admin@phapluatdansu.edu.vn

TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC GIA NHẬP WTO ĐẾN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ở VIỆT NAM. KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP.

TS. NGUYỄN HOÀNG LƯUPhó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Hội nhập kinh tế quốc tế, trước mắt là việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, là quá trình tất yếu, khách quan nhằm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Sau một năm Việt Nam là thành viên chính thức thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới WTO, tác động của nó đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội, đặc biệt là đến môi trường kinh doanh.

1. Những kết quả đã đạt được:

Nhận xét chung của các doanh nghiệp đều nhất trí đánh giá việc Việt Nam gia nhập WTO có tác động tốt đến sự phát triển kinh doanh của mình. Ở cấp độ vĩ mô sẽ mở ra những cơ hội mới cho việc mở rộng thị trường, thu hút thêm đầu tư, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ở tất cả các lĩnh vực, đảm bảo sự hài hoà giữa luật lệ, chính sách và quy định của Việt Nam với thông lệ và tiêu chuẩn của quốc tế. Nhận xét này cũng đã được Ban thư ký Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam báo cáo trong Diễn đàn vào đầu tháng 12 vừa qua về : “Điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh Việt Nam”. Các doanh nghiệp cũng nhận xét là trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2007 môi trường kinh doanh cũng đã được cải thiện đôi chút và từng bước được hoàn thiện.

Thứ nhất: Chính phủ đã có những cải thiện hệ thống pháp lý, luật lệ cho phù hợp khi Việt Nam gia nhập WTO và những sáng kiến cải cách mà Chính phủ cam kết thực hiện. Bên cạnh việc ban hành các văn bản như Luật Doanh nghiệp chung, Luật đầu tư chung, luật kế toán, kiểm toán, luật cạnh tranh ở cấp độ Nhà nước thì ở cấp Bộ và thành phố đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn và đặc biệt là đã xây dựng nhiều chương trình, đề án có mục tiêu và nội dung trực tiếp cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng phát triển.

Thứ hai: Đã có nhiều tiến bộ của Chính phủ và các doanh nghiệp trong việc gia nhập thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, cơ sở hạ tầng về dịch vụ viễn thông và cung cấp điện năng đã có nhiều nỗ lực tiến bộ.

Thứ ba: TRong năm qua đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc đối xử bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài, điều này không những thể hiện ở việc ban hành và có hiệu lực của Luật doanh nghiệp , Luật đầu tư áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp mà còn thể hiện ở cả trong việc thực hiện Luật đất đai, luật thuế, luật kế toán và kiểm toán….

Thứ tư: Việc tiếp cận với các nguồn tài chính, tín dụng của các doanh nghiệp đã có nhiêuì tiến bộ; khoảng 25-30% số doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp đã có điều kiện tiếp cận với các nguồn tài chính, tín dụng khác nhau và được sự hỗ trợ đầy đủ trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh.

Thứ năm: Qua điều tra nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đánh gía cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải tiến luật lệ và các quy định cho phù hợp với các quy định và thông lệ kinh doanh quốc tế.

Thứ sáu: Sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà nướcvới hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp (các Hiệp hội đa ngành, đa lĩnh vực, ngành nghề…)đã có nhiều biến chuyển và vị thế của Hội, Hiệp hội ngày càng được nâng cao, doanh nghiệp có thành tích được tôn vinh.

2. Tồn tại :

Tuy nhiên, nhìn lại một năm gia nhập WTO , còn tồn tại những vấn đề cần phải giải quyết trong môi trường kinh doanh, cụ thể là:

Thứ nhất : Về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông ( đường sắt, đường bộ, cầu, cảng ..v.v) còn kém. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế và dòng đầu tư của nước ngoài. Bên cạnh đó nhiều dự án lớn bị chậm trễ do nhiều nguyên nhân trong đó có vần đề giao thông, cũng như sự phát triển không đồng bộ trong lĩnh vực này như có đường thì chưa có cầu, chưa có bến cảng , kho bãi ..v.v .. làm cho tình hình lại càng khó khăn hơn, gây tốn kém thêm chi phí kinh doanh và làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp.

Thứ hai: Bảo hộ sở hữu trí tuệ ( IPR) : vẫn là vấn đề nóng hiện nay và là một trở ngại gây thiệt hại không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp trong nước. Tình trạng chiếm dụng thương hiệu, làm nhái sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng hàng giả, hàng kém chất lượng, tranh chấp bản quyền.v.v…vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Sự yếu kém trong bảo bộ sở hữu trí tuệ đã làm hại doanh nghiệp trong nước nhiều hơn doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ ba: Môi trường pháp lý: hệ thống tòa án và thực thi luật pháp còn nhiều hạn chế nguyên nhân do các thủ tục còn rườm rà và chi phí cao, thiếu tính minh bạch.

Thứ tư: Hiệu quả của dịch vụ hành chính vẫn còn yếu kém chưa được tinh giản, tốc độ cải cách hành chính vẫn chậm, nạn quan liêu, tham nhũng vẫn còn nhiều và ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện.

Thứ năm: hệ thống thuế và quản lý thuế cũng còn nhiều bất cập từ chính sách thuế như chi phí quảng cáo khuyến mại, thuế giá trị gia tăng đối với hàng khuyến mại, thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu….đến luật thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế cần có những bước điều chỉnh , cải cách, đồng bộ và thực tiễn hơn

Thứ sáu: nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao còn rất thiếu. Theo thống kê chỉ có gần 30% lực lượng lao động là đã qua đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đồng đều, sử dụng chưa hiệu quả. Ngay ở Hà Nội là trung tâm kinh tế đứng thứ 2 trong cả nước sau thành phố Hồ chí minh thì với hơn nửa triệu lao động được đào tạo có bằng cấp các loại thì số có trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 37 %( trong đó số có bằng công nhân kỹ thuật chỉ chiếm 10%) số có trình độ trung học chuyên nghiệp chiếm 21%, số có trình độ đại học và cao đẳng chiếm 40%, và số có trình độ trên đại học là 2%. Đặc biệt số công nhân kỹ thuật bậc cao ( bậc 6, 7/ 7) và số kỹ sư thực hành thạo chuyên môn là rất hiếm.

Thứ bảy : Vẫn còn sự bất bình đẳng trong sự việc phát triển các vùng miền. Tình trạng chỉ tập trung phát triển ở thành thị , còn nông thôn và các vùng sâu, vùng xa còn chưa được chú trọng đúng mức là vẫn còn chưa được cải tiến từ nhận thức đến hành động. Ngay tại các vùng miền cũng có sự phân bổ không đồng đều về nguồn ngân sách và sự chỉ đạo dẫn đến tình trạng mất cân đối. Bởi vậy doanh nghiệp hoạt động ở vùng nông thôn và các vùng miên xa xôi gặp rất nhiều khó khăn ( nguồn tài chính, cơ sở hạ tầng, nguồn thông tin…)

3. Kiến nghị và giải pháp cần cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ nhất: Rất nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp và các đối tác có liên quan đều lo ngại về sự phục hồi hàng loạt các “ giấy phép con” khi cho ra đời những luật lệ và quy định mới; bởi vậy cần xóa bỏ những giấy phép không cần thiết, đấy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết.

Thứ hai: việc tiếp tục ngăn chặn, kiểm soát nạn quan liêu, tham nhũng phải được làm chặt chẽ, quyết liệt. Cần công bố công khai quy trình tác nghiệp, thời gian giải quyết công việc, người chịu trách nhiệm ở tất cả các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công để mọi công dân, mọi doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện . Công khai, minh bạch mọi chính sách, cơ chế quản lý. Loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước những công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân và doanh nghiệp, những người thiếu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba: Tiếp tục cải cách việc soạn thảo và ban hành thực thi các văn bản pháp luật ( cấp phép, đầu tư , thương mại , sở hữu trí tuệ) theo hướng tinh giản, thực tiễn, đồng bộ, chuẩn mực, có sự tham gia ý kiến rộng rãi của đông đảo các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, và được thực thi nghiêm minh, công bằng, không có trường hợp ngoại lệ đối với việc cấp phép đầu tư , giấy phép kinh doanh và bảo vệ sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Cần rà soát lại các văn bản pháp quy liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, sửa đổi các văn bản cho phù hợp với quy định của WTO.

Thứ tư: Cải cách, đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực: Tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực. Đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ lao động đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có chất lượng và tay nghề cao phục vụ cho nhu cầu của cả nước và xuất khẩu. Để thực hiện mục tiêu trên cần tổng điều tra, đánh giá lại nguồn nhân lực nói chung và nhân lực kỹ thuật nói riêng; thực hiện quy hoạch sắp xếp hệ thống,các trường, cơ sở dậy nghề, các trường đào tạo của Nhà Nước, hướng vào đào tạo cơ bản, tập trung dài hạn theo hệ chuẩn và những ngành nghề mũi nhọn, công nghệ cao.

Coi trọng phát hiện bồi dưỡng, thu hút sử dụng và đãi ngộ đội ngũ tri thức, chuyên gia trình độ cao, đặc biệt là các nhân tài, phát triển thị trường lao động có tổ chức.

Thứ năm: Cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp nhanh chóng, đặc biệt là các cảng biển và nhà máy điện: cần cho phép và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển hạ tầng. Đồng thời cần có nhiều nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh sự phát triển cơ sở hạ tầng trên bộ, bao gồm đường sá, cầu cống.

Thứ sáu: Cần tiếp tục hỗ trợ việc phát triển các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời hỗ trợ các Hiệp hội doanh nghiệp cho xứng với tầm vóc là người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp. Để thực hiện điều này Nhà nước cần ban hành Luật về phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ, luật về Hiệp hội và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để triển khai.

SOURCE: trade.hochiminhcity.gov.vn

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: