admin@phapluatdansu.edu.vn

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CẦN MỘT TƯ DUY MỚI

Bao trùm nhất trong vấn đề quản lý nhà nước là việc phân định Nhà nước làm gì và người dân làm gì. Rõ ràng, có những việc chỉ Nhà nước mới làm được và có việc chỉ người dân mới làm được. Ranh giới giữa những việc Nhà nước làm và những công việc người dân làm chính là vấn đề đầu tiên cần phải xác định và là cái gốc của quản lý nhà nước (hay quản trị quốc gia).

Khái niệm người dân nói ở trên bao gồm cả các doanh nghiệp và các tổ chức của xã hội dân sự. Như vậy, ba loại chủ thể chính cấu thành thành xã hội là Nhà nước, các doanh nghiệp và xã hội dân sự. Ba loại chủ thể này giống như ba vòng tròn xếp chồng lên nhau theo hình hoa thị. Có những việc, Nhà nước có thể tự mình làm được, nhưng có những việc Nhà nước sẽ phải kết hộp với các doanh nghiệp hoặc các tổ chức của xã hội dân sự.

Ví dụ, trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao, chính sách tiền tệ, bảo đảm công lý… thì duy nhất Nhà nước mới có khả năng thực hiện. Thế nhưng, để xây dựng cơ sở hạ tầng, chắc chắn Nhà nước cần kết hợp với các doanh nghiệp; để chăm lo cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ lại cần kết hợp với xã hội dân sự.

Như vậy, về bản chất, lúc nào cũng phải xác định được Nhà nước làm gì vì bất cứ lúc nào Nhà nước làm thừa nhiệm vụ, quá vai trò của mình, thì sẽ làm lãng phí các nguồn lực, đồng thời hạn chế năng lực sáng tạo của người dân.

Pháp luật đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong quản lý nhà nước, vì vậy đổi mới quy trình làm luật đang là nhu cầu hết sức cấp bách. Hiện nay, đang có sự lẫn lộn giữa quy trình lập chính sách và quy trình soạn thảo văn bản pháp luật. Trong quản lý Nhà nước, quy trình hoạch định chính sách mạch lạc, khoa học là việc cần phải rất quan tâm.

Quy trình hoạch định chính sách có hai cách làm. Một là bắt đầu từ đường lối của Nhà nước, Nhà nước muốn thực hiện một chính sách nào đó, đề ra mục tiêu và các giải pháp để đạt được. Quy trình đó gọi là quy trình mang tính chất định hướng theo viễn kiến chủ quan, có thể tốt hoặc không, tuy nhiên đây là một quy trình nặng về ý chí.

Còn một quy trình chính sách khác bắt đầu từ việc nhận biết vấn đề. Xác định vấn đề đang đặt ra của đất nước là gì, sau đó, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân làm phát sinh vấn đề và đề ra giải pháp để giải quyết; phân tích chính sách về giải pháp đã đề ra để làm rõ chi phí xã hội và chi phí của Nhà nước là bao nhiêu, với nhưng chi phí đó thì hiệu quả như thế nào. Chỉ sau khi chính sách được quyết định, việc soạn thảo văn bản pháp luật mới chính thức được bắt đầu.

Trong quản trị quốc gia, để có được quy trình chính sách đúng phải có số liệu và thông tin chính xác đồng thời hệ thống thu thập, phân tích phải rất phát triển và được đầu tư xứng đang.

Để quản trị quốc gia cũng cần có các nhà kỹ trị. Đây là đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu sắc về kinh tế thị trường, về các vấn đề tài chính, ngân sách, về quan hệ cung-cầu…Ví dụ, quản lý nhà nước với vấn đề giá thuốc. Chúng ta đã sử dụng nhiều cơ quan trong bộ máy, đã đề ra nhiều giải pháp nhưng giá thuốc vẫn tăng như con ngựa bất kham. Có lẽ, cần có sự hiểu biết sâu hơn về quy luật cung-cầu liên quan đến thuốc mới có thể đề ra được những giải pháp hữu hiệu hơn. Cầu về thuốc có những đặc điểm rất đặc biệt. Cầu về thuốc là loại cầu không thể thay thế và không trì hoãn được. (Cầu đối với một số loại thuốc có thể thay thế được, nhưng điều này không phụ thuộc vào người bệnh mà phụ thuộc vào bác sĩ). Chỉ một tính chất đó thôi đã gây áp lực rất lớn lên giá thuốc. Do đó, nếu không hiểu những tính chất về cầu của thuốc thì không thể hoạch định chính sách nhằm giảm giá được. Khi cầu về thuốc giảm thì giá thuốc sẽ giảm theo.

TS Nguyễn Sĩ Dũng
Theo Thành Chung
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading