanh nghiệp lớn.

c/ Áp dụng hệ thống thuế giá trị gia tăng (VAT)

Hệ thống thuế lợi tức và thuế doanh thu trước đây là rào cản lớn đối với quá trình phân công lao động giữa các doanh nghiệp. Khi hệ thống thuế doanh thu được áp dụng, mọi chi phí đầu vào của doanh nghiệp không được khấu trừ và bị trùng lắp khi tính thuế. Một sản phẩm là đầu ra của một doanh nghiệp đồng thời là đầu vào của một doanh nghiệp khác sẽ đồng thời phải chịu tính thuế doanh thu ở cả hai doanh nghiệp. Do vậy việc doanh nghiệp hợp tác với các doanh nghiệp khác, tăng giá trị yếu tố đầu vào trong cấu thành sản phẩm cuối cùng sẽ dẫn đến việc tăng tổng số thuế phải nộp, điều này hạn chế cơ bản việc hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Ngược lại, khi hệ thống thuế VAT được áp dụng, rào cản trên cơ bản được khắc phục, góp phần thúc đẩy quá trình phân công lao động giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.

3. Trở ngại và giải pháp phát triển quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn và DNNVV Việt Nam

a/ Về mặt chính sách:

Trong điều kiện hiện nay, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong quá trình xây dựng một môi trường chính sách thông thoáng thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhưng so với các nước khác, mức độ tự do của thị trường của nước ta còn nhiều hạn chế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn, các quy định chặt chẽ về thủ tục đấu thầu là một nguyên nhân rất lớn ngăn cản các DNNVV tham gia vào việc cung cấp hàng hóa cũng như nhận lại thầu phụ từ các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn.

Thứ hai, chính sách về việc thành lập các tổng công ty nhà nước ở Việt Nam cũng có những tác động tới sự hợp tác giữa hai cộng đồng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam trong những năm 90 đã được tổ chức theo mô hình các tổng công ty, trong đó hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh được phân chia cho các doanh nghiệp thành viên. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty mặc dù được hưởng nhiều lợi thế từ công ty mẹ cũng như về nguồn vốn sẵn có nhưng hoạt động kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp hoạt động độc lập khác. Trong khi đó, một DNNVV dù hoạt động hiệu quả, khả năng cạnh tranh tốt vẫn rất khó có thể tạo lập được quan hệ hợp tác làm ăn với một tổng công ty nhà nước sở hữu hàng loạt doanh nghiệp thành viên kinh doanh rất kém hiệu quả.

Thứ ba, chính sách thương mại của Việt Nam cũng có những ảnh hưởng tiêu cực  đến quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Chính sách bảo hộ sản xuất trong nước với việc áp dụng thuế suất nhập khẩu khá cao cho một số mặt hàng do các doanh nghiệp nhà nước lớn sản xuất đã cho phép các doanh nghiệp này nhập khẩu các yếu tố đầu vào để sản xuất thay vì tìm kiếm và hỗ trợ các DNNVV trong nước cung cấp các yếu tố này cho họ.

Như đã phân tích ở trên, hợp tác giữa doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp hoàn toàn xuất phát từ động lực tăng hiệu quả và giảm chi phí. Môi trường chính sách có tính khuyến khích tự do cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu can thiệp của nhà nước, xóa bỏ các phân biệt đối xử giữa các khu vực doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ là những điều kiện thuận lợi nhất cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn và các DNNVV.

b/ Quy mô của thị trường

Mặc dù quy mô thị trường trong nước có tốc độ gia tăng cao nhưng so với các nước khác, quy mô thị trường trong nước vẫn còn tương đối nhỏ cũng ảnh hưởng hạn chế đến quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớm. Nguyên nhân là do thị trường của các loại hàng hóa còn phân tán đồng thời chịu sự cạnh tranh quyết liệt của hàng hóa nhập lậu đã hướng các DNNVV Việt Nam chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Hoạt động trong các lĩnh vực này không tạo ra cho các DNNNVV lợi thế so sánh lâu dài trong quan hệ tương tác với các doanh nghiệp lớn.

c/ Yếu tố công nghệ

Trình độ công nghệ không tương xứng giữa các DNNVV với các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam là một nguyên nhân quan trọng hạn chế sự hợp tác giữa các doanh nghiệp DNNVV với các doanh nghiệp lớn. Trong mối quan hệ giữa  các DNNVV với các doanh nghiệp lớn, các DNNVV đòi hỏi phải đáp ứng được yêu cầu do các doanh nghiệp lớn đặt ra về mặt chất lượng đối với các hàng hóa, dịch vụ do DNNVV cung cấp. Tuy nhiên, thực trạng phổ biến của DNNVV ở Việt Nam hiện nay là trình độ công nghệ lạc hậu, sản xuất manh mún dẫn đến khó đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng hàng hóa trong mối liên kết với các doanh nghiệp quy mô lớn có trình độ công nghệ cao hơn hẳn.

d/ Chất lượng sản phẩm

Một nguyên nhân quan trọng khác gây cản trở tới sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn và DNNVV đó là việc thiếu một hệ thống chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn hóa hiệu quả có thể áp dụng như các tiêu chuẩn chung của xã hội để phục vụ quá trình trao đổi sản phẩm, hàng hóa giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Vấn đề cấp bách đặt ra đối với các DNNVV tại Việt Nam là Nhà nước và doanh nghiệp lớn cần hỗ trợ các DNNVV áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng sản phẩm để đảm bảo các sản phẩm cuối cùng đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, có sức cạnh tranh.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cộng đồng DNNVV và các doanh nghiệp lớn, Nhà nước cần xem xét các biện pháp sau đây:

– Thúc đẩy sản xuất để tạo điều kiện cho DNNVV ra đời và phát triển: Chuyên môn hóa sản xuất là xu hướng phát triển hiện nay, nhất trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Một quốc gia sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn nếu như thu hút được các tập đoàn kinh tế đa quốc gia đến với mình. Với lợi thế về nhân công rẻ, an ninh tốt, vị trí địa lý thuận lợi, Chính phủ cần nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài tạo điều kiện cho sự ra đời của DNNVV nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ – một lĩnh vực còn yếu của Việt Nam.

– Nâng cao khả năng cạnh tranh của DNNVV thông qua đổi mới công nghệ và kỹ thuật sản xuất: Sự hợp tác với doanh nghiệp lớn phải dựa trên nguyên tắc hiệu quả. Các DNNVV phải có trình độ kỹ thuật và công nghệ hiện đại cộng với đội ngũ lao động lành nghề. Các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo, chuyển giao công nghệ, kiểm tra chất lượng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của DNNVV, qua đó giúp nó có thể hợp tác bình đẳng và hiệu quả với các doanh nghiệp lớn. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy rằng các DNVVN có thể hợp tác bình đẳng và phát huy hiệu quả trong mối quan hệ với doanh nghiệp lớn vì trình độ công nghệ của DNNVV cũng rất cao đều dựa vào công nghệ máy tính và kỹ thuật số hiện đại cho phép DNNVV có thể điều chỉnh sản xuất nhanh chóng và đạt được chất lượng thị trường đòi hỏi.

– Tăng cường năng lực hiệp hội doanh nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin doanh nghiệp, thị trường tạo điều kiện cho hợp tác giữa DNNVV với các doanh nghiệp lớn.

Quan hệ tương tác giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ trong một nền kinh tế là chỉ số quan trọng, một mặt nó thể hiện sự bền vững trong phát triển kinh tế xã hội của một nước, mặt khác nó thể hiện các giá trị dân chủ trong xã hội nước đó. Các doanh nghiệp lớn xây dựng nền tảng xương sống, trong khi các doanh nghiệp nhỏ sẽ là các mạch máu nhỏ để duy trì sự sống của cơ thể – nền kinh tế quốc dân. Trong quá trình toàn cầu hóa, các doanh nghiệp lớn sẽ là những người lính tiên phong xây dựng năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khi các doanh nghiệp nhỏ góp phần ổn định nền kinh tế, giảm nhẹ các nguy cơ do toàn cầu hóa mang đến cho nền kinh tế đó. Phát triển quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ là một giải pháp có ý nghĩa chiến lược trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và phát triển kinh tế đất nước nói chung trong thời gian tới.

(Nguồn: KT&PT – MOI.GOV.VN)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: