admin@phapluatdansu.edu.vn

CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC – ĐÔI ĐIỀU LÀM RÕ

SOURCE: MOI.GOV.VN

Tôi cho rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ là một nhiệm vụ kinh tế mà cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, rất nhạy cảm: đột phá vào một phần của vấn đề sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân, công hữu của chủ nghĩa xã hội mô hình cũ, theo tư duy mới về sở hữu xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Ðảng ta trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm, cụ thể hóa con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ðây là một nhiệm vụ nặng nề và khó khăn mà cấp bách, phải kiên quyết và khẩn trương tiến hành nhưng thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, luôn luôn giữ vững định hướng XHCN, nhất là nay nước ta đã gia nhập WTO.
Cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là xử lý về mặt quan hệ sản xuất để phát triển lực lượng sản xuất. CPH DNNN góp phần thúc đẩy CNH, HÐH đất nước: DNNN có điều kiện huy động được những khoản tiền lớn trong nhiều nguồn vốn trong nước và ngoài nước để đổi mới công nghệ ngày càng hiện đại, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực mới, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, CNH, HÐH là phát triển lực lượng sản xuất, tạo động lực ngày càng mạnh mẽ để thúc đẩy CPH DNNN cũng như các DN khác trong toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, CPH DNNN phải gắn chặt với CNH, HÐH đất nước.
Như Ðảng ta chỉ rõ, tiêu chí quan trọng nhất đánh giá thành công của CPH DNNN là hiệu quả của DNNN cổ phần trong nhiệm vụ làm nòng cốt cho kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo, thúc đẩy tất cả các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Ðây là một thành công “kép” cả về mặt phát triển lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại và về mặt định hướng XHCN (trước hết bởi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển).
Ðương nhiên, CPH mới là xử lý vấn đề sở hữu – là quan trọng nhất; còn phải tiếp tục xử lý các vấn đề quản lý và phân phối nữa mới phát huy được hiệu quả của DNNN CPH. Quản lý và phân phối là quyết định ở thời kỳ “hậu CPH” mà then chốt là quản lý.
Vấn đề được dư luận quan tâm nhiều là, trong và sau CPH, cơ cấu sở hữu và chủ sở hữu của DN cổ phần phải như thế nào thì DN cổ phần ấy mới là DN cổ phần thuộc thành phần kinh tế nhà nước, với vị trí, vai trò và trách nhiệm của nó, không bị tư nhân hóa hoặc trở thành DN cổ phần thuộc thành phần kinh tế khác.
Ðương nhiên, không nói đến nhiều DNNN mà Nhà nước không cần và không nên nắm giữ, phải xử lý bằng nhiều biện pháp: sáp nhập, giải thể, bán…, góp phần lành mạnh hóa hệ thống DNNN.
Trong quá trình CPH DNNN thời gian qua ở nước ta, đã hình thành những DN cổ phần bao gồm ba chủ sở hữu là: Nhà nước, người lao động trong DN và cổ đông ngoài DN. Tổng hợp chung ở các công ty đã CPH, trong vốn điều lệ của DN, Nhà nước nắm giữ 49%, người lao động trong DN 26%, cổ đông ngoài DN 25%. CPH tạo điều kiện pháp lý và vật chất để người lao động nâng cao vai trò làm chủ trong DN.
Theo thông tin trên thì đây là một bước đột phá rất có ý nghĩa trong tư duy mới về sở hữu Nhà nước. DNNN không chỉ có một chủ sở hữu là Nhà nước. Người lao động không sở hữu thực chất vẫn là người làm thuê (chỉ làm chủ về mặt lý thuyết thông qua Nhà nước của mình như trong chủ nghĩa xã hội mô hình cũ). Nay người lao động trở thành chủ sở hữu trực tiếp DN, là đồng sở hữu với Nhà nước và cổ đông ngoài DN. Tức là chúng ta thừa nhận trong thực tế người lao động chủ sở hữu trực tiếp vốn, tư liệu sản xuất (chứ không chỉ thừa nhận chủ sở hữu về tư liệu sinh hoạt theo mô hình chủ nghĩa xã hội cũ). Ðây là một bước tiến mới trong sự nghiệp giải phóng người lao động, đồng thời động viên được các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế nhà nước, tạo nên động lực mới, to lớn cho người lao động, cho sự phát triển mạnh mẽ của DNNN.
Phân tích mô hình DNNN CPH hình thành trong thời gian qua, được coi thuộc thành phần kinh tế nhà nước, ta thấy rằng, trong cơ cấu đa sở hữu của DN, sở hữu Nhà nước và sở hữu người lao động trong DN chi phối. Ðương nhiên nếu hình thức sở hữu khác chi phối thì DN cổ phần đó thuộc thành phần kinh tế khác: hoặc kinh tế tập thể, hoặc kinh tế tư nhân và tư bản tư nhân, hoặc kinh tế tư bản nhà nước, cũng cần phát triển trong nền kinh tế nói chung. Xin lưu ý tác động của kinh tế thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán đến sự biến đổi chủ sở hữu và có thể cả cơ cấu sở hữu của DN cổ phần.
Như vậy, sở hữu người lao động trong DNNN trở thành một bộ phận cấu thành phổ biến trong cơ cấu sở hữu của DN cổ phần thuộc thành phần kinh tế nhà nước. Ðang diễn ra một quá trình giải phóng người lao động không sở hữu, làm thuê trong DNNN kiểu cũ thành người lao động chủ sở hữu, làm chủ trong DNNN kiểu mới. Vì vậy, Ðảng ta rất coi trọng việc tạo điều kiện để người lao động trong DNNN tham gia sở hữu cổ phần. Ðương nhiên, về kinh tế, có vấn đề phát huy tác dụng chi phối tối đa và hiệu quả cao nhất bằng số vốn tối thiểu của Nhà nước trong DN cổ phần của Nhà nước, và cả khi đầu tư vào DN cổ phần thuộc các thành phần kinh tế khác.
Tôi hiểu, đây chính là CPH DNNN theo định hướng XHCN. Trong thực tế, ta đã thừa nhận: sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân, công hữu của chủ nghĩa xã hội đổi mới, của chủ nghĩa xã hội hiện đại không phủ định mà có sự cấu thành sở hữu trực tiếp của cá nhân người lao động liên hiệp lại, nhưng phải trên cơ sở những thành tựu của CNH, HÐH, của kinh tế tri thức trong văn minh trí tuệ.
Có một thực tế sẽ ngày càng phổ biến là, trong kinh tế thị trường, trước sự phát triển sôi động của thị trường chứng khoán, sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia cổ phần trong DN nhưng không làm việc tại DN, trong khi đó, do yêu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh mà DN tiếp nhận thêm nhiều lao động không sở hữu cổ phiếu nào trong DN. Vậy, vấn đề người lao động sở hữu cổ phần trong DNNN sẽ như thế nào?
Rõ ràng, nếu trong DNNN CPH không có người lao động sở hữu cổ phần, chỉ có quan hệ của nhà đầu tư tư nhân và người lao động làm thuê chi phối, thì chúng ta sẽ chỉ có những DN cổ phần thuộc các thành phần kinh tế tư nhân, tư bản tư nhân; có sở hữu Nhà nước nữa thì DN thuộc thành phần kinh tế tư bản nhà nước.
Trong chủ trương phát triển các DN cổ phần thuộc các thành phần kinh tế khác, vấn đề người lao động chủ sở hữu cổ phần trong những DN cổ phần ấy được đặt ra như thế nào? Tôi cho rằng có thì rất tốt, nên khuyến khích, nhưng không phải là nguyên tắc, không phải là bắt buộc. Tuy nhiên cũng nên lưu ý, ngay trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản hiện đại, ở nhiều nước, như ở Mỹ, người lao động trong nhiều DN tư bản chủ nghĩa tham gia đầu tư, chủ sở hữu một phần cổ phiếu không chi phối; đương nhiên đó vẫn là những DN tư bản chủ nghĩa, quan hệ chi phối ở đây là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Tôi đề nghị tiếp tục làm rõ vấn đề cổ đông người lao động trong DNNN CPH – cũng là nguyện vọng chính đáng của người lao động trong DNNN, nhất là chúng ta triển khai một nhiệm vụ mới nặng nề nhưng rất vẻ vang: CPH thêm mấy nghìn DNNN nữa, chủ yếu là các DN lớn, các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nắm giữ phần vốn chủ yếu của Nhà nước trong DNNN.
Ðịnh hướng đúng cho phép ta phân biệt đâu là những nhân tố mới cần nhân lên tuy có khó khăn, đâu là những trở ngại phải gạt bỏ tuy chẳng dễ dàng.
CPH DNNN, đột phá vào DNNN chỉ có một chủ sở hữu là Nhà nước, là phải đưa người lao động trong DN vào đồng sở hữu với Nhà nước, tiếp tục thực hiện việc giải phóng người lao động, trước hết từ người lao động không sở hữu làm thuê trở thành người lao động có sở hữu làm chủ, đồng thời trở thành người lao động có tri thức trong quá trình CNH, HÐH gắn bó chặt chẽ với CPH DNNN.
Hai công cuộc giải phóng này trong thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta được kết hợp với nhau một cách hợp lý và khôn khéo như thế nào đó, là vận dụng quy luật về sự tác động biện chứng giữa phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp, mà quyết định phải là phát triển lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại. Như vậy mới thực hiện được giải phóng người lao động hoàn toàn và triệt để. Trước mắt và về lâu dài, đây là bước khởi đầu của một giai đoạn lịch sử trí thức hóa người lao động, trí thức hóa giai cấp công nhân; cùng với việc các tầng lớp trí thức ngày càng tham gia đông đảo đội ngũ giai cấp công nhân, xây dựng và phát triển giai cấp công nhân hiện đại, làm chủ, đại biểu cho phương thức sản xuất mới trong chủ nghĩa xã hội hiện đại.

Các bài viết có liên quan: http://phapluatdansu.edu.vn/?s=%22s%E1%BB%9F+h%E1%BB%AFu+nh%C3%A0+n%C6%B0%E1%BB%9Bc%22

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d