admin@phapluatdansu.edu.vn

CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐỂ XỨNG ĐÁNG VỚI KỲ VỌNG

Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, và là một nội dung quan trọng của cải cách DNNN ở Việt Nam.

Kỳ vọng chưa đạt được

Mục tiêu của CPH DNNN đã được quán triệt trong Nghị quyết Hội nghị TW 3 khoá IX (tháng 8/2001) là “Tạo ra loại hình doanh nghiệp (DN) có nhièu chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động, để sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước và huy động thêm vốn xã hội vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản  lý năng động, có hiệu quả cho DNNN, phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của cổ đông và tăng cường giám sát của xã hội đối với DN, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, DN và người lao động…”.

Đánh giá kết quả của quá trình CPH DNNN sau 15 năm, có nhiều ý kiến khác nhau. Có nhiều ý kiến cho rằng quá trình CPH DNNN diễn ra quá chậm, không đạt mục tiêu đề ra. Một số ý kiến khác lại đánh giá cao kết quả của quá trình CPH DNNN trong thời gian qua, với việc đã CPH được trên 50% số DNNN và huy động được một số vốn lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nứơc, đã tăng không ngừng quy mô vốn nhà nước trong các DN.

Theo chúng tôi, trước hết cần khẳng định rằng CPH DNNN là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. CPH là nội dung quan trọng nhất trong tiến trình đổi mới và sắp xếp DNNN, nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các DNNN. Không thể tiếp tục kéo dài sự tồn tại của các DN mà vốn và tài sản thuộc sở hữu của toàn dân, toàn xã hội nhưng thực chất là không có ai là chủ sở hữu thực sự. Đi cùng với tình trạng DN “vô chủ”,vấn đề hiệu quả kinh doanh của các DNNN trong một thời gian dài đã không được coi trọng. Tình trạng DN thua  lỗ kéo dài không bị xử lý phá sản không còn là hiện tượng cá biệt trong khu vực DNNN. Trong bối cảnh chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế quốc tế và khu vực, thì  yêu cầu phải thực hiện cải cách DNNN là một tất yếu khách quan. Tiến trình cải cách DNNN ở vn được diễn ra với các nội dung: (i)sắp xếp lại DNNN về mặt tổ chức, thực hiện giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê với các DNNN vốn nhỏ, thua lỗ; (ii) hình thành các DN lớn, các tập đoàn kinh tế mạnh đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường; (iii) đổi mới cơ chế quản lý DNNN; (iv) CPH các DN mà Nhà nước không cần nắm 100% sở hữu vốn-trong đó, CPH DNNN là nội dung được coi là quan trọng nhất.

Nhìn nhận một cách khách quan, có thể khẳng định rằng: Hầu hết các mục tiêu đặt ra đối với quá trình CPH đã được thực hiện.Tính tới 30/6/2006, cả nước đã thực hiện chuyển đổi được 3.365 DNNN thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn thành công ty cổ phần; đã tăng được quy mô vốn nhà nước bình quân tại DN từ 24 tỷ đồng (năm 2001) lên 71 tỷ đồng (năm 2005) trên một DN; đã thu về cho NSNN hơn 13.000 tỷ đồng để đầu tư cho mục đích khác; thông qua CPH đã huy động được trên 22.000 tỷ đồng vốn nhàn rỗi trong xã hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh; sau CPH có trên 90% số công ty hoạt động có hiệu quả; cổ tức bình quân đạt 17,11%/năm; người lao động trong DN đã quan tâm và có trách nhiệm hơn đối với việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) được giao, cũng như đối với sựtồn tại và phát triển của DN. Kết quả điều tra đối với 850 DNNN sau chuyển đổi sở hữu từ một năm trở lên cho thấy các chỉ tiêu chủ yếu đều có sự tăng trưởng tích cực: vốn điều lệ tăng 44% so với trước khi CPH; doanh thu tăng 23,6%; lợi nhuận tăng 139%; nộp ngân sách tăng 24,95%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, không thể phủ nhận  một thực tế là: quá trình CPH DNNN trong thời gian qua còn nhiều mặt hạn chế, kết quả đạt được còn hết sức khiêm tốn so với sự quan tâm và kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và dư luận xã hội. Cụ thể:

Quá trình CPH diễn ra còn chậm so với kế hoạch

Sau 15 năm thực hiện CPH DNNN đến nay vẫn còn hơn 2.300 DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và trên 1000 công ty cổ phần mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Để thực hiện lộ trình đến năm 2010 hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ các công ty Nhà nước sang hoạt động theo Luật DN  2005 thì mỗi năm cần CPH gần 600 DNNN. Tuy nhiên, với tốc độ CPH hết sức chậm chạp như hiện nay (bình quân mỗi năm CPH được khoảng 220 DNNN) thì quỹ thời gian 4 năm còn lại quả là quá ngắn để thực hiện kế hoạch đặt ra.

Các DN tiến hành CPH chủ yếu có vốn nhỏ, việc đa dạng hoá sở hữu trong CPH còn hạn chế

Mặc dù các DNNN đã thực hiện CPH chiếm tỷ trọng lớn về mặt số lượng (khoảng 53%), nhưng hcỉ chiếm khoảng 8,2% tổng số vốn nhà nước đầu tư tại DN. Các DNNN đã CPH có số vốn nhà nước dưới 5 tỷ đồng chiếm tới gần 60%; chỉ có 18,5% số DNNN CPH có quy mô vốn nhà nước trên 10 tỷ đồng.

Chuyển DNNN thành công ty cổ phần là nhằm đa dạng hoá sở hữu về vốn. Tuy nhiên, trong số trên 3.000 DN đã CPH, chỉ có 30% DN mà Nhà nước không  nắm giữ một đồng vốn nào; 20% DN mà Nhà nước giữ cổ phần từ 51% trở lên; tỷ lệ vốn nhà nứơc trong vốn điều lệ của các DNNN đã thực hiệnCPH chiếm tới 46,5%, người lao động nắm giữ 38,1% và cổ đông ngoài DN năm 15,4% vốn đièu lệ. Như vậy, Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất của phần lớn các DN sau CPH. Tỷ lệ vốn nhà nước trong vốn điều lệ của các DNNN đã thực hiện cổ phần hoá vẫn còn cao và có xu hướng ngày một tăng lên: từ chố chỉ chiếm 28% vào những năm 2000 và 2001 đã tăng dần lên 31% năm 2002, 55% năm 2003; 47$ năm 2004 và 57% năm 2005.

Chưa có sự đổi mới mạnh mẽ trong quản trị công ty

Hầu hết các DN sau khi CPH vẫn sử dụng gần như toàn bộ bộ máy và cán bộ quản lý cũ. Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sau khi CPH có tới 81,5% giám đốc, 78% phó giám đốc và kế toán trường DN vẫn giữ nguyên chức vụ; không có DN nào sau khi CPH sử dụng cơ chế thuê giám đốc điều hành. Có ý kiến cho rằng điều này chứng tỏ chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý  của các DNNN thực hiện CPH là tốt, được sự tín nhiệm cao(?!). Tuy nhiên với những cán bộ quản lý cũ sẽ khó có thể tạo sự đổi mới và chuyển biến thực sự về phương pháp quản lý, lề lối làm việc và tư duy mới trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh theo mô hình tổ chức kinh doanh mới-công ty cổ phần. Việc công khai, minh bạch hoá tình hình tài chính ở nhiều công ty chưa được coi trọng. Kết quả điều tra chothấy, chỉ có 27,5% DN thực hiện kiểm toán hàng năm và 18,7% thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của vụ việc, còn lại là không có kiểm toán. Việc quản lý và điều hành ở không ít công ty sau CPH chưa được tổ chức, hoạt động đúng quy định của pháp luật và điều lệ của công ty cổ phần. Số liệu điều tra cho thấy tại khoảng 70% DN CPH chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm giữ chức vụ giám đốc công ty. Việc kiêm nhiệm này tuy không trái quy định của pháp luật (Điều 85 Luật DN 1999), nhưng có nhược điểm là chưa tách bạch giữa quản lý với điều hành, vì vậy, không thích hợp để áp dụng một cơ chế quản trị công ty hiện đại với sự kiểm tra, giám sát có hiệu quả đối với bộ máy điều hành DN.

Hiệu quả SXKD của các DN sau CPH chưa cao

Thực hiện CPH, các DN được hưởng ưu đãi về thuế như các DN mới thành lập theo Luật Khuyến khích đàu tư trong nước, được miễn lệ phí trước bạ đối với việc chuyển nhượng các tìa sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của DNNN CPH thành sở hữu của công ty cổ phần, được tiếp tục vay vốn của ngân hàng thương mại nhà nước theo cơ chế và lãi suất như đối với DNNN và nhiều ưu đãi khác. Do đó, không quá bất ngờ khi một số chỉ tiêu của các DN sau CPH tăng khá ngoạn mục so với trước CPH, như bình quân doanh thu tăng 23,6%, lợi nhuận tăng 139%, thu  nhập người lao động tăng 11,8%. Tuy  nhiên, chưa có tài liệu nào đề cập tới các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận vốn kinh doanh, tỷ suất lợi nhận vốn chủ sở hữu của DN thay đổi ra sao sau CPH DNNN; đặc biệt là, sau khi hết thời gian ưu đãi về thuế thu nhập, hiệu quả SXKD của các DN này đạt được như thế nào? Đây là những câu hỏi hiện chưa có lời giải đáp. Con số 28,6% các DN có doanh thu giảm, 10% số DN bị lỗ, 42% các DN có số nộp ngân sách giảm, 17% số DN có thu nhập giảm so với trước cổ phần hoá đã phản ánh khó rõ thực tế về sự sụt giảm  kết quả SXKD của một bộ phận không nhỏ các DN hậu CPH.

Hầu hết các DN hậu CPH không mặn mà với việc tham gia niêm yết thị trường chứng khoán

Công ty cổ phần là một mô hình tổ chức DN trong nền kinh tế thị trường với những ưu thế nổi bậtvề khả năng khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn kinh doanh, khả năng tồn tạilâu dài, khả năng tiếp cận các phương pháp kinh doanh tiên tiến, khả năng di chuyển vốn đầu tư dế dàng. Đặc biệt công ty cổ phần là loại hình DN duy nhất có khả năng giải quyết thành công vấn đề huy động vốn trên thị trường để mở rộng SXKD dựa vào phát hành chứng khoán công ty. Điều đáng ngạc nhiên là, mặc dù nhu cầu huy động vốn để đầu tư đổi mới kỹ thuật công nghệ, nâng cao khả năng cạnhtranh của các DN hậu CPH là rất lớn; nhưng số công ty tham gia niêm yết chứng khoán trên thị trường vẫn còn rất nhỏ bé. Theo kết quả điều tra khảo sát mới đây của dự án “Điều tra, đánh giá khả năng tham gia thị trường chứng khoán của các DN vừa và nhỏ Việt Nam” thì 74,9% DN được hỏi đang vay vốn của ngân hàng, vay của công nhân viên và nguồn khác; 42,2% số DN được hỏi có sử dụng hình thức huy động vốn qua phát hành chứng khoán; 48,6% DN có ý định tham gia niêm yết; 47,4% đủ điều kiện và có ý định niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội sau năm 2007(?!). Phải chăng sự không mặn mà của các DN trong việc tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán là do DN chưa quen huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán? Hay  là do cơ chế chính sách chưa khuyến khích các DN tham gia niêm yết? Hoặc các DN e ngại việc công khai và minh bạch hoá tình hình tài chính sẽ bộc lộ các điểm yếu của công ty và có nguy cơ bị các đối thủ cạnh tranh khai thác? Theo chúng tôi, các lý do nêu trên là không thể loại trừ.

Còn nhiều bất cập trong việc quản lý nhà nước đối với DN hậu CPH

Sau khi thực hiện CPH, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước đối với DN đã có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, nhiều vấn đè liên quan đến quản lý nhà nước đối với công ty sau CPH vẫn chưa được giải đáp rõ ràng, như: nội dung quản lý nhà nước đối với DN sau CPH DNNN, những cơ quan  nào có chức năng quản lý nhà nước với các DN hậu CPH DNNN, vấn đề thu hẹp đầu mối các cơ quan quản lý nhà nước để tránh chồng chéo, nhiều cửa, nhiều khoá. Tình trạng chưa thay đổi tư duy quản lý nhà nước, chưa hiểu đúng luật DN, vẫn coi công ty cổ phần như DNNN dẫn tới việc nhiều cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào nội bộ công ty một cách không đúng luật.

Những vấn đề cần quán triệt

Để đảm bảo thực hiện lộ trình đến 2010 hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ công ty nhà nước sang hoạt động theo Luật DN 2005, cũng như để đảm bảo quá trình CPH DNNN đạt được các mục tiêu đề ra,theo chúng tôi cần quán triệt một số vấn đề có tính chất nguyên tắc sau đây:

* Tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của chủ trương CPH DNNN, nhưng cần lưu ý rằng CPH không phải là con đường duy nhất để đổi mới, sắp xếp lại DNNN ở Việt Nam.

Mặc dù DNNN đã có những đóng góp và tác động tích cực không thể phủ nhận đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tuy nhiên, sự kém hiệu quả về kinh tế, sự kém về khả năng cạnh tranh đòi hỏi phải thực hiện đổi mới, sắp xếp lại DNNN-trong đó CPH là nội dung cơ bản. Tuy vậy, cần tránh rơi vào khuynh hướng quá đề cao CPH, coi CPH là con đường duy nhất để đưa các DNNN thoát khỏi tình trạng yếu kém kể trên, từ đó dẫn tới CPH theo kiểu phong trào, hình thức, chạy theo số lượng, sau CPH không tạo ra sự thay đổi về chất trong tổ chức quản lý SXKD, về hiệu quả và khả năng cạnh tranh-mục tiêu hàng đầu của CPH DNNN. Bên cạnh việc đẩy mạnh CPH, cần coi trọng các nội dung khác của quá trình đổi mới sắp xếp lại DNNN, như vấn đề xây dựng các tập đoàn kinh tế, vấn đề chuyển hoạt động của các tổng công ty, công ty theo mô hình công ty mẹ-công ty con, vấn đề giao bán khoán kinh doanh và cho thuê DNNN…

* Chỉ đạo quá trình CPH một cách quyết liệt hơn, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch đã đề ra.

Để đảm bảo thực hiện lộ trình đến 2010 hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ các công ty nhà nước sang hoạt động theo Luật DN 2005, cần có sự chỉ đạo quá trình CPH một cách quyết liệt hơn. Cần nghiên cứu sửa đổi Nghị đinh 187 theo hướng nới lỏng hơn nữa các quy định về bán cổ phần ra ngoài DN và tỷ lệ cổ phần do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, hạn chế, thậm chí cắt bỏ ưu đãi đối với các DN không thực hiện CPH đúng tiến độ, không thể chỉ hô hào chung chung, mà cần có sự thông suốt và phối hợp chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương, từ các bộ, ngành tới ban lãnh đạo và tập thể người lao động trong DN. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh không kém phần gay go, quyết liệt giữa tư tưởng níu kéo, tiếc nuối, sợ mất quyền lợigắn liền với sự trì trệ, với quyết tâm đổi mới, tạo động lực cho sự phát triển cho các DN và nền kinh tế.

* Mở rộng đối tượng thực hiện CPH, giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các DN CPH.

Hiện nay, đối tượng CPH chưa bao quát đối với cong ty mẹ trong mô hình công ty mẹ-công ty con và công ty TNHH một thành viên không thuộc diện nhà nước giữ 100% vốn. Việc triển khai CPH các tổng công ty và các ngân hàng thương mại còn rất chậm. Đặc biệt, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các DN CPH là quá cao. Vì vậy, trong thời gian tới cần rà soát lại đối tượng các DN phải CPH theo hướng: hạn chế việc chuyển các DNNN sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH nhà nước một thành viên, cần giảm dần tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty cổ phần và giảm bớt tỷ lệ công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

* Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện để các công ty cổ phần tiến hành các hoạt động một cách thuận lợi, hiệu quả cao.

Sự cố suý tốt nhất cho quá trình CPH chính là hiệu quả hoạt động của các DN hậu CPH, điều này phụ thuộc không nhỏ vào sự hoàn thiện của môi trường pháp lý mà các DN đang hoạt động. Vì vậy, trong thơì gian tới cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách đối với công ty cổ phần, tránh việc vận dụng thiếu thống nhất giữa các công ty.Cần chấm dứt sự can thiệp không đúng luật của các cơ quan quản lý nhà nước vào công việc nội bộ của công ty, phát huy vai trò của đại hội đồng cổ đông và HĐQT  trong quản lý công ty theo các thông lệ quản trị DN tốt nhất; gắn CPH với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán.

(Nguồn: TCTC – MOI.GOV.VN)

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading