Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

QUAN ĐIỂM ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Advertisements

Quan điểm và mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý DNNN

Trong văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 ghi rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để các DNNN thực sự hoạt động trong môi trường cạnh tranh, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả. Xoá bỏ độc quyền và đặc quyền sản xuất kinh doanh của DNNN. DNNN có quyền tài sản, thực sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh, cạnh tranh, chấp nhận rủi ro. Gắn trách nhiệm, quyền hạn, lợi ích của người quản lý doanh nghiệp với kết quả hoạt động của DN. Chăm lo đào tạo đội ngũ quản trị giỏi, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý công ty theo chế độ hiện đại”. Có thể nói, quan điểm và mục tiêu này là đầy đủ, vấn đề còn lại là đưa ra định hướng, giải pháp để đạt mục tiêu.

Những khó khăn mà DNNN đang phải chịu đựng

Hiện nay DNNN đang là đối tượng bị chỉ trích nặng nề cả trên các diễn đàn kinh tế – chính trị cũng như trong dư luận xã hội. Nhiều ý kiến đánh giá đây là lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả, kém năng động, gây lãng phí tiền của Nhà nước nhiều nhất. Không ít DNNN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền đã không làm được vai trò đem lại lợi ích cho dân mà ngược lại, đã xâm phạm lợi ích của nhân dân, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Công nghệ kĩ thuật chậm đổi mới, cơ chế quản lý nhùng nhằng, công tác cán bộ phức tạp, nếu không khẩn trương đẩy mạnh đổi mới DNNN thì khả năng cạnh tranh ngay chính trên sân nhà đã khó chứ chưa nói gì đến hội nhập. Tuy nhiên, công bằng mà nói, DNNN cũng phải chịu không ít khó khăn do cơ chế quản lý hiện nay.

Trước hết là quyền tự chủ của DN: DNNN đâu được kinh doanh những thứ mà Nhà nước không cấm, hầu các các DN lớn đều phải kinh doanh theo chỉ định của Nhà nước. Ngay trong mặt hàng mình kinh doanh cũng không phải cứ lãi là làm, lỗ thì thôi, mà phải mua cái này, dự trữ cái kia, rồi lại phải bán theo khung giá này, v.v… và v.v… Trường hợp phải mua bán theo lệnh, về nguyên tắc DNNN được bù lỗ, nhưng đến khi được bù lỗ thì số vốn bị “giam” đó đã đẩy lãi suất bao nhiêu, rồi đã lỗ thì xin được cơ chế thưởng cho người lao động đâu có dễ.

Thứ hai là vấn đề nhân sự: Hầu hết các DNNN của ta được thành lập từ thời bao cấp, đội ngũ lao động tay nghề lạc hậu, nhưng lại có thói quen biên chế cả đời, thay họ không dễ, đó là chưa kể đến con cháu của ông A, ông B kính gửi. Về lãnh đạo DN, từ cán bộ chủ chốt đến các bộ phận, bên cạnh nhiều người có năng lực thực sự, cũng không ít người năng lực còn hạn chế nhưng rất khó chọn được người giỏi với quy trình bổ nhiệm một giám đốc DN hiện nay; hoặc người giỏi cũng không dám “mạnh tay” bởi còn giữ gìn để lấy phiếu tín nhiệm kỳ tiếp.

Thứ ba là những quy định về cơ chế điều hành DNNN: Sau rất nhiều lần cải cách, nhưng chưa thoát được cơ chế “Bộ Tứ”. Rồi sự nhùng nhằng giữa Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc: Những quy định về phân cấp quyền hạn cho họ tưởng là rõ, nhưng không làm được. Ví dụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị bổ nhiệm hoặc thuê Tổng Giám đốc nhưng lại phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (bộ, tỉnh…). Ở nhiều nơi, tỉnh còn quyết định cả giám đốc công ty con của Tổng công ty, hoặc quyết định cả phó giám đốc của công ty độc lập trực thuộc… Rồi cơ chế đầu tư, cơ chế phân chia lợi ích xem ra vẫn còn gây nhiều bế tắc cho DN.

Thứ tư là cơ chế tài chính, giá cả, tiền lương, tiền thưởng v.v… Xin nêu một ví dụ: DNNN kinh doanh có hiệu quả, nhưng chỉ được trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo % trên vốn vay, còn vốn tự có thì không được trích lập quỹ? Cái thành tích thi đua theo bằng khen, giấy khen thường rơi vào lãnh đạo, hoặc bộ phận nhỏ người lao động, trong khi số đông lao động họ cần quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng tiền cho chính họ. Để thưởng cho người lao động, nhiều DN phải “chế biến” để thưởng chui. Đó là chưa kể đến những định mức tài chính không tiến kịp với những thay đổi của cơ chế thị trường… Điều này ai cũng biết và phải phục các kế toán trưởng của DNNN ta “chế biến” giỏi.

Thứ năm, đổi mới công nghệ thiết bị của DNNN rất chậm, trong khi quá nhiều DNNN thiết bị lạc hậu, quá trình đầu tư của các thời kỳ trước có cái không hợp lý về quy mô, sản phẩm, có cái lạc hậu ngay khi đầu tư mới, có cái phải chấp nhận do thời kỳ nhận viện trợ không hoàn lại (không có đường lựa chọn), có cái bị sức ép bởi vốn vay… Cứ với tốc độ đổi mới như thời gian qua thì DNNN làm sao tiến kịp DN tư nhân được, chưa nói đến DN FDI. Và ở đây cũng phải kể đến giá mua thiết bị mà DNNN phải chịu khấu hao quá mức bình thường cho phép, không dễ gì một vài ba năm khắc phục được.

Thứ sáu, quá ít DNNN có đủ vốn tự có theo quy định, đó là chưa kể thực tế hiện nay hơn 50% vốn tự có không phát huy hiệu quả, đang nằm trong tài sản chờ thanh lý (38% thiết bị chờ thanh lý) và trong nợ khó đòi. Tình trạng ấy phần nào do chính DN tạo ra, nhưng phần lớn do hậu quả của lịch sử, như phải bán chịu, phải ứng trước cho hộ dân, phải xây dựng công trình này, công trình kia. Tỉnh huyện cam kết sẽ trả nợ nhưng nợ cứ đè lên nợ. Hầu hết các DNNN có tổng tài sản gấp 10 đến 20 lần vốn tự có, tổng nợ ngân hàng bình quân gấp 6 đến 8 lần, trong lĩnh vực thương mại, xây dựng gấp 10 đến 20 lần. Trong khi hệ số an toàn của vốn vay/vốn tự có ở Mỹ và EU từ 2,5-3,5 lần, ở Singapo và Thái lan từ 3-4 lần. Vốn liếng DNNN ta như vậy thì làm sao vươn lên được.

Thứ bảy, các loại kiểm tra, thanh tra chắc chắn là DNNN phải chịu nhiều hơn là DN ngoài Nhà nước, đó là chưa kể đến các chi phí “tài trợ bắt buộc” mà DNNN phải chi cho các ngày lễ hội từ phường xã trở lên, từ tổ chức này đến tổ chức khác, nói là tự nguyện nhưng mà không thể từ chối được…

Định hướng giải pháp đổi mới cơ chế quản lý DNNN

Nước ta đang quá độ sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu không giữ một lực lượng kinh tế nhà nước hùng mạnh (trong đó DNNN là một bộ phận) giữ vai trò phân phối một bộ phận tài nguyên quốc gia và ổn định kinh tế (nhất là kinh tế vĩ mô) thì hệ thống kinh tế đất nước không thể vận động hài hoà được; sự điều khiển kinh tế – xã hội theo định hướng của Nhà nước khó mà thực hiện. Nhưng nếu giữ quốc doanh bằng mọi giá, theo kiểu như hiện nay thì cũng không thể được và sẽ không phù hợp với xu hướng hội nhập.

Để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp lớn sau đây:

Một là, quyết tâm thực hiện cải cách DNNN, trong đó phải coi cổ phần hoá DNNN là trọng tâm, đồng thời tiến hành cải cách cơ chế quản lý DNNN theo chiều sâu trên mấy phương diện  sau:

– Cải cách thể chế kinh doanh theo hướng nâng cao quyền tự chủ (thực sự) kinh doanh của DNNN. Chấm dứt kiểu chờ đợi, DN nhìn lên Chính phủ (hoặc cơ quan chủ quản) và cơ quan chủ quản chỉ việc cho DN. Thị trường, lợi nhuận là mục tiêu hướng tới của DN.

– Cải cách cơ chế quản lý tài chính tại DNNN giữ 100% vốn, lấy hiệu quả kinh doanh trên vốn làm trọng chứ không phải theo nguyên tắc bảo toàn vốn. Hiệu quả được tính theo chu kỳ kinh doanh, chứ không phải theo năm kế hoạch, cho phép DN hạch toán “lãi để dành” chứ không phải lãi thì nộp, lỗ thì quy trách nhiệm. Theo đó, gắn chế độ, quyền lợi và trách nhiệm của người đứng đầu DN với kết quả kinh doanh (nên áp dụng cả phương án thế chấp đối với giám đốc DN).

– Làm rõ quyền tài sản trong DN, nhất là quyền sở hữu và quyền sử dụng, theo đó cần quy định rõ quyền kiểm soát tài sản của chủ sở hữu với quyền tự chủ gắn với trách nhiệm và lợi ích của lãnh đạo và người lao động tại DN trên cơ sở hiệu quả. Xác định rõ ai là chủ đích thực của DNNN? Nếu cứ là chủ hờ thì dễ xảy ra tiêu cực nhiều hơn tích cực.

Hai là, nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách tuyển chọn lãnh đạo DNNN sao cho người có tài, có đức, giỏi chuyên môn có “đất” để thể hiện tài năng làm lợi cho DN, cho đất nước và cá nhân. Đây thật sự vẫn là khâu ách tắc nhất hiện nay. Cần nghiên cứu sửa quy chế dân chủ thực sự, quy chế lấy phiếu tín nhiệm hiện nay, sao cho vừa đảm bảo dân chủ thực sự (càng dân chủ cao càng dễ tìm được người tài đức), vừa tạo điều kiện để người đứng đầu dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm.

Ba là, Chính phủ đưa ra các mô hình tổ chức cho DNNN lựa chọn phù hợp với chính quy mô, năng lực quản lý, năng lực kinh doanh của DN. Mặt khác, cùng với việc đưa chính sách tạo ra một hệ thống DN hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập thì kiên quyết tổ chức lại để trong hệ thống đó, DNNN phải đi đầu với nhiều tập đoàn kinh tế mạnh. Đó là các tập đoàn đa sở hữu Nhà nước giữ cổ phần chi phối đảm bảo đủ sức giữ vai trò phân phối một bộ phận tài nguyên quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; xoá bỏ được quan hệ theo cấp hành chính của DNNN, đừng để rơi vào tình trạng “đổi mới giá”.

Bốn là, khi mô hình công ty mẹ – công ty con đã được vận hành ổn định, cần chủ động phương án lựa chọn phần lớn công ty mẹ để cổ phần hoá, trong đó Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Cuối 2006, sẽ có khoảng hơn 90 tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con mà ở đó, công ty con hầu hết là công ty cổ phần, một số ít là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà nước 100% vốn. Theo chúng tôi, trong những năm tới, Chính phủ chỉ nên nắm giữ các tập đoàn và các tổng công ty hoạt động hiệu quả, có vai trò nắm giữ phân phối một bộ phận tài nguyên quốc gia, và phải thực sự là “quả đấm mạnh” trên nguyên tắc đa sở hữu. Trong 83 tổng công ty 90 (65 tổng công ty thuộc bộ cộng 18 tổng công ty thuộc tỉnh, thành phố), cần soát xét để có bước tổ chức lại và thực hiện cổ phần hoá công ty mẹ.

Năm là, một lần nữa Chính phủ cần tập trung giúp DNNN xử lý những tồn tại do lịch sử để lại như lao động thiếu chuyên môn, dôi dư; vấn đề nợ xấu tại DN và cả vốn đầu tư ODA mà trong đó chứa đầy yếu tố bất hợp lý, nhất là về giá. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề này thì DNNN khó có cơ hội để hiện đại hoá, kịp chủ động trong hội nhập.

Sáu là, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, trong đó đẩy nhanh quá trình phát triển thị trường dịch vụ tài chính, thị trường lao động, thị trường bất động sản là môi trường trực tiếp giúp DN chuyển cơ chế kinh doanh, thúc đẩy DNNN nâng cao sức cạnh tranh.

Bảy là, cải cách cơ chế kinh doanh của các ngân hàng thương mại nhà nước, buộc họ phải hướng tới hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận của DN, cùng chịu trách nhiệm và rủi ro. Không để tình trạng ngân hàng gánh chịu hậu quả khi DN làm ăn thua lỗ, mà ngân hàng phải kiểm soát được kết quả kinh doanh của DN.

Tám là, cải cách hành chính hướng tới mục tiêu phục vụ DN.

Cải cách hành chính không chỉ ở khâu Nhà nước, mà cả hệ thống Đảng,đoàn thể, nhất là hệ thống Đảng. Không ít lãnh đạo DN phàn nàn rằng sự phát triển DN của họ gặp khó khăn ngay cả ở tổ chức Đảng cơ sở chậm đổi mới phương thức, nội dung lãnh đạo, hoặc là mắc ngay tổ chức Đảng tại DN hoặc là tổ chức Đảng ở cấp hành chính, địa bàn họ đứng chân. Đảng, Chính phủ chăm lo xây dựng phẩm chất và có cơ chế kiểm soát đội ngũ cán bộ làm công tác thuế vụ, hải quan, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông… nghĩa là những đối tượng trực tiếp với DN.

Chín là, làm rõ mối quan hệ Đảng lãnh đạo trong DNNN, Nhà nước với DNNN, DNNN với người lao động tại DN.

Theo chúng tôi, với tư cách là chủ sở hữu DNNN (100% vốn) thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm soát tài sản Nhà nước tại DN và tạo môi trường pháp lý để DN kinh doanh hiệu quả theo định hướng của Nhà nước, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng “Nhà nước điều hành DN”.

Đảng trong DNNN phải thực hiện quyền lãnh đạo với mục tiêu phát triển DN, tạo được quy chế tranh cử vị trí lãnh đạo trong Đảng để thực hiện quyền điều hành DN, tránh cơ chế “cơ cấu đồng chí giám đốc hay phó giám đốc làm bí thư hoặc phó bí thư Đảng”. Xử lý tránh trùng lặp trong chức năng, nhiệm vụ của chi uỷ, Đảng uỷ với Hội đồng quản trị công ty, tổng công ty. Nơi nào có Hội đồng quản trị nhất thiết bí thư Đảng phải làm chủ tịch.

Xây dựng quy chế dân chủ trong DNNN phải đạt được yêu cầu dân chủ thực sự, dân chủ với người lao động gắn với dân chủ tập thể; làm sáng tỏ mối quan hệ nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động đối với DN và với lãnh đạo DN. Xoá được quan niệm “bình đẳng” đồng nghĩa với “bằng đinh” mà cần tạo được “mái ấm gia đình trong DN.

Mười là, vấn đề bỏ cơ chế chủ quản. Trong điều kiện thực tế của hệ thống pháp luật ở nước ta, có lẽ trong vòng vài năm tới chưa bỏ được chủ quản. Nói cho cùng, DN tư nhân cũng có chủ quản, do chính chủ tư nhân đó quản. Vấn đề là làm rõ các quyền gắn với trách nhiệm của chủ quản. Đến cuối năm 2006, khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn đi vào hoạt động ổn định thì cơ chế chủ quản ở cấp tỉnh về cơ bản coi như không có nữa. Chỉ còn lại 5 tỉnh, thành phố có tổng công ty thì họ còn quản đó là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Đồng Nai, hơn 80 tổng công ty, tập đoàn thuộc Trung ương quản lý. Hiện nay còn 19 tổng công ty “91”, Thủ tướng trực tiếp quản một số khâu quyết định, còn lại là thuộc bộ. Sau khi có Nghị định 132 ngày 20/10/2005, sự phân công phân cấp đã rõ hơn nhiều, nhưng sự lòng vòng thì vẫn chưa giảm. Hiện nay Chính phủ đang xây dựng Nghị định để cụ thể hoá Luật DN 2005 có hiệu lực từ 1/7/2006. Cái chính là tập trung làm rõ chủ quản trong 101 tổng công ty (kể cả tập đoàn), theo đó cần xây dựng đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại các tập đoàn, tổng công ty ấy có phải là chủ thật của DN chưa? Bộ quản thì thì có hơn được họ tự quản không, hay là lại làm cái “bình phong”, để rồi khi quy trách nhiệm những thiếu sót xảy ra thì “chung cả làng”? Đây cũng là những nút thắt cần được tháo gỡ ngay, theo hướng giao quyền trực tiếp cho Hội đồng quản trị – người đại diện trực tiếp chủ sở hữu tại DN. Thủ tướng (hoặc bộ trưởng), ngoài việc quyết định thành lập hoặc giải thể, chỉ nắm chắc, trực tiếp Hội đồng quản trị, quyết định chiến lược kinh doanh và cơ chế khung phân phối lợi nhuận và chủ trương đầu tư.

Các bài viết có liên quan: http://phapluatdansu.edu.vn/?s=%22s%E1%BB%9F+h%E1%BB%AFu+nh%C3%A0+n%C6%B0%E1%BB%9Bc%22

(Nguồn: TCTC – MOI.GOV.VN)

Exit mobile version