admin@phapluatdansu.edu.vn

BÀN THÊM VỀ TÍNH CHẤT CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SỰ BỨC XÚC CẦN SẮP XẾP LÀM

moi.gov.vn – Vấn đề nhận thức lại Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để khẳng định vai trò và bố trí lực lượng của nó trong nền kinh tế nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao là một trong những vấn đề lớn hiện nay đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu.

Những định hướng lớn đối với kinh tế nhà nước nói chung và DNNN nói riêng mà Đảng ta nêu ra trong Nghị quyết TW3 (khóa IX) là chính xác, nhưng mới là quan điểm định hướng lớn. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những định hướng đó thì khó có thể làm cho DNNN làm tốt vai trò mà xã hội đặt ra. Bài này tập trung trình bày những tính chất của DNNN, nêu những ưu thế và hạn chế của nó và đề xuất một số biện pháp khắc phục.

1. Tính chất của DNNN

Thứ nhất, về tính chất tất yếu tồn tại và đóng vai trò then chốt của DNNN: DNNN là loại hình doanh nghiệp dựa trên sở hữu Nhà nước về tư liệu sản xuất, do đó khác các loại hình doanh nghiệp khác trên ba điểm sau đây: Một là, vì vốn của doanh nghiệp hầu hết của nhà nước nên DNNN, dù là doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, hay doanh nghiệp công ích, thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn luôn chú trọng hiệu quả kinh tế-xã hội. Do đó, sự có mặt của DNNN là lực lượng vật chất quan trọng đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế, chống lại mọi hành vi cơ hội, chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ giá nào của các loại doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Hai là, do DNNN là của nhà nước nên lợi nhuận sẽ do nhà nước sử dụng. Do đó, nhiều nước còn giao cho DNNN những lĩnh vực có lợi nhuận cao với ý đồ giữ cho nhà nước những khoản lợi nhuận lớn này để giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh trong nền kinh tế thị trường. Ba là, trong thực tế, còn có nhiều lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế không cao nhưng lại cần thiết cho sự ổn định kinh tế-xã hội, các doanh nghiệp tư nhân không muốn và không thể đầu tư, chỉ có DNNN, vì lợi ích chung, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối hậu, mới đảm nhiệm. Những lý do trên dẫn đến kết luận: Trong những lĩnh vực quan trọng, huyết mạch của nền kinh tế, DNNN phải có mặt và đóng vai trò then chốt như Nghị quyết TW3 (Khóa IX) đã khẳng định. Đây cũng là lý do mà ở hầu hết các nước trên thế giới, ít hay nhiều, đều tồn tại DNNN.

Thứ hai, về tính khó minh bạch của DNNN: DNNN là loại hình dựa trên sở hữu nhà nước. Vì vậy, cùng một lúc phải giải quyết nhiều mối quan hệ phức tạp: quan hệ giữa chủ thể sở hữu (ở đây là nhà nước, mà đại diện là cơ quan chủ quản và hội đồng quản trị) với chủ thể sử dụng (ở đây là doanh nghiệp mà đại diện cũng rất phức tạp: hội đồng quản trị, giám đốc, đại hội công nhân viên chức, BCH đảng bộ, công đoàn, đoàn thanh niên…) và người lao động (cùng một lúc đóng hai vai trò: chủ thể sở hữu lao động và là chủ tập thể xí nghiệp) trên các mặt trách nhiệm và lợi ích kinh tế, trong đó quan trọng nhất là lợi ích kinh tế. Xử lý mối quan hệ này rất khó khăn và phức tạp. Tình trạng bộ phận quản lý doanh nghiệp (mà trực tiếp là giám đốc) bỏ qua quyền lợi của bản thân doanh nghiệp và nhà nước vì lợi ích của cá nhân trong các DNNN thường xuyên diễn ra. Trong trường hợp giám đốc có tâm, có tài , muốn làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì lại bị những ràng buộc của cơ chế chung cản trở. Kết quả là DNNN thường không có hiệu quả kinh tế cao. Hạn chế này xuất phát từ tính chất của sở hữu mà ngay các doanh nghiệp quốc doanh của các nước tư bản cũng thường gặp phải. Rõ ràng là, việc minh bạch hóa hoạt động của DNNN thường là vấn đề đau đầu các nhà hoạch định chiến lược.

Thứ ba, tính kém hiệu quả trong các DNNN: Nhìn chung, hoạt động của DNNN thường không có hiệu quả cao (ví dụ năm 2002 có 20% DNNN thu lỗ, 40% hòa vốn, hoạt động cầm chừng, 40% có lãi nhờ chính sách ưu đãi về thuế, xóa thuế nợ đọng, trợ cấp xuất khẩu – theo CIEM). Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đó: Một là DNNN thường phải đảm nhận kinh doanh trên những khu vực ít lãi, phải đáp ứng những nhu cầu xã hội mà các doanh nghiệp tư nhân không chịu đảm nhận; hai là, sở hữu nhà nước thuần túy làm cho cơ chế quản lý DNNN trở thành vấn đề phức tạp, rất khó để có thể thu lợi nhuận cao xuất phát từ khó khăn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng.

Thứ tư, tính bao trùm quá rộng của hệ thống các DNNN do lịch sử để lại: Hệ thống DNNN ở nước ta được xây dựng lâu dài và theo quan niệm cũ, là một hệ thống rộng khắp từ Trung ương xuống địa phương, quản lý một lượng lao động rất lớn, một nguồn vốn lớn và những điều kiện thuận lợi nhưng hiệu quả được coi là thấp (theo TS Nguyễn Văn Ân, Viện trưởng CIEM thì đến 31-12-2002 có 4722 DNNN 100% vốn của nhà nước, nếu tính cả số DN mà Nhà nước có cổ phần khống chế thì số DNNN là 5175).

Từ các tính chất trên của DNNN có thể kết luận: trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phải có mặt DNNN với vai trò then chốt. Nhưng vai trò then chốt của DNNN phải thể hiện ở mặt chất chứ không phải mặt lượng. Do đó, việc sắp xếp lại DNNN trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay là vấn đề bức xúc.

2. Một số phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả của DNNN để nó làm tròn vai trò then chốt trong nền kinh tế:

Thứ nhất, giảm nhanh các DNNN ở các khâu không cần sự có mặt của DNNN. Chúng tôi cho rằng DNNN không nhất thiết phải giữ số lượng lớn và ở khắp mọi ngành. Những ngành sau đây DNNN không cần có tỷ trọng lớn, thậm chí không cần duy trì DNNN:

– Khu vực trồng cây lương thực, ăn quả và chăn nuôi trong nông nghiệp. Khu vực này chỉ kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể mới có hiệu quả. Hiện nay vẫn còn tồn tại một số nông trường đang hoạt động nhưng hiệu quả không cao. Thức chất các nông trường cũng phải dựa vào hộ nông trường viên. Sự tồn tại của các nông trường hiện nay mang nặng nguyên nhân lịch sử chứ không phải do đòi hỏi kinh tế. Loại hình kinh tế phù hợp với khu vực này là kinh tế cá thể, tiểu chủ hoặc các hình thức kinh tế tập thể. Các nông trường nên chuyển sang DNNN kinh doanh dịch vụ hoặc cơ sở chế biến. Nếu không hiệu quả thì có thể chuyển hình thức sở hữu sang loại hình tập thể hoặc tư nhân.

– Khu vực thương mại bán lẻ. Do kế thừa những cơ sở bán hàng từ trước, thương mại quốc doanh phải duy trì sự tồn tại. Tuy nhiên, nếu áp dụng lối kinh doanh theo kiểu cũ thì các cơ sở luôn lỗ vốn do người bán hàng đưa hàng cá nhân của mình vào bán và hưởng lợi riêng. Vì thế, hầu hết các doanh nghiệp này đều áp dụng cơ chế khoán, trở thành DNNN một cách hình thức. Do đó, khu vực này không nhất thiết duy trì DNNN.

– Khu vực công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp. Đây là khu vực rộng lớn, phong phú, đa dạng với nhiều ngành nghề. Trừ một số cơ sở công nghiệp nhẹ có quy mô lớn và công nghệ hiện đại có thể là DNNN, còn loại hình kinh tế hiệu quả nhất đối với khu vực này là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ hoặc các doanh nghiệp hợp tác.

Nhưng để kinh tế nhà nước có thể tác động quyết định chiều hướng phát triển của nền kinh tế, phải xây dựng một số DNNN nắm các khâu công nghiệp đầu vào (công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất chủ yếu); một số cơ sở công nghiệp chế biến quy mô lớn, chất lượng cao; một số DNNN trong thương nghiệp bán buôn; một số DNNN quan trọng ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ… Mỗi lĩnh vực nêu trên chỉ nên có một số doanh nghiệp vừa đủ để quyết định chiều hướng phát triển và đảm bảo sự phát triển ổn định trong lĩnh vực đó và của nền kinh tế. Với các khu vực an ninh quốc phòng như sản xuất vũ khí, chất nổ hoặc nghiên cứu triển khai các loại vũ khí…, loại hình doanh nghiệp thích hợp là DNNN.

Như thế, muốn giảm được DNNN không nên chỉ căn cứ vào sự hoạt động hiệu quả của nó hiện nay mà chủ yếu căn cứ vào yêu cầu, vị trí của doanh nghiệp đó đối với nền kinh tế.

Để giảm nhanh được DNNN, cần có một tổ chức đủ năng lực khoa học, đủ quyền lực cần thiết trong từng ngành làm nhiệm vụ xem xét, giải tỏa. Phải coi đây là nhiệm vụ chiến lược tập trung toàn lực của xã hội, trong một thời gian nhất định, thì mới giải quyết được vấn đề này. Để sự sắp xếp chuyển đổi không gây xáo trộn lớn và để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, Nhà nước có thể nắm vững những DNNN đầu mối, còn những DNNN khác thì chuyển đổi hình thức sở hữu dưới dạng công ty cổ phần hoặc liên kết liên doanh, chuyển những doanh nghiệp này thành các công ty con, DNNN đầu mối là công ty mẹ. Như vậy vừa đạt yêu cầu giảm nhanh DNNN vừa bảo đảm tăng tính hiệu quả của nó. Hiện nay chúng ta đã có hệ thống tổ chức đổi mới DNNN nhưng hệ thống này, theo chúng tôi, chưa đủ năng lực và quyền lực để làm tốt vấn đề này. Do đó cần tổ chức lại bộ phận này trên cả lĩnh vực nhân sự và cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động.

Thứ hai, vấn đề cấp bach hiện nay là tìm ra cơ chế để DNNN hoạt động có hiệu quả, làm tròn vai trò của nó trong nền KTTT. Chúng tôi cho đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất và cũng khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay. Để tìm ra được cơ chế cho DNNN hoạt động có hiệu quả, theo chúng tôi, cần phải giải quyết được mối quan hệ giữa quyền của chủ sở hữu và quyền tự chủ quản lý kinh doanh của doanh nghiệp. Mối quan hệ này cần phải được rõ ràng, minh bạch. Thường có những cách sau đây trong việc minh bạch hóa hoạt động của DNNN:

– Về vĩ mô: bao gồm hàng loạt những quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của DNNN trong việc bảo toàn vốn, thực hiện nghiã vụ nộp thuế, đặc biệt là thuế lợi nhuận doanh nghiệp. Trong các trách nhiệm và nghĩa vụ đó, cần đặc biệt chú trọng cơ chế bảo toàn vốn và thu lợi nhuận. Những cơ chế này phải được xây dựng và thể hiện trên luật pháp (bao gồm luật và cả các quy định dưới luật). Cơ chế này phải nêu rõ trách nhiệm và quyền lợi của những cá nhân quản lý doanh nghiệp, quy định chế độ hạch toán và kiểm toán rõ ràng, chặt chẽ. Một số nước TBCN áp dụng cơ chế đại diện nhà nước ký hợp đồng với cán bộ của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp để xác định trách nhiệm và quyền lợi cụ thể giữa hai bên hoặc công ty tư nhân nhận quản lý DNNN. Họ cho rằng loại hợp đồng thứ hai có hiệu quả hơn. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm này.

– Cần xóa bỏ quan niệm cho rằng phải gắn trách nhiệm giải quyết những vấn đề xã hội cho duy nhất DNNN. Chúng tôi cho rằng đã là DNNN hoạt động với mục đích kinh doanh thì phải lấy mục tiêu lợi nhuận (trên cơ sở luật pháp) làm mục tiêu tối hậu. Vấn đề xã hội là việc của nhà nước và của toàn dân. DNNN công ích phải đảm bảo nhiệm vụ quy định trên cơ sở bảo toàn vốn. trường hợp bị lỗ bất khả kháng thì Nhà nước sẽ bù nhưng trên cơ sở hạch toán rõ ràng.

Về vi mô: Hoàn chỉnh cơ chế tự chủ của DNNN, tách DNNN khỏi sự ràng buộc của cơ chế chủ quản. Nội hàm của tính tự chủ cũng phải được quy định chi tiết, trong đó phải quy định rõ cá nhân, tập thể có quyền quyết định hoạt động của doanh nghiệp (HĐQR, Chủ tịch HĐQT, giám đốc, cấp ủy đảng, đảng bộ, công đoàn, đoàn thanh niên, hội nghị công nhân viên chức). Đồng thời cần đẩy nhanh việc cổ phần hóa DNNN; chuyển những DNNN lớn thành mô hình công ty mẹ, công ty con trong đó có công ty con là những công ty cổ phần.

Các bài viết có liên quan: http://phapluatdansu.edu.vn/?s=%22s%E1%BB%9F+h%E1%BB%AFu+nh%C3%A0+n%C6%B0%E1%BB%9Bc%22

(Nguồn: KTPT- MOI.GOV.VN)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading