admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP MỸ – CỘNG ĐỒNG CHÂU ÂU VỀ SẢN PHẨM BIẾN ĐỔI GEN

THS. NGUYỄN THANH TÚ – NCS Luật, Đại học Lund, Thụy Điển

Mỹ và Cộng đồng Châu Âu (EC) là hai đối tác thương mại quốc tế lớn nhất hiện nay, đóng góp hơn 1/3 thương mại hàng hóa toàn cầu. Bởi vậy, các tranh chấp thương mại trước WTO thường liên quan đến Mỹ và EC. Đến nay, trong số 352 tranh chấp thương mại trước WTO thì Mỹ là bên khiếu nại trong 84 vụ và bị khiếu nại trong 95 vụ. EC cũng không thua kém với 74 vụ khiếu nại và 56 vụ bị khiếu nại. Đặc biệt, Mỹ đã khởi khiện EC 17 lần tại WTO. Ngược lại EC đã 30 lần đưa Mỹ ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO.

Ngày 29/9/2006, sau hơn 3 năm xem xét, Ban hội thẩm của WTO, đã đưa ra báo cáo giải quyết tranh chấp Mỹ khiếu nại các biện pháp của EC ảnh hưởng đến vấn đề chấp thuận và tiếp thị các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm biến đổi gen nhập khẩu vào thị trường Châu Âu. Đây là báo cáo giải quyết tranh chấp dài nhất trong lịch sử của WTO, gồm 1087 trang nội dung chính (chưa kể 11 phụ lục) chứa đựng các sự kiện và lập luận pháp lý.

NGUYÊN NHÂN VỤ KIỆN

Tranh chấp này phát sinh từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, từ tháng 10/1998 đến lúc thành lập Ban hội thẩm, EC đã không đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào liên quan đến việc chấp thuận, cho phép các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm biến đổi gen được nhập khẩu vào thị trường Châu Âu. Hệ quả là EC đã từ chối chấp thuận trên thực tế, và/hoặc trì hoãn việc chấp thuận các sản phẩm biến đổi gen nhập khẩu để tiêu dùng hay sử dụng trong trồng trọt. Thứ hai, một số quốc gia thành viên của EC đã ban hành một số biện pháp cấm hay hạn chế việc tiếp thị, bán hay sử dụng các sản phẩm biến đổi gen trên thị trường trong nước nếu các quốc gia này có các chứng cứ cụ thể về việc các sản phẩm này gây ra những rủi ro đối với sức khỏe con người hay môi trường.

LẬP LUẬN CỦA BÊN NGUYÊN

Mỹ cùng với Canada và Argentina cho rằng các biện pháp đó của EC và các quốc gia thành viên trên thực tế đã trở thành việc từ chối một cách bất hợp lý, không cho các sản phẩm biến đổi gen thâm nhập vào thị trường Châu Âu trong khi không có một bằng chứng khoa học nào để biện minh. Điều này vi phạm Hiệp định về kiểm dịch động thực vật của WTO (Hiệp định SPS). Việc cấm nhập khẩu và sử dụng như vậy khiến cho nông dân trồng các sản phẩm biến đổi gen của Mỹ, Canada và Argentina phải gánh chịu các thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu USD hàng năm.

BIÊN MINH CỦA BÊN BỊ

EC biện minh lệnh cấm của mình là dựa trên nguyên tắc phòng ngừa (cẩn trọng). EC lập luận là không thể có sự chắc chắn tuyệt đối dưới góc độ khoa học rằng sản phẩm biến đổi gen có thực sự an toàn cho sức khỏe con người và không gây hại cho môi trường hay không.

BÁO CÁO CỦA BAN HỘI THẨM

Ban hội thẩm đã khẳng định là các quốc gia thành viên, khi có quan ngại về độ an toàn của sản phẩm sản xuất theo công nghệ sinh học, cần phải tuân thủ các quy định trong Hiệp định SPS. Theo đó, các quốc gia có quyền cấm nhập khẩu một số sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe con người, động vật, hay bảo vệ môi trường. Tuy nhiên những quy định cấm như vậy cần phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành, hoặc phải được ban hành trên cơ sở các bằng chứng khoa học đầy đủ. Điều đó có nghĩa là khi không tồn tại các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, hoặc khi một quốc gia từ chối áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia ban hành quy định cấm nhập khẩu có nghĩa vụ tiến hành việc đánh giá rủi ro của sản phẩm một cách hợp lý, đầy đủ, thực tế và khách quan trên cơ sở khoa học về mặt nội dung, và không được chậm trễ về mặt thủ tục. Việc đánh giá rủi ro như vậy phải được tiến hành trước khi ban hành quy định cấm hay hạn chế nhập khẩu. EC và một số quốc gia thành viên của nó đã không thực hiện được yêu cầu này khi cấm nhập khẩu, bán và sử dụng các một số sản phẩm biến đổi gen trong thị trường nội địa. Do đó, họ đã vi phạm nghĩa vụ đánh giá rủi ro của Hiệp định SPS cả về mặt nội dung lẫn thủ tục.

Về biện minh của EC, Ban hội thẩm cho rằng việc không có sự chắc chắn về mặt khoa học không có nghĩa là không có thông tin đầy đủ, và không thể vì lý do đó mà không tiến hành các yêu cầu cần thiết của việc đánh giá rủi ro. Vì vậy, việc EC viện dẫn nguyên tắc phòng ngừa là quá mức.

KINH NGHIỆM

Các tranh chấp thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng thương mại quốc tế. Các lập luận và quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đối với các tranh chấp này thường trở thành những kinh nghiệm quý, thậm chí là quy tắc pháp lý bắt buộc mà các thành viên khác của WTO phải tuân thủ, nhất là trong quan hệ thương mại giữa họ với chính một trong hai thành viên quan trọng này.

Có nhiều quan điểm khác nhau về phán quyết của Ban hội thẩm chống lại EC. Tuy nhiên kinh nghiệm rút ra từ phán quyết này là tầm quan trọng của các cơ sở khoa học trong các biện pháp hạn chế thương mại của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, dễ dàng nhận thấy quan điểm ủng hộ tự do hóa thương mại ngày càng gia tăng trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

SOURCE: Báo Pháp luật Việt Nam, Chuyên đề số 2 tháng 12/2007

One Response

  1. Xin lỗi, thưa thạc sỹ Nguyễn Thanh Tú, em rất muốn biết email của thầy để có thể trao đổi với thầy về một số vấn đề trong bài viết. E đang nghiên cứu về một số vấn đề liên quan. Làm sao em có thể liên lạc với thầy được ạ?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: