VŨ MINH HỒNG – Uỷ ban TƯ Mặt trận TQ VN
Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại (TM), Luật Sở hữu trí tuệ, và Bộ luật Hàng hải là bốn đạo luật hết sức thiết thân và quan trọng đối với mọi thể nhân và pháp nhân kinh doanh (doanh nhân). Ở VN hiện nay, chúng ta thiếu các thể chế pháp lý vi mô là các quy định pháp lý liên quan đến năng lực chiếm hữu tài sản và năng lực dịch chuyển tài sản cần cấp thiết xây dựng, nhằm tạo ra nguồn lực tài sản mới đuợc giao dịch an toàn, dựa trên các dịch chuyển pháp lý như thế chấp, cầm cố, bảo lãnh đối với động sản, bất động sản, quyền đối với động sản, bất động sản, trong đó quan trọng là động sản vô hình, tài sản đặc biệt trong hoạt động TM.
Do phạm vi bài viết, tôi kiến nghị bổ sung quy định về cửa hàng thương mại (CHTM) mà chế định về giao dịch bảo đảm trong Luật Dân sự sửa đổi (mục 5), Luật TM sửa đổi, Luật Sở hữu trí tuệ (mới) hiện nay không quy định cụ thể chúng sẽ được dịch chuyển pháp lý ra sao. Đây là một bỏ ngỏ của pháp luật dân sự – TM.
Về phương diện pháp lý, tài sản bao hàm cả quyền tài sản, với hai thuộc tính của tài sản là vật và quyền đối với vật.Tài sản luôn là đối tượng giao dịch trong nền kinh tế thị trường, gồm:
– Bấtđộng sản: đất đai và các vật gắn liền với nó một cách vững chắc, khó tháo rời;
– Động sản: động sản hữu hình (vật có thực); động sản vô hình (tài sản xã hội như sự tin cậy, quen biết, kinh nghiệm; tài sản trí tuệ như sáng chế, bản quyền, nhãn mác…);
– Quyền tài sản: quyền đối với bất động sản và động sản: cho thuê, thế chấp, cầm cố, bảo lãnh … (vật quyền), và cầm giữ tài sản, cho thuê lại, khiếu nại … (trái quyền).
Như chúng ta biết, bất động sản, các động sản đặc biệt như tàu bay, tàu biển, nhất là các quyền tài sản, chúng tạo ra các giá trị lớn trong thương mại thông qua các dịch chuyển pháp lý – giao dịch bảo đảm là chính, chứ ít ở dạng giao dịch mua bán.
CHTM (động sản vô hình) là đối tượng giao dịch TM:
a. Thực tiễn về giao dịch CHTM:
Thị trường với đặc trưng là hoạt động giao dịch của mọi thực thể thị trường và bán thị trường, nơi diễn ra các hành vi của các thể nhân, pháp nhân và một số thực thể có giới hạn năng lực, nhằm tìm kiếm lợi nhuận và các lợi ích công phi lợi nhuận. Đối tượng của giao dịch thị trường là tài sản và các lợi ích có giá trị. Trong chuỗi vận động hàng hoá thị truờng thì vận chuyển và cung ứng cho các đại lý bán buôn và bán lẻ là các hoạt động sôi động nhất, tham gia và góp phần chính yếu cho hoạt động sôi động đó chính là các CHTM. Hàng hoá chỉ là một trong những yếu tố của toàn bộ sản nghiệp TM của doanh nhân mà thôi, và cũng chưa phải là yếu tố quan trọng. Điều quan trọng lại nằm ở việc doanh nhân đó thủ đắc CHTM ra sao.Khi thị phần bán sản phẩm mở rộng hoặc teo lại thì số phận của Cty và CHTM sẽ thay đổi, doanh nhân phải tính tới số phận của CHTM: bán, cho thuê lại, sáp nhập nhiều CHTM với nhau, sáp nhập vào Cty, đem thế chấp…
Điều quan tâm của mọi doanh nhân có CHTM không chỉ là cửa hàng đó bán gì, doanh thu ra sao, mà là có thể dịch chuyển pháp lý tài sản (mua bán và bảo đảm) từng yếu tố trong toàn bộ sản nghiệp của CHTM đó hoặc dịch chuyển pháp lý toàn bộ sản nghiệp của CHTM đó ra sao: có an toàn, có đảm bảo lợi ích hay không.
Luật sư Nguyễn Hữu Danhcho biết: “Cách đây khoảng 10 năm, báo chí đưa tin một Cty nước ngoài nhận chuyển nhượng nhãn hiệu kem đánh răng P/S với giá 1 triệu USD; tại Sài Gòn trước 1975, giá chuyển nhượng một CHTM rất cao, cao hơn nhà ở gấp 10 lần… Có ý kiến cho rằng Luật TM của ta không quy định CHTM vì không định lượng khách hàng được? điều quan trọng là CHTM có uy tín, tất yếu sẽ có lượng kháchhàng nhất định”.
Thật đáng suy nghĩ khi gần như cả hệ thống pháp luật dân sự-TM đang được sửa đổi lại không hề tính đến đời sống dịch chuyển tài sản của các doanh nhân có CHTM.
b. Tài sản trong CHTM gồm có:
– Tài sản với tính vật, có thực: các phương tiện vận chuyển, thiết bị, máy móc, hàng hoá, dụng cụ, khí cụ.
– Tài sản có giá trị khác (thường chứng minh địa vị pháp lý): giấy chứng nhận đăng ký cửa hàng, biển hiệu, tài khoản, biên lai thuế, giấy đăng ký chi nhánh (nếu có), giấy phép kinh doanh mặt hàng đặc biệt (nếu có),…
– Tài sản không có tính vật (vô hình) không được mã hoá, nhưng có giá trị: danh sách khách hàng, sự tin cậy, uy tín thương mại, kinh nghiệm cá nhân, …
– Tài sản trí tuệ (vô hình) được mã hoá: bản quyền tác giả, sáng chế, nhãn mác hàng hoá, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý, chuyển giao công nghệ…
– Tài sản có tính chất quyền (quyền tài sản): hợp đồng thuê cửa hàng, giấy sở hữu cửa hàng, quyền thuê cửa hàng (đất/mặt bằng/không gian), quyền thuê nhân công.
c. Tính cách pháp lý giao dịch của CHTM:
– CHTM là đối tượng của hai loại giao dịch tài sản chính gồm mua bán và bảo đảm, nghĩa là chủ của CHTM có thể đem toàn bộ sản nghiệp của mình đi bán hoặc thế chấp hoặc chỉ dùng một vài yếu tố tài sản trong cả sản nghiệp của CHTM để bán hoặc thế chấp, nhằm có một khoản tài chính hay để thực hiện nghĩa vụ.
– CHTM, trong đó một số yếu tố như khách hàng, uy tín thương mại – là hai yếu tố năng động có giá trị kinh tế lớn nhất trong chuỗi giá trị của một sản nghiệp thương mại bằng cách giao dịch mua bán hoặc giao dịch bảo đảm, tạo nên giá trị cao hơn, mới hơn cho thương hiệu của một doanh nhân, làm tăng trưởng các giá trị tài sản trong một DN.
Điều chỉnh thế nào về hai loại giao dịch CHTM: mua bán và bảo đảm
a. Tham khảo Bộ luật Thương mại Sài Gòn:
– Tại chương 3. “Các CHTM”. Điều 42: “CHTM gồm toàn thể tài vật, động sản họp thành một khối đem sung dụng vào một hoạt động thương mại. CHTM gồm có khách hàng là yếu tố chính và, trừ phi có điều khoản trái lại, tất cả những tài vật khác cần thiết cho sự khai thác cửa hàng, như bảng hiệu, thương hiệu, quyền thuê mướn,…; nhãn hiệu chế tạo, hình vẽ và kiểu mẫu, quyền sở hữu văn nghệ và mỹ thuật.”
– Điều 47 nói lên yếu tố khách hàng là yếu tố quan trọng nhất trong toàn bộ sản nghiệp mà một CHTM có.
– Điều 44 chỉ ra phạm vi áp dụng đối với CHTM.
b. Kiến nghị môi trường pháp luật đối với giao dịch tài sản là CHTM:
CHTM là đối tượng của hai loại giao dịch phổ thông là mua bán và bảo đảm, vậy, các dịch chuyển pháp lý về mua bán và bảo đảm sẽ diễn ra thế nào đối với CHTM?
i. Bộ luật Dân sự quy định nguyên tắc giao dịch mua bán và giao dịch bảo đảm, và nguyên tắc đăng ký đối với bất động sản và động sản và các quyền tài sản;
ii. Luật Bất động sản và Luật Động sản quy định chi tiết mọi giao dịch về bất động sản và động sản; quy định chi tiết về thủ tục đăng ký mua bán và đăng ký bảo đảm.
iii. Luật Thương mại (nếu giao dịch sở hữu trí tuệ đặt trong tổng thể giao dịch thương mại) sẽ quy định cụ thể thủ tục đăng ký khác nhau:
– Dịch chuyển pháp lý mua bán CHTM trong cả hai trường hợp: mua bán yếu tố chính trong CHTM, hoặc mua bán toàn bộ sản nghiệp của CHTM;
– Dịch chuyển pháp lý bảo đảm đối với CHTM trong cả hai trường hợp: bảo đảm yếu tố chính trong CHTM, hoặc bảo đảm toàn bộ sản nghiệp của CHTM;
iv. Luật Sở hữu trí tuệ (nếu tách khỏi Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại) sẽ quy định thủ tục đăng ký chi tiết dịch chuyển pháp lý (mua bán và bảo đảm) đối với các tài sản vô hình là yếu tố thuộc trí tuệ sau khi đã được mã hoá, tách ra khỏi toàn bộ sản nghiệp thương mại của CHTM.
v. Bộ luật Hàng hải quy định thủ tục riêng về mua bán tàu biển và thế chấp tàu biển. Các tài sản khác thuộc hàng hải sẽ được dịch chuyển pháp lý thông qua hệ thống pháp luật liên quan đến giao dịch tài sản.
vi. Luật Hàng không dân dụng quy định thủ tục riêng về mua bán máy bay và thế chấp máy bay. Các tài sản khác thuộc hàng không sẽ được dịch chuyển pháp lý thông qua hệ thống pháp luật liên quan đến giao dịch tài sản.
Tuy nhiên, với môi trường pháp lý như vậy, rất khó tránh khỏi sự chồng lấn, làm khổ doanh nhân và làm rắc rối thêm hoạt động giao dịch tài sản. Nếu chúng ta có Bộ luật Dân sự, Bộ luật Thương mại, Luật Bất động sản và Luật Động sản (trong đó có chế định đăng ký quốc gia thống nhất tài sản) thì mọi giao dịch tài sản đều có đủ căn cứ áp dụng giải quyết. Các luật đặc thù trên các lĩnh vực có tài sản giao dịch mà hoạt động giao dịch tài sản đó có quan hệ bắt buộc với pháp luật công như hàng hải, hàng không, thì dựa trên bốn đạo luật kể trên để có nghị định cụ thể về thủ tục đăng ký đặc thù ngành, lĩnh vực.
SOURCE: DDDN.COM.VN
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 3. Hợp đồng thương mại, Hợp đồng, Quyền sở hữu |
Leave a Reply