THS. NGUYỄN LAN HƯƠNG
Hiện nay Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng khả năng hội nhập của các doanh nghiệp (DN), nhất là khi chúng ta đang cận kề “Cửa ngôi nhà WTO”. Quá trình cổ phần hoá nảy sinh vấn đề khá bức xúc: Các doanh nghiệp đang có nợ vay ngân hàng (NH) đề nghị NH chuyển nợ vay thành vốn góp. Bài viết dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc những qui định hiện có về góp vốn, mua cổ phần và đôi điều suy nghĩ của tác giả về việc chuyển nợ vay thành vốn góp.
Hoạt động góp vốn, mua cổ phần: Hiện nay hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các Tổ chức tín dụng được qui định trong Luật các tổ chức tín dụng, Quyết định số 492/2000/QĐ-NHNN5 của Thống đốc ngân hàng nhà nước. Trên cơ sở của Luật các Tổ chức tín dụng, Quyết định của Thống đốc NHNN, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã ban hành văn bản số 016/2001/QĐ-HĐQT -NHCT ngày 23/3/2001 qui định chi tiết mục đích, điều kiện, thủ tục và những vấn đề liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần áp dụng trong toàn hệ thống Ngân hàng Công thương .
Điều 69- Luật các Tổ chức tín dụng qui định: “Tổ chức tín dụng được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp và của các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật.”
Điều 80- Luật các Tổ chức tín dụng qui định: “Mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong một doanh nghiệp, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong tất cả các doanh nghiệp không được vượt quá mức tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.”
Quyết định số 492/2000/QĐ – NHNN5 ngày 28/11/2000 của Ngân hàng Nhà nước qui định đối tượng mà tổ chức tín dụng được góp vốn, mua cổ phần; thủ tục, trình tự và mức góp vốn của tổ chức tín dụng trong một doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khác.
Quyết định số 016 /2001/ QĐ – HĐQT – NHCT ngày 23/03/2001 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam: Cụ thể hoá điều kiện và những vấn đề liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần đối với Ngân hàng Công thương Việt Nam (NHCT VN).
Tại Điều lệ của NHCT VN (Điều 14§) có qui định: “ Ngân hàng Công thương thực hiện các hoạt động khác sau đây:
– Dùng điều lệ và quĩ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khác theo qui định của pháp luật.
– Góp vốn với tổ chức tín dụng nước ngoài để thành lập tổ chức tín dụng liên doanh tại Việt Nam theo qui định của Chính Phủ về tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam”.
Việc chuyển nợ vay thành vốn góp được qui định tại:
1. Nghị định số 69/ 2002/ NĐ-CP ngày 12/07/2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước.
2. Thông tư số 05/2003/ TT – NHNN ngày 24/02/2003 hướng dẫn xử lý nợ tồn đọng của DNNN theo nghị định 69/2002 ngày 12/7/2002
Ngân hàng được chuyển nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp và được chuyển nhượng phần vốn góp này.Trong trường hợp này, Ngân hàng thương mại phải dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ tương ứng với phần nợ đã chuyển thành vốn góp vào doanh nghiệp và phải đảm bảo tỷ lệ vốn góp theo quy định trong Quyết định số 492/2000/QĐ-NHNN5 ngày 28/11/2000 của Thống đốc ngân hàng nhà nước ban hành quy định về việc góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng (không vượt quá 11% so với vốn điều lệ của DN đó).
3. Công văn số 1097/CV-NHCT 4 ngày 07/04/2003 của Ngân hàng Công thương VN về việc hướng dẫn thực hiện thông tư 05/2003/TT-NHNN ngày 24/02/2003:
Trường hợp Chi nhánh, SGD có nhu cầu chuyển nợ thành vốn góp thì phải báo cáo, đề nghị NHCT VN và chỉ được thực hiện khi NHCT VN chấp thuận.
Những thuận lợi, vướng mắc trong việc chuyển nợ vay NH thành vốn góp:
1 – Thuận lợi:
+ Tạo cơ hội để thu hồi đối với các khoản nợ khó đòi. Giải quyết, xử lý nợ tồn đọng tại Ngân hàng, làm giảm nợ tồn đọng, thực hiện cơ cấu lại nợ, làm trong sạch báo cáo tài chính của Ngân hàng cũng như của doanh nghiệp.
+ Khi doanh nghiệp được cổ phần hóa, doanh nghiệp này sẽ có những kế hoạch và chiến lược kinh doanh chắc chắn, an toàn và khả thi hơn. Vì vậy khi chuyển nợ vay thành vốn góp tại doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp này có hướng phát triển đi lên, kinh doanh có lãi thì được coi khoản đầu tư của ngân hàng sẽ mang lại lợi nhuận
2 – Khó khăn:
+ Hiện nay, chưa có cơ chế góp vốn của tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp trong nước để thành lập nên 1 pháp nhân mới, hoạt động kinh doanh mà chỉ được mua cổ phần của công ty cổ phần.
+ Việc chuyển nợ vay thành vốn góp đối với doanh nghiệp khó khăn về tài chính trước khi cổ phần hoá sẽ khó mang lại hiệu quả. Do đó sẽ làm giảm hiệu quả của việc góp vốn, mua cổ phần.
+ Theo Điều 2 tại Quyết định số 016/20001/QĐ-HĐQT -NHCT ngày 23/03/2001 có quy định: “NHCT chỉ góp vốn liên doanh, mua cổ phần nào các dự án nếu xét thấy khả thi và có hiệu quả hoặc công ty kinh doanh có lãi (trừ trường hợp cấp có thẩm quyền chỉ định bằng văn bản)”. Việc chuyển nợ vay thành vốn góp ở những doanh nghiệp khó khăn về tài chính trước khi cổ phần hoá sẽ khó mang lại hiệu quả, làm giảm hiệu quả chung của việc góp vốn, mua cổ phần.
+ Ảnh hưởng hoạt động chính của Ngân hàng: Trong tình hình hiện nay, vốn điều lệ của ngân hàng còn thấp và đã phải san sẻ để cấp cho các công ty trực thuộc, góp vốn liên doanh theo qui định của Thống đốc NHNN. Vì vậy, nếu chuyển nhiều các khoản nợ vay thành vốn góp và theo qui định số vốn góp này phải được trích từ vốn điều lệ của ngân hàng sẽ làm vốn điều lệ của ngân hàng bị giảm sút nên ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng (cho vay tối đa đối với 1 khách hàng không vượt quá 15c% vốn điều lệ, đầu tư mua sắm tài sản cố định không vượt qúa 50% vốn điều lệ…)
+ Việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng bị hạn chế theo mức quy định tại Quyết định số 492/2000/QĐ-NHNN5 ngày 28/11/2000 của Thống đốc ngân hàng nhà nước. Nếu khoản nợ vay đã quá đà, lớn hơn 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, thì việc chuyển nợ vay thành vốn góp không thể thực hiện một cách dễ dàng.
+ Góp vốn bằng nợ vay tại doanh nghiệp mà đặc thù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó ngân hàng ít am hiểu, không phải sở trường, không có thế mạnh thì dù NH có cổ phần đủ để tham gia Hội đồng quản trị hoặc trực tiếp quản lý DN cũng là một điều bất cập đối với ngân hàng và khó mang lại hiệu quả.
Qua việc phân tích trên đây cho thấy: Ngân hàng chỉ nên chuyển nợ vay thành vốn góp tại những doanh nghiệp tiềm năng hoặc đang làm ăn có lãi (đang trong tiến trình cổ phần hoá, có đề án cải cách hiệu quả, hoạt động kinh doanh phát triển) Có như vậy mới có thể đạt được hiệu quả góp vốn.
Việc phải chuyển nợ vay thành vốn góp tại các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn thua lỗ, không trả được nợ ngân hàng là giải pháp tình thế. Thông thường, các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển khoản nợ vay sang làm vốn góp là những khoản nợ vay tồn đọng, không có tài sản bảo đảm và khó có thể thu hồi được. Vì vậy, thông tư 05/2003/TT-NHNN ra đời cho phép việc chuyển nợ vay thành vốn góp là một trong những giải pháp nhằm để xử lý nợ tồn đọng của DNNN. Đây là giải pháp tình thế trong tiến trình cơ cấu lại NHTM và DNNN. Còn bản chất của khoản nợ là không thay đổi -đây là khoản nợ tồn đọng, khó đòi, cho dù nó đã được thay đổi cách hạch toán để làm sạch bảng cân đối kế toán của Ngân hàng cũng như của doanh nghiệp (không còn nợ quá hạn, nợ gia hạn, lãi treo…).
SOURCE: icb.COM.VN
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: Cổ phần hóa, Quyền sở hữu |
Leave a Reply