admin@phapluatdansu.edu.vn

BÀI HỌC TỪ VIỆC VIETNAM AIRLINES THUA KIỆN Ở Ý VÀ PHÁP

TS. ĐỖ VĂN ĐẠI 

GV Trường Paris 13, CH Pháp

TRƯƠNG QUANG DŨNG 

NCS, Trường Đại học Rouen, CH Pháp

Trong bài phỏng vấn liên quan đến vụ Vietnam Airlines (VNA) thua kiện luật sư người Ý[1], Tổng giám đốc của VNA Nguyễn Xuân Hiển kết luận rằng « đây là bài học lớn về kinh nghiệm làm ăn với quốc tế, kinh nghiệm mở cửa »[2]. Quả thực đây là bài học lớn đối với Việt Nam trong thời kỳ mở cửa, hội nhập. Nhưng cụ thể những bài học đó là gì ? Trong bài « tại sao Vietnam Airlines lại thua kiện ở Paris », chúng tôi đã cho công bố toàn bộ bản án của Tòa phúc thẩm Paris với những bình luận nhìn từ góc độ pháp luật của Pháp để chúng ta biết được những lý do mà Tòa án Paris đã không chấp nhận kháng cáo của VNA[3]. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một khía cạnh khác, cụ thể là nêu ở đây ba bài học nhìn từ phía Việt Nam : thứ nhất, không nên quá dựa dẫm vào « pháp luật quốc tế » ; thứ hai, không nên sử dụng « tư duy Việt Nam » khi làm việc ở nước ngoài ; thứ ba, hãy tôn trọng pháp luật nơi mà mình có quan hệ.

I- Không nên quá dựa dẫm vào « pháp luật quốc tế »

Từ khi Việt Nam mở cửa, cụm từ « pháp luật quốc tế » thường xuyên được sử dụng. Ví dụ, chúng ta thường thấy, « pháp luật Việt Nam cần phải phù hợp với pháp luật quốc tế » ; « điều này phù hợp với pháp luật quốc tế » ; « chúng tôi hoàn toàn tôn trọng pháp luật quốc tế »… Kinh nghiệm cho thấy, cụm từ này được sử dụng trong những hoàn cảnh rất trìu tượng nên có người nói, có người nghe nhưng không có người bàn luận, phân tích sâu. Trong vụ việc đang nghiên cứu, ông Tổng giám đốc của VNA Nguyễn Xuân Hiển cũng nói, « quả thực vào những năm 1994, hiểu biết về pháp luật quốc tế của Vietnam Airlines chưa nhiều nên mới xảy ra chuyện rắc rối hôm nay »[4].

Chúng ta nghe nói quá nhiều về « pháp luật quốc tế » nhưng nhìn lại những hoàn cảnh cụ thể khi cụm từ này được sử dụng thì lại không biết « pháp luật quốc tế » ở đây là những quy định cụ thể nào. Chẳng hạn, đối với vụ việc của Vietnam Airlines, « pháp luật quốc tế » mà ông Nguyễn Xuân Hiển đã nói đến là gì ? Đó là những quy định nào ? Câu hỏi không có trả lời. Trong quan hệ tư, nhất là quan hệ kinh doanh, ngoài tập quán trong thương mại quốc tế[5] và một số rất ít văn bản như văn bản của WTO có phạm vi điều chỉnh cho các nước thành viên, không tồn tại « pháp luật quốc tế » để điều chỉnh. Khi vụ việc được đưa ra trước Tòa án, các thẩm phán không xét xử trên cơ sở của « pháp luật quốc tế » như chúng ta thường được nghe tới mà họ dựa vào pháp luật của họ. Trong phần sau chúng ta sẽ thấy Tòa án Ý đã áp dụng pháp luật của Ý và Tòa án Pháp đã áp dụng pháp luật của Pháp. Như vậy, khi làm ăn ở nước ngoài chúng ta không nên quá dựa dẫm vào « pháp luật quốc tế ».

II- Không nên sử dụng « tư duy Việt Nam » khi làm việc ở nước ngoài

Mỗi một nơi, một nước có một cách sống, một cách tư duy. Có những tư duy gần gũi nhau nhưng cũng có những tư duy đối lập nhau. Dù có gần gũi đi chăng nữa, những tư duy này vẫn khác nhau. Vì vậy, khi giao lưu vượt ra khỏi biên giới chúng ta nên tư duy như thế nào ? Ở đây chúng tôi chỉ đi vào phân tích tư duy pháp lý. Trong vụ việc của Vietnam Airlines, chúng ta đã sử dụng tư duy nào khi làm việc với đối tác nước ngoài ? Nhiều tình tiết cho thấy chúng ta đã sử dụng tư duy của Việt Nam và điều đó đã dẫn đến những hậu quả không tốt. Cụ thể như sau :

« Đầu năm 2005, một số quan chức của VNA cũng lạc quan rằng khả năng thắng kiện của phía Việt Nam là lớn. Ông Lê Đức Tứ (Ủy viên hội đồng quản trị VNA, giữ chức tổng giám đốc từ tháng 4/1993 đến tháng 4/1998) đánh giá vụ việc không liên quan VNA. Bởi việc ký hợp đồng đại lý với Falcomar được thực hiện từ tháng 11/1992 với Tổng công ty Hàng không VN cũ. Sau đó, đơn vị này giải thể. Năm 1995, Tổng công ty Hàng không VN mới được thành lập. Hợp đồng với Falcomar thanh lý từ năm 1995. Ở đây có sự nhẫm lẫn giữa Vietnam Airlines cũ và mới »[6]. Như vậy, theo Vietnam Airlines, có sự khác biệt giữa « Tổng công ty Hàng không VN cũ » và « Tổng công ty Hàng không VN mới ». Nhưng liệu đây có phải là cách nhìn của người Ý và người Pháp? Việc Tòa án Ý vẫn đưa Tổng công ty Hàng không VN mới vào vụ kiện và việc Tòa án Pháp vẫn yêu cầu Tổng công ty Hàng không VN mới thi hành quyết định của Tòa án Ý dường như cho thấy điều ngược lại. Vì vậy, có thể nói khi tham gia làm việc ở nước ngoài, hãy cẩn thận và nên biết rằng chúng ta tư duy khác người khác. Và để có thể làm việc hiệu quả hãy tìm hiểu tư duy của họ.

Theo ông Tổng giám đốc của Vietnam Airlines Nguyễn Xuân Hiển, « năm 2002, khi nhận trát đòi tiền của luật sư Liberati, Vietnam Airlines rất ngỡ ngàng vì kể cả Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng không có thông tin gì về việc này. Vietnam Airlines đã rà lại hồ sơ tài liệu từ năm 1991 đến 2002 và phát hiện vào năm 1994 công ty có nhận được giấy triệu tập tham dự phiên tòa, có cả bản dịch tiếng Anh đơn kiện. Đơn kiện hồi đó được trình lên văn phòng đối ngoại. Anh Nguyễn Hải, lúc đó là trưởng ban tiếp thị hành khách đã báo cáo bằng văn bản Vietnam Airlines không liên quan vì đại lý Falcomar thuê luật sư Liberati chứ Vietnam Airlines không có giấy tờ gì liên quan đến anh ta. Sau đó, Vietnam Airlines không tham dự phiên tòa »[7]. Ở đây theo lập luận của Vietnam Airlines, chúng ta “không tham dự phiên tòa” vì chúng ta “không liên quan”. Cũng có thể nói, đây là cách tư duy rất Việt Nam. Nhưng rất tiếc là tư duy của người Ý, nơi mà mình có quan hệ, lại không hẳn như vậy. Mình được mời đến Tòa thì mình hãy đến, còn mình có liên quan hay không Tòa sẽ giải quyết. Việc Tòa án Ý vẫn ra phán quyết bất lợi cho chúng ta một lần nữa cho thấy cách tư duy của chúng ta ở nước ngoài đã không đem lại hậu quả tốt.

Cũng theo ông Tổng giám đốc của Vietnam Airlines Nguyễn Xuân Hiển, « số tiền phát sinh sẽ rất lớn và liệu Vietnam Airlines có thắng không. Ý chí của Vietnam Airlines là tiếp tục chiến đấu vì nếu chịu thua vô lý như vậy sẽ tạo ra tiền lệ VN luôn thua trong các cuộc đấu lý quốc tế»[8]. Chúng ta được nhiều nước trên thế giới biết đến vì ý chí kiên cường trong chiến đấu đánh giặc ngoại xâm. Nhưng liệu tư duy của chiến tranh có phù hợp với tư duy của làm ăn kinh tế? Thật quy báu khi có ý chí, nhưng trong giao lưu mở cửa ngày nay, ý chí không đủ mà còn phải “tôn trọng pháp luật”. Việc Tòa phúc thẩm Paris bác đơn của Vietnam Airlines cũng phần nào cho thấy “ý chí chiến đấu” không hẳn đã đủ mà điều quan trọng ở đây là hiểu biết pháp luật của Pháp về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án nước ngoài ở Pháp.

III- Hãy tôn trọng pháp luật nơi mà mình có quan hệ

Phần trên cho thấy, trong quan hệ tư, hầu như không tồn tại « pháp luật quốc tế » để điều chỉnh. Khi vụ việc được đưa ra trước Tòa án, các thẩm phán thường dựa vào pháp luật của họ. Như vậy, khi làm ăn ở nước ngoài chúng ta nên hiểu biết và tôn trọng pháp luật của nước sở tại. Trong vụ việc của VNA, Tòa án của Ý và Tòa án của Pháp chỉ áp dụng những quy phạm của đất nước họ. Những quy phạm này không phải là những « quy phạm quốc tế » được áp dụng cho các nước trên thế giới. Cụ thể là, ở Ý, « phiên tòa vẫn được đưa ra xét xử theo luật định của Italy ». Khi luật sư người Ý xin công nhận và thi hành bản án của Tòa án Ý tại Tòa án Pháp, chúng tôi không thấy « pháp luật quốc tế » thể hiện ở đâu cả. Ngược lại, chúng tôi chỉ thấy thẩm phán áp dụng pháp luật của họ liên quan đến công nhận và thi hành quyết định của Tòa án nước ngoài tại Pháp. Cụ thể, vì Pháp và Ý là thành viên của Công ước Bruxelles năm 1968 về vấn đề này, nên Tòa án Pháp áp dụng những quy định thể hiện trong Công ước. Mặc dù vậy, chúng ta cũng không thể nói rằng đây là « pháp luật quốc tế » được vì Công ước này chỉ có phạm vi điều chỉnh ở một số nước thành viên. Nếu có thể nói rộng hơn thì cũng chỉ là pháp luật của châu Âu. Nói một cách khác, đây không là « pháp luật quốc tế » vì nó chỉ giới hạn ở một số nước. Chẳng hạn, nó không được áp dụng ở Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm là trong kinh doanh quốc tế, khi Tòa án xét xử họ thường không sử dụng « pháp luật quốc tế » mà chúng ta thường nhắc đến. Trong thực tế, họ thường áp dụng những quy định của nước họ liên quan đến quan hệ có yếu tố nước ngoài. Như vậy, trong thời kỳ mở cửa, chúng ta đừng nên quá dựa dẫm vào « pháp luật quốc tế ». Bởi « pháp luật quốc tế » mà chúng ta thường được nghe thấy dường như chỉ là một « bóng ma ». Khi làm việc, hoạt động ở nước ngoài, không nên quá tư duy như chúng ta tư duy khi làm việc ở Việt Nam và hãy hiểu biết, tôn trọng pháp luật của nước mà nơi mình làm việc, có hoạt động.


[1] Sự việc được tóm tắt như sau: Từ tháng 9/1991 đến tháng 12/1992, Falcomar thuê ông Maurizio Liberati (người Ý) thực hiện một số công việc với tư cách đại diện cho VNA. Người này sau đó kiện yêu cầu VNA thanh toán chi phí cho những công việc mà ông đã thực hiện. Ngày 7/3/2000, Tòa án Rôma ra phán quyết buộc VNA trả cho ông Maurizio Liberati 4.853.891 lia (tiền Ý). Vì VNA có tài sản ở Paris nên ông Maurizio Liberati yêu cầu công nhận và thi hành bản án trên trước cơ quan tố tụng Pháp. Ngày 8/6/2004, Tòa sơ thẩm Paris đã ra quyết định công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án Rôma. Sau khi nhận được quyết định của Tòa sơ thẩm Paris, VNA kháng cáo nhưng Tòa phúc thẩm Paris đã không chấp nhận kháng cáo.

[2] Xem Phong Lan, ‘Vietnam Airlines không thể đơn độc theo kiện’ : http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2005/04/3B9DCE87/

[3] Xem Tạp chí Khoa học pháp lý của Trường ĐH Luật TP. HCM số 6/2006.

[4] Xem bài phỏng vấn của Phong Lan.

[5] Về việc thừa nhận và áp dụng « tập quán » trong thương mại quốc tế ở Việt Nam, xem Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia TP. HCM, 2006, phần số 13 và tiếp theo.

[6] Xem Phạm Hiếu – Anh Thư, ‘Thua kiện, Vietnam Airlines mất 5,2 triệu euro’ : http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2006/06/3B9EA80C/

[7] Xem bài phỏng vấn của Phong Lan.

[8] Xem bài phỏng vấn của Phong Lan.

—————————————————–

SOURCE: Báo Pháp luật Việt Nam, Chuyên đề số 2 tháng 12/2007

BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN VỀ HỢP ĐỒNG: 1. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC LIÊN QUÁN ĐẾN HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ 2. MỐI QUAN HỆ GIỮA CHẾ ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ LUẬT HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG; 3. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ HỢP ĐỒNG; 4. Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự (Dự thảo sửa đổi) và Luật Thương mại (Dự thảo sửa đổi); 5. HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH KHÔNG THỂ XEM LÀ HỢP ĐỒNG PHỤ CỦA HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG; 6. THỦ TỤC CÔNG CHỨNG CÁC HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH VỀ BẤT ĐỘNG SẢN – LIỆU ĐÃ PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ; 7. BÌNH LUẬN CHẾ ĐỊNH GIAO DỊCH VỀ NHÀ Ở TRONG LUẬT NHÀ Ở NĂM 2005; 8. TÍNH LOGIC CỦA MỘT HỢP ĐỒNG KINH DOANH; 9.HỢP ĐỒNG QUYỀN CHỌN (OPTION CONTRACT); 10. XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT TRONG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ (2); 11. HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG 12. CẦN SỬA ĐỔI MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ CHO PHÙ HỢP VỚI THỂ CHẾ CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI WTO; 13. VỀ CHẾ ĐỊNH HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN; 14. VẤN ĐỀ HỦY BỎ, ĐÌNH CHỈ HỢP ĐỒNG DO VI PHẠM; 15. HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH HỢP ĐỒNG; 16. GIẢI QUYẾT HỢP ĐỒNG MUA BÁN QUỐC TẾ; 17. NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG DÂN SỰ ;18. HÌNH THỨC CỦA HỢP ĐỒNG KINH DOANH – YẾU TỐ KHÔNG THỂ XEM NHẸ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: