admin@phapluatdansu.edu.vn

CẢI CÁCH DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC Ở TRUNG QUỐC

DƯƠNG HOÀNG OANH

Qui mô doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế ở mỗi nước khác nhau, nhưng khu vực này có một đặc điểm chung là hiệu quả không cao. Điều đó là gánh nặng cho ngân sách quốc gia của mỗi nước. Chính từ đánh giá đó mà mà từ khoảng đầu những năm 80 đã dấy lên xu hướng cải tổ khu vực kinh tế kém hiệu quả này. Hướng cơ bản là chuyển từ sở hữu nhà nước sang các hình thức sở hữu khác trong hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Một trong những nước làm khá mạnh và thành công trong vấn đề này là Trung Quốc thời mở cửa. Hy vọng rằng thành công của Trung Quốc được giới thiệu qua bài này sẽ hữu ích cho chúng ta.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã, đang và sẽ còn tồn tại kinh tế – xã hội, song vai trò và qui mô của khu vực này không giống nhau ở các nước và ngay trong 1 nước qua các thời kỳ lịch sử. Trong các nước tư bản phát triển tỷ lệ tài sản quốc gia thuộc sở hữu DNNN có khác nhau: ở Mỹ chiếm 2%, Nhật Bản 11%, Italia chiếm tỷ lệ cao 39 – 42%. ở các nước XHCN trước đây như Liên Xô, Hungari, Bungari tỷ lệ tài sản cố định của khu vực DNNN chiếm tới trên 90% tổng tài sản cố định quốc gia. Với các nước chậm phát triển tỷ lệ DNNN cũng ở mức độ khá cao, như Cộng hòa A Rập, Ai Cập kinh tế quốc doanh kiểm soát tới 70% tư bản sản xuất trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.. Dù tỷ lệ nêu trên ở mỗi nước khác nhau, song tất cả các DNNN ở các nước đều hoạt động kém hiệu quả. Chẳng hạn, ở Italia thiếu hụt của khu vực quốc doanh lên tới 4,5% GDP. ở Bồ Đào Nha khu vực quốc doanh thua lỗ 1/3 GDP trong khoảng thời gian 1974-1976. Các nước kinh tế chậm phát triển và các nước XHCN tình hình cũng tương tự. Sở dĩ có tình hình như vậy là do những nguyên nhân chính sau:

– Hệ thống kế hoạch hóa và tài chính không thích ứng với cơ chế thị trường.

– Tính tự chủ trong quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN bị hạn chế, bởi những nguyên tắc liên quan đến quyền sở hữu nhà nước.

– Tình trạng độc quyền của DNNN trên thị trường được pháp luật và Nhà nước bảo vệ.

– Các DNNN thành lập nhờ vào nguồn vốn của Nhà nước, từ đó tạo ra sức ỳ lớn.

Vào thời điểm Chính phủ phải đương đầu khó khăn về tài chính, thâm hụt ngân sách, nợ nần nước ngoài ngày càng tăng và lại phải gánh nặng việc làm ăn thua lỗ của DNNN ngày càng làm cho ngân sách tồi tệ hơn. ở Tandania, ngân sách Nhà nước cung cấp cho các DNNN tương đương khoảng 72% ngân sách của Nhà nước dành cho ngành giáo dục và bằng 150% cho ngành y tế.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN dù chỉ mức khiêm tốn cũng có thể góp phần làm giảm được thâm hụt tài chính ở các nước đang phát triển. Trước thực tế đó bắt đầu từ những năm 80, ở cấp độ toàn cầu đã dấy lên xu hướng cải tổ cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi sở hữu trong khu vực DNNN thành sở hữu tư nhân, hoặc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với tư nhân. Chỉ tính từ năm 1984-1991 trên toàn thế giới có khoảng 250 tỷ USD trị giá tài sản của Nhà nước đã được đem bán. Riêng năm 1991 đã chiếm tới 50 tỷ USD. Cao trào này bắt đầu từ nước Anh, sau đó lan rộng ra các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển. Tháng 10 năm 1979 Chính phủ Anh quyết định bán 5% quyền cổ phần của công ty dầu mỏ Anh cho xí nghiệp tư nhân mở đầu thời kỳ tư nhân hóa. Năm 1988 nước Anh đã bán 22,25 tỷ USD cổ phần nhà nước của các công ty hàng không Anh. ở Pháp từ năm 1981, Chính phủ đã có ý đồ tư hữu hóa DNNN, đến năm 1986 khi phái hữu lên cầm quyền, trong vòng 5 năm (1986-1991) đã bán 66 doanh nghiệp và ngân hàng nhà nước cho tư nhân với tổng số tài sản trị giá 275 tỷ France. Còn ở Mỹ, từ năm 1986 đến 1991 Chính phủ đã bán khoảng 52 tỷ USD tài sản nhà nước cho tư nhân.

Các nước đang phát triển có xu hướng thu hẹp DNNN, chuyển đổi sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân, hoặc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước và tư nhân. Hiện nay đã có tới hơn 80 nước đã xây dựng và từng bước triển khai kế hoạch thực hiện chuyển đổi sở hữu trong khu vực DNNN thành sở hữu tư nhân, trong đó cổ phần hóa (CPH) được coi là biện pháp quan trọng. Ngoài lĩnh vực then chốt Nhà nước cần phải nắn giữ, các DNNN đều được tiến hành tư nhân hóa hoặc CPH. Xu hướng này là một cơ sở thực tiễn cho việc cải cách DNNN khá mạnh mẽ ở Trung Quốc.

1. Tiến trình cải cách DNNN ở Trung Quốc.

Qua hơn 20 năm cải cách mở cửa ở Trung Quốc, tình trạng phân bổ các nguồn lực đã có những thay đổi cơ bản, tỷ lệ thị trường điều tiết ngày càng tăng, kinh tế phi quốc doanh trong nước phát triển mạnh mẽ, các DNNN đã dần dần mất vị trí độc quyền trong rất nhiều ngành nghề và tỷ trọng trong lĩnh vực công nghiệp không ngừng giảm xuống.

Kể từ 1978 cải cách DNNN Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn: Giảm sự can thiệp hành chính trực tiếp, giảm thuế, để lại lợi nhuận, mở rộng quyền tự chủ kinh doanh, chuyển đổi cơ chế kinh doanh, từng bước phân tách quyền sở hữu với quyền kinh doanh và hiện nay là xúc tiến xây dựng chế độ doanh nghiệp hiện đại.

Về mặt chủ trương và cơ sở pháp lý, Trung Quốc bắt đầu thực hiện CPH DNNN vào giữa những năm 1980 và phát triển mạnh vào năm 1992, khi Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn Báo cáo “Tình hình cuộc tọa đàm về công tác thí điểm CPH của ủy ban cải cách kinh tế Nhà nước. Sau đó Nhà nước đã ban hành một loạt văn kiện quan trọng: “Biện pháp thí điểm thực hiện cổ phần xí nghiệp”, “ý kiến qui phạm cổ phần công ty hữu hạn cổ phần” những văn bản này tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cổ phần DNNN.

Tháng 11/1993, Hội nghị Trung ương 3 (khóa 14) đã thông qua quyết định “Về một số vấn đề xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” đề ra chế độ xí nghiệp hiện đại, là chế độ xí nghiệp thích ứng với yêu cầu thị trường: Quyền sở hữu rõ ràng, trách nhiệm tài sản phân minh; chính quyền và xí nghiệp tách riêng quản lý theo khoa học. Trước hội nghị nêu trên đã đưa ra chủ trương: Thông qua việc điều chỉnh mối quan hệ về quyền tài sản, thực hiện tách rời nhà nước và doanh nghiệp, thực hiện quyền tự chủ của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp thực sự trở thành thực thể pháp nhân và chủ thể thị trường, chủ thể kinh doanh, tự chịu lỗ lãi, chịu trách nhiệm đảm bảo và làm tăng giá trị tài sản Nhà nước.

Ngày 29/12/1993, Hội nghị lần thứ 5 ủy ban thường vụ đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 8 thông qua Luật công ty nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và bắt đầu được thực hiện từ 01/7/1994. Trong Đại hội đại biểu nhân dân lần thứ 9 ngày 9/3/1998 Thủ tướng Chính phủ Chu Dung Cơ tuyên bố: “Chuyển các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ sang kinh doanh có lãi, đồng thời xây dựng hệ thống doanh nghiệp hiện đại, để đạt mục tiêu này Chính phủ sẽ khuyến khích việc sáp nhập , và mua DNNN, chuẩn hóa thủ tục phá sản, chuyển các doanh nghiệp truyền thống thành công ty trách nhiệm hữu hạn, hay công ty cổ phần, đồng thời Nhà nước sẽ giữ lại cổ phần đa số trong các doanh nghiệp lớn của quốc gia”.

Trung Quốc thực hiện CPH doanh nghiệp trước hết nhằm góp phần cải cách toàn bộ cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả khu vực DNNN, nhằm giữ vững vai trò chủ đạo của nó, đồng thời xây dựng chế độ doanh nghiệp hiện đại thu hút nguồn vốn từ ngoài nhà nước, tăng thêm nguồn vốn cho DNNN phát triển sản xuất, rút vốn ra khỏi những doanh nghiệp Nhà nước không cần giữ, chuyển sang các lĩnh vực khác cần thiết hơn.

Trung Quốc không phân biệt sở hữu cổ phần là “họ tư” hay “họ xã”, mà xem đó là hình thức sở hữu xã hội tiến bộ.

Trên thực tế, tháng 7 năm 1984 công ty cổ phần đầu tiên của Trung Quốc mới ra đời: Công ty hữu hạn cổ phần bách hóa Thiên Kiều Bắc Kinh. Tháng 11 năm ấy công ty Âm hưởng Phi Nhạc Thượng Hải thành lập do nhà máy điện thanh Thượng Hải đã phát hành ra xã hội một vạn cổ phiếu, đây là công ty hữu hạn cổ phần đầu tiên có qui mô lớn kể từ khi Trung Quốc mở cửa. Tháng 12/1986 Trung Quốc có “qui định việc đi sâu cải cách tăng cường sức sống cho doanh nghiệp Trung ương” cho phép các nơi chọn các DNNN thích hợp để thực hiện thí điểm, khí xuất hiện hai Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến, việc CPH doanh nghiệp phát triển nhanh. Tính đến cuối năm 1993, trên cả nước đã có tới 300 doanh nghiệp nhà nước được thí điểm CPH. Số công ty có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thẩm Quyến lên tới 196 công ty, trong đó có 33 công ty phát hành cổ phiếu B, trị giá cổ phiếu trên thị trường là 400 tỷ NDT. Sau khi có Luật Công ty ra đời (1/7/1994) tiến độ CPH được đẩy nhanh hơn rõ rệt. Tính đến năm 1996 có hơn 9200 DNNN chuyển thành công ty cổ phần với số vốn là 600 tỷ NDT. Nhiều công ty đã tham gia thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến, một số công ty đã tham gia thị trường chứng khoán nước ngoài. Năm 1997 có 35 công ty tham gia thị trường chứng khoán nước ngoài với vốn 7,9 tỷ NDT.

2. Phân loại các doanh nghiệp cổ phần ở Trung Quốc.

* Phân loại theo hình thức góp vốn:

Qua thí điểm chế độ cổ phần, Trung Quốc phân các DNNN thực hiện chế độ cổ phần thành 4 loại:

– Doanh nghiệp cổ phần hình thành do việc tham gia nắm giữ cổ phiếu giữa các doanh nghiệp. Nó ra đời bằng cách sáp nhập, liên kết kinh tế và sự biến động của quyền tài sản. Loại hình này phát triển nhanh ở Trung Quốc.

– Doanh nghiệp cổ phần hình thành từ vốn tập trung của người lao động trong doanh nghiệp. Loại doanh nghiệp này gắn lợi ích của người lao động với lợi ích doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp cổ phần do phát hành công khai cổ phiếu ra ngoài xã hội.

– Doanh nghiệp cổ phần lấy quan hệ tiền tệ làm chủ thể tham gia cổ phần với doanh nghiệp lớn phát hành cổ phiếu ra ngoài xã hội, loại doanh nghiệp nghiệp này ở Trung Quốc chưa nhiều.

* Phân loại theo hình thức tổ chức:

Gồm hình thức công ty cổ phần hữu hạn, hay công ty trách nhiệm hữu hạn.

3. Quan hệ giữa nhà nước – doanh nghiệp – người lao động trong các doanh nghiệp cổ phần.

Trong các DNNN Trung Quốc thực hiện CPH thường có 3 loại cổ đông: Nhà nước, pháp nhân xã hội và người lao động trong doanh nghiệp. Việc CPH DNNN Trung Quốc tiến hành bằng cách xác định giá trị tài sản doanh nghiệp thành cổ phần rồi bán cho người lao động trong doanh nghiệp và cho các pháp nhân khác – có đến 95% doanh nghiệp làm theo cách này. Nhà nước qui định mỗi người lao động được mua tối đa 5% tổng số cổ phiếu, tập thể công nhân viên không được mua vượt quá 20% tổng số cổ phiếu, còn lại thuộc về cổ phần nhà nước. Như vậy, cổ phần nhà nước chiếm ưu thế và nhà nước vẫn kiểm soát doanh nghiệp. Hiện nay, người lao động được mua cổ phiếu của DNNN đủ tiêu chuẩn CPH trước khi bán ra thị trường chứng khoán, nhưng tổng số cổ phiếu không vượt quá 5% giá trị phát hành. Đối với những cổ phần của bản thân DNNN được quyền chi phối sử dụng phần vốn trích từ lợi nhuận sau khi đã nộp lợi nhuận lên trên. Bộ phận tài sản này chỉ thuộc sở hữu tập thể của người lao động trong doanh nghiệp và cuối cùng nó vẫn thuộc về nhà nước. Có thể nói cổ phần tập thể này của doanh nghiệp là hình thức biểu hiện đặc thù về sở hữu tài sản nhà nước (lãi cổ phần này dùng một phần tích lũy doanh nghiệp, phần khác dùng làm kinh phí bảo hiểm xã hội).

Sau khi CPH doanh nghiệp có quyền sở hữu pháp nhân, tức có quyền hoàn toàn chiếm hữu, sử dụng, quyền thu lợi nhuận và quyền xử lý đối với tài sản do nhà nước và các cổ đông góp vào. Nhà nước không trực tiếp kinh doanh hoặc can thiệp vào kinh doanh. Những lợi ích Nhà nước được phản ánh thông qua đại hội cổ đông, thông qua việc tham gia Hội đồng quản trị để gián tiếp tham gia quản lý doanh nghiệp và Nhà nước thu lời từ sở hữu cổ phần và có quyền chuyển nhượng cổ phần sở hữu. Với chế độ cổ phần, quyền sở hữu nhà nước được phân giải từ quyền sở hữu Nhà nước đơn nhất, thành quyền sở hữu pháp nhân và quyền sở hữu cổ phần. Nói cách khác, quyền sở hữu nhà nước lúc này được biểu hiện bằng sự phân giải quyền sở hữu vật chất và quyền sở hữu giá trị. Như vậy, tài sản hiện vật là tài sản pháp nhân của doanh nghiệp, còn tài sản với hình thái giá trị cổ phiếu hay giấy chứng nhận quyền tài sản Nhà nước thì thuộc sở hữu Nhà nước.

Do người lao động được quyền sở hữu một phần tài sản doanh nghiệp khi CPH, lợi ích của họ luôn gắn với lợi ích doanh nghiệp. Bên cạnh được hưởng phân phối theo lao động, người lao động còn được hưởng phân phối theo tỷ lệ góp vào. Nhờ vậy và cùng với tính tiết kiệm cao, người lao động Trung Quốc ngày càng tăng khả năng tài chính để mua cổ phần, đời sống người lao động được cải thiện rõ rệt. Mặt khác Trung Quốc đang chủ trương mở rộng bảo hiểm xã hội, tách dần bảo hiểm xã hội ra khỏi doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, thành phần kinh tế.

Các công ty cổ phần của Trung Quốc ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán nói chung và thị trường cổ phiếu nói riêng. Doanh nghiệp cổ phần và thị trường cổ phiếu có mối quan hệ phụ thuộc vào nhau và cùng phát triển. Sự hình thành và hoàn thiện của thị trường cổ phiếu là tiền đề cho sự phát triển doanh nghiệp cổ phần. Nhận thức được mối quan hệ này bước đầu Trung Quốc đã xây dựng phát triển thị trường chứng khoán bằng cách phát các loại cổ phiếu: A, B, H, N (cổ phiếu A, B được giao dịch trong nước, A bán cho người trong nước bằng NDT, B bán cho người nước ngoài bằng ngoại tệ; H niêm yết tại thị trường chứng khoán ở Hồng Kông, N niêm yết trên thị trường NewYork). Trung Quốc đang từng bước xây dựng và kiện toàn các pháp qui, chế độ quản lý thị trường chứng khoán tiến tới chuẩn mực hóa xây dựng một hệ thống thị trường lành mạnh. Từ đó Trung Quốc từng bước tăng lượng giao dịch cổ phiếu trên thị trường, tăng hiệu suất vận hành thị trường chứng khoán, phát huy tác dụng kích thích chế ước của nó đối với doanh nghiệp.

Từ thực tiễn việc cải cách DNNN và thực hiện CPH ở Trung Quốc có thể đi đến kết luận: Chế độ CPH đã có vai trò thúc đẩy cải cách DNNN và phát triển kinh tế quốc dân.

Thứ nhất: Trước hết chế độ cổ phần đã thúc đẩy tập trung vốn góp phần giải quyết vấn đề thiếu vốn. Hiện Trung Quốc đã có hơn 1 vạn công ty cổ phần, trong đó có hơn 700 công ty bán cổ phiếu trên thị trường với giá trị lưu thông hơn 500 tỷ NDT chiếm 7,3% GDP năm 1996 của Trung Quốc và đã có hơn 10 vạn người làm việc trên thị trường chứng khoán, 31 triệu người đã mua cổ phiếu loại B tại lục địa. Hiện có 38 công ty cổ phần bán cổ phiếu ra ngoài lục địa, 79 công ty bán cổ phiếu loại B tại lục địa, số vốn tập trung được cả hai loại công ty ấy đã góp lại là 131 tỷ USD đó là nguồn vốn quan trọng giúp ích đầu tư vào các công trình trọng điểm.

Thứ hai: CPH doanh nghiệp tạo cho tính độc lập tự chủ trong kinh doanh của DNNN. Vì nó tách rời quyền sở hữu với quyền kinh doanh, vì công ty cổ phần không còn đơn thuần là sở hữu Nhà nước nữa, nên chính quyền không còn có khả năng để can thiệp trực tiếp vào nhiều xí nghiệp.

Thứ ba: Việc cổ phần hóa DNNN tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc thiết lập các tập đoàn xí nghiệp quy mô lớn vươn ra thị trường thế giới.

TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 7/2001

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: