admin@phapluatdansu.edu.vn

BỒI THƯỜN OAN SAI: SAO VẪN… SAI?

BÁ TÚ

Khi cá nhân, tổ chức bị cơ quan nhà nước xâm phạm thì liệu Nhà nước có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại như những chủ thể thông thường khác hay không? Thực tế lập pháp trên thế giới đã trả lời “có”. Nhưng…

Người dân và DN sai phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, còn cơ quan chức năng biết sai lại “né” trách nhiệm thì sao?

Hành lang pháp lý chưa đủ rộng

Mặc dù, thời gian qua hành lang pháp lý cho việc bồi thường trách nhiệm nhà nước đã được Nhà nước chú ý xây dựng như Nghị quyết số 47/CP ngày 3/5/1997 về giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức, người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, hay Nghị quyết số 388/2003/NQ của UB Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chế định pháp luật này chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra nhằm điều chỉnh một cách toàn diện, hợp lý các vấn đề có liên quan đến trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

TS Dương Đăng Huệ – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng: Luật Bồi thường Nhà nước nên áp dụng cơ chế bồi thường đối với tất cả những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hành pháp và tư pháp. Theo ông Huệ, cần quy định thủ tục thương lượng là thủ tục được khuyến khích thực hiện, nhưng bên cạnh đó, quyền khởi kiện ngay ra Toà án vẫn được luật quy định.

Đơn cử như vụ việc bồi thường cho ông Hoàng Minh Tiến là một điển hình cho việc thương lượng không thành công. Ông Tiến đã được xác định rõ VKSND TP Hà Nội có sai phạm đối với ông và phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, khi ông Tiến yêu cầu bồi thường 4 tỷ đồng cho 13 khoản thiệt hại thì qua thương lượng VKSND Hà Nội chỉ chấp nhận bồi thường 27,9 triệu đồng về tinh thần cho 403 ngày tạm giam của ông Tiến. Còn lại tất cả các khoản thiệt hại khác cùng yêu cầu trả lại ngôi nhà số 6/295 Bạch Mai, TP Hà Nội đều bị VKSND Hà Nội bác bỏ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh – Viện Khoa học thanh tra: Việc thương lượng giữa người bị oan với cơ quan có trách nhiệm bồi thường đều không đạt được kết quả như mong muốn và tốn rất nhiều thời gian. Cơ quan nhà nước phải bồi thường thiệt hại thường uỷ quyền cho một cán bộ chuyên môn và chỉ có thể thoả thuận mức bồi thường thấp hơn mức quy định. Điều này không đúng với bản chất của việc thương lượng.

Nên cơ quan thi hành vẫn cố tránh lỗi

Vụ án hình sự oan đối với ông Lương Ngọc Phi – Giám đốc Cty TNHH Thương mại Thanh Phong là một điển hình. Vụ án bắt đầu từ ngày 30/4/1998, cơ quan Cảnh sát điều tra Thái Bình khởi tố vụ án đối với ông Lương Ngọc Phi về tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản XHCN”, tiếp sau đó thêm tội “trốn thuế”. Ngày 29/9/1999, TAND tỉnh Thải Bình đã xét xử sơ thẩm tuyên ông Phi 17 năm tù giam. Đến TAND tối cao xử phúc thẩm ngày 25/5/2000, tuyên ông Phi không phạm tội. Ông Phi đã liên tục làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nhưng đến tận 13/6/2006, TAND tỉnh Thái Bình mới tổ chức xin lỗi công khai ông Phi.

Bên cạnh đó, trong đơn yêu cầu bồi thường gửi TAND tỉnh Thái Bình, ông Phi đã liệt kê 5 mục lớn với tổng trị giá bằng tiền lên đến hơn 24 tỷ đồng như tổn thất về tinh thần gần 107 triệu đồng, tài sản bị thu giữ, kê biên hơn 5,3 tỷ đồng, thiệt hại do lãi từ khoản tiền tịch thu 2,1 tỷ đồng… Nhưng TAND tỉnh Thái Bình chỉ chấp nhận 4 mục nhỏ như việc bồi thường cho 1.066 ngày bị giam oan, số tiền thăm nom trong thời gian bị giam và tiền thuê luật sư. Tổng số tiền của 4 mục này là 163 triệu đồng.

Từ vụ án trên cho thấy TAND tỉnh Thái Bình là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng cũng lại là cơ quan xét xử vụ kiện bồi thường với chính mình là bị đơn ở cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm thì thật khó có thể khách quan. Ông Phi chua xót: Gần 10 năm qua các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình đã bắt giam, xét xử oan đối với ông nhưng ngay việc xác định cơ quan nào phải giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông đã vô cùng khó khăn. Các cơ quan tố tụng khi biết vụ án bị oan thì họ co cụm lại với nhau, tìm cách trốn tránh trách nhiệm bồi thường.

Điển hình hơn là vụ việc về áp mã thuế XNK đối với Cty TNHH Hà Vinh (Bắc Ninh) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo ông Nguyễn Thế Vinh – GĐ Cty Hà Vinh, ngày 3/10/2003, theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cty đã làm việc với Cục Hải quan Lào Cai kết quả thống nhất huỷ bỏ quyết định xử phạt và biên bản vi phạm của Cty. Đến 6/2/2004, sau nhiều lần khiếu nại của Cty, Hải quan Lào Cai đã thống nhất trả tiền phạt, tiền thuế phạt, tiền bồi thường các khoản trên. Nhưng đến ngày 16/4/2004, Cục Hải quan Lào Cai lại thay đổi sang một mã thuế NK khác với tên hàng giống các lô hàng mà Cty đang tranh chấp. Nhưng thực tế mã số thuế NK mới không đúng với tên hàng Cty NK và lại xử phạt hành chính Cty. Vụ việc kéo dài đến nay, mặc dù đã có văn bản của Tổng cục Hải quan và Thanh tra Hải quan nhưng Hải quan Lào Cai mới chỉ trả một phần trong số thuế được trừ. Ông Vinh đặt ra câu hỏi, DN nộp thuế chậm thì bị phạt nhưng Hải quan trả chậm thì tại sao không bị chế tài gì xử lý?

Bá Tú – DDDN.COM.VN

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d