admin@phapluatdansu.edu.vn

NGHỊ ĐỊNH VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM: NHIỀU ĐIỂM TRANH CÃI

Để pháp điển hoá những quy định về giao dịch bảo đảm còn chưa cụ thể và thiếu cơ chế bảo đảm thi hành thực tiễn trong Bộ luật Dân sự 2005, Bộ Tư pháp đang xây dựng Nghị định về giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, tính đến nay một số nội dung trong dự thảo nghị định vẫn còn nhiều tranh cãi.

Theo quy định của pháp luật thì một tài sản có thể được dùng bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong thực tế ngay từ khi thực hiện nghĩa vụ bảo đảm lần đầu thì các Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đã buộc phải giao bản chính. Do vậy, các giao dịch bảo đảm tiếp theo khó có thể có bản chính.

Ví dụ, theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 181 và Thông tư liên tịch số 05, hồ sơ yêu cầu đăng ký phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do bên nhận thế chấp trước đã giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên các bên trong giao dịch bảo đảm tiếp theo không thể đáp ứng điều kiện về hồ sơ yêu cầu đăng ký theo quy định nêu trên. Hơn nữa, đối với nhiều tài sản mà việc bên nhận bảo đảm giữ giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng, khai thác tài sản đó như phương tiện giao thông cơ giới…

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia đánh giá, việc giữ Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, giấy đăng ký phương tiện không phải là biện pháp tối ưu để ngăn ngừa bên bảo đảm chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc xác lập các giao dịch đối với tài sản bảo đảm. Bởi bên bảo đảm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại với lý do bị mất… Một số ý kiến còn cho rằng, quy định về việc tổ chức tín dụng giữ bản chính “giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm” không rõ ràng. Nghị định cần xác định những loại giấy tờ nào liên quan đến tài sản bảo đảm mà tổ chức tín dụng được giữ.

Đối với trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm hình thành hai nhóm ý kiến khác nhau. Một nhóm cho rằng, nếu bên bảo đảm không có quyền sở hữu tài sản mà dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 320 của Bộ luật dân sự (Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Dân sự phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm). Trong trường hợp này quyền của chủ sở hữu tài sản được bảo vệ, bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên bảo đảm thay thế tài sản bảo đảm hoặc thay thế biện pháp bảo đảm khác; yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trước hạn hoặc trở thành chủ nợ không có bảo đảm và có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Còn nhóm thứ hai lại có quan điểm, về nguyên tắc pháp luật bảo vệ quyền của chủ sở hữu tài sản, nhưng nếu bên nhận bảo đảm ngay tình (không biết và không thể biết về việc bên bảo đảm không có quyền dùng tài sản để bảo đảm), thì cần được bảo vệ một cách hợp lý, hài hòa trong mối quan hệ với quyền của chủ sở hữu tài sản. Quy định này nhằm tạo sự ổn định cho các giao dịch dân sự, hạn chế rủi ro cho bên nhận bảo đảm ngay tình, đồng thời thúc đẩy sự phát triển hoạt động tín dụng, đầu tư vốn. Nhiều nước có nền tài chính, ngân hàng phát triển cũng giải quyết tương tự.

Tài sản hình thành trong tương lai cũng là điểm nhận được rất nhiều sự quan tâm. Các quy định pháp luật về nhận bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành trong tương lai (bao gồm cả tài sản hình thành từ vốn vay) còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế. Pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm chưa quy định rõ về việc đăng ký đối với những tài sản mà từ khi ký kết hợp đồng bảo đảm đến khi được hình thành trong tương lai, tài sản đó có sự chuyển đổi từ động sản sang bất động sản hoặc ngược lại, như máy móc, thiết bị gắn liền với công trình xây dựng, hoặc hoa lợi, mùa màng. Ví dụ: khi ký kết hợp đồng bảo đảm tài sản hình thành trong tương lai là động sản (hệ thống thang máy đang trên đường vận chuyển), nhưng khi được đưa vào sử dụng và thuộc sở hữu của bên bảo đảm thì lại trở thành bất động sản thì việc đăng ký thực hiện như thế nào? Bởi hiện nay, việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản và bất động sản được thực hiện tại hai hệ thống khác nhau, trong khi chúng ta chưa có quy định về việc thừa nhận giá trị của việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại các hệ thống cơ quan đăng ký khác nhau.

Bá Tú – DDDN.COM.VN

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: