admin@phapluatdansu.edu.vn

LUẬT SƯ, TRỌNG TÀI CHƯA THEO KỊP… WTO

Hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như tranh chấp trong các giao dịch thương mại dự kiến sẽ gia tăng mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Thế nhưng, hai dịch vụ pháp lý quan trọng là luật sư và trọng tài hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho quá trình hội nhập nói trên.

Thiếu cả lượng lẫn chất

Theo ông Lê Hồng Sơn, Vụ phó Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), tính đến nay cả nước đã có 3.918 luật sư và luật sư tập sự, tăng tới 187% so với năm 2001.

Mặc dù vậy, số lượng luật sư hiện có vẫn chưa đủ so với nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Tỷ lệ luật sư chỉ mới đạt 1/21.215 người dân, trong khi tỷ lệ này ở Nhật là 1/4.546; Thái Lan: 1/1.526; Singapore: 1/1.000; Mỹ: 1/250…

Có những tỉnh như Kon Tum, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn số lượng luật sư chỉ có khoảng 3-4 người. Thậm chí, có địa phương như Lai Châu, Điện Biên không có đủ số luật sư cần thiết để thành lập đoàn luật sư.

Vì vậy, một số phiên tòa ở đây từng phải tạm hoãn do thiếu luật sư hoặc trong các vụ án chỉ định luật sư tòa phải mời luật sư từ các địa phương khác đến tham gia!

Tại cuộc tọa đàm về tác động của Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) đối với nghề luật sư và trọng tài do Bộ Tư pháp tổ chức tuần qua ở TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng điều đáng ngại là chất lượng luật sư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập.

Trong tổng số luật sư hiện có, chỉ có 2.611 người (chiếm gần 67%) đã qua lớp đào tạo nghề luật sư; số còn lại chưa qua lớp đào tạo hoặc được miễn đào tạo theo quy định.

Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng Văn phòng Luật sư tư vấn Độc Lập, thừa nhận số lượng các luật sư tinh thông về ngoại ngữ và có trình độ tiếp cận với các hợp đồng thương mại quốc tế gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Phần lớn còn lại hành nghề tư vấn đơn giản hoặc tranh tụng tại tòa với khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, cá nhân và hộ gia đình.

Nguyên nhân của tình hình trên, theo Luật sư Phạm Thị Vạn Thanh (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) có phần do việc đào tạo cử nhân luật hiện còn nhiều bất cập, dẫn đến chất lượng thấp. “Có những sinh viên ra trường mà kiến thức cơ bản hay những khái niệm rất đơn giản vẫn hiểu sai hoặc không biết”, bà Thanh nói.

Cùng quan điểm trên, Luật sư Fred Burke (Chi nhánh Công ty Luật Baker & McKenzie) cho rằng, khiếm khuyết nằm ở phương pháp đào tạo theo kiểu “học vẹt” lâu nay trong các trường đại học luật. “Các sinh viên đã lãng phí thời gian để học thuộc lòng các văn bản luật nhưng đến khi họ tốt nghiệp thì những văn bản này đã hết hiệu lực.

Trong khi đó, nhà trường lại rất ít khi dạy cho sinh viên cách làm thế nào để nghiên cứu các luật mới và phân tích các vấn đề pháp lý, những thứ mà họ sẽ phải làm hằng ngày trong suốt cuộc đời hành nghề của mình”.

Theo Luật sư Fred Burke, biện pháp để cải thiện tình hình là nên cho phép các giảng viên luật được hành nghề luật sư vì điều đó sẽ làm cho việc giảng dạy hiệu quả hơn nhiều (Hiện ở Việt Nam, luật không cho phép vì giảng viên là công chức).

“Ngay cả ở các trường luật nổi tiếng thế giới, các giáo sư luật cũng phải bỏ thời gian để tư vấn cho khách hàng riêng” – ông cho biết.

Ông Burke cũng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm xuất khẩu dịch vụ pháp lý toàn cầu như Hồng Công, Singapore nhưng hiện vẫn còn những trở ngại nhất định.

Thí dụ, dịch vụ pháp lý xuất khẩu hiện vẫn bị đánh thuế giá trị gia tăng 10% trong khi hàng hóa xuất khẩu thông thường khác là 0%.

Hoặc quy định của Luật Luật sư về việc thu hồi chứng chỉ luật sư khi luật sư không thường trú tại Việt Nam; tiêu chuẩn luật sư với điều kiện bắt buộc phải là công dân Việt Nam.

“Luật cho phép các hãng luật Việt Nam được thành lập cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài nhưng làm sao họ có thể bố trí luật sư làm việc ở nước ngoài nếu luật sư của họ bị mất chứng chỉ hành nghề ngay khi vừa rời khỏi đất nước?”.

Nỗi khổ trọng tài

Không chỉ có luật sư, trọng tài thương mại cũng là vấn đề báo động. Hiện cả nước có năm trung tâm trọng tài thương mại với tổng số trọng tài viên là 136 người.

Theo Vụ Bổ trợ tư pháp, số vụ việc giải quyết bằng trọng tài hàng năm còn rất khiêm tốn. Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) thuộc loại lớn nhất nhưng mỗi năm cũng chỉ xử lý được 20-25 vụ. Các trung tâm khác khoảng 5-7 vụ, thậm chí có trung tâm không có vụ nào.

Đại diện của Vụ Bổ trợ tư pháp cho rằng sở dĩ các doanh nghiệp chưa mặn mà lắm với trọng tài là vì họ chưa biết nhiều về phương thức giải quyết tranh chấp này, kể cả đối với các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thi hành án.

Theo Luật sư Lê Công Định, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, trong hoàn cảnh đó lẽ ra các trung tâm trọng tài nên có các chương trình xúc tiến, thậm chí tự tiếp thị, và chủ động học hỏi cách làm của trọng tài các nước, thay vì thụ động hoặc chờ sự hỗ trợ bao cấp của Nhà nước như lâu nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, những bất cập trong các quy định của luật pháp hiện hành cũng là rào cản đối với hoạt động của trọng tài.

Theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại, trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong phạm vi “hoạt động thương mại”. Điều này đã làm các trung tâm trọng tài “mất đi” một lượng khách hàng đáng kể trong các lĩnh vực ngoài hoạt động thương mại.

Tiến sĩ Bùi Quang Nhơn, Trưởng Chi nhánh Cần Thơ của VIAC, nêu dẫn chứng chẳng hạn tranh chấp giữa các nhà thầu xây dựng và các ban quản lý dự án là một dạng tranh chấp khá phổ biến hiện nay.

Luật chưa có quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đương sự có yêu cầu trong khoảng thời gian từ lúc thụ lý vụ án cho đến lúc thành lập hội đồng trọng tài.

Theo đại diện Vụ Bổ trợ tư pháp, bên bị kiện thường dựa vào “kẽ hở” này để tranh thủ tẩu tán tài sản, chứng cứ vi phạm. Mặt khác, quy định về căn cứ hủy quyết định trọng tài có phạm vi quá rộng so với thông lệ quốc tế cũng là một nguy cơ rủi ro tiềm ẩn cho các doanh nghiệp khi lựa chọn trọng tài.

Nhưng bức xúc nhất vẫn là vướng mắc trong việc thi hành phán quyết trọng tài. Mặc dù theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại và Bộ luật Tố tụng dân sự, quyết định trọng tài có giá trị thi hành như một bản án nhưng Pháp lệnh Thi hành án lại không quy định điều này.

“Cơ quan thi hành án hoàn toàn có thể vin vào Pháp lệnh Thi hành án để không thi hành các quyết định trọng tài. Đây là điều làm cho các doanh nghiệp “ớn” nhất khi họ lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp”, Luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, phát biểu.

Còn Luật sư Nguyễn Văn On, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TPHCM, cho biết thậm chí trong một số vụ ngay cả trung tâm trọng tài của ông cũng từng bị đương sự “quỵt” phí trọng tài, hết mấy chục triệu đồng, nhưng cơ quan thi hành án cũng chẳng làm được gì vì…không có cơ chế!.

Nguồn: KTSG

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: