NGUYỄN KHÁNH NGỌC
Ưu thế lớn nhất của nền kinh tế thị trường là sự cạnh tranh. Nền kinh tế thị trường mà không có thể chế cạnh tranh chắc chắn sẽ không phát huy được những mặt tích cực của nó. Thể chế cạnh tranh được thể hiện ở nhiều luật, trong đó Luật cạnh tranh đóng vai trò trung tâm. Sự cấp bách trong việc đòi hỏi ban hành Luật cạnh tranh ở Việt Nam không phải vì các nước khác đều có Luật cạnh tranh mà chính từ nhu cầu của bản thân nền kinh tế thị trường. Vấn đề soạn thảo Luật cạnh tranh phù hợp với điều kiện Việt Nam không đơn giản do nhiều nguyên nhân như: Cấu trúc thị trường Việt Nam được tích tụ ở mức quá cao, sự ưu đãi đối với các doanh nghiệp Nhà nước… Tuy vậy, trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm xây dựng Luật cạnh tranh ở các nước, chúng ta hy vọng vào sự ra đời một Luật cạnh tranh ở Việt Nam với nội dung phù hợp trong thời gian tới.
Pháp luật về cạnh tranh trên thế giới đã phát triển thành một chuyên ngành độc lập và đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo các nhà học giả, luật gia, kinh tế và hoạch định chính sách trên thế giới. Dù tên gọi có khác nhau, có thể là pháp luật về chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, hay bảo vệ người tiêu dùng… nhưng pháp luật về cạnh tranh vẫn có chức năng chính là bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh và hoạt động có hiệu quả của thị trường, chống lại những hạn chế trong kinh doanh hay bóp méo thương mại. Do đó, trong bài viết này, các thuật ngữ “pháp luật về cạnh tranh” và ” pháp luật về chống độc quyền” được dùng với nghĩa giống nhau.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị thiết lập nên các qui định của mình về cạnh tranh, do vậy chúng tôi đưa ra một số thông tin về kinh nghiệm xây dựng và áp dụng pháp luật về cạnh tranh của một số nước và việc quốc tế hoá các qui định về cạnh tranh trên thế giới, với hy vọng là thông qua đó, chúng ta có thể tham khảo và trao đổi về mô hình pháp luật về cạnh tranh của Việt Nam.
1. Mục tiêu của pháp luật về cạnh tranh.
Một điều có lẽ đã được thừa nhận là cạnh tranh không thể thiếu được trong nền kinh tế thị trường, bất kể là nền kinh tế thị trường đó có truyền thống phương Đông hay phương Tây hoặc được đặt trong bối cảnh Bắc Mỹ hay Tây Âu.
Nhiều nhà phân tích đã cho rằng cạnh tranh của nền kinh tế thị trường sẽ đem lại lợi ích cho người dân và sự phát triển chung của toàn đất nước nếu đó là cạnh tranh lành mạnh. Do đó, Nhà nước có vai trò chính trong việc xây dựng và hoàn thiện một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nhiều học giả quốc tế đã cho rằng một môi trường cạnh tranh lành mạnh không thể có sự tôn vinh độc quyền kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào mà sẽ làm ảnh hưởng tới sự hoạt động bình thường của thị trường. Do đó, tại một số nước thì vấn đề về độc quyền là trọng tâm của pháp luật về cạnh tranh. Tuy nhiên, dù phạm vi, đối tượng điều chỉnh và mức độ nghiêm túc thực thi các qui định pháp luật về cạnh tranh không hoàn toàn giống nhau tại các nước khác nhau, nhưng mục tiêu của pháp luật về cạnh tranh là tương đối giống nhau tại các nước. Sau đây xin đề cập một số mục tiêu của các qui định về chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
a. Pháp luật về chống độc quyền cần đạt được những kết quả kinh tế mong muốn cho toàn bộ nền kinh tế: Trước hết, các qui định về chống độc quyền cần tạo ra khả năng sử dụng các nguồn lực hiện có một cách hiệu quả nhất. Tiếp đó, các qui định này cũng cần thúc đẩy sự tiến bộ và cải tiến trong hoạt động kinh doanh để đưa ra các sản phẩm có chất lượng và giá thành tốt hơn. Hơn nữa, pháp luật về chống độc quyền cần tạo ra sự ổn định về sản lượng đầu ra và công ăn việc làm. Cuối cùng, các qui định về chống độc quyền cần bảo đảm có sự phân bổ công bằng các nguồn lợi thu được.
b. Thúc đẩy các hoạt động cạnh tranh: ở đây các hoạt động cạnh tranh cần được các qui định về chống độc quyền bảo đảm thông qua việc giảm dần và tiến tới xóa bỏ độc quyền trong kinh doanh.
c. Đưa ra được các qui tắc ứng xử của các doanh nghiệp trong kinh doanh: Pháp luật về chống độc quyền cần khuyến khích các doanh nghiệp có sự ứng xử lành mạnh và trừng trị các hành vi không lành mạnh nhằm tạo ra địa thế độc quyền trên thị trường.
d. Hạn chế các doanh nghiệp quá lớn trên thị trường: Với mục tiêu này thì pháp luật về chống độc quyền cần tạo ra khả năng có sự phân bổ công bằng các quyền lực trên thị trường giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp quá lớn và doanh nghiệp nhỏ. Các nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp quá lớn dù chưa phải có vị thế độc quyền nhưng cũng có thiên hướng hoạt động giống như nhà độc quyền.
e. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Pháp luật về cạnh tranh và chống độc quyền không thể không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng và phải coi đây là một trong những mục tiêu của các qui định trong lĩnh vực này. Người tiêu dùng ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng và được đánh giá trong phạm vi rộng và với mục tiêu lâu dài. Ví dụ, chúng ta không thể coi hành vi giảm giá thấp hơn chi phí sản xuất để giết chết đối thủ cạnh tranh trong một thời gian ngắn như là việc làm có lợi cho người tiêu dùng trong thời gian dài.
Có thể nói cả 5 mục tiêu của pháp luật về chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh nêu trên đều có liên quan mật thiết và bổ sung cho nhau. Việc đạt được các mục tiêu này là điều kiện quan trọng để pháp luật về chống độc quyền góp phần vào duy trì trật tự thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo cho việc sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực của nền kinh tế.
2. Cho phép các tổ chức và cá nhân khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh – một biện pháp hữu hiệu để thực thi chính sách về cạnh tranh.
Trong nền kinh tế thị trường thì vai trò của các tổ chức và các cá nhân trong việc bảo vệ và duy trì trật tự pháp luật ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong việc phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật. Điều này rất đúng trong lĩnh vực cạnh tranh bởi vì các đối thủ cạnh tranh luôn theo sát nhau, tìm hiểu nhau và thậm chí moi móc các điểm xấu của nhau để cạnh tranh. Do đó, một điều quan trọng là pháp luật về canh tranh phải tận dụng và phát huy được sự tham gia của các tổ chức và cá nhân trong thực thi pháp luật về cạnh tranh. Kinh nghiệm về vấn đề này của Hoa Kỳ, một nước được coi là có hệ thống pháp luật về cạnh tranh lâu đời và tinh vi nhất để chúng ta cùng tham khảo.
Pháp luật của Hoa Kỳ, cụ thể là đạo luật Clayton Act cho phép các tổ chức và cá nhân bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về chống độc quyền được khởi kiện tại tòa án để đòi bồi thường gấp 3 lần thiệt hại đã chịu và tất cả các chi phí kiện tụng, kể cả chi phí luật sư hợp lý. Đồng thời pháp luật Hoa Kỳ cũng cho phép các tổ chức, cá nhân được dựa vào kết quả xét xử trước đó của một vụ kiện dân sự hay hình sự do cơ quan công tố nhà nước hay cơ quan có thẩm quyền khởi tố hay khởi kiện như là một chứng cứ rõ ràng để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Cho tới tận thập kỷ 60 thì ở Hoa Kỳ cũng có rất ít các vụ kiện về vi phạm pháp luật độc quyền được các tổ chức và cá nhân (sau đây gọi chung là cá nhân) khởi kiện. Từ năm 1890 tới năm 1940 chỉ có 175 vụ kiện dân sự của các cá nhân nguyên đơn mà đã được tòa án xét xử và các nguyên đơn cũng chỉ thắng được trong 13 vụ. Từ năm 1952 tới năm 1958, các nguyên đơn đã thắng được 20 trong số 144 vụ đã được báo cáo. Bên cạnh đó, các nguyên đơn đã đàm phán, hòa giải thành chỉ đạt 15% tổng số các vụ kiện của cá nhân – nguyên đơn, trong khi đó con số hòa giải thành trong giải quyết tranh chấp khác tại tòa án Hoa Kỳ thường đạt rất cao 60% -70%.
Các nhà phân tích cho rằng các con số thống kê nêu trên không được thực sự khích lệ vì trong giai đoạn quá khứ đó thì hầu hết (75%) các vụ kiện của cá nhân – nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại là dựa vào một phán quyết trước đó của tòa án. Nhưng tình hình đã thay đổi từ thập kỷ 60 vì Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã có một loạt các quyết định tháo gỡ cho các qui định về tố tụng và tiêu chí đánh giá thiệt hại, cũng như có những thay đổi về pháp luật nội dung.
Một số học giả Hoa Kỳ đã nhận xét là cho tới tận năm 1965 thì tỷ lệ giữa các vụ kiện do nguyên đơn là cá nhân và nhà nước là khoảng 6/1. Từ giữa những năm 1960 tới cuối những năm 1970 thì số lượng các vụ kiện về độc quyền do cá nhân nguyên đơn đã tăng nhanh và đạt kỷ lục vào năm 1977 với 1611 vụ, và so với các vụ kiện do nhà nước là nguyên đơn đã đạt tỷ lệ là hơn 20/1. Tuy nhiên, trong thập kỷ 80 thì xu thế lại giảm và tỷ lệ tương ứng chỉ còn khoảng độ 10/1. Các học giả cũng nhận định là xu thế phát triển các vụ kiện do cá nhân là nguyên đơn sẽ tiếp tục trong khoảng 1 hoặc 2 thập kỷ tới.
Một điểm đáng lưu ý là cho tới năm 1976 thì các cơ quan nhà nước của Hoa Kỳ khởi kiện ra tòa án đối với những vi phạm của tổ chức và cá nhân chỉ với tư cách thay mặt nhà nước để bảo vệ quyền lợi nhà nước và trật tự công. Nhưng từ năm 1976 thì pháp luật Hoa Kỳ đã cho phép Bộ tư pháp các bang được nhân danh các cá nhân là nạn nhân của vi phạm và thường trú tại bang đó được kiện ra tòa để đòi bồi thường gấp ba lần thiệt hại và chi phí tố tụng, luật sư bên cạnh chế tài về ngăn chặn hành vi vi phạm.
Việc pháp luật cho phép tổ chức, cá nhân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại như vậy cũng đã gây nhiều tranh cãi trong giới học giả mặc dù Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định đây là qui định đúng và hiệu quả để phát hiện ra các vi phạm pháp luật về chống độc quyền và thu lại những lợi nhuận bất chính. Các nhà phân tích cũng chỉ ra một số trường hợp nguyên đơn là cá nhân đã bị lôi cuốn bởi việc được bồi thường gấp 3 lần thiệt hại nên đã khởi kiện dù có ít khả năng thắng để tranh thủ có được việc hòa giải với bị đơn. Trong các vụ kiện về chống độc quyền thì bị đơn thường rất ngại ngùng phải ra tòa với mối đe dọa bị bồi thường một khoản lớn trong một vụ kiện hết sức phức tạp (các vụ kiện về chống độc quyền được coi là một trong những loại vụ kiện dân sự phức tạp nhất và tốn kém nhất tại Hoa Kỳ). Vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn là trong một số trường hợp các đối thủ cạnh tranh nhau đã tranh thủ các vụ kiện này để tấn công đối thủ khác hay cản trở các vụ sát nhập. Do đó, đã có học giả cảnh báo về tình trạng có thể sẽ có lạm dụng thi hành các qui định của pháp luật về chống độc quyền.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia và kết luận của Tòa án tối cao Hoa Kỳ thì việc đa dạng hóa các phương thức đấu tranh chống vi phạm pháp luật về chống độc quyền, mở rộng đối tượng có quyền khởi kiện (cơ quan công tố liên bang, cơ quan quản lý về cạnh tranh, cơ quan công tố bang và các tổ chức cá nhân bị hại) và có những tháo gỡ về mặt tố tụng, cũng như qui định cho phép áp dụng các chế tài kinh tế nghiêm khắc và khoản bồi thường dân sự gấp 3 lần thiệt hại cộng với chi phí tố tụng, luật sư là hướng đi đúng và hiệu quả để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về chống độc quyền Hoa Kỳ.
3. Một số vấn đề về ảnh hưởng của xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa tới việc hình thành thể chế về cạnh tranh.
Có thể nói đã có một thời pháp luật của Hoa Kỳ về chống độc quyền được dư luận quốc tế coi là sự “độc đáo” của Hoa Kỳ. Nhưng ngày nay điều này không còn nữa bởi vì nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các qui định về chống độc quyền. Theo ý kiến của các nhà phân tích thì hiện có khoảng hơn 60 quốc gia đã có luật về cạnh tranh và hàng năm số lượng các nước thông qua luật này ngày càng tăng. Thậm chí, trên bình diện quốc tế cũng xuất hiện những đề xuất ký kết các điều ước quốc tế hay thỏa thuận đa phương như trong Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nhiều nhà phân tích cho rằng một trong những nội dung của vòng đàm phán mới trong WTO sẽ là các cam kết cụ thể về bảo đảm cạnh tranh lành mạnh tại mỗi quốc gia thành viên, mặc dù các ý tưởng này đã được thể hiện tại các qui định của WTO về không phân biệt đối xử hay đối xử tối huệ quốc (MFN) hoặc đối xử quốc gia (NT), cũng như việc bảo đảm các doanh nghiệp nhà nước khi tham gia kinh doanh trên thị trường phải có cùng địa vị về quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Về mặt lịch sử thì pháp luật về cạnh tranh (một thuật ngữ chung chỉ tất cả các qui định của pháp luật về bảo đảm cho cạnh tranh và thị trường hoạt động lành mạnh và hiệu quả) tại các nước khác nhau cũng có những sự khác biệt về quá trình phát triển, phạm vi áp dụng và mức độ nghiêm túc thực thi. Trước Đại chiến thế giới lần thứ II thì các đạo luật về cạnh tranh là tương đối hiếm. Ngoài Hoa Kỳ thì tại Canada cũng đã có một đạo luật có phạm vi điều chỉnh hẹp được thông qua năm 1889 bao gồm các qui định nghiêm khắc về trách nhiệm nhưng lại hiếm khi áp dụng. ở một vài nước khác cũng đã từng có các qui định đơn lẻ về chống các Cartel nhưng trên thực tế có rất ít ảnh hưởng. Ví dụ, Hiến pháp Mehico năm 1917 và Luật về độc quyền của Mehico năm 1934 đã cấm sự độc quyền và hành vi hạn chế kinh doanh với ngoại lệ dành cho các công đoàn, một số Cartel xuất khẩu, sở hữu trí tuệ và các hoạt động chiến lược cụ thể được dành cho chính phủ. Nhưng các học giả quốc tế cho rằng hoàn toàn đúng khi nhận xét rằng pháp luật về cạnh tranh như là một hiện tượng toàn cầu chỉ được bắt đầu từ những năm sau Đại chiến thế giới II.
Trong một số trường hợp thì Hoa Kỳ thực tế đã xuất khẩu và áp đặt pháp luật về cạnh tranh của mình cho các nước bị xâm chiếm. Chẳng hạn sự hình thành pháp luật cạnh tranh tại Đức và Nhật Bản là do ảnh ưởng của Hoa Kỳ sau Đại chiến thế giới II.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì bản thân các nước đã tỏ ra quan tâm hơn tới pháp luật cạnh tranh như là một nhu cầu phát triển kinh tế của mình. Có lẽ nhiều người đã biết nếu như Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn Hiệp ước về Hiến chương thành lập tổ chức thương mại quốc tế (ITO) vào cuối thập kỷ 40 thì có lẽ cộng đồng quốc tế đã có một điều ước quốc tế chung về cạnh tranh và pháp luật về cạnh tranh đã còn phát triển hơn nhiều.
Trong dự thảo Hiến chương ITO đã được ký mà không được Hoa Kỳ phê chuẩn, các quốc gia thành viên dự kiến thành lập ra ITO để quản lý các qui định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) đã có hẳn một chương riêng qui định về các thực tế hạn chế thương mại. Theo các qui định này thì nếu được thông qua, mỗi nước thành viên phải có các biện pháp chống lại những thực tế hạn chế thương mại mà có hại cho thương mại quốc tế.
Hiệp ước về thành lập Cộng đồng than và thép châu Âu năm 1952 đã bao gồm các qui định về cạnh tranh cho 6 nước thành viên Cộng đồng. Đối với nước Anh thì đã có một sự thay đổi hầu như ngược lại với trước đó: Trước đại chiến thế giới II, Anh có thiên hướng phát triển các Cartel nhưng chính quyền sau cuộc Đại chiến này đã chống lại thiên hướng này bằng việc ban hành Luật về độc quyền và những thực tế hạn chế kinh doanh năm 1948. Na Uy đã ban hành Luật về giá (năm 1953) để thiết lập một cơ chế kiểm tra và giám sát các thực tế hạn chế kinh doanh và các doanh nghiệp có vị trí thống trị trên thị trường. Sự phát triển tại những nước này cho thấy pháp luật cạnh tranh đã bắt đầu thâm nhập vào các nước dù không phải bị đô hộ hay do ảnh hưởng của Hoa Kỳ như là Đức và Nhật Bản.
Dù có thể còn có những lý giải khác nhau về sự hình thành mạnh mẽ của pháp luật cạnh tranh tại các nước từ sau Đại chiến thế giới II, nhưng các học giả đã chỉ ra một số yếu tố đem lại sự phát triển này. Trước hết, các nước đã rút ra bài học là chính các Cartel được hình thành trước Đại chiến thế giới II tại Đức và Nhật Bản đã đóng góp cho sức mạnh của thể chế độc tài phát xít. Thứ hai, sự lạm phát tràn lan sau chiến tranh tại nhiều nước đã đương nhiên làm các nước phải quan tâm tới bất kỳ chính sách kinh tế nào làm giảm giá cả. Thứ ba, nền kinh tế Hoa Kỳ đã có giai đoạn phát triển mạnh mẽ và chính quyền Hoa Kỳ đã trừng trị nhiều tập đoàn Cartel lớn – chính điều này làm ảnh hưởng và gây ấn tượng mạnh mẽ cho các nước khác.
Trong bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa hiện nay mà Việt Nam đang tích cực và chủ động tham gia thì không thể không tính tới pháp luật cạnh tranh. Như đã trình bày ở trên, nếu đúng ra thì các qui định về cạnh tranh đã là các cam kết có hiệu lực tại WTO, nhưng dù chưa phải là các cam kết cụ thể tại thời điểm này thì các nước vẫn còn đang theo đuổi việc phải có các cam kết như vậy trong các vòng đàm phán mới. Ngay cả trong khu vực ASEAN của chúng ta thì sớm muộn cũng sẽ có những thỏa thuận về vấn đề này khi mà các hàng rào về thuế quan và phi thuế quan bị dỡ bỏ để bảo đảm cho thương mại giữa các nước được phát triển và ổn định. Để có thêm những trao đổi về hội nhập quốc tế liên quan tới pháp luật cạnh tranh, chúng ta hãy tham khảo một số thông tin về pháp luật cạnh tranh trong liên minh châu Âu (EU) sau đây.
Một điều dễ nhận thấy là các qui định về cạnh tranh của EU có nhiều điểm tương đồng với pháp luật Hoa Kỳ về vấn đề này và tương đối phát triển. Ngay từ khi cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) được thành lập bởi Hiệp ước Roma ký ngày 25/3/1957 thì các nước thành viên đã nhất trí về một trong những mục đích cơ bản của mình là ”thiết lập nên một thể chế để bảo đảm là sự cạnh tranh trên thị trường chung không bị bóp méo”. Mục đích này đã được thể hiện trong các quy định cụ thể của Hiệp ước này và các văn bản tiếp theo của EU mà đối tượng áp dụng là các công ty, tổ chức kinh doanh và chính phủ thành viên. Điều 85 của Hiệp ước Roma cấm các thỏa thuận và các thực tế thông đồng hay phối hợp cùng nhau mà có mục đích hoặc ảnh hưởng cản trở, hạn chế hay bóp méo cạnh tranh trừ những trường hợp ngoại lệ mà những thỏa thuận đó đem lại nhiều lợi ích cho cạnh tranh. Tuy nhiên, những lợi ích nào là quan trọng thì cũng đã được thảo luận nhiều trong EU và ý kiến chung là phải lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế làm chính…. Năm 1989, EU cũng ban hành Quy chế về sát nhập để kiểm soát các vụ sát nhập lớn.
Trong EU thì Uỷ ban châu Âu có nhiệm vụ thực thi các qui định của EU kể cả đối với pháp luật về cạnh tranh của Liên minh. Uỷ ban châu Âu được chia thành các ban, trong đó Ban IV chịu trách nhiệm thực thi các chính sách về cạnh tranh. Uỷ ban châu Âu có thẩm quyền trừng trị các công ty vi phạm các qui định của EU về cạnh tranh, kể cả việc tuyên phạt các khoản tiền phạt hàng triệu đô la vì vi phạm Hiệp ước Roma. Mô hình pháp luật EU về cạnh tranh cũng đã gây được sự chú ý của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Trung và Đông Âu đang cố gắng gia nhập EU trong thời gian tới.
Một điểm cuối cùng về ảnh hưởng của tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa là giờ đây các nước phải có những sự hợp tác nhất định trong việc bảo đảm cạnh tranh. Pháp luật về cạnh tranh của các nước phải có sự xích lại gần nhau để hạn chế và chống lại việc các công ty lựa chọn thị trường có pháp luật cạnh tranh lỏng lẻo nhất để hoạt động. Hơn nữa, việc tự do hóa thương mại cũng đặt ra yêu cầu phải tính toán lại phạm vi thị trường và các hàng hóa hay dịch vụ giống nhau và cùng cạnh tranh nhau vì hàng hóa nhập khẩu đã trở thành một nguồn cạnh tranh và thay thế hàng trong nước một cách hiệu quả. Chẳng hạn, khi chúng ta nói về hàng hóa là máy bay hành khách thì số lượng đối thủ cạnh tranh phải được xét trên bình diện toàn thế giới. Vụ kiện giữa các hãng Kodak và Fujifilm tại Hoa Kỳ cũng đã được toà án tính toán tới các yếu tố quốc tế.
Đối với Việt Nam thì đây là một vấn đề tương đối mới mẻ và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó có việc học hỏi kinh nghiệm của các nước một cách có chọn lọc để đưa ra một thể chế pháp luật về cạnh tranh cho phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam.
TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 5/2001
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 6. Pháp luật cạnh tranh |
Leave a Reply