admin@phapluatdansu.edu.vn

Kỹ năng tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu, HĐ thuê tài sản, HĐ cho thuê tài chính, HĐ chuyển giao quyền đòi nợ tại các Trung tâm Đăng ký GD, tài sản của Cục Đăng ký QGGDBĐ

TRẦN QUANG MINH – Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm

Hiện nay, việc tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ (sau đây gọi chung là giao dịch bảo đảm) lưu giữ tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản (sau đây gọi tắt là Trung tâm Đăng ký) được thực hiện theo quy định của Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày tháng năm 2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Thông tư số 06), Thông tư số 04/2007/TT-BTP hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ (sau đây gọi là Thông tư số 04).

Nhằm giúp cho việc tìm hiểu thông tin của các tổ chức, cá nhân diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, kết quả tìm hiểu thông tin được đầy đủ, chính xác, bài viết này giới thiệu những kỹ năng cần thiết trong việc tìm hiểu thông tin cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu tham khảo, lựa chọn.

1. Kỹ năng lựa chọn các hình thức tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản

Nhằm đáp ứng các mục đích, nhu cầu đa dạng của cá nhân, tổ chức trong việc tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký, các Thông tư số 06 và Thông tư số 04 đã quy định nhiều hình thức tìm hiểu thông tin khác nhau cho người tìm hiểu thông tin lựa chọn trên cơ sở phù hợp với nhu cầu của mình. Theo quy định của các Thông tư, có ba hình thức tìm hiểu thông tin là Danh mục các giao dịch bảo đảm theo tên của bên bảo đảm (sau đây gọi tắt là Danh mục), Văn bản tổng hợp thông tin chi tiết về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi tắt là Văn bản tổng hợp thông tin), Bản sao đơn yêu cầu đăng ký có chứng nhận của Trung tâm Đăng ký (sau đây gọi tắt là Bản sao đơn yêu cầu đăng ký).

Lưu ý: Khái niệm “bên bảo đảm” sử dụng trong bài viết này được dùng để chỉ bên bảo đảm trong giao dịch bảo đảm; bên bán trả chậm, trả dần trong hợp đồng mua trả chậm, trả dần; bên thuê tài sản trong hợp đồng thuê tài sản; bên thuê tài chính trong hợp đồng cho thuê tài chính; bên chuyển giao quyền đòi nợ trong hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ.

1.1. Hình thức tìm hiểu thông tin theo Danh mục

Theo mẫu Danh mục của Trung tâm Đăng ký, người tìm hiểu thông tin được cung cấp các thông tin chung về những giao dịch bảo đảm mà bên bảo đảm đã tham gia và đang được lưu giữ tại Trung tâm Đăng ký, bao gồm thông tin về số hồ sơ, số đơn yêu cầu đăng ký, bên nhận bảo đảm, thời điểm đăng ký.

Nội dung của Danh mục không có thông tin cụ thể về tài sản bảo đảm, những lần thay đổi, sửa chữa nội dung đăng ký. Nếu muốn tìm hiểu những thông tin này thì người có nhu cầu tìm hiểu thông tin phải yêu cầu Trung tâm Đăng ký cung cấp thông tin theo các hình thức khác là Văn bản tổng hợp thông tin, Bản sao đơn yêu cầu đăng ký.

Một đặc điểm nữa của Danh mục là tiêu chí tìm kiếm và cung cấp các thông tin theo tên và số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm, được người có nhu cầu tìm hiểu thông tin kê khai trong đơn yêu cầu cung cấp thông tin. Do đó, nếu người có nhu cầu tìm hiểu thông tin không biết chính xác tên, số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của đối tượng cần tìm hiểu thì sẽ không thể có được thông tin chính xác, đầy đủ.

Bên cạnh đó, có những trường hợp thông tin về cùng một bên bảo đảm được lưu giữ trong Cơ sở dữ liệu có những loại giấy tờ xác định tư cách pháp lý khác nhau. Theo quy định của Thông tư số 06 và Thông tư số 04, những đối tượng sau đây có thể được kê khai theo nhiều loại giấy tờ xác định tư cách pháp lý: Sỹ quan quân đội, quân nhân; cảnh sát nhân dân, an ninh nhân dân, công nhân, nhân viên trong lực lượng Công an nhân dân. Những đối tượng này vừa có thể được kê khai theo Chứng minh nhân dân, vừa có thể được kê khai theo các loại giấy tờ chứng minh nhân thân của ngành nơi người đó làm việc. Nếu người tìm hiểu thông tin chỉ tìm kiếm thông tin về đối tượng này theo một loại số giấy tờ xác định tư cách pháp lý thì sẽ bỏ sót thông tin về đối tượng này. Vì vậy, người tìm hiểu thông tin nên tìm hiểu thông tin theo một tiêu chí độc lập là tên của bên bảo đảm, bên cạnh việc tìm hiểu thông tin theo cả hai tiêu chí kết hợp.

Cũng có những trường hợp thông tin về một bên bảo đảm lưu giữ tại Trung tâm Đăng ký có nhiều tên gọi khác nhau nhưng có cùng số giấy tờ xác định tư cách pháp lý. Trong những trường hợp này, người tìm hiểu thông tin nên tìm hiểu thông tin theo một tiêu chí độc lập là số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm để có được thông tin đầy đủ.

1.2. Hình thức tìm hiểu thông tin theo Văn bản tổng hợp thông tin

Theo mẫu Văn bản tổng hợp thông tin của Trung tâm Đăng ký, người tìm hiểu thông tin được cung cấp các thông tin cụ thể, chi tiết về những giao dịch bảo đảm mà bên bảo đảm tham gia, bao gồm: số hồ sơ, số đơn yêu cầu đăng ký, thông tin về bên nhận bảo đảm, tài sản bảo đảm, thông tin về các lần thay đổi, sửa chữa sai sót, gia hạn (nếu có).

Những tiêu chí tìm kiếm thông tin theo hình thức Văn bản tổng hợp thông tin là tên; số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm; số khung, số máy của phương tiện giao thông cơ giới là tài sản bảo đảm.

So sánh với hình thức Danh mục, hình thức Văn bản tổng hợp thông tin có ưu điểm hơn hẳn là cung cấp thông tin về từng giao dịch bảo đảm đầy đủ hơn so với Danh mục, cụ thể là thông tin về tài sản bảo đảm, những lần thay đổi, sửa chữa sai sót, gia hạn. Ngoài ra, hình thức này cho phép tìm kiếm thông tin trực tiếp về tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới.

Một điểm hạn chế của Văn bản tổng hợp thông tin là nếu có sự thay đổi về tài sản, sửa chữa sai sót về nội dung mô tả tài sản, thì nó không cho người tìm hiểu biết về những nội dung đã bị thay đổi, sửa chữa sai sót.

1.3. Hình thức cung cấp thông tin theo Bản sao đơn yêu cầu đăng ký

Bản sao đơn yêu cầu đăng ký là một hình thức tìm hiểu thông tin mới, được quy định trong các Thông tư số 06 và Thông tư số 04. Hình thức này cho người tìm hiểu thông tin biết về toàn bộ lịch sử và nội dung đăng ký của một giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, người tìm hiểu thông tin chỉ lựa chọn được hình thức này khi đã biết thông tin về sự tồn tại của giao dịch bảo đảm đó, số hồ sơ, số đơn đăng ký của giao dịch bảo đảm. Đây là một ưu điểm vượt trội của hình thức Bản sao đơn yêu cầu đăng ký.

1.4. Kết luận

Mỗi hình thức tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm nêu trên có những đặc điểm riêng biệt. Đồng thời, mỗi hình thức đều có những ưu điểm riêng vượt trội so với hình thức khác. Người tìm hiểu thông tin cần căn cứ vào những thông tin về đối tượng cần tìm hiểu mà mình có được, để lựa chọn hình thức và cách thức tìm hiểu thông tin phù hợp. Trong một số trường hợp, cần kết hợp tìm hiểu thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau để có được một bức tranh toàn cảnh, đầy đủ và chính xác về các giao dịch bảo đảm có sự tham gia của đối tượng cần tìm hiểu.

2. Kỹ năng kết hợp giữa việc tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký với việc tìm hiểu thông tin từ các nguồn khác

Nội dung thông tin về giao dịch bảo đảm lưu giữ tại các Trung tâm Đăng ký được người yêu cầu đăng ký kê khai. Thông tin về các bên tham gia giao dịch được kê khai đầy đủ, theo đúng hướng dẫn của các Thông tư. Đối với nội dung mô tả tài sản bảo đảm, người yêu cầu đăng ký có thể lựa chọn giữa cách mô tả đầy đủ, chi tiết các đặc điểm của tài sản và cách mô tả chung về tài sản bảo đảm. Trong trường hợp tài sản bảo đảm được mô tả chung chung, người tìm hiểu thông tin cần tiếp tục tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm từ những nguồn khác trong thực tế.

Những nguồn thông tin có thể tham khảo, lựa chọn là:

(1). Các bên tham gia giao dịch bảo đảm đã được đăng ký và những người khác có liên quan;

(2). Các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng động sản như:

a) Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông trực thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

b) Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính đối với phương tiện thủy nội địa được đăng ký tại

c) Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hoặc Trung tâm Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT đối với tàu cá;

d) Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực đối với tàu biển;

đ) Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải, Sở Giao thông công chính đối với xe, máy chuyên dùng thi công đường bộ;

e) Văn phòng bảo hộ giống cây trồng thuộc Bộ NN&PTNT đối với các quyền đối với giống cây trồng; Cục Sở hữu trí tuệ v.v../.

SOURCE: MOj.GOV.VN

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading