admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM BẰNG ĐỘNG SẢN, NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ NHU CẦU CẢI CÁCH PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

I- THỰC TIỄN CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ GDBĐ BẰNG ĐỘNG SẢN.

1. Kết quả đăng ký GDBĐ.

Hoạt động đăng ký Giao dịch bảo đảm bằng động sản đã được triển khai tại Việt Nam vào những ngày đầu của năm 2002 nhưng chủ yếu tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đến ngày 14/7/2004 hoạt động này mới được triển khai tại khu vực miền Trung đánh dấu bằng việc thành lập Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Đà Nẵng (Sau đây gọi tắt là Trung tâm Đăng ký Đà Nẵng).

Qua hơn 2 năm hoạt động Trung tâm Đăng ký Đà Nẵng đã xử lý và cấp được 13.200 Giấy chứng nhận đăng ký GDBĐ và CTTC. Số lượng đăng ký hàng năm đều tăng, cụ thể năm 6 tháng cuối năm 2004 Trung tâm cấp được 2.149 Giấy chứng nhận, Năm 2005 cấp được 5.560 Giấy chứng nhận và đến cuối tháng 9/2006 thì Trung tâm đã cấp được 5.432 Giấy chứng nhận gần bằng cả năm 2005. Riêng Quý II/2006 số lượng đơn đăng ký bằng cả Quý I và II/2006. Điều đó nói lên rằng, hoạt động đăng ký GDBĐ bằng động sản tại khu vực miền Trung-Tây nguyên đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tính đến nay, đã có 13 tỉnh tại khu vực miền Trung-Tây nguyên với gần 320 các tổ chức tính dụng là khách hàng thường xuyên (KHTX) đã đăng ký tại Trung tâm đăng ký Đà Nẵng. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ cố gắng đẩy mạnh phát triển cả về số lượng KHTX và số lượng đơn đăng ký dưới nhiều hình thức khác nhau, như: tuyên truyền phổ biến pháp luật, xử lý và cấp giấy chứng nhận trong ngày, hỗ trợ trực tiếp khách hàng, bố trí thời gian làm việc hợp lý với nhu cầu của khách hàng…

2. Về loại tài sản.

Thực tế đăng ký trong thời gian qua, tại Trung tâm đăng ký Đà Nẵng thì hầu hết các loại tài sản là động sản quy định tại Nghị định 165 và Thông tư 01 đã được đưa vào giao dịch làm vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trừ một số loại tài sản chưa thấy đăng ký, có thể do loại tài sản đó không thể hoặc khó có thể đăng ký vì tính chất của loại tài sản đó như: các loại tiền tệ; kim khí quý, đá quý; quyền về tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp… hoặc một số loại tài sản có đăng ký nhưng rất ít và nếu có đăng ký thì cũng chỉ tập trung vào một số TCTD thuộc hệ thống quốc doanh như: quyền đòi nợ (chủ yếu là từ các Hợp đồng xây dựng mà chủ đầu tư là các tổ chức của Nhà nước), chưa thấy có giao dịch đăng ký nào đối với quyền đòi nợ trong các hợp đồng thương mại, dịch vụ… . Qua đó cho thấy, các TCTD và các tổ chức, cá nhân đã có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội kinh doanh, sử dụng đồng vốn một cách có hiệu quả. Có thể vì nhiều lý do khác nhau, hoặc có thể do chưa nắm bắt hết các loại tài sản mà pháp luật cho phép hoặc có thể do chưa đủ khả năng thực hiện đối với loại tài sản đó, do chưa thể liên kết giữa các hệ thống ngân hàng với nhau và ngay cả trong cùng một đơn vị tín dụng cấp I với cấp II, với các phòng giao dịch trực thuộc cũng chưa tạo ra mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Dẫn đến chưa tận dụng hết các loại nguồn vốn trong xã hội, phục vụ cho nhu cầu phát triển SXKD.

3. Về đối tượng tham gia.

Đối tượng khách hàng tham gia đăng ký GDBĐ (kể cả bằng động sản lẫn bất động sản) hiện nay chủ yếu 100% là tập trung vào mối quan hệ giữa các TCTD với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực SXKD hoặc giữa TCTD với các cá nhân. Chưa xảy ra hoạt động đăng ký GDBĐ giữa các đối tượng là các cá nhân – cá nhân, giữa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực SXKD – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực SXKD hoặc giữa cá nhân – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực SXKD. Đây là các đối tượng, các khách hàng tiềm năng mà pháp luật mong muốn được điều chỉnh và các Trung tâm đăng ký mong muốn được phục vụ, với mục đích nhằm hạn chế các kiểu đòi nợ kiểu xã hội đen đem lại bình yên cho xã hội. Các đối tượng này chưa tham gia hoạt động đăng ký GDBĐ. Chưa tham gia, có thể là do một trong thời gian dài, pháp luật của ta chưa có các quy định cụ thể về đăng ký GDBĐ, chưa tạo cho mọi người thấy quyền và lợi ích khi tham gia GDBĐ. Do đó, chưa tạo ra thói quen cho tất cả các tổ chức, cá nhân khi tham gia bất cứ quan hệ giao dịch kinh tế, dân sự, thương mại nào cũng cần xem xét có tài sản đưa ra làm vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự hay không. GDBĐ có phát triển thì mới tạo ra một “văn hoá giao dịch” trong xã hội, tránh tình trạng do nể nang, nặng phần “tình” mà coi nhẹ phần “” mà dẫn đến tâm trạng người cho vay luôn luôn lo lắng đối với tài sản đã cho mượn, cho vay… và ngược lại là tâm lý muốn chiếm dụng tài sản, kéo dài thời hạn trả nợ, thời hạn thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ. Các hiện tượng này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự của một xã hội.

Để đạt được những kết quả trên, hoạt động đăng ký GDBĐ tại Trung tâm Đà Nẵng nói riêng và các Trung tâm đăng ký khác nói chung, mặc dù có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể như sau:

* Về thuận lợi:

– Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Cục trong mọi tình huống nên các vướng mắc của các Trung tâm được giải quyết rất nhanh gọn, hỗ trợ tối đa cho các KHTX, tạo uy tín cho hoạt động đăng ký GDBĐ.

– Hệ thống pháp luật về GDBĐ của Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ. Mặc dù, các quy định này còn nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, mức độ văn bản còn nằm ở tầm Nghị định nhưng tất cả các vấn đề, nội dung cơ bản về GDBĐ mà hiện nay đang được thế giới áp dụng ngày càng nhiều thì đều đã được điều chỉnh. Việc củng cố và xây dựng pháp luật về GDBĐ luôn luôn được lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục quan tâm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới theo hướng tiên tiến, hiện đại, chú trọng cải cách hành chính mang lại nhiều thuận lợi không những cho các khách hàng mà còn tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động của các Trung tâm đăng ký.

– Hình thức, quy trình đăng ký GDBĐ tại Việt Nam nói chung và tại các Trung tâm đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm hết thông thoáng, đơn giản nhưng cũng hết sức tiên tiến, hiện đại. Đáp ứng triệt để yêu cầu về cải cách hành chính mà Chính phủ Việt Nam đề ra, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

– Đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký am hiểu pháp luật, đều có trình độ pháp lý từ cử nhân trở lên, nên các hồ sơ đăng ký đều được giải quyết đúng và trước thời hạn quy định.

* Về khó khăn:

Thực sự mà nói, rất khó tìm ra các nguyên nhân cơ bản gây ra khó khăn cho hoạt động đăng ký GDBĐ bằng động sản. Tuy nhiên, thực tế cũng còn có một số vấn đề cần giải quyết (mang tính kỹ thuật là chính) nhằm hạn chế và đẩy mạnh hoạt động đăng ký GDBĐ trong thời gian tới, cụ thể như sau:

– Việc quy định tìm hiểu thông tin trong CSDL quốc gia đối với bên bảo đảm theo 3 tiêu chí: tên, số ID và địa chỉ là chưa phù hợp. Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn quy định các Trung tâm đăng ký phải cập nhật dự liệu theo đơn kê khai. Do đó, khi các TCTD kê khai một trong các thông số trên không thống nhất là việc cung cấp thông tin sẽ không đầy đủ.

– Quy định nhập tên bên bảo đảm theo “nguyên tắc con dấu” cũng gây ra nhiều rắc rối cho cả các Trung tâm đăng ký lẫn khách hàng vì con dấu có thể được khắc lại (do bị mất, hỏng, đổi tên doanh nghiệp…) và quá trình khắc lại dấu đã nẩy sinh nhiều vấn đề như: số ID sai, tên tổ chức không thống nhất… dẫn đến việc cấp nhật tên bên bảo đảm vào CSDL quốc gia cũng không thống nhất gây ảnh hưởng không nhỏ cho công tác cung cấp thông tin.

– Cũng theo nguyên tắc con dấu nên hình thức nộp đơn qua Fax cũng gây rắc rối như do con dấu có mầu đỏ nên khi qua Fax thường bị mờ, nhoè… nên việc xác định số ID trên con dấu rất khó khăn nên khách hàng thường phải gửi Fax nhiều lần gây tốn kém cho cả khách hàng lẫn các Trung tâm đăng ký.

– Việc pháp luật về GDBĐ quy định chưa rõ ràng về quyền truy đòi đến cùng đối với tài sản bảo đảm cũng gây e ngại cho bên nhận bảo đảm. Ví dụ: 1 phương tiện giao thông sau khi đã được thế chấp tại một TCTD nhưng sau đó lại được bán cho một bên thứ ba ngay tình thì hoặc phương tiện đó có thể bị tịch thu bởi một quyết định hành chính của một cấp địa phương nào đó do bên bảo đảm vi phạm pháp luật như dùng phương tiện để chở hàng lậu, hàng cấm vận chuyển mua bán… Do đó, cần phải có các quy định rõ ràng, giải quyết dứt điểm vấn đề người thứ ba ngay tình đối với tài sản bảo đảm hoặc tịch thu tài sản bảo đảm bởi một quyết định hành chính, bảo đảm tối đa quyền lợi của bên nhận bảo đảm.

II- NHU CẦU CẢI CÁCH PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC GIAO DỊCH BẢO ĐẢM.

Hình thức, quy trình đăng ký GDBĐ bằng động sản tại Việt Nam được triển khai thực hiện tại các Trung tâm đăng ký trực thuộc Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ- Bộ Tư pháp có thể khẳng định là rất hiệu quả, thực hiện tốt chủ trương CCHC do Chính phủ phát động thể hiện ở việc KHTX có thể lựa chọn đăng ký GDBĐ theo phương thức gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc qua Fax mà không cần đến trực tiếp. Có thể nói đây là 2 phương thức rất tiên tiến, hiện đại lần đầu tiên được áp dụng hiệu quả trong cả nước. Áp dụng 2 phương thức này sẽ hạn chế tối đa việc giao tiếp giữa khách hàng với cơ quan Nhà nước, là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự nhũng nhiễu, phiền hà cho khách hàng mà hiện nay cơ chế giao tiếp trực tiếp đang được rất nhiều các cơ quan Nhà nước áp dụng ở các “tổ một cửa” mà chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế hiện tượng nhũng nhiễu, phiền hà cho khách hàng.

Mặc dù các thủ tục hành chính áp dụng trong đăng ký GDBĐ bằng động sản đã được đơn giản hoá tối đa, dễ hiểu, dễ áp dụng nhưng hiện nay các thủ tục này vẫn đang tiếp tục được cải cách triệt để hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đăng ký GDBĐ ngày càng hoàn thiện hơn, thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia hoạt động GDBĐ. Nhưng bên cạnh đó, thì hoạt động của đăng ký GDBĐ bàng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vẫn bị nhiều khách hàng phản ánh còn gặp quá nhiều rắc rối, phiền hà cả về thủ tục, quy trình lẫn con người thực hiện. Do đó, để giải quyết tình hình này, tôi có một số đề nghị sau, đó là:

– Trong dự thảo Nghị định về GDBĐ cần phải có các quy định về bảo vệ tối đa quyền lợi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp, còn vướng mắc trái với các quy định khác thì cũng cần phải có giải pháp nêu ra để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định đó phù hợp với quy định về GDBĐ.

– Trong dự thảo Nghị định hoặc các văn bản cao hơn về GDBĐ và các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng cần phải hạn chế hoặc phải quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của người thứ ba ngay tình đối với tài sản bảo đảm. Vì hiện nay, pháp luật đã có các quy định về tìm hiểu thông tin trước khi quyết định xác lập quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại. Do đó, chỉ sau khi có tìm hiểu thông tin thì việc sở hữu tài sản thông qua mua bán, đổi chác… của người thứ ba mới được pháp luật coi là ngay tình.

– Đối với đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất:

+ Cần nghiên cứu sửa đổi một số quy định có liên quan tại của Luật Đất đai-2003, Nghị định 181 để làm cơ sở điều chỉnh các văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn.

+ Cần nghiên cứu áp dụng hoặc tạo ra cơ chế đăng ký đơn giản, thuận tiện… giống như đăng ký GDBĐ bằng động sản.

III- MỘT SỐ GÓP Ý CỤ THỂ CHO DỰ THẢO PHÁP LỆNH VỀ ĐĂNG KÝ GGBĐ:

1. Tại khoản 2, điều 10 cần nghiên cúu bổ sung thêm một lại giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý đối với công dân Việt Nam là:

– Chứng minh sỹ quan, chứng minh quân đội;

– Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân, Giấy chứng minh an ninh nhân dân, Giấy chứng nhận công nhân, nhân viên trong lực lượng Công an nhân dân.

2. Cần bổ sung từ “đã” trước từ “đăng ký” tại điểm b, khoản 1, điều 24 thì mới rõ nghĩa của việc thay đổi thông tin về bên bảo đảm đã được lưu trữ trong CSDL quốc gia.

3. Về thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký (Điều 20).

Tôi thống nhất quan điểm chọn phương án 1, vì nếu chọn phương án 2 thì thời gian lưu trữ quá lâu và dễ xẩy ra tình trạng đầy dữ liệu trong hệ thống CSDL quốc gia. Thực tế đăng ký cho thấy, do loại tài sản đưa ra làm vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ở đây là động sản, về mặt lý thuyết thì thời hạn sử dụng của loại tài sản này thường ngắn, thời gian khấu hao cũng tương đối ngắn do yêu cầu đổi mới công nghệ… nên các hợp đồng thế chấp cũng thường phải ngắn hơn vòng đời sản phẩm thì mới bảo đảm cho hợp đồng tín dụng. Thực tế, các hợp đồng thế chấp thường được kết thúc trước thời hạn 5 năm.

4. Về thời điểm đăng ký (Điều 21 & 40).

Nếu chọn phương án 1 thì vẫn còn mang tính chủ quan, không công bằng cho khách hàng. Đơn giản, vì nếu một lý do nào đó như: mất điện, số lượng đăng ký tập trung vào một thời điểm nào đó quá đông hoặc vì lý do cá nhân nào đó… dẫn đến việc Đăng ký viên cập nhật vào CSDL hoặc vào sổ đăng ký chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng như việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán. Do đó, quan điểm của tôi là chọn phương án 2 sẽ đảm bảo tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và những người có liên quan.

5. Về cơ quan đăng ký (Điều 13).

Dự thảo đưa ra 2 phương án đăng ký GDBĐ đối với quyền sử dụng dất & tài sản gắn liền với đất, một là được thực hiện tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất như hiện này, hai là đăng ký tập trung tại các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ.

Với tư cách là một cơ quan đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ, chúng tôi nhận thấy rằng,

– Nếu xét ở góc độ CCHC thì trong thời gian qua, chúng tôi nhận được rất nhiều lời phàn nàn của khách hàng về việc thực hiện đăng ký GDBĐ tại các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của các địa phương và rất nhiều khách hàng đề nghị và mong muốn được thực hiện thủ tục này tại các Trung tâm đăng ký thuộc Cục Đăng ký.

– Nếu xét theo nguyên tắc đăng ký thông báo cũng được áp dụng đối với giao dịch bằng quyền sử dụng đất & tài sản gắn liền với đất. Theo đó, cơ quan đăng ký GDBĐ không có nghĩa vụ phải đi xác minh tài sản đó và cũng không có trách nhiệm phải “lo lắng” đi xác minh tài sản đó là có thực hay không? tài sản đó có đủ (về mặt giá trị) để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hay không? … như hiện nay được rất nhiều Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện. Sự “lo lắng” trên gây nhiều khó khăn, ách tắc cho khách hàng, không tạo điều kiện cho thị trường tài chính phát triển. Những việc trên, đã được một cơ quan khác thực hiện và chịu trách nhiệm rồi, đó là cơ quan công chứng, chứng thực. Việc một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất vừa qua đã “lo lắng” quá mức, lo cho cả sự thành bại của bên nhận bảo đảm, theo tôi sự “lo lắng” này đã vượt quá sự cho phép của pháp luật. Thực tế thì Bên nhận bảo đảm phải lo lắng gấp nhiều lần so với sự “lo lắng” của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất vì hậu quả xảy ra là bên nhận bảo đảm phải gánh chịu trước tiên. Điều này nó cũng phù hợp với nguyên tắc tự thoả thuận, tụ chịu trách nhiệm được ghi nhận trong Bộ luật dân sự 2005. Sự “lo lắng” này, nếu không muốn nói là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho khách hàng.

– Nếu xét về góc độ tài chính, thì việc đăng ký tập trung tại các Trung tâm đăng ký là rất thuận lợi vì hiện tại với hệ thống máy móc, thiết bị có sẵn, đã được đầu tư hiện đại và đầy đủ thì Nhà nước không cần lãng phí bỏ thêm vốn đầu tư cho từng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại các địa phương.

Với những nhận xét trên, thì chúng tôi nhận thấy rằng các Trung tâm Đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nói chung và Trung tâm đăng ký tại Đà Nẵng nói riêng đã thực hiện nhanh chóng, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng khi đăng ký các giao dịch bảo đảm bằng động sản. Nếu khách hàng tin tưởng và pháp luật cho phép thì các Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia GDBĐ vẫn có đủ khả năng thực hiện và đáp ứng tốt công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Trên đây là một số ý kiến nhận xét đánh giá về thực trạng đăng ký GDBĐ bằng động sản tại khu vực miền Trung – Tây nguyên, hy vọng sẽ góp phần nhỏ cho Ban dự thảo xây dựng pháp lệnh về đăng ký GDBĐ có thêm một số ý tưởng xây dựng ngày càng hoàn thiện pháp luật về GDBĐ.

SOURCE: nrast.moj.gov.vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: