admin@phapluatdansu.edu.vn

CẦN HOÀN THIỆN QUI ĐỊNH PHÁP LÝ VỀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

HIỀN PHA

 

Là loại hợp đồng phức tạp, thời hạn nhiều khi rất dài, điều đó khiến quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm chịu ảnh hưởng rất lớn của những thay đổi chủ quan từ các chủ thể hợp đồng và khách quan từ môi trường tự nhiên – xã hội.
Thực tế, dù muốn hay không vẫn xảy ra nhiều tình huống buộc các bên phải chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời điểm kết thúc thời hạn bảo hiểm đã thỏa thuận.
Vì thế, một trong những yêu cầu quan trọng của việc soạn thảo hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm là phải bao quát được những trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm có thể xảy ra và xác định rõ những hậu quả pháp lý tương ứng. Đối với các nhà bảo hiểm, trong thiết kế sản phẩm bảo hiểm, khi đưa ra điều khoản liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng phải dựa trên nguyên tắc: không trái pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp lý cho nhà bảo hiểm cũng như khách hàng.
Về hệ thống văn bản pháp luật bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay, nhìn chung đã khái quát được những trường hợp cơ bản trong rất nhiều những tình huống đa dạng xung quanh việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Điểm qua các quy tắc, điều khoản bảo hiểm đang lưu hành trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, có thể thấy là các nhà bảo hiểm Việt Nam cũng đã chú ý đưa ra các điều khoản cụ thể bên cạnh những quy định chung của luật pháp về bảo hiểm.
Tuy nhiên, nếu xem xét một cách toàn diện và chi tiết, điều dễ nhận thấy là không ít vấn đề đáng để xem xét lại.
Thứ nhất: – Xung quanh trường hợp hủy bỏ hợp đồng. Trước hết hãy nhìn lại các quy định về vấn đề này từ một số mẫu hợp đồng bảo hiểm hiện hành.
* Đơn bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.
“Người bảo hiểm có thể hủy bỏ đơn bảo hiểm này vào bất cứ thời điểm nào với điều kiện thông báo trước 30 ngày và trong trường hợp đó, người bảo hiểm sẽ hoàn trả phí bảo hiểm theo tỷ lệ cho người được bảo hiểm theo số ngày còn lại của thời hạn bảo hiểm”.
* Quy tắc bảo hiểm tiền.
“Người bảo hiểm có thể hủy đơn bảo hiểm này bằng cách thông báo bằng thư đảm bảo trước 07 ngày cho người được bảo hiểm và trong trường hợp như vậy sẽ hoàn lại phần phí bảo hiểm tương ứng của thời hạn bảo hiểm còn lại cho người được bảo hiểm.”
* Đơn tiêu chuẩn về bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt.
“4. Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm:
Hiệu lực của đơn bảo hiểm này có thể được chấm dứt tại bất cứ thời điểm nào theo yêu cầu của người được bảo hiểm. Trong trường hợp đó, người bảo hiểm sẽ giữ lại phần phí bảo hiểm được tính trên cơ sở tỷ lệ phí ngắn hạn áp dụng cho thời gian đơn bảo hiểm có hiệu lực. Hiệu lực của đơn này cũng có thể được chấm dứt theo quyết định của người bảo hiểm. Trong trường hợp đó, người bảo hiểm sẽ thông báo bằng văn bản cho người được bảo hiểm biết về việc này, và có trách nhiệm hoàn trả một phần phí bảo hiểm theo tỷ lệ tương ứng với thời gian từ ngày thông báo hủy bỏ cho đến ngày kết thúc hiệu lực của đơn bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm”.
Ở nhiều loại sản phẩm bảo hiểm khác cũng có quy định tương tự. Nhìn chung, đại đa số cho phép cả hai bên; một số ít cho phép riêng nhà bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm mà không nói rõ điều kiện tương ứng, chỉ kèm theo việc hoàn lại một phần phí bảo hiểm.
Thay cho lời bình luận, xin dẫn chứng một số quy định liên quan của luật pháp về bảo hiểm.
Theo điều 23, luật kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm được chấm dứt theo quy định của luật dân sự và các trường hợp khác (gắn với điều kiện bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm không thực hiện đúng nghĩa vụ trả phí bảo hiểm).
Còn theo điều 418, 419 luật dân sự, một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng dân sự là khi bị hủy bỏ và “một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận hoặc luật pháp có quy định”. Hơn nữa: “Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”; “Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại”.
Đối với luật hàng hải, điều 208 quy định: “Người được bảo hiểm có quyền rút khỏi hợp đồng bảo hiểm vào bất cứ lúc nào, trước khi xuất hiện hiểm họa được bảo hiểm và có nghĩa vụ trả tiền phạt hợp đồng”.
Như vậy, hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng trong những sản phẩm bảo hiểm nói trên chưa nhất quán với quy định của luật dân sự, nhưng điều đáng nói ở đây là: nên chăng việc cho phép chấm dứt hợp đồng bảo hiểm mà không gắn với các hoàn cảnh nhất định, nhất là từ phía nhà bảo hiểm – bán một lời hứa và tự cho phép rút lại lời hứa bất cứ lúc nào. Nếu nhà bảo hiểm dễ dãi với bản thân mình như vậy sẽ tự làm giảm sút tín nhiệm của công chúng đối với sản phẩm bảo hiểm bán ra.
Đúng ra theo luật dân sự, hợp đồng dân sự có thể chấm dứt theo thỏa thuận của các bên, nhưng là người chủ động đưa ra các điều khoản cho việc thỏa thuận có một vấn đề các nhà bảo hiểm Việt Nam cần lưu ý là luật pháp về bảo hiểm ở nhiều nước trên thế giới hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời điểm kết thúc thời hạn bảo hiểm. Gần như là một nguyên tắc trong xử sự: Đối với bảo hiểm thiệt hại (bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự), 2 bên buộc phải theo đuổi các cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm đến cùng, ngoại trừ khi bị rơi vào những hoàn cảnh cụ thể hợp lý, hợp tình.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, do những đặc tính riêng, sự ràng buộc đó chỉ áp dụng đối với phía nhà bảo hiểm. Trong điều kiện mở cửa và hội nhập không thể xem nhẹ vấn đề này.
Thứ hai: Cần có sự phân định rạch ròi hơn về các trường hợp dẫn đến chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Hãy xem xét các quy định sau của luật kinh doanh bảo hiểm.
Điều 19: Trách nhiệm cung cấp thông tin.
“2. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây:
a) Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường.
………………..
3. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật”.
Điều 22: Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.
“1. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây:
d) Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy sẽ có những tình huống mà quy cho hợp đồng vô hiệu là đúng hoặc thực hiện quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng của các bên cũng không sai. Duy chỉ có điều, hậu quả pháp lý tương ứng với trường hợp hợp đồng vô hiệu và trường hợp đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng lại không giống nhau. Mầm mống có thể dẫn đến việc phát sinh tranh chấp này quả thật là không đáng có.
Thứ ba: Việc xử lý hậu quả việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm phải trên quan điểm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng sản phẩm bảo hiểm:
Thông tư số 71/2001 của Bộ Tài chính có quy định về vấn đề chuyển giao hợp đồng bảo hiểm như sau:
“Bên mua bảo hiểm được phép hủy hợp đồng bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc chuyển giao tính theo dấu bưu điện. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm hủy hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chuyển giao phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã nhận tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan đối với bảo hiểm phi nhân thọ, hoặc số phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan đối với bảo hiểm nhân thọ”.
Với cách giải quyết trên, nhất là đối với bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm sẽ rất thiệt thòi. Tại sao họ phải chịu chi phí “hợp lý liên quan” khi chính nhà bảo hiểm phải chịu trách nhiệm về tình trạng lỡ dở của hợp đồng bảo hiểm. Hơn nữa, quy định như vậy đã bỏ qua một khoản có thể là rất lớn mà họ có quyền được hưởng, đó là thu nhập từ sự sinh lợi đồng tiền phí nộp trước cho nhà bảo hiểm. Hãy xem qua một ví dụ đơn giản sau:
Hợp đồng bảo hiểm sinh kỳ, phí đóng một lần toàn bộ ngay khi bắt đầu tham gia bảo hiểm trừ đi chi phí quản lý là 100 đơn vị tiền tệ (đvtt), lãi suất giả định là 5%/năm. Sau 6 năm tham gia bảo hiểm, phát sinh trục trặc từ phía nhà bảo hiểm; người tham gia bảo hiểm nhận được thông báo về việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm nhưng không muốn chuyển giao. Nhà bảo hiểm chỉ trả lại cho khách hàng 100 đvtt, trong khi đó về nguyên tắc, khoản tiền đó đã sinh lợi ít nhất là:
100 đvtt x (1 + 0,05)5 = 134 đvtt
Xem ra điều này thật phi lý và vô hình chung bên mua bảo hiểm đã bị buộc phải chấp nhận chuyển giao hợp đồng bảo hiểm.
“Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm” đó là mục tiêu đầu tiên mà luật kinh doanh bảo hiểm đã đặt ra. Chính vì thế, xét duyệt các sản phẩm bảo hiểm; soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật về bảo hiểm phải hết sức thận trọng đối với các quy định về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, một trong những vấn đề không chỉ liên quan tới quyền lợi của người tiêu dùng sản phẩm bảo hiểm mà còn ảnh hưởng đến sự tín nhiệm đối với sản phẩm bảo hiểm Việt Nam, thậm chí là lòng tin vào hiệu lực của quản lý nhà nước trong kinh doanh bảo hiểm.

SOURCE: TẠP CHÍ BẢO HIỂM SỐ 6/2003

————————————————————–

“… chấm dứt hợp đồng bảo hiểm” từ lý thuyết đến thực tiễn

TẠP CHÍ BẢO HIỂM: Sau khi Tạp chí bảo hiểm số tháng 6/2003 đăng bài “Cần hoàn thiện quy định pháp lý về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm”, chúng tôi đã nhận được bài “Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm – Từ lý thuyết đến thực tiễn” của tác giả Nguyên Hà. Mặc dù tác giả Nguyên Hà chỉ đưa ra các vấn đề mang tính thực tiễn chứ không trao đổi trên cơ sở lý luận. Để mở rộng đường cho các bài trao đổi, phản hồi về bài viết, chúng tôi đăng bài “Chấm dứt hợp đồng …” để bạn đọc tham khảo.
Với tư cách là khách hàng của các công ty bảo hiểm, sau khi đọc bài “Cần hoàn thiện quy định pháp lý về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm” của tác giả Hiền Pha trong Tạp chí bảo hiểm số 2/2003, chắc hẳn bạn sẽ ít nhiều hoang mang về quy định pháp lý trong những quy tắc và những đơn bảo hiểm hiện hành, như đã được tác giả viện dẫn.
Song trong thực tế không phải như vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm vào những quy tắc, những điều khoản bảo hiểm đang được các công ty bảo hiểm cấp cho khách hàng. Bởi lẽ, từ lý thuyết đến thực tiễn còn có sự khác biệt lớn, đó là những điều kiện dẫn tới việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm của công ty bảo hiểm mặc nhiên đã được ngầm định trong hợp đồng bảo hiểm.
Trước khi xem xét tính thực tiễn của sự ngầm định này, xin trở lại nội dung bài “cần hoàn thiện quy định pháp lý về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm” chúng ta thấy tác giả lập luận rất lô gic, với việc trích dẫn nội dung một số đơn bảo hiểm và một số điều luật trong Luật kinh doanh bảo hiểm. Nhưng sự lô gic đó cần được kiểm chứng qua thực tiễn, trước khi đi đến một kết luận “Nhà bảo hiểm – bán một lời hứa bất cứ lúc nào…”. Thực tế, một ngàn lần không phải như vậy. Trong thời buổi kinh tế thị trường, sự cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm để có được một khách hàng đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt, thì không một nhà bảo hiểm nào lại dại dột “dễ dãi với bản thân mình như vậy”.
Vấn đề đặt ra, tại sao những điều kiện cho phép nhà bảo hiểm đơn phương chấm dứt hợp đồng lại được ngầm định, mà không nêu rõ trong hợp đồng hay quy tắc bảo hiểm? Câu trả lời được xuất phát từ chính việc bảo vệ quyền lợi cho người được bảo hiểm. Bởi trước hết, nhà bảo hiểm không thể lường hết những trường hợp vi phạm hợp đồng từ phía người được bảo hiểm để đưa vào hợp đồng, thêm nữa điều quan trọng hơn việc ngầm định nhằm hạn chế tối đa việc tuyên bố chấm dứt hợp đồng từ nhà bảo hiểm. Điều đó xuất phát từ thực tiễn, khi những điều kiện đã được quy định cụ thể trong hợp đồng, thì không thể không xử lý theo hợp đồng khi điều kiện đó xảy ra. Nhưng ngược lại, do không quy định những điều kiện cụ thể nên hầu hết những vi phạm từ phía người được bảo hiểm vẫn được nhà bảo hiểm trao đổi, nhắc nhở mà không cần đến giải pháp chấm dứt hợp đồng.
Với lập luận trên, không có nghĩa là trong thực tế không có trường hợp tuyên bố chấm dứt hợp đồng từ phía nhà bảo hiểm. Mà trường hợp chấm dứt hợp đồng là rất hãn hữu khi và chỉ khi phía người được bảo hiểm cố tình lừa dối nhà bảo hiểm nhằm trục lợi như trường hợp nhà bảo hiểm phát hiện đối tượng được bảo hiểm không đủ điều kiện để bảo hiểm, nhưng người tham gia bảo hiểm đã khai báo đủ điều kiện.
Một vấn đề khác được tác giả đề cập “khi bên mua bảo hiểm hủy hợp đồng trong thời hạn 15 ngày…”, tác giả đã có sự nhầm lẫn lớn giữa huỷ hợp đồng trong thời hạn 15 ngày kể từ khi hợp đồng bắt đầu có hiệu lực với khi hợp đồng đã có hiệu lực 6 năm, khi đưa ra ví dụ được gọi là “đơn giản”. Thực chất đạo lý của quy định, người tham gia bảo hiểm phải chịu chi phí hợp lý có liên quan nếu hủy hợp đồng trong thời gian chờ, nhằm nâng cao trách nhiệm của các tư vấn viên bảo hiểm, mặt khác nhắn nhủ khách hàng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định tham gia bảo hiểm. Khoản chi phí được xem là hợp lý có liên quan, thực tế sẽ rất nhỏ bé đối với những người tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm từ 100 triệu đồng trở lên, nhưng nếu không có quy định này thì các công ty bảo hiểm chắc chắn sẽ gặp rất nhiều rắc rối do hậu quả của việc hủy hợp đồng trong thời gian chờ mang lại.
Tóm lại, sau khi đọc bài viết trên cho thấy có nhiều điểm cần được chuẩn lịa cho đúng với bản chất của vấn đề. Tránh lý thuyết hóa vấn đề thực tiễn trong suy luận, gây hoang mang cho những độc giả không nắm được thực chất của vấn đề.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading